Thôi sinh ở huyện Lâm Thanh (tỉnh Sơn Đông) nhà rất nghèo, tường quanh sân sụp lở không sửa được. Cứ sáng dậy lại thấy một con ngựa vào nằm trên bãi cỏ đẫm sương, lông đen vằn trắng, chỉ có lông đuôi không đều, như là bị lửa cháy sém vậy. Đuổi đi thì đêm lại vào nằm, không biết từ đâu tới. Thôi có người bạn thân làm quan ở đất Tấn (vùng Sơn Tây), vẫn thường muốn tới thăm nhưng không đi bộ nổi. Bèn bắt con ngựa thắng yên cương cưỡi đi, dặn người nhà rằng "Nếu có ai tìm ngựa, thì nói là ta mượn qua đất Tấn". Ra tới đường, con ngựa phóng như bay, trong chớp mắt đã được trăm dặm. Đêm vào nhà trọ, nó không chịu ăn rơm cỏ, Thôi cho là bị bệnh. Hôm sau buộc lại không cưỡi, nhưng con ngựa giẫm chân phì bọt mép, dáng mạnh mẽ hung hăng như hôm qua, Thôi lại cưỡi lên, trưa đã tới đất Tấn. Lúc ấy Thôi đi trên đường phố, ai nhìn thấy cũng khen ngợi con ngựa. Tấn vương nghe đồn, hỏi mua với giá cao, Thôi sợ người mất ngựa tìm tới nên lấy cớ từ chối. Được nửa năm chẳng thấy ở nhà nhắn gì, Thôi bèn bán con
ngựa cho Tấn vương được tám trăm đồng vàng, rồi mua một con ngựa khỏe cưỡi về.
Về sau Tấn vương có chuyện gấp sai viên Hiệu úy cưỡi con ngựa tới Lâm Thanh, con ngựa giật dây chạy, viên Hiệu úy đuổi vào tới nhà láng giềng của Thôi thì không thấy đâu nữa. Hỏi chủ nhà họ Tăng, thì ông ta không thấy. Đến lúc vào trong phòng, thấy trên vách treo một bức tranh vẽ ngựa của Tử Ngang* chỉ có một con, màu lông giống hệt, chỗ đuôi bị khói hương cháy sém, mới chợt hiểu ra rằng con ngựa là yêu quái trong bức tranh. Viên Hiệu úy không biết làm sao về phục mệnh với Tấn vương, bèn kiện Tăng. Lúc bấy giờ Thôi được số tiền bán ngựa đem về làm ăn đã trở nên giàu có, bèn tình nguyện bỏ tiền ra đền thay Tăng cho viên Hiệu úy trở về. Tăng vô cùng biết ơn, nhưng không biết Thôi là người bán con ngựa cho Tấn vương năm trước.
* Tử Ngang: tức Trần Tử Ngang, nhà thơ và họa sĩ nổi tiếng thời Đường.