Vương Tử Tốn người hương ta là Chư sinh ở huyện, nhân Hữu Toàn tiên sinh làm Hàn lâm trong kinh nên định tới thăm viếng. Bèn mang hành trang lên bắc, ra khỏi Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) được vài dặm, có một người cưỡi ngựa đen đi cùng đường, hỏi thăm vài câu qua loa, Vương cũng trả lời. Người ấy tự xưng là họ Trương, làm công sai ở huyện Thê Hà (tỉnh Sơn Đông) được cử đi công cán ở kinh đô, lời lẽ nhún nhường, thái độ ân cần, đi cùng nhau vài mươi dặm thì hẹn cùng trọ chung một chỗ. Vương đi trước thì y thúc ngựa bám theo, Vương đi sau thì y dừng lại chờ. Người đầy tớ của Vương sinh nghi, lớn tiếng xua đuổi không cho đi cùng, Trương thẹn giục ngựa đi. Xế chiều Vương nghỉ lại ở nhà trọ, tình cờ ra cửa thấy Trương đang uống rượu ở phòng ngoài. Đang ngạc nhiên thì Trương đã trông thấy Vương, vội đứng dậy chắp tay chào, khép nép như kẻ tôi tớ, dần dà hỏi hết chuyện nọ tới chuyện kia, Vương cũng trả lời qua loa chứ không ngờ vực gì, song người đầy tớ của Vương vẫn đề phòng suốt đêm. Mờ sáng Trương tới gọi Vương dậy cùng đi, người đầy tớ dằn giọng cự tuyệt, Trương bèn bỏ đi.
Ăn sáng đâu đấy xong Vương mới lên đường, đi được nửa ngày thấy trước mặt có một người cưỡi ngựa trắng tuổi chừng bốn mươi trở lại, áo mũ tươm tất, ngủ gà ngủ gật suýt ngã ngựa, lúc đi trước, lúc đi sau Vương suốt mười dặm. Vương lấy làm lạ hỏi "Đêm qua làm gì mà buồn ngủ dữ vậy?”. Người ấy nghe hỏi càng tỏ vẻ mỏi mệt đáp "Ta họ Hứa, người huyện Thanh Uyển (tỉnh Hà Bắc), có người anh họ bên ngoại là Cao Phồn làm Tri huyện Lâm Tri (tỉnh Sơn Đông). Anh ruột ta theo mở trường dạy học trong công thự, ta tới thăm cũng được cho chút ít tiền bạc. Đêm qua vào nhà trọ, lại lầm ngủ cùng phòng với bọn bịp bợm, sợ hãi không dám chợp mắt mới mỏi mệt tới như thế này". Vương hỏi thế nào là Bịp bợm, Hứa đáp “Ông ít ra ngoài, chưa biết chuyện nguy hiểm, chứ hiện nay có đám lưu manh lấy lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ người đi đường, nương tựa nhau cùng đi cùng nghỉ rồi nhân lúc sơ hở lừa lấy tiền bạc. Trước người họ hàng của ta là họ Đoàn đã bị mất sạch cả tiền ăn đường, chúng ta đều phải cẩn thận". Vương tỏ ý tán đồng. Quan huyện Lâm Tri với Vương vẫn là chỗ quen biết, Vương từng tới công thự thăm, biết cả các môn khách, quả có người họ Hứa nên không ngờ vực gì nhân đó cùng chuyện trò, hỏi thăm cả anh ruột của Hứa. Hứa hẹn tối cùng trọ một chỗ, Vương theo lời.
Người đầy tớ của Vương vẫn nghi là giả dối, ngầm bàn với chủ cứ đi tụt lại sau nên lạc mất luôn. Quá giờ Ngọ hôm sau, lại gặp một thiếu niên chừng mười sáu mười bảy tuổi, cưỡi con ngựa khỏe mạnh, áo mũ trang nhã, rất đẹp trai, đi cùng đường hồi lâu không trò chuyện với nhau câu nào. Xế chiều, thiếu niên chợt nói "Sắp tới Khuất Luật (phía nam huyện Đức Châu tỉnh Sơn Đông) rồi". Vương khẽ ờ, thiếu niên lại thở dài sườn sượt như không kìm được. Vương nói chuyện qua loa rồi hỏi thăm, thiếu niên than "Ta họ Kim, người Giang Nam, học hành suốt ba năm tốn không biết bao nhiêu tiền, đi thi một chuyến không ngờ lại trượt! Anh ruột ta làm chức Chủ chính trong kinh, nên ta đem cả vợ con lên để chờ sai phái. Bình sinh chưa từng đi xa thế này, mặt mũi lấm bụi, nghĩ thấy buồn quá". Rồi rút khăn lau mặt, thở than không thôi. Nghe giọng thì đúng là người Giang Nam, nhỏ nhẹ như con gái, Vương thấy mến nên tìm lời an ủi. Thiếu niên nói "Ta cưỡi ngựa đi trước, chờ mãi không thấy vợ con đâu, sao bọn đầy tớ cũng không ai tới kìa? Trời đã tối rồi, làm thế nào?". Rồi nấn ná chờ đợi, đi rất chậm. Vương bèn đi trước, cách nhau khá xa mới vào quán trọ.
Vào phòng trọ thì thấy một chiếc giường sát vách đã có khách để hành lý, Vương hỏi chủ nhân thì người khách trở vào cầm hành lý bước ra nói "Xin cứ nghỉ ở đây, ta qua phòng khác cũng được". Vương nhìn thì ra là Hứa, bèn giữ lại, Hứa mới thôi. Hai người trò chuyện một lúc, lại có người mang hành lý bước vào, thấy Vương và Hứa trong phòng, quay ngay ra nói "Phòng có khách rồi". Vương nhìn kỹ thì ra là thiếu niên trên đường, còn chưa kịp nói gì thì Hứa đã vội đứng lên giữ lại, thiếu niên mới ngồi xuống. Hứa hỏi tên họ quê quán, thiếu niên cũng đáp như nói với Vương trên đường. Lát sau thiếu niên mở hành lý lấy tiền, toàn là vàng nén nặng trịch, tính toán đưa cho chủ trọ dặn làm mâm rượu để tối uống nói chuyện. Vương và Hứa tranh nhau ngăn lại, thiếu niên cũng không nghe. Kế đó cơm rượu dọn lên, lúc ăn uống thiếu niên nói chuyện văn chương rất phong nhã. Vương hỏi đề thi ở trường Giang Nam, thiếu niên nói rõ, lại đọc đoạn mở đầu và những câu đắc ý trong bài thi của mình. Nói xong lại tỏ vẻ rất tức tối về việc bị đánh trượt. Thiếu niên vì lạc mất vợ con, tối không có đầy tớ hầu hạ, sợ không biết chăm sóc cho ngựa, Vương thấy thế sai người đầy tớ cho ngựa thiếu niên ăn uống giùm, thiếu niên cảm tạ mãi.
Lát sau, thiếu niên lại bực dọc nói "Đã gặp chuyện rủi ro, ra khỏi nhà cũng chẳng có gì hay, đêm qua ở quán trọ gặp phải lũ người xấu, đổ xí ngầu hò hét inh ỏi, điếc tai nhức óc không sao ngủ được. Tiếng Giang Nam gọi xúc xắc là xí ngầu, Hứa không hiểu bèn hỏi, thiếu niên lấy tay làm động tác như gieo xúc xắc, Hứa cười lấy trong túi ra một con xúc xắc hỏi "Phải cái này không?". Thiếu niên ừ, Hứa bèn đổ xúc xắc làm tửu lệnh để uống rượu cho vui. Rượu ngà ngà, Hứa xin cùng gieo xúc xắc xem ai làm cái. Vương chối từ nói không biết đánh bạc, Hứa bèn chơi với thiếu niên, lại nói riêng với Vương rằng “Ông đừng nói lộ ra, thằng công tử bột này giàu lắm, lại còn trẻ, chưa chắc đã thuộc hết nước bài, để ta kiếm chút ít, sáng mai sẽ tạ ơn ông”. Hai người bèn qua phòng khác chơi, lát sau nghe tiếng hò hét rất ồn ào, Vương lén qua nhìn thì thấy người công sai huyện Thê Hà cũng có ở đó, nảy dạ nghi ngờ, bèn trải chăn nằm ngủ.
Lại một lát sau, cả bọn vào kéo Vương dậy đánh bạc, Vương nhất định chối từ rằng không biết, Hứa tình nguyện đánh thay, Vương cũng không chịu, nhưng Hứa cứ gieo xúc xắc thay Vương. Lát sau vào giường nói với Vương “Ông thắng được mấy ván rồi đấy". Vương mơ ngủ ậm ừ, chợt có mấy người xô cửa vào quát tháo ầm ĩ. Người đứng đầu tự xưng họ Đồng, là công sai đi bắt cờ bạc. Lúc bấy giờ lệnh cấm cờ bạc rất nghiêm, mọi người đều hoảng sợ. Đồng lớn tiếng quát Vương, Vương cũng lấy tên người họ hàng làm Hàn lâm ra năn nỉ, Đồng hết giận, trò chuyện cùng Vương rất thân mật, cười bảo cứ đánh bạc cho vui mọi người lại tiếp tục chơi, Đồng cũng ngồi vào đánh. Vương nói với Hứa "Ta không biết chuyện ông thắng hay thua gì cả, chỉ muốn ngủ yên, xin đừng quấy rầy nữa". Hứa không nghe, cứ lui tới báo thắng thua này nọ. Đến khi kết thúc, tính lại thì Vương thua khá nhiều, Đồng bèn tới lục hành lý của Vương lấy tiền. Vương uất ức nhỏm dậy giành lại, Kim kéo tay Vương nói nhỏ “Chúng là bọn lưu manh, rất là khó lường, chúng ta là bạn văn chương, không thể không chiếu cố cho nhau. Lúc nãy ta thắng cũng được bấy nhiêu, đủ để trả cho ông. Bây giờ xin đổi, cứ bảo Hứa trả cho Đồng, ông trả cho ta, chẳng qua chỉ là che giấu tai mắt của họ, xong chuyện rồi ta sẽ đưa lại cho ông thôi. Không thế thì chẳng lẽ là bạn bè văn chương đạo nghĩa mà lại lấy tiền của ông sao?".
Vương vốn trung hậu nên tin lời. Thiếu niên bèn bước ra, đem chuyện đánh đổi nói với Đồng, rồi mở hành lý của Vương trước mặt mọi người lấy số tiền thiếu, Đồng thì lấy tiền của Hứa và Trương rồi đi. Thiếu niên lại mang hành lý của mình tới ngủ chung với Vương, chăn đệm đều đẹp đẽ tinh khiết. Vương cũng gọi người đầy tớ tới ngủ ở đầu giường, ai cũng yên lặng. Hồi lâu, thiếu niên cố ý trở mình, nhích phần dưới tới sát người đầy tớ. Người đầy tớ dịch người tránh ra, thiếu niên lại nhích người sát tới, da dẻ mịn màng mềm mại như mỡ. Người đầy tớ động tình bèn thử mơn trớn vuốt ve, song thiếu niên rất nhu thuận. Chăn gối lào xào, Vương nghe thấy rất kinh sợ lạ lùng nhưng cũng không nghi là có chuyện gì khác.
Trời vừa sáng, thiếu niên đã trở dậy, giục Vương dậy đi sớm, lại nói "ông mệt mỏi lắm rồi, những tiền bạc đồ vật gởi khi đêm, trên đường sẽ xin đưa lại". Vương vẫn không nói gì, thiếu niên đã xách hành lý lên ngựa, Vương bất đắc dĩ phải theo. Thiếu niên giục ngựa phi nhanh, càng lúc càng xa, Vương cho rằng sẽ chờ mình phía trước nên lúc đầu cũng không để ý. Lại nghĩ thiếu niên ăn nói phong nhã, bọn bịp bợm không thể được như vậy. Đến khi đuổi mau theo vài mươi dặm thì đã mất hút, mới sực hiểu ra rằng Trương Hứa Đồng với thiếu niên là cùng một bọn, bày kế này không được thì chuyển sang kế khác, quyết đưa vào tròng cho bằng được. Việc trả nợ đổi hành lý đã gài sẵn một cái bẩy rồi, giả như kế xách hành lý bỏ chạy không xong, cũng sẽ dựa vào lời giao ước đổi nợ khi đêm mà cướp lấy mang đi. Vì mấy mươi đồng vàng mà theo suốt vài trăm dặm, lại sợ người đầy tớ của Vương phát hiện, đem thân xác để lấy lòng, cái thuật ấy kể cũng khổ thật.
Vài năm sau, lại có chuyện của Ngô sinh. Huyện ta có Ngô sinh, tự là An
Nhân, góa vợ năm ba mươi tuổi, vẫn ở một mình. Có người Tú tài tới chơi trò chuyện, dần dần thân thiết, có một thằng hầu nhỏ tên Quỷ Đầu, cũng chơi thân với tiểu đồng của Ngô là Báo Nhi, lâu ngày biết họ là hồ. Ngô đi chơi xa, họ cũng đi cùng, nhưng ở cùng phòng mà người khác không nhìn thấy. Ngô ở kinh đô, sắp về làng, nghe chuyện Vương sinh bị bọn bịp bợm lừa, dặn tiểu đồng phải cẩn thận, hồ cười nói đừng lo, chuyến đi này chẳng có gì đáng ngại. Tới huyện Trác (tỉnh Hà Bắc), có một người buộc ngựa ngồi hút thuốc trong quán, quần áo tươm tất, thấy Ngô đi qua, cũng đứng dậy lên xe theo sau, dần dần bắt chuyện với Ngô. Tự xưng là họ Hoàng ở Sơn Đông, làm quan Đề đường ở bộ Hộ đang về nam, muốn có người đi cùng đường cho khỏi vắng vẻ. Từ đó Ngô dừng y cũng dừng, cứ vào ăn uống là trả tiền cho cả Ngô. Ngô ngoài mặt tỏ vẻ biết ơn song trong lòng ngờ vực, ngầm hỏi hồ, hồ chỉ nói không hề gì, Ngô mới hết ngờ.
Đến tối cùng vào chỗ trọ, có một thiếu niên đẹp trai đã vào trước ngồi đó. Hoàng vào thấy chắp tay làm lễ, mừng rỡ hỏi thiếu niên rời kinh lúc nào, đáp là hôm qua. Hoàng bèn kéo vào cùng phòng, nói với Ngô rằng "Đây là Sử lang, em họ ngoại của ta, cũng là văn sĩ, có thể nói chuyện văn chương với bậc quân tử, đêm nay trò chuyện cũng không hiu quạnh”. Bèn đưa tiền bảo chủ trọ làm mâm rượu, thiếu niên nho nhã học rộng, cùng Ngô trò chuyện rất tương đắc. Lúc uống rượu lại đưa mắt làm hiệu cho Ngô, làm trò đánh đố, phạt Hoàng uống mấy chén liên tiếp rồi vỗ tay cười Ngô càng vui thích. Kế Sử và Hoàng bàn đánh bạc, rủ Ngô cùng chơi, người nào cũng đặt tiền ra bàn. Hồ dặn Báo Nhi ngầm ra cài cửa, lại dặn Ngô rằng “Nếu có tiếng người ồn ào, cứ làm như đang ngủ, đừng lên tiếng", Ngô theo lời. Ngô gieo xúc xắc đặt nhỏ thì thua, đặt lớn thì thắng. Hơn một canh thắng được hai trăm đồng vàng, Sử và Hoàng cạn tiền, xin bán ngựa. Chợt nghe tiếng gọi cửa rất gấp, Ngô vội đứng dậy ném xúc xắc vào lửa, trùm chăn giả như đang ngủ. Hồi lâu thấy chủ trọ tìm chìa khóa không được, bọn kia phá cửa hung hăng xông vào, có tới mấy người đi bắt cờ bạc. Sử và Hoàng đều nói là không có.
Một người lật chăn chỉ mặt Ngô nói là con bạc, Ngô quát cãi lại, mấy người kia cứ đòi khám hành lý của Ngô. Đang lúc không biết làm sao chống cự, chợt nghe ngoài cổng có tiếng xe ngựa tiền hô hậu ủng, Ngô vội chạy ra la lớn, bọn kia mới sợ kéo trở vào phòng, xin đừng la nữa. Ngô bèn ung dung đem hành lý gởi chủ trọ, tiếng xe ngựa đi xa rồi, bọn kia ra cửa đi mất. Hoàng và Sử đều tỏ vẻ vừa sợ vừa mừng, bắt đầu đi ngủ. Hoàng bảo Sử ngủ cùng giường với Ngô, Ngô lấy túi tiền trong lưng để xuống dưới gối mới bảo Sử trải chăn ra ngủ. Không bao lâu, Sử mở chăn Ngô ra nói nhỏ "Thích anh là người lỗi lạc, xin được vui vầy thương yêu. Ngô biết là giả trá, nhưng tính ra vẫn lời nhiều, bèn ưng thuận. Sử hết sức chiều chuộng, không ngờ Ngô vốn to lớn mạnh mẽ, Sử đau đớn không kham nổi, lúc lúc lại nài nỉ xin thôi. Ngô thì cứ làm tới cùng, lúc đưa tay sờ xuống thấy máu chảy lênh láng mới thôi cho về chỗ ngủ. Đến sáng, Sử mệt mỏi không dậy nổi, nói thác là bị ốm bất ngờ, xin Ngô và Hoàng cứ đi trước. Lúc chia tay Ngô tặng tiền cho Sử để thuốc men, trên đường trò chuyện với hồ, mới biết tiếng xe ngựa nghi trượng lúc đêm đều do hồ làm ra.
Hoàng trên đường càng nịnh nọt Ngô, tối đến cùng vào nhà trọ, gặp gian phòng nhỏ chỉ có một chiếc giường, lại sạch sẽ tinh khiết nhưng Ngô chê chật. Hoàng nói "Hai người nằm thì chật, nhưng một mình ông nằm thì rộng, có việc gì đâu?". Ăn cơm xong bèn qua phòng khác, Ngô cũng mừng được ngủ một phòng thì có thể tiếp bạn hồ, nhưng ngồi chờ rất lâu mà hồ không tới. Chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng đàn, Ngô mở cửa nhìn thì có một cô gái trẻ ăn mặc đẹp đẽ bước vào, tự đóng hết cửa lại rồi nhìn Ngô cười, xinh đẹp như tiên. Ngô mừng rỡ bước tới hỏi, thì là con dâu của chủ nhà trọ, bèn cùng giao hoan, vô cùng mặn nồng. Cô gái chợt sa nước mắt, Ngô kinh ngạc hỏi, nàng đáp "Thật không dám giấu, chủ nhà trọ sai thiếp tới đây để làm mồi nhử ông. Trước đây bước vào phòng của khách là sẽ bị gài cửa để bắt ngay, không biết vì sao tối nay lâu quá họ không tới?". Lại nức nở nói "Thiếp là con gái nhà lương thiện, thật không chịu nổi cảnh sống này, nay đã dốc lòng theo ông, xin ông rủ lòng thương xót cứu cho". Ngô cả sợ không biết làm sao, cứ bảo nàng ra mau, cô gái chỉ cúi đầu khóc lóc.
Chợt nghe Hoàng và chủ trọ đập cửa ầm ầm, rồi Hoàng nói lớn "Suốt đường ta rất kính trọng, tại sao hạng người như ngươi lại dụ dỗ vợ em ta?". Ngô sợ, thúc cô gái ra mau, nghe ngoài cửa sổ có tiếng quát tháo đập phá. Ngô run rẫy toát mồ hôi, cô gái cũng nằm phục xuống đất khóc. Lại nghe có người can ngăn chủ trọ, chủ trọ không nghe, xô cửa càng gấp. Người can ngăn nói “Xin hỏi ông chủ muốn làm gì vậy? Muốn giết người à? Thì mấy người khách bọn ta ở đây không ngồi yên để mặc cho ngươi làm chuyện hung dữ đâu, nếu một trong hai người chạy mất thì tội ấy để ai chịu? Muốn kiện lên quan à? Thì đàn bà trong nhà không dạy dỗ phải chịu nhục, mà lại cho ra ở quán trọ thì rõ ràng là giả trá, làm sao dám chắc là cô ta không khai lời khác?". Chủ nhà trọ trợn mắt không nói gì được, Ngô nghe trong lòng thầm cám ơn nhưng không biết là ai.
Lúc đầu khi nhà trọ sắp đóng cửa thì có một Tú tài cùng đầy tớ vào ngủ trọ, mang theo rượu ngon, rót mời tất cả mọi người, thấy Hoàng và chủ trọ lại càng ân cần mời mọc. Hai người chối từ muốn đi, Tú tài kéo áo năn nỉ ngồi lại, hồi lâu mới tìm cách đi được, vác gậy chạy tới phòng Ngô. Tú tài nghe tiếng ồn ào mới bước vào can ngăn, Ngô nép bên cửa sổ nhìn ra thì là ông bạn hồ, mừng thầm. Lại thấy chủ trọ có vẻ hơi sợ, bèn lớn tiếng dọa, lại bảo cô gái cứ nói thử một câu xem sao? Cô gái khóc nói "Hận không được bằng người, bị bắt làm những việc hèn hạ!”. Chủ trọ nghe thấy mặt xám như tro. Tú tài quát mắng "Bọn ngươi thật là cầm thú, nay đã lộ mạt rồi, những khách trọ ở đây đều lấy làm tức giận”. Hoàng và chủ trọ đều vứt bỏ dao gậy, quỳ xuống khẩn cầu. Ngô cũng mở cửa bước ra, giận dữ chửi mắng. Tú tài lại can Ngô, hòa giải đôi bên. Cô gái lại khóc lóc nói thà chết không về lại. Trong nhà có mấy người tỳ nữ chạy ra kéo đi, nàng cứ nằm lăn ra đất kêu khóc thảm thiết.
Tú tài khuyên chủ trọ bán nàng cho Ngô, chủ trọ dập đầu nói “Làm kẻ cắp ba mươi năm, nay gặp phải bà già, còn nói gì nữa?", bèn theo lời Tú tài. Ngô không chịu mất nhiều tiền, Tú tài đứng ra điều đình cho hai bên, ngã giá năm mươi lượng vàng xong, giao tiền nhận người. Sáng ra cùng nhau thu dọn hành lý lên đường, chở cô gái đi. Cô gái chưa từng cưỡi ngựa nên đi rất chậm, đến trưa thì dừng lại nghỉ. Lúc sắp đi tiếp, gọi Báo Nhi thì không thấy đâu, chờ đến lúc trời xế cũng không thấy tăm hơi, Ngô ngờ vực lo lắng hỏi hồ. Hồ đáp “Đừng lo, nó sắp tới rồi". Chờ đến lúc trăng mọc Báo Nhi mới tới. Ngô hỏi đi đâu, Báo Nhi cười nói "Công tử cúng cho bọn gian ác mất năm mươi lượng, ta trộm lấy làm bất bình nên theo kế của Quỷ Đầu quay lại đòi", rồi lấy vàng đưa ra.
Ngô kinh ngạc hỏi, thì ra Quỷ Đầu biết cô gái chỉ có một người anh đi xa mười năm không về, bèn biến thành hình dáng người ấy, bảo Báo Nhi giả làm anh em họ vào đòi gặp em gặp chị. Chủ trọ hoảng sợ, bịa đặt là đã bị bệnh chết, hai đứa tiểu đồng dọa kiện lên quan. Chủ trọ càng sợ, đưa tiền ra năn nỉ, cò kè mãi tới bốn mươi hai lượng vàng hai đứa mới chịu đi. Báo Nhi kể rõ mọi chuyện rồi, Ngô lập tức cho nó luôn số tiền ấy. Ngô đưa cô gái về, gia đình hòa thuận, lại thêm giàu có. Hỏi kỹ cô gái, thì người trẻ tuổi đẹp trai là chồng nàng, đại khái Sử tức là Kim vậy. Nàng lấy ra một chiếc khăn, nói "Đây là họ lấy được của người họ Vương ở Sơn Đông". Thì ra bọn kia là một đảng rất đông, chủ trọ cũng là một trong số đó. Không ngờ người Ngô sinh gặp là kẻ đã làm Vương Tử Tốn khổ cực kêu trời, chẳng cũng hay sao! Lời xưa có câu Chơi dao có ngày đứt tay, thật là đúng lắm!