Thần ếch vẫn mượn lời thầy đồng, thầy đồng vì thế biết được thần vui hay giận, nói với tín chủ là "Thần vui", thì có điều may, nếu nói là "Thần giận" thì cả nhà ngồi thở ngắn than dài, có người bỏ cả cơm nước, lưu tục cho là đúng, có lẽ thần thiêng thật, không phải chỉ là tin xằng.
Có nhà buôn giàu có là Chu Mỗ, tính tình keo kiệt, gặp lúc mọi người góp tiền sửa đền thờ Quan Đế, người giàu người nghèo đều đóng góp, riêng Chu thì không chịu mất chút gì. Ít lâu sau, xây dựng không đủ tiền, những người đứng ra coi sóc không biết làm sao. Gặp lúc mọi người cầu thần ếch, thầy đồng chợt nói lời của Tướng quân Chu Thương, sai mở sổ lạc quyên thu thêm ít nhiều, mọi người nghe theo. Thầy đồng nói "Người góp rồi thì không ép, người chưa thì tùy sức mà góp". Mọi người đều kính cẩn vâng dạ, ai cũng ghi tên vào sổ, thầy đồng lên tiếng hỏi "Chu Mỗ có ở đây không. Chu đang trà trộn núp tránh phía sau, chỉ sợ thần biết, nghe thế biến sắc, sợ sệt bước lên. Thầy đồng chỉ vào sổ nói "Ghi tên vào”. Chu càng lính quýnh, thầy đồng nổi giận nói "Đi chơi gái còn dám trả hai trăm, chuyện hay lại tiếc à?". Đại khái Chu ăn nằm với một người đàn bà, bị người chồng bắt được, phải đưa ra hai trăm đồng để xin tha. Chu càng thẹn thùng sợ hãi, bất đắc dĩ phải ghi tên vào. Trở về kể với vợ, vợ nói “Đó là thầy đồng lừa bịp thôi". Thầy đồng mấy lần tới hỏi, rốt lại Chu cũng không đưa tiền ra.
Một hôm vừa ngủ dậy, chợt nghe ngoài cổng có tiếng khìn khịt như trâu thở, ra nhìn thì thấy một con ếch to lớn lấp cả hai cánh cổng, chỗm chỗm nhảy vào xoay mình gác đầu lên bậc thềm, cả nhà đều hoảng sợ. Chu nói "Chắc là tới đòi tiền quyên góp đây" Bèn thắp hương khấn vái, xin đưa trước ba chục, số còn lại sẽ đưa sau, con ếch không động đậy. Lại khấn xin đưa năm chục, con ếch chợt co lại, nhỏ hơn khoảng một thước. Lại khấn xin đưa thêm hai chục nữa, con ếch còn nhỏ bằng cái đấu, xin đưa cả, con ếch còn bằng nắm tay, thong thả nhảy ra, chui vào góc tường đi mất. Chu vội lấy ra năm chục đồng vàng đưa tới chỗ sửa đền, mọi người đều lạ lùng, Chu cũng không nói rõ lý do. Được vài ngày, thầy đồng lại nói “chu Mỗ còn thiếu năm chục, sao không tới đòi?". Chu nghe thế rất sợ, lại đưa tới mười đồng vàng, tự nghĩ là đã đủ rồi.
Một hôm, vợ chồng vừa bắt đầu ăn cơm, con ếch lại tới, hình thù to lớn giống hệt lần trước, trợn mắt lấy thế. Trong chớp mắt nhảy phóc lên giường, giường kêu răng rắc muốn sập, chúi đầu vào gối mà ngủ, bụng phình to như con trâu, đầy kín cả cái giường. Chu sợ hãi, vội mang bốn chục đồng vàng còn thiếu ra, con ếch không hề động đậy. Trong nửa ngày, lũ ếch kéo nhau tới tụ tập ở nhà Chu, đến hôm sau càng đông,
phòng khách nhà kho không đâu không có, con nào cũng to như cái bát, bắt ruồi đớp muỗi nhảy cả vào nồi niêu, nhơ bẩn không nấu nướng ăn uống gì được. Được ba ngày thì lúc nhúc đầy sân không có chỗ nào hở, cả nhà khiếp sợ, không biết làm sao để đuổi đi, bất đắc dĩ phải tới hỏi thầy đồng. Thầy đồng nói "Đó là vì bốn chục vẫn còn thiếu. Chu bèn khấn khứa, xin góp thêm hai chục đồng vàng, con ếch lớn mới từ từ ngóc đầu dậy, xin góp thêm, mới động đậy một chân, tới một trăm mới nhấc cả bốn chân, nhảy xuống giường ra cửa, nghênh ngang bò mấy bước lại quay trở vào nằm giữa cổng. Chu sợ, hỏi thầy đồng, thầy đồng giải thích là nó đòi Chu phải lập tức giao tiền ra, Chu không biết làm sao, phải lấy đủ tiền đưa cho thầy đồng, con ếch mới đi. Nhảy được vài bước thì thân hình chợt co lại lẫn vào giữa bầy ếch, không thể nhận ra được, rồi cả bầy nhao nhao ồm ộp tan đi.
Khi đền sửa xong, ngày lạc thành cũng cần có tiền cúng tế, thầy đồng chợt chỉ vào những người đứng ra coi sóc nói "Người này người này phải bỏ ra đủ số, tất cả mười lăm người, còn sót hai người". Mọi người khấn "Bọn ta và hai người ấy đều đã góp tiền". Thầy đồng nói "Ta không nói chuyện giàu nghèo, mà chỉ nói tới chuyện tiền của các ngươi bị ăn bớt, loại tiền ấy không nuốt được đâu, sợ lại có tai bay vạ gió nghĩ tới bọn người coi sóc công việc vất vả, nên mới giúp các ngươi ngăn chặn tai họa. Ngoài những người liêm chính cẩn thận thì có người ngồi đồng của ta, ta không hề riêng tây, sẽ bảo y mang ra trước để làm gương cho mọi người". Nói xong chạy mau vào nhà, lục lọi rương hòm, vợ hỏi cũng không đáp. Mang hết tiền bạc ra nói với mọi người rằng “Người này bớt xén tám lượng bạc, nay xin xem lại". Rồi cùng mọi người cân lại, thì được hơn sáu lượng, sai người ghi số thiếu, mọi người ngạc nhiên không dám hỏi han, nhận lấy số bạc. Thầy đồng sau đó vẫn không biết gì, có người kể lại cho, rất thẹn thùng, đem cầm bán quần áo để bù, chỉ có hai người là còn thiếu. Khi việc xong, một người bệnh hơn một tháng, một người bị nổi mụn nhọt, tiền thuốc men vừa ăn khớp với số còn thiếu, người ta cho rằng đó là quả báo về tội bớt xén
Dị Sử thị nói: Con ếch già quyên tiền, không ai không thể không làm điều thiện, mà còn được nhiều hơn kẻ đòi đâm đòi đánh! Lại phát giác ra việc những người coi sóc bớt xén mà ngăn chặn tai họa cho họ, thì tỏ rõ sự oai mãnh chính là làm việc từ bi đấy.