Ở Tế Nam (tỉnh thành Hà Nam) có một nhà sư, không rõ gốc gác ở đâu. Hàng ngày đi chân đất mặc áo vá, lê la trước các hàng quán bên hồ Phù Dung tụng kinh khuyến hóa, song ai cho cơm rượu tiền gạo gì đều không nhận, hỏi có cần gì khác không thì không đáp, thường cả ngày không thấy ăn uống. Có người khuyên nói "Sư đã không ăn rau lại chẳng uống rượu thì đi khuyến hóa trong thôn cùng ngõ vắng cũng được, cần gì phải mỗi ngày mỗi tới nơi ồn ào náo nhiệt như thế này?", sư cứ chắp tay tụng kinh, rủ đôi lông mi dài một tấc xuống như không hề nghe thấy. Lại hỏi nữa, sư mới mở mắt lớn tiếng đáp "Ta muốn khuyến hóa như vậy", rồi tiếp tục tụng kinh, hồi lâu mới bỏ đi.
Có người đuổi theo, hỏi tại sao phải khuyến hóa như vậy, sư cứ đi không đáp. Hỏi ba bốn lần, lại lớn
tiếng nói "Ngươi không biết được đâu, lão tăng muốn khuyến hóa như vậy". Mấy hôm sau chợt ra ngoài phía nam thành, nằm dài như xác chết ở cạnh đường ba ngày không động đậy. Dân ở đó sợ sư chết đói thì liên lụy tới thôn xóm, họp nhau kéo tới khuyên nên đi chỗ khác nằm, muốn cơm sẽ cho cơm, muốn tiền sẽ cho tiền. Sư cứ nhắm mắt không lên tiếng, mọi người bèn lay gọi. Sư giận, rút trong áo ra một lưỡi đao ngắn tự rạch bụng, thò tay vào kéo ruột ra bày lên đường rồi đứt hơi chết. Mọi người khiếp sợ báo lên quan rồi đem chôn qua loa. Ngày khác chỗ ấy bị chó moi lên lộ manh chiếu bó thây ra, đạp lên thấy như không có gì, mở ra xem thì manh chiếu vẫn gói kín như cũ nhưng chỉ như cái kén rỗng.