Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 15 - Chương 380: Tiên Ăn Mày (Cái Tiên)


trước sau

Cao Ngọc Thành là con nhà thế gia cũ, ở một làng lớn trong huyện Kim Thành (tỉnh Cam Túc), giỏi châm cứu, chữa bệnh không phân biệt kẻ giàu người nghèo. Trong làng có một người ăn mày từ nơi khác tới, ống chân lở loét nằm ngoài đường, máu mủ bê bết, hôi tanh không thể tới gần. Dân làng sợ y chết, mỗi ngày cho ăn một bữa cầm hơi. Cao thấy thế thương xót, sai người dìu về, cho ở chái bếp. Gia nhân chê hôi tanh chỉ bịt mũi đứng xa xa, Cao đem ngải ra, đích thân chữa cho, hàng ngày cho ăn cơm rau. Được vài hôm y đòi ăn canh, tên đầy tớ tức giận quát mắng, Cao nghe thế lập tức sai cho y ăn canh. Chẳng bao lâu, y lại xin rượu thịt. Tên đầy tớ chạy lên báo "Thằng ăn xin kia thật buồn cười, mới đây còn nằm ngoài đường, chỉ mong mỗi ngày một bữa còn không được, nay thì ngày ba bữa còn chê khó nuốt, cho ăn canh lại đòi rượu thịt. Thứ người tham ăn này chỉ đem bỏ ra ngoài đường là phải!". Cao hỏi chân y ra sao, đáp "Đã tróc vảy dần dần, xem ra đi đứng được rồi, nhưng vẫn giả rên rỉ làm như đau đón lắm". Cao nói "Thì có tốn kém bao nhiêu đâu? Cứ cho y rượu thịt đến ngày lành hẳn đi, có khi y không oán giận ta”. Tên đầy tớ giả vâng dạ nhưng rốt lại vẫn không đem rượu thịt cho người ăn mày, mà cứ có dịp kháo chuyện với đám tôi tớ lại cùng nhau cười ông chủ khờ dại. 

Hôm sau Cao đích thân xuống thăm người ăn mày. Y khập khiễng đứng lên cảm ơn, nói "Đội ơn nghĩa cao dày của ông, cứu sống người đã chết, đắp thịt lên xương khô, công ơn như trời che đất chở. Nhưng chỗ lở mới lành, chưa lại sức hẳn nên thèm ăn mặn thôi". Cao nghe biết tên đầy tớ không tuân lệnh hôm trước, gọi ra đánh cho một trận nên thân rồi lập tức sai dọn rượu thịt cho người ăn mày. Tên đầy tớ căm hận, nửa đêm phóng lửa đốt chái bếp rồi la ầm lên. Cao thức dậy xem, thì chái bếp đã cháy rừng rục, than rằng "Thôi rồi anh ăn mày!", rồi đốc thúc mọi người mau mau dập lửa, vào nhìn thì người ăn mày vẫn ngủ say giữa đám lửa, ngáy vang như sấm. Gọi dậy thì y làm ra vẻ kinh ngạc hỏi “Nhà cửa đâu rồi?”, mọi người mới bắt đầu hoảng sợ. Cao càng kính trọng, cho y lên ngủ trong phòng khách, may cho quần áo mới, hàng ngày trò chuyện. Hỏi họ tên, y nói là Trần Cửu. 

Được vài hôm, mặt mày y càng thêm sáng sủa, ăn nói rất phong nhã, lại giỏi đánh cờ, lần nào đánh Cao cũng thua, bèn ngày ngày xin theo học, lĩnh hội được nhiều chỗ hay lạ sâu kín. Như thế nửa năm, người ăn mày không nói xin đi, mà Cao thì vắng y một giờ cũng mất vui, dẫu có khách quý cũng phải có y cùng ngồi uống rượu. Có khi gieo xúc xắc làm tửu lệnh, cứ Trần đánh giùm Cao thì lần nào cũng thắng. Cao lấy làm lạ, nhưng mỗi lần bảo làm phép cho vui thì y đều chối từ, nói là không biết. Một hôm nói với Cao "Ta định cáo biệt, lâu nay chịu ơn ông đã nhiều, có bữa tiệc mọn muốn mời, xin ông đừng gọi thêm ai khác". Cao nói "Quen biết nhau rất vui, sao lại chia tay? Vả lại ông làm sao có tiền mua rượu, nên cũng không dám phiền ông mời tiệc”. Trần cố mời, nói “Một chén rượn thì có gì là tốn kém”. Cao hỏi “Uống ở đâu?", đáp trong vườn. Bấy giờ đang giữa mùa đông, Cao ngại ngoài vườn lạnh lẽo, Trần quả quyết là không sao. 

Cao bèn theo vào vườn, chợt thấy không khí ấm áp như vào đầu tháng ba, vào tới trong đình lại càng ấm. Trong vườn chim lạ hàng đàn, líu lo ríu rít, mường tượng như vào lúc cuối xuân. Trong đình thì bàn ghế đều khảm ngọc lưu ly, có một cái bình pha lê trong suốt có thể soi gương, trong có khóm hoa đong đưa, hoa thì đóa nở đóa rụng không đều. Lại có con chim trắng như tuyết nhảy nhót qua lại bên trên, đưa tay vỗ nhẹ thì chợt biến mất hết. Cao ngạc nhiên hồi lâu, ngồi xuống thấy con két đậu trên giá gọi "Dọn trà ra!", trong chớp mắt thấy con phượng đỏ từ phía đông ngậm một cái khay ngọc đỏ đặt hai cái chén pha lê đựng trà thơm bay tới đáp xuống, ngẩng cổ đứng thẳng. Uống xong, đặt chén vào khay, chim phượng liền ngậm lấy, cất cánh bay đi. Con két lại gọi "Dọn rượu ra!", lập tức có loan xanh hạc vàng từ trong mặt trời chấp chới bay xuống, con ngậm bầu con ngậm chén bày ra khắp bàn. Giây lát có bầy chim vỗ cánh lui tới không ngớt, tấp nập dâng thức ăn lên, món ngon vật lạ trong chớp mắt đầy cả bàn, đồ ăn thức uống đều là những vật phẩm phi thường. 

Trần thấy Cao uống rất hào bèn nói “Tửu lượng của ông rất cao, phải lấy chén lớn mới được". Con két lại gọi "Đem chén lớn ra đây!", chợt thấy vành mặt trời chớp chớp, có con bướm lớn bấu một cái cốc anh vũ to bằng cái đấu nhẹ nhàng đáp xuống. Cao nhìn thấy bướm to hơn con nhạn, hai cánh sặc sỡ, dáng vẻ rực rỡ, khen ngợi hết lời. Trần gọi “Bướm mời rượu đi?", con bướm xòe cánh bay một vòng biến thành một giai nhân áo thêu phơ phất, bước tới dâng rượu. Trần nói “Không được mời rượu suông thôi đâu!", cô gái bèn thướt tha múa lượn. Múa đến lúc say sưa thì chân cách mặt đất hơn thước, ngửa người ra phía sau, uốn đầu xuống chạm gót chân rồi lật người
đứng thẳng lên mà toàn thân không hề vương một hạt bụi. Rồi hát rằng: 

Liên phiên tiếu ngũ đạp phương tùng, 

Đê á hoa chi phất diện hồng. 

Khúc chiết bất tri kim điền lạc, 

Cánh tùy hồ điệp quá ly đông. 

(Nói cười múa hát đạp hoa xuân 

Cành dịu hoa tươi quét má hồng 

Khúc đứt trâm vàng rơi chẳng biết 

Lại theo cánh bướm vượt rào đông) 

Dư âm lả lướt ngân dài như không dứt. Cao rất thích thú, kéo lại cùng uống. Trần sai ngồi, rót rượu cho nàng uống. Cao ngà ngà thấy lòng rạo rục, vụt đứng lên ôm chầm lấy nàng, nhưng nhìn lại thì đã biến thành quỷ Dạ Xoa, mắt lồi khỏi mí, răng nhe ngoài miệng, da đen sần sùi, vô cùng xấu xí ghê tởm. Cao mất vía buông tay, núp xuống dưới ghế run lẩy bẩy. Trần cầm đũa đánh vào miệng nó quát "Đi mau!", nó lập tức biến lại thành bướm, phấp phới bay đi. Cao hoàn hồn cáo biệt, thấy ánh trăng trong vắt, nói đùa với Trần "Rượu ngon nhắm tốt của ông từ trên không đưa xuống, chắc nhà ông trên trời, có thể dắt bạn bè lên chơi một chuyến được không?”. Trần đáp “Được”. Liền kéo tay Cao nhảy vọt lên, Cao thấy mình đang giữa không trung mênh mông, dần dần tới gần trời, ngẩng nhìn thấy cổng cao, tròn như miệng giếng. Bước vào thì sáng vằng vặc như ban ngày, lối đi bậc thềm đều lát đá xanh sạch bóng không một mảy bụi. 

Có một gốc cây lớn cao mấy trượng, nở đầy hoa đỏ to bằng hoa sen, dưới có một cô gái đang giặt chiếc áo đỏ trên phiến đá, diễm lệ vô song. Cao đứng ngẩn ra nhìn quên cả bước đi. Cô gái thấy thế tức giận nói "Chàng cuồng ở đâu lại dám tới đây", rồi lấy chiếc chày đập áo ném trúng lưng Cao. Trần vội kéo nàng ra chỗ vắng trách móc. Cao bị chiếc chày ném trúng, chợt thấy tỉnh rượu hẳn, thẹn toát mồ hôi, bèn theo Trần trở ra, thấy có đám mây trắng cuộn lên dưới chân. Trần nói "Từ nay xin giã biệt, duy có một điều muốn dặn, xin ông đừng quên. Tuổi thọ của ông không dài, ngày mai phải đi mau vào núi tây mới có thể tránh được". Cao định giữ lại, y đã quay đi. Cao thấy đám mây dần dần hạ xuống, mình rơi lại vào vườn thì quang cảnh đã khác hẳn. 

Về kể chuyện cho vợ con, thảy cùng lạ lùng hoảng sợ, nhìn lại chỗ áo bị chiếc chày ném trúng thấy có sắc đỏ như gấm, lại nghe có mùi hương lạ. Sáng sớm theo lời Trần dặn, mang lương khô đi vào núi, thấy sương mù dày đặc che khuất cả trời, mịt mờ không nhận ra đường sá gì cả, cứ rảo chân đi bừa, thình lình hụt chân rơi xuống một cái hang mờ mịt mây mù, sâu không biết bao nhiêu, nhưng may không bị gì cả. Hồi lâu định thần, ngẩng nhìn thấy hơi mây như lưới bủa bốn bề, bèn than rằng "Người tiên bảo ta trốn tránh, nhưng rốt lại vẫn không tránh khỏi kiếp số, biết khi nào mới thoát ra khỏi cái hang này được?". Lại ngồi một lúc, thấy xa xa thấp thoáng có ánh sáng, bèn đứng lên đi sâu vào, thì tới một cõi trời đất khác hẳn. Có hai ông già đang đánh cờ, thấy Cao tới cũng không ngó ngàng hỏi han gì cả, cứ tiếp tục đánh, Cao ngồi xổm xuống bên cạnh xem. Xong ván cờ, họ nhặt quân cờ cất vào hộp xong mới hỏi khách làm sao tới được nơi này? Cao đáp vì lạc đường rơi xuống, ông già nói “Chốn này chẳng phải nhân gian, không nên ở lâu Để ta đưa ông về". Rồi dắt Cao ra chỗ đáy hang, Cao thấy mình được mây mù vây bọc nâng lên rồi dừng lại trên đất bằng. Thấy sắc cây trong núi úa vàng, lá rơi cành rụng giống như cuối thu, ngạc nhiên nói "Ta ra đi giữa mùa đông, sao bây giờ lại biến ra lúc cuối thu?". 

Vội vàng về nhà, vợ con đều kinh sợ họp nhau lại cùng khóc. Cao ngạc nhiên hỏi, vợ đáp "Chàng đi ba năm không về, ai cũng cho rằng đã chết rồi". Cao nói "Lạ thật! Ta vừa ra khỏi nhà một lúc thôi mà”. Giở lương khô trong lưng ra xem thì đã mục nát thành tro bụi, mọi người đều cho là chuyện lạ lùng. Vợ nói “Chàng đi rồi, ta nằm mơ thấy có hai người áo đen đai sáng, dáng như công sai đi đòi thuế, hung hăng xông vào trợn mắt hỏi "Y đi đâu rồi?”, ta quát lại "Chồng ta đi vắng rồi, cho dù các người là quan sai cũng đâu được vào thẳng phòng đàn bà nhà người ta thế này?". Hai người bèn quay ra, vừa đi vừa nói lạ thật lạ thật rồi đi mất!. Lúc ấy Cao mới sực hiểu ra rằng người mình đã gặp là tiên, hai người vợ mơ thấy là quỷ. Lần nào tiếp khách Cao cũng mặc chiếc áo có vết cái chày của tiên nữ ném trúng bên trong, mọi người đều nghe mùi thơm, không phải mùi xạ cũng không phải mùi lan, mà có mồ hôi lại càng thơm ngát.

_________________

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện