Giáo thụ Triển tiên sinh tiêu sái phóng khoáng có phong độ danh sĩ, nhưng uống rượu say là bất chấp lễ nghi. Cứ mỗi lần uống rượu về lại phi ngựa vào sân miếu thờ Khổng Tử. Trong sân có nhiều cây bách cổ, một hôm Triển phi ngựa húc vào cây vỡ đầu tự nói "Tử Lộ* giận ta vô lễ, đánh vỡ đầu ta rồi", nửa đêm thì chết. Trong huyện có Mỗ Ất buôn bán ở làng ấy, đêm ngủ ở một ngôi chùa cổ, đêm vắng không người, chợt thấy bốn năm người mang rượu vào uống, Triển cũng có trong số đó. Rượu được vài tuần, có người lấy chữ làm tửu lệnh, đọc:
*Tử Lộ: tên Trọng Do, học trò giỏi của Khổng tử, tính cương trực quả cảm, được Nho gia thờ chung trong Văn miếu với Khổng tử.
Chữ Điền không đủ cùng
Chữ Thập ở bên trong
Chữ Thập đưa lên ngọn
Chữ Cổ được đầy chung
Một người đọc:
Chữ Hồi không đủ cùng
Chữ Khẩu ở bên trong
Chữ Khẩu đưa lên ngọn
Chữ Lữ được đầy chung
Một người đọc:
Chữ Linh không đủ cùng
Chữ Lệnh ở bên trong
Chữ Lệnh đưa lên ngọn
Chữ Hàm được đầy chung
Lại một người đọc:
Chữ Khốn không đủ cùng
Chữ Mộc ở bên trong
Chữ Mộc đưa lên ngọn
Chữ Hạnh được đầy chung
Sau cùng tới Triển, Triển nghĩ không ra,
mọi người cười nói "Không đọc được thì phải chịu phạt, uống một chén lớn đi".
Triển nói "Ta nghĩ được rồi", rồi đọc:
Chữ Viết không đủ cùng
Chữ Nhất ở bên trong
Mọi người cười hỏi "Suy ra là chữ gì?", Triển uống cạn chén rồi đọc tiếp:
Chữ Nhất đưa lên ngọn
Một hớp đầy một chung*
*Tất cả các bài thơ trước đều dùng một lối chiết tự như nhau, như chữ điền gồm chữ khẩu ở ngoài và chữ thập ở trong, đưa chữ thập lên trên chữ khẩu thành chữ cổ. Riêng bài của nhân vật họ Triển thì chiết tự chữ viết lại không ra chữ gì mà lại thành hai chữ nhất khẩu (một hớp).
Mọi người cười ran, không bao lâu thì ra về. Ất không biết là Triển chết, nghĩ thầm rằng chắc bị bãi chức về. Đến khi về tới làng hỏi thăm, thì Triển chết đã lâu, mới biết rằng mình đã gặp ma.