Nhà buôn nọ đi tới ranh giới tỉnh Trục Lệ chợt gặp mưa đá, bèn núp vào đám lúa. Nghe trên không có tiếng nói "Đây là ruộng của Trương Bất Lượng, đừng làm hại lúa của y". Nhà buôn nghĩ thầm không biết họ Trương là ai, mà "bất lương” tại sao còn được trời che chở. Trời tạnh bèn vào thôn hỏi thăm, quả có người tên như thế, liền thuật lại điều mình nghe, lại hỏi cái tên "Bất Lượng" có nghĩa là gì. Thì ra họ Trương giàu có, thóc lúa rất nhiều, cứ đến mùa xuân lại có nhiều người nghèo túng tới vay, lúc trả thường không đủ số, nhưng Trương vẫn nhận cả không hề đong lường tính toán chi ly nên người làng gọi là “Bất Lượng" (không đong). Mọi người ùa ra đồng xem, thấy lúa khắp nơi xơ xác, chỉ riêng ruộng của họ Trương là không tổn hại gì.
Phụ: Một Truyện Trong Khoáng Viên Tạp Chí Của Ngô Bảo Nhai (Trần Diệm)
(Phụ: Ngô Bảo Nhai Trần Diệm Khoáng Viên tạp chí nhất tắc)
Sư Tế Thủy ở Hoa Ổ kể vào năm Thuận Trị thứ 18 (1661) có một người ăn mày ở phủ Thanh
Châu (tỉnh Sơn Đông) là thần vâng sắc lệnh làm mưa đá. Có người tránh mưa đá nghe trên không có tiếng nói "Đừng làm tổn hại ruộng của Trương Bất Lượng". Tạnh mưa thì ruộng các nơi đều tan tác, chỉ riêng ruộng của Trương là không tổn hại gì. Thì ra họ Trương nhận thóc người khác trả nợ, bảo cứ tự đem đổ vào vựa, không hề đong lại, nên người ta ca ngợi là "Bất Lượng" (không đong). Chuyện này cũng giống chuyện Tưởng Tự Lượng thời Nam Tống.
Họ Tưởng người đất Hàng (tỉnh Chiết Giang), anh cả tên Sùng Nhân, kế tên Sùng Nghĩa, kế tên Sùng Tín, ba anh em đều nhân đức như nhau. Thường đặt các loại thưng đấu công ở kho, ai tới vay thóc cũng đều bảo tự đong lấy, năm mất mùa cũng thế. Người ta vì thế gọi là Tưởng “Tự Lượng” (tự đong). Năm Hàm Thuần thứ 3 (1267) có chiếu phong ba anh em là Quảng Phúc hầu, nay vẫn còn miếu thờ trên Lam Kiều.