Một cô gái tới làng, tuổi chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm, khoác một túi thuốc đi bán. Có người hỏi xin chữa bệnh, cô gái không biết kê đơn, bảo đến tối hỏi thần, rồi chiều tối dọn dẹp sạch sẽ một gian phòng nhỏ, vào trong đóng chặt cửa lại. Mọi người xúm xít quanh cửa sổ lắng tai nghe ngóng, chỉ thì thào nóỉ chuyện, không dám ho hắng.
Đến giữa canh một, chợt nghe thấy tiếng rèm lay động, cô gái bên trong nói "Cô Chín tới phải không?” một cô gái đáp tới rồi. Lại hỏi "Lạp Mai theo cô Chín tới đấy à?", như có một tỳ nữ đáp vâng ạ. Ba người ríu rít trò chuyện không ngớt. Giây lát lại có tiếng rèm cửa lay động, cô gái nói “Cô Sáu tới rồi", mọi người cùng nói "Xuân Mai cũng bế tiểu lang theo đấy à", có tiếng một cô gái đáp "Tiểu ca kêu khóc không chịu ngủ, nhất định đòi đi theo nương tử, nặng như cả trăm cân, cõng mệt gần chết". Rồi nghe tiếng cô gái nựng nịu, tiếng cô Chín hỏi thăm, tiếng cô Sáu chuyện trò, tiếng hai người tỳ nữ dỗ dành, tiếng trẻ con cười giỡn, rộ lên một hồi. Kế lại nghe cô gái cười nói "Cậu ấm cũng nghịch ngợm quá, xa xôi như thế mà ôm cả con mèo theo". Rồi tiếng nói ngớt dần, lại có tiếng rèm cửa lay động, tất cả lại ồn ào nói "Cô Tư sao tới chậm thế?”, có tiếng một cô gái nhỏ lí nhí "Đường xa hàng ngàn dặm, đi với cô mãi mới tới được, cô đi lại chậm". Rồi mọi người lại thăm hỏi nhau, tiếng kéo ghế, tiếng gọi lấy thêm ghế, cứ
nhộn nhạo cả lên ầm ĩ trong phòng, hồi lâu mới ngớt. Kế nghe tiếng cô gái hỏi thuốc, cô Chín cho là nên có sâm, cô Sáu cho là phải có kỳ, cô Tư bảo là cần có truật, bàn bạc một lúc lại nghe cô Chín gọi đem bút nghiên ra. Không bao lâu có tiếng xé giấy soàn soạt, tiếng đặt bút lách cách, tiếng mài mực rin rít, kế đó là tiếng ném bút kéo bàn vang vang, rồi nghe tiếng lấy thuốc trong bao sột soạt. Lát sau cô gái kéo rèm, gọi người bệnh, lấy thuốc nhận đơn rồi quay trở vào.
Lập tức nghe tiếng ba cô gái chào về, tiếng ba thị tỳ chào về tiếng trẻ con bi bô, tiếng mèo ngoao ngoao lại rộ lên cùng một lúc. Tiếng cô Chín trong mà cao, tiếng cô Sáu chậm mà trầm, tiếng cô Tư dịu mà ấm, cho đến tiếng của ba tỳ nữ đều có âm sắc riêng, nghe có thể phân biệt rõ ràng được. Mọi người tin là thần cho thuốc thật, nhưng uống thử thì không khỏi bệnh. Đó gọi là thuật mồm, dùng nó để bán thuốc mà thôi, nhưng cũng kỳ lạ thật!
Vương Tâm Dật kể lúc ở kinh đô ngẫu nhiên đi ngang chợ nghe tiếng ca hát đánh đàn, người xem đông nghẹt. Tới gần nhìn thì thấy một thiếu niên cao giọng ca hát, chỉ lấy một ngón tay đè vào má, vừa đương vừa hát, tiếng nghe vang vang, không khác gì tiếng đàn, cũng là dòng dõi của người biết thuật mồm.