Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 11 - Chương 202: Thường Nga


trước sau

Tông Tử Mỹ ở Thái Nguyên (tỉnh thành Sơn Tây) theo cha du học, lưu ngụ ở huyện Quảng Lăng. Cha Tông có quen với bà họ Lâm ở Hồng Kiều, một hôm cha con đi ngang Hồng Kiều gặp nhau trên đường, bà mời vào nhà pha trà tiếp đãi chuyện trò, bên cạnh có cô gái rất xinh đẹp. Cha Tông vô cùng khen ngợi, bà già nhìn Tông nói "Đại lang nhu mì như đồng nam, rất có phúc tướng, nếu không chê là quê mùa, xin dâng về quét dọn hầu hạ, ông thấy sao?”. Cha Tông giục con rời ghế ra lạy tạ, nói “Một lời nói giá đáng ngàn vàng đấy nhé”. Trước là bà già ở một mình, cô gái chợt tự tới, nói là mồ côi khổ cục, hỏi tiểu tự thì tên là Thường Nga, bà già yêu mến giữ lại, thật ra là định lấy làm món hàng quý. Năm ấy Tông mười bốn tuổi, thấy cô gái trong lòng thích lắm, nghĩ là cha ắt sẽ nhờ người mai mối định ngày cưới hỏi, nhưng cha về rồi lại như quên đi, nóng ruột lén kể cho mẹ. 

Cha nghe thế cười nói "Hôm trước nói đùa với bà già tham lam ấy thôi, chứ thật không rõ bà ta sẽ đòi bao nhiêu tiền, nói tới chuyện ấy đâu phải dễ?”. Năm sau cha mẹ cùng chết, Tử Mỹ không sao quên được Thường Nga, vừa mãn tang là nhờ người tới dò ý bà Lâm, ban đầu bà ta chối là không có nói như vậy, Tông tức giận nói “Ta bình sinh không dễ mà lạy ai, sao bà coi việc ta lạy không đáng một đồng kẽm thế? Nếu bà trái lời hứa ngày trước, thì phải lạy trả ta". Bà già bèn nói "Có lẽ trước đây hứa đùa với cha ngươi, thì cứ cho là có nhưng không phải là lời thật, nói xong là quên thôi. Nay lại tới nói thế, thì chẳng lẽ ta giữ gả cho vua trời à? Nhưng hàng ngày phải chăm sóc cho nó, thật ra muốn được ngàn vàng, nay xin một nửa số ấy có được không?". Tôn tính thầm thấy khó lo đủ, cũng đành gác đó. Vừa gặp lúc có người đàn bà góa chồng tới ở bên cạnh, có người con gái tuối cập kê, tiểu tự là Điên Đang, Tông tình cờ gặp thấy xinh đẹp không kém gì Thường Nga, trong lòng hâm mộ, thường đưa biếu thức ăn cho bà mẹ. Lâu ngày quen dần, cũng thường liếc mắt đưa tình nhưng chưa có dịp nào nói chuyện. Một đêm nàng qua xin lửa thắp đèn, Tông mừng kéo lại, cùng nhau vui thú. Tông hẹn việc cưới hỏi, nàng từ chối bảo là anh trai đi buôn bán chưa về. Từ đó cứ nhân lúc vắng vẻ là qua lại với nhau, nhưng giữ gìn rất kín đáo. 

Có lần Tông tình cờ đi ngang Hồng Kiều, thấy Thường Nga trong cửa vội bước mau qua. Thường Nga nhìn thấy vẫy tay, Tông dừng bước, nàng lại vẫy, bèn vào nhà. Cô gái trách Tông bội ước, Tông kể lại duyên do, nàng bèn vào phòng lấy ra một nén vàng đưa cho. Tông từ chối không nhận, nói “Tự biết mình phải vĩnh viễn xa nàng nên đã có ước hẹn với người khác, nhận vàng lo cưới nàng thì là phụ họ, nhận vàng mà không lo cưới nàng thì là phụ nàng, thật không dám phụ ai cả". Cô gái im lặng hồi lâu rồi nói "Việc chàng ước hẹn với người khác thiếp đã biết, việc ấy nhất định không thành, mà dẫu có thành thiếp cũng không oán chàng phụ lòng đâu. Nên về ngay đi, bà già sắp tới đấy!". Tông hoang mang không tự chủ được, bèn nhận vàng trở về, trong lòng rối loạn nhớ trước quên sau. Qua một đêm kể lại với Điên Đang, Điên Đang rất tin lời, chỉ khuyên Tông nên quyết ý cưới Thường Nga. Tông không chịu, nàng xin làm vợ kế mới vui vẻ, bèn nhờ người mai mối tới nộp sính lễ cho bà Lâm. Bà già không từ chối, gả Thường Nga cho Tông. Nàng về rồi, Tông kể hết lời Điên Đang nói, Thường Nga mỉm cười hối thúc Tông lo gấp. Tông mừng rỡ muốn nói ngay với Điên Đang, nhưng Điên Đang đã đi mất. Thường Nga biết đó là vì mình, bèn lấy cớ về thăm nhà cho hai người có cơ hội gặp nhau, dặn Tông lấy trộm cái túi Điên Đang đeo. Kế đó Điên Đang quả tới, Tông bàn việc cưới xin thì nàng chỉ nói là đừng gấp, rồi cởi áo ôm nhau đùa giỡn, thấy dười bụng nàng có đeo cái túi màu cánh sen bèn lấy luôn. 

Cô gái biết được biến sắc vùng dậy nói "Chàng với người ta thì một lòng mà với thiếp thì hai lòng, thật là kẻ phụ lòng, từ nay xin vĩnh biệt". Tông nài nỉ giữ lại giải thích, nàng không nghe, bỏ đi. Một hôm Tông qua cổng dò xét thì đã có một người khách buôn đất Ngô tới ở, còn mẹ con Điên Đang đã dời đi từ lâu, mất tăm tung tích không sao hỏi thăm được, chỉ biết buồn rầu than thở mà thôi. Tông từ khi cưới Thường Nga, nhà giàu có hẳn lên, gác rộng hiên dài kéo ra tận mặt đường. Thường Nga hay đùa giỡn, gặp lúc xem họa phổ về các mỹ nhân, Tông nói "Ta vẫn nghĩ rằng đẹp như nàng thì khắp thiên hạ không có kẻ thứ hai, chỉ còn chưa gặp Phi Yến, Dương phi* thôi". Nàng cười đáp "Nếu chàng muốn gặp chắc cũng không khó". Bèn cầm quyển họa phổ nhìn kỹ qua một lượt rồi bước vào phòng soi gương hóa trang, giả làm Phi Yến múa gió, lại giả làm Dương Phi say nằm, cao thấp béo gầy sửa đổi rất khéo, dáng vẻ phong thái so với các bức họa rất giống. Vừa hóa trang xong có đứa tỳ nữ từ ngoài bước vào không biết là ai, kinh ngạc hỏi chị em bạn, kế nhìn kỹ chợt nhận ra mới phì cười. Tông vui vẻ nói "Ta được một mỹ nhân mà mỹ nhân suốt ngàn năm đều về cả trong khuê phòng”. 

* Phi Yến, Dương phi: tức Triệu Phi Yến và Dương Thái Chân tức Dương Quý phi, hai người đẹp nổi tiếng trong nội cung của Đường Minh hoàng. 

Một đêm vừa ngủ say, có mấy người nhấc cánh cổng ập vào, đèn đuốc sáng rục. Cô gái vội vùng dậy, hoảng hốt nói ăn cướp vào nhà. Tông vừa tỉnh giấc, đang định hô hoán thì bị một người kề dao vào cổ, khiếp sợ không dám thở mạnh, kế có một người khác bắt Thường Nga cõng lên lưng rồi ồ ạt kéo đi. Tông lúc ấy mới la lớn, gia nhân đều họp lại đủ cả mà những thứ quý giá trong nhà cũng không mất chút gì. Tông vô cùng đau thương, ão não như sắp chết, không còn thiết gì nữa, báo quan truy nã nhưng chẳng có chút tăm hơi. Thấm thoát qua ba bốn năm vẫn cứ buồn bục không vui, nhân rảnh rỗi lên kinh dự thi, ở lại đó nửa năm, tìm đủ mọi cách dò la thăm hỏi. Tình cờ đi ngang kỹ viện, thấy một cô gái mặt mũi lem luốc, áo quần rách rưới bệ rạc như ăn mày, dừng chân nhìn thì ra là Điên Đang, hoảng sợ hỏi "Nàng làm sao mà tiều tụy tới mức này”, nàng đáp “Sau khi chia tay về nam, mẹ già qua đời, thiếp bị kẻ bắt đi bán cho nhà giàu, bị đánh đập chửi mắng đói rét khổ sở thật không muốn nói”. Tông rơi nước mắt, hỏi có thể chuộc nàng ra không, nàng đáp “Khó lắm, e rằng phải tốn kém nhiều, chàng không đủ sức". Tông nói “Nói thật với nàng vài năm nay ta cũng có chút của cải, tức là đang ở đất khách tiền bạc cũng có hạn, nhưng trút tiền bán ngựa thì không dám chối từ. Còn bấy nhiêu không đủ thì phải về nhà lo thêm". 

Cô gái hẹn ngày mai ra phía tây thành gặp nhau dưới rạng liễu, nhưng dặn tới một mình đừng cho ai theo, Tông ưng thuận. Hôm sau ra sớm đã thấy cô gái đứng ở đó trước, áo quần lộng lẫy khác xa hôm trước, ngạc nhiên hỏi, nàng cười đáp “Hôm qua là thử lòng chàng thôi, may mà còn cái ý thương xót người xưa, xin mời tới tệ xá, sẽ xin báo đáp”. Đi về phía bắc vài dặm thì tới nhà nàng, kế dọn tiệc cùng trò chuyện vui vẻ, Tông hẹn nàng cùng về. Cô gái nói “Thiếp vương nhiều tục dụng, không thể theo được, nhưng tin tức Thường Nga thì vẫn có nghe". Tông vội hỏi Thường Nga ở đâu nàng đáp "Hành tung của nàng vô định, thiếp cũng không biết chắc, nhưng ở Tây Son có một ni cô già chột mắt, tới hỏi sẽ biết ngay". Tông bèn ngủ lại đó. Sáng ra cô gái chỉ đường cho đi. Tông tới chỗ ấy thấy có ngôi chùa cổ, tường bao quanh đã sụp hết, trong đám tre dày có nửa gian lều tranh, ni cô già mặc áo vá ngồi ở trong, thấy khách tới vẫn ngạo nghễ không chào hỏi gì cả. Tông vái chào, ni cô mới ngẩng lên hỏi chuyện, Tông nói rõ tên họ rồi thưa điều mình muốn nhờ. Ni cô nói “Người già chột mắt tám chục tuổi làm sao biết người đẹp ở đâu?”. Tôn nài nỉ cầu khẩn, lời lẽ càng thêm nhũn nhặn, ni cô bèn nói "Thật tình ta không biết đâu, nhưng có hai ba người quen tới mai sẽ tới, may ra bọn gái nhỏ biết chưa chừng, tới mai ngươi cứ tới đây”. 

Tông ra về, hôm sau lại tới thì ni cô đi vắng, bèn dựa vào cánh cổng mục ngồi đợi hồi lâu. Đêm đã khuya, trăng sáng vằng vặc, đang lo lắng không biết về đâu, còn ngần ngừ thì xa xa có mấy nữ lang từ ngoài đi vào, trong đó có Thường Nga. Sinh mừng quá nhảy vọt lên nắm mau lấy áo nàng, Thường Nga nói "Anh chàng thô mãng làm thiếp sợ chết khiếp, thật đáng giận Điên Đang nhạy miệng, xui lấy tình trói buộc người". Tông kéo nàng ngồi xuống, nắm tay kể lể, nói tới những khi buồn bã bất giác sụt sịt. Cô gái nói "Nói thật thiếp là Hằng Nga bị đày xuống trần gian, trôi nổi cùng thế tục, lúc hết hạn bị đày mới làm như bị giặc cướp bắt đi để chàng không còn trông ngóng gì nữa. Ni cô là người giữ cổng của Tây Vương mẫu, lúc thiếp mới bị trừng phạt được đội ơn dung nạp che chở nên lúc rảnh thường tới thăm một lúc. Nếu chàng buông tha cho thiếp, thiếp sẽ ngỏ lời với Điên Đang thay cho”. Tông không chịu, cúi đầu nhỏ lệ, cô gái ngoái nhìn ra xa nói "Các chị em tới cả rồi". Tông vừa mới ngoảnh nhìn bốn phía thì Thường Nga đã biến mất. Tông òa lên khóc thất thanh, không muốn sống nữa bèn cởi dây lưng treo cổ tự tử. 

Chợt thấy hồn mình bước ra khỏi gian nhà, rầu rĩ bỏ đi. Chợt Thường Nga tới nắm tay nhấc lên, thấy chân rời khỏi mặt đất trở lại chùa, Thường Nga đỡ cái xác trên cây xuống đẩy vào nói “Chàng ngây ơi, chàng ngây ơi, Thường Nga đây mà” Tông chợt như vừa tỉnh mộng, cô gái tức tối nói "Con
tiện tỳ Điên Đang hại thiếp mà giết chàng, ta không thể tha được”. Bèn xuống núi thuê kiệu cùng về. Tông sai gia nhân sắp sửa hành lý rồi sai ra phía tây thành tới tạ ơn Điên Đang, nhưng tới nơi thì chẳng thấy nhà cửa gì, kinh ngạc than thở trở về, trong lòng thầm mừng rằng Thường Nga không biết, nhưng vào cửa thì nàng ra đón cười hỏi “Chàng gặp Điên Đang không?". Tông ngạc nhiên không trả lời được, cô gái nói "Nếu chàng bỏ Thường Nga thì làm sao có được Điên Đang? Xin cứ yên tâm chờ, nàng sẽ tự tới thôi”. Không bao lâu, quả nhiên Điên Đang tới, sợ sệt quỳ xuống dưới giường. Thường Nga co tay búng vào đầu nói "Con ôn dịch, hại người quá lắm rồi". Điên Đang gục đầu, chỉ xin tha chết. Thường Nga nói "Đẩy người ta sa hầm sẩy hang rồi muốn thoát đi nơi xa à? Mười một tiên cô trong cung Quảng Hàn chưa biết lúc nào sẽ lấy chồng, phải có được một trăm chiếc gối thêu, một trăm đôi giày mới, ngươi phải theo ta về cùng cắt may” Điên Đang kính cẩn nói "Chỉ cần giao việc hẹn ngày, đến lúc sẽ tới đưa đủ”. Cô gái không chịu, nói với Tông rằng "Nếu chàng nói là chịu thiếp sẽ tha ngay lập tức". Điên Đang nhìn Tông, Tông cười không nói gì, Điên Đang trừng mắt tức tối rồi xin về nói với người nhà, Thường Nga ưng thuận, bèn đi. 

Tông hỏi về lai lịch bình sinh mới biết nàng là hồ tinh ở Tây Sơn, bèn thuê kiệu chờ. Hôm sau quả nhiên nàng tới, bèn cùng nhau về nhà Tông. Có người hỏi han, Tông bịa đặt trả lời qua quít, nhưng Thường Nga trở lại lần này cư xử rất nghiêm nghị, ít khi cười đùa, Tông ép đùa giỡn thì nàng ngầm bảo Điên Đang làm. Điên Đang vô cùng thông minh, khéo chiều chuộng Tông. Thường Nga thích ngủ một mình, hay từ chối không chịu ngủ chung. Một đêm đến canh ba còn nghe trong phòng Điên Đang có tiếng cười khanh khách không dứt, sai tỳ nữ tới nghe ngóng, tỳ nữ quay về không chịu nói, chỉ xin phu nhân tự tới mà xem. Nàng tới cửa sổ nhìn, thấy Điên Đang đang giả trang làm mình, cười khẽ quay về. Giây lát Điên Đang chợt thấy bụng đau buốt, vội vàng khoác áo kéo Tông qua phòng Thường Nga, bước vào liền lạy phục xuống đất. Thường Nga nói “Ta đâu phải là phù thủy mà ếm kẻ bắt chước mình? Chỉ vì ngươi muốn ôm bụng bắt chước Tây Thi đó thôi!"*. Điên Đang khấu đầu, chỉ nói là đã biết tội. 

* ôm bụng bắt chước Tây Tht: Tây Thi là mỹ nữ nổi tiếng ở nước Việt thời Xuân thu, lúc chưa được Việt vương Câu Tiễn tuyển cung để dâng Ngô vương Phù Sai thì là con nhà nghèo, làm nghề đập vải, có bệnh đau bụng, mỗi khi lên con đau là ôm bụng nhăn mặt nhưng trông lại càng yêu kiều. Có cô gái láng giểng tên Đông Thi cũng bắt chước nàng ôm bụng nhăn nhó cho đẹp hơn, nhưng xấu xí nên cứ nhăn mặt là người ta phát gớm. Đây Thường Nga có ý nói Điên Đang bắt chước mình cho đẹp thì phải chịu đau bụng. 

Cô gái bèn nói "Ngươi khỏi rồi đấy", Điên Đang bèn đứng dậy, cười ngất quay về. Điên Đang nói riêng với Tông rằng “Thiếp có thể khiến nương tử bắt chước Quan âm” Tông không tin, nhân đùa thách để thử xem sao. Thường Nga hay ngồi xếp bằng, nhắm mắt như ngủ. Điên Đang bèn lấy cái bình giả làm bình ngọc cắm nhành dương đặt lên bàn, mình thì xõa tóc chắp tay đứng hầu bên cạnh, khẽ mím môi son, hé lộ răng ngọc, mắt ngó thẳng không chớp. Tông bật cười, Thường Nga mở mắt hỏi, Điên Đang đáp “Ta giả làm Long nữ hầu Quan âm thôi". Thường Nga cười ngồi yên, phạt Điên Đang phải giả làm Đồng tử lạy. Điên Đang buộc tóc lại, lạy lục bốn phía, lăn lộn dưới đất làm đủ mọi vẻ, hết trái sang phải, đầu gối chạm vành tai. Thường Nga bật cười lớn, buông chân đạp lên, Điên Đang ngẩng đầu ngậm vào mũi hài, lấy răng cắn khẽ. Thường Nga đang cười sằng sặc, chợt thấy cảm giác đê mê từ ngón chân lan lên tới người, lửa dục bốc lên như không ngăn được, vội ngưng thần quát "Con chồn tiện tỳ đáng chết, không biết lựa người mà mê hoặc à?”. Điên Đang sợ nhả hài ra lạy phục xuống đất, Thường Nga giận dữ quát mắng, mọi người không ai hiểu gì cả. 

Thường Nga nói với Tông rằng “Điên Đang tính hồ không đổi, mới rồi làm thiếp gần như mê muội đi, nếu không có túc căn sâu nặng, thì trụy lạc có khó gì!". Từ đó cứ gặp Điên Đang là nghiêm nghị xét nét, Điên Đang sợ sệt thẹn thùng nói với Tông "Thiếp cùng nương tử như cây liền cành, lúc nào cũng rất thân thiết nên không biết là đã mê hoặc quá đáng, có điều không phải chỉ không dám, mà là không nỡ nữa". Tông thuật lại, Thường Nga bèn đối xử với Điên Đang như trước, nhưng mấy lần khuyên răn Tông về việc đùa giỡn không có chừng mực mà Tông không nghe, vì vậy đám vợ thiếp tỳ nữ đều nhờn, tranh nhau trửng giỡn. Một hôm hai người đỡ một tỳ nữ giả làm Dương Quý phi, lấy mắt ra hiệu bảo tỳ nữ giả làm ra vẻ say rượu, vừa buông tay thì cô ta ngã vật xuống thềm như bức tường sập. Mọi người vừa reo cười vừa tới gần đập dậy, thì Phi tử đã thành cái xác ở Mã Ngôi* rồi. 

*Phi tử... Mã Ngôi: Phi tử tức Dương Quý phi. Đời Đường Minh Hoàng, An Lộc Sơn dấy loạn đánh chiếm kinh đô, Minh hoàng mang Dương Quý phi chạy vào Thục, tới Mã Ngôi thì quân sĩ mệt nhọc đói khát không chịu đi nữa, tho rằng vì vua sủng ái Dương Quý phi nên có tai họa này, vua bất đắc dĩ phải sai nàng thắt cổ tự tử để yên lòng quân. Thành cái xác ở Mã Ngôi đây ý nói người tỳ nữ đóng giả Dương Quý phi đã chết. 

Mọi người hoảng hốt vội chạy đi báo với chủ nhân, Thường Nga kinh sợ nói "Tai họa tới rồi đấy, ta nói có đúng không?”. Vội tới xem thì không sao cứu được nữa, bèn sai báo cho người cha biết. Cha ngườí tỳ nữ là Giáp, tính vốn vô hạnh, nghe tin gào khóc chạy tới, ôm thây con vào sảnh đường, mắng chửi đủ điều, Tông đóng chặt cửa phòng run rẩy, không biết làm sao. Thường Nga bước ra quát "Ông chủ đánh đập tỳ nữ tới chết thì theo luật cũng không phải đền mạng, huống hồ đây chỉ là ngẫu nhiên đột tử, sao biết là không sống lại được?”. Giáp cãi rằng chân tay con gái lạnh ngắt, lẽ nào còn sống lại được nữa. Thường Nga nói “Phải rồi, nhưng nếu nó không sống lại được thì đã có quan trên”. Rồi vào sảnh đường vỗ vào xác thì người tỳ nữ đã tỉnh, vừa vỗ đã ngồi dậy. Thường Nga quay lại giận dữ nói "May mà nó chưa chết, nhưng không thể cho lão giặc già kia yên thân được, phải trói lại giải lên quan". Giáp không còn lời lẽ nào, chỉ quỳ rạp van xin. Thường Nga nói “Ngươi đã biết tội thì tạm không xét nữa, nhưng đồ tiểu nhân vô lại rất hay lật lọng, giữ con ngươi lại đây là nuôi mầm tai vạ, về mau nhà đem đủ tiền ta mua ngày trước tới đây mà chuộc con". Rồi sai người lôi Giáp ra, mời mấy ông già láng giềng làm chứng viết tờ chuộc, điểm chỉ ký tên xong bèn gọi người tỳ nữ tới trước mặt, bảo Giáp tự hỏi "Con có sao không?”, cô ta đáp “Không sao”, rồi mới giao cho đưa về. 

Kế vào họp tất cả đám tớ gái quở trách suốt lượt, lại gọi Điên Đang tới nghiêm khắc ngăn cấm, kế nói với Tông "Nay mới biết người trên thì dù chỉ mỉm cười một cái thôi cũng không thể khinh suất. Chuyện đùa giỡn này do thiếp bày ra, mà thói tệ kéo dài không sao ngăn cấm được. Phàm buồn rầu thuộc âm, vui vẻ thuộc dương, dương cực thì âm sinh, đó là vận trời tuần hoàn. Cái họa tớ gái vừa rồi là quỷ thần mới răn dạy qua loa thôi, nếu còn mê muội không tỉnh ngộ thì việc tan nhà nát cửa tới ngay đấy", Tông kính cẩn nghe theo. Điên Đang khóc lóc xin giúp cho, Thường Nga bèn nắm lấy vành tai một lúc rồi buông ra, Điên Đang sững ra một lúc rồi chợt như vừa tỉnh mộng, lạy phục xuống đất, mừng rỡ ca múa. Từ đó trong khuê các yên ả, không ai dám ồn ào. Người tỳ nữ về tới nhà thì không bệnh mà lăn ra chết, Giáp đem tiền chuộc con tới nhờ mấy ông già láng giềng nói giúp xin thương xót tha thứ cho. Thường Nga ưng thuận, lại nghĩ tình cô ta hầu hạ bèn cho luôn số tiền để chôn cất. Tông thường lo về việc không có con, chợt nghe trong bụng Thường Nga có tiếng trẻ con khóc, nàng bèn lấy dao rạch sườn trái đem ra, quả là con trai. Không bao lâu nàng lại có mang, lại lấy dao rạch sườn phải đem ra một con gái. Con trai rất giống cha, con gái rất giống mẹ, sau đều cưới gả cho nhà thế gia. 

Dị Sử thị nói: Dương cực thì âm sinh, lời ấy xác đáng thay? Nhưng trong nhà có người tiên có thể làm ta vô cùng vui sướng, giúp ta tiêu trừ tai họa, nối dài dòng giống cho ta, lại không làm ta chết thì đúng là chốn vui, có thể sống tới già ở đó, mà người tiên còn lo lắng sao! Vận trời tuần hoàn, lý vốn là thế, nhưng trên đời vẫn có kẻ khốn cùng lâu năm không được sung sướng lấy một ngày, thì làm sao giải thích đây? Thời Tống xưa có kẻ mong gặp tiên không được, thường nói "Được làm tiên một ngày rồi chết cũng không tiếc", ta thật không sao cười nổi.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện