Mãn sinh người huyện Xương Hóa dạy học ở huyện Dư Hàng (đều thuộc tỉnh Chiết Giang), ngẫu nhiên dạo phố, đi qua dưới một dãy gác. Chợt bị cái vỏ trái vải rơi trúng vai, ngẩng nhìn thì thấy một nàng ca kỹ trẻ tuổi dựa lan can cúi xuống cười rồi bước vào trong. Sinh hỏi thăm, thì nàng ấy là Tế Hầu con bà Giả chủ nhà chứa. Nghe nói nàng nêu giá rất cao, nghĩ lại thấy mình không sao gặp được, về nhà tơ tưởng cả đêm không ngủ. Hôm sau tới đưa danh thiếp xin gặp, thấy nàng cười nói vui vẻ thân mật, lòng càng say mê. Bèn tìm cớ hỏi mượn bạn bè đủ số tiền mang tới đưa Tế Hầu, nàng tiếp đãi rất chu đáo. Lúc trên giường sinh khẩu chiếm một bài thơ tứ tuyệt tặng nàng rằng:
Cao nhị đồng bàn dạ vị ương,
Sàng đầu tế ngữ xạ lan hương,
Tân hoàn minh nhật trùng trang phượng,
Vô phục hành vân mộng Sở vương.
(Đêm thẳm êm đềm bóng giá sương.
Đầu giường nói khẽ ngát mùi hương
Sáng mai tóc mới cài trâm phượng.
Vắng mãi mây mưa mộng Sở vương).
Tế Hầu buồn bã nói ”Thiếp tuy nhơ nhuốc hèn hạ nhưng vẫn ước mong tìm được kẻ đồng tâm để thờ, chàng còn chưa có vợ, thấy thiếp có đáng chăm sóc việc nhà không?”. Sinh mừng rỡ, lập tức hẹn hò thề thốt với nàng. Tế Hầu cũng vui mừng nói “Chuyện ngâm vịnh thiếp tự thấy là không khó, lúc nào không có ai cũng muốn đua đòi làm một bài, nhưng sợ chưa hay lại bị người ta xem thấy chê cười. Nếu được theo nhau, xin chàng dạy thêm cho thiếp". Nhân hỏi gia sản của sinh có bao nhiêu, sinh đáp "chỉ có năm mươi mẫu ruộng xấu, vài gian nhà nát thôi". Tế Hầu nói "Thiếp về với chàng rồi, thì nên ở nhà đừng đi dạy học nữa. Bốn chục mẫu ruộng trồng lúa cũng tạm đủ ăn, để mười mẫu trồng dâu, dệt năm cuộn vải là thừa nộp thuế rồi. Cứ đóng cửa nhìn nhau, chàng đọc sách thiếp dệt vải thì thơ rượu đủ vui, chức Thiên hộ hầu có gì là quý?”. Sinh hỏi "Muốn chuộc nàng ra khỏi đây thì phải mất bao nhiêu tiền?", nàng đáp “Nếu theo lòng tham của mẹ thì bao nhiêu cho đủ được? Nhiều lắm cũng chỉ hai trăm đồng vàng là đủ. Nhưng đáng hận là thiếp lúc còn nhỏ tuổi không biết quý tiền bạc, có được bao nhiêu là đưa hết cho mẹ, số để riêng chỉ có chút ít không đáng kể, chàng cố lo đủ một trăm, số còn lại thì đừng lo". Sinh nói “Tiểu sinh vốn nghèo, nàng cũng biết rồi, lấy đâu ra trăm đồng vàng được? Nhưng có người bạn thân làm Tri huyện ở tỉnh Hồ Nam, mấy lần gọi mời mà ta thấy xa ngại đi. Nay có việc nàng thì phải tới đó tính, khoảng ba bốn tháng sẽ trở về, xin cố chờ nhau”, Tế Hầu ưng thuận.
Sinh lập tức nghỉ dạy đi Hồ Nam, tới nơi thì người bạn mắc lỗi vừa bị cách chức, ở trọ nhà dân, trong túi rỗng không không có gì tặng tiễn. Sinh bơ vơ không thể trở về, phải ở lại huyện dạy học, ba năm vẫn chưa về được. Một lần đánh học trò, học trò tự tử chết, người cha xót con kiện thầy, nên sinh bị bắt giam. May có cha mẹ học trò khác thương thầy vô tội thường đem cơm cho, nhờ thế cũng không khổ lắm. Từ khi chia tay sinh, Tế Hầu đóng cửa không tiếp một người khách nào, mẹ hỏi biết nguyên do nhưng không cưỡng ép được, cũng đành
để mặc ý. Có nhà buôn giàu là Mỗ hâm mộ danh tiếng Tế Hầu, nhờ mẹ nàng làm mối, quyết cưới bằng được, không nề phí tổn nhưng Tế Hầu không chịu. Người nhà buôn đi buôn xuống Hồ Nam, hỏi dò tin tức của sinh, lúc ấy việc kiện tụng đã sắp xong, người nhà buôn lại đem tiền hối lộ cho quan lại đương chức, bảo cứ giam sinh thật lâu, rồi về nói với mẹ Tế Hầu rằng sinh vì đói rét đã chết trong ngục rồi. Tế Hầu ngờ là tin tức không đúng, người mẹ nói "Đừng nói là Mãn sinh đã chết, cho dù chưa chết thì làm vợ một anh học trò nghèo kiết, chỉ mặc áo vải cài thoa gai suốt đời làm sao bằng kẻ mặc áo gấm chán thịt ngon được?”. Tế Hầu nói "Mãn sinh tuy nghèo nhưng khí cốt thanh cao, chứ lấy anh nhà buôn giàu có thô bỉ thì con không muốn. Vả lại lời nói trên đường thì làm sao tin được?".
Người nhà buôn bèn nhờ người bạn buôn khác giả làm thư tuyệt mệnh của Mãn sinh gởi Tế Hầu để nàng hết mong đợi. Tế Hầu được thư, khóc lóc cả ngày, người mẹ nói "Từ khi ta có con, nuôi nấng vất vả, con thành nhân được ba năm, chưa báo đáp được gì nhiều, đã không muốn làm kỹ nữ thì nếu không lấy chồng làm sao mà sống?". Tế Hầu bất đắc dĩ phải lấy người nhà buôn. Người nhà buôn cho nàng đủ thứ áo quần nữ trang, tiền bạc thừa thải. Hơn một năm thì nàng sinh được một con trai. Không bao lâu sau Mãn sinh nhờ có học trò ra sức giúp đỡ nên được rửa oan thả ra, mới biết chuyện người nhà buôn xúi quan giam giữ mình thêm. Nhưng lại nghĩ hai bên không có thù oán gì, suy nghĩ mãi không rõ vì sao. Học trò giúp đỡ tiền ăn đường để trở về. Tới Dư Hàng nghe tin Tế Hầu đã lấy chồng, sinh vô cùng đau đớn, bèn kể những chuyện khổ cực của mình nhờ người bán rượu cho nhà chứa kể lại cho Tế Hầu biết. Tế Hầu rất buồn bã, mới biết việc rắc rối sinh gặp trước kia đều là mưu mô hiểm ác của người nhà buôn. Bèn nhân lúc người nhà buôn đi vắng, giết chết đứa con còn bế, mang tiền bạc của mình trốn theo Mãn. Người nhà buôn về, căm giận kiện lên quan, quan thương tình hai người nên không hỏi tới. Than ôi, Quan Vũ về Hán* có gì khác thế đâu? Nhưng xem việc giết con rồi đi, thì cũng là người đàn bà nhẫn tâm trên đời vậy.
*Quan Vũ về Hán. Quan Vũ là em kết nghĩa và tướng của Lưu Bị, Tiên chủ nhà Thục Hán thời Tam quốc. Có lần Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại, Quan Vũ bảo vệ hai người vợ của Lưu Bị, bất đắc dĩ phải hàng Tào Tháo, nhưng lại ra điều kiện nếu được tin Lưu Bị ở đâu sẽ về theo Lưu Bị. Tào Tháo ưng thuận, sau Quan Vũ được tin Lưu Bị còn sống ở chỗ Viên Thiệu, bèn đưa hai chị tới tìm. Tương truyền Tào Tháo muốn giữ Quan Vũ nên không cấp văn thư đi đường, vì thế Quan Vũ bị các tướng giữ ải của Tào Tháo ngăn trở, phải chém sáu người vượt qua năm cửa ải mới đi thoát được.