Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 5 - Chương 94: Nước Dạ Xoa (Dạ Xoa Quốc)


trước sau

Họ Từ ở đất Giao Châu (huyện Ngô Châu tỉnh Quảng Tây) vượt biển đi buôn, bị bão thổi bạt thuyền. Mở mắt thấy tới một xứ núi cao rừng rậm, cho rằng có người ở bèn buộc thuyền đem theo lương khô lên bờ. Vừa vào thì thấy hai bên núi đều có cửa hang dày đặc như lỗ tổ ong, phía trong như có tiếng người. Bèn tới ngoài một cửa hang nhìn vào, thấy có hai con dạ xoa răng tua tủa như dao, mắt sáng quắc như đèn đang lấy móng xé một con hươu ăn sống, hồn bay phách lạc vội chạy lui lại thì dạ xoa quay lại nhìn thấy, bỏ ăn quay ra bắt vào. Hai con nói chuyện với nhau, tiếng như chim kêu thú gào, rồi tranh nhau xé nát áo Từ như muốn ăn tươi nuốt sống. Từ cả sợ quá vội lấy lương khô thịt khô trong túi ra đưa, chúng chia nhau ăn có vẻ ngon lành lắm rồi lại lục cái túi. Từ xua tay ra hiệu không còn, dạ xoa tức giận lại túm lấy Từ. Từ năn nỉ “Tha cho ta đi, trong thuyền ta có nồi niêu, có thể nấu nướng được". Dạ xoa không hiểu, vẫn tức giận. Từ dùng tay ra hiệu, chúng có vẻ hơi hiểu bèn theo Từ ra thuyền. 

Từ đem nồi vào hang, gom củi nhen lửa nấu chín thịt hươu còn lại đưa cho dạ xoa, hai con vật ăn xong thích lắm. Đêm đến chúng vần khối đá lớn lấp cửa hang như có ý sợ Từ bỏ trốn. Từ nằm co quắp xa xa, chỉ sợ không sao sống được. Trời sáng hai con vật ra, lại lấp chặt cửa hang, lát sau mang về một con hươu đưa cho Từ. Từ lột da, múc nước chảy ở cuối hang luộc thịt làm mấy nồi, giây lát có một bầy mấy con dạ xoa kéo tới ăn ngấu nghiến hết sạch, rồi cùng chỉ vào cái nồi như chê nhỏ. Ba bốn ngày sau, một dạ xoa vác tới một cái nồi lớn như người ta vẫn thường dùng. Từ đó cả bầy cứ đem tới nào nai nào sói cho Từ nấu, thịt chín rồi thì gọi Từ cùng ăn. Được vài ngày, dạ xoa dần dà quen Từ, khi đi không vần đá lấp cửa hang nhốt lại nữa mà đối xử như cùng trong bầy. 

Từ dần dần xét tiếng kêu của chúng mà xem ý tứ rồi tập kêu theo, nói tiếng dạ xoa. Dạ xoa càng thích, đưa một dạ xoa cái tới làm vợ Từ. Lúc đầu Từ sợ không dám gần, dạ xoa cái tới ngủ chung, cùng Từ ăn nằm thích lắm, thường đem thịt cho Từ ăn như vợ chồng con người vậy. Một hôm cả bầy dậy sớm, lấy chuỗi hạt minh châu đeo quanh cổ thay phiên nhau ra cửa như chờ khách quý, lại bảo Từ nấu nhiều thịt. Từ hỏi dạ xoa cái, nó đáp đây là tiết Thiên thọ. Dạ xoa cái ra nói với bầy rằng "Từ lang không có vòng đeo cổ". Mỗi con bèn trích trong chuỗi minh châu của mình năm hạt đưa nó, nó cũng rút mười hạt trong chuỗi của mình ra, được tất cả năm mươi hạt rồi lấy dây cỏ xỏ thành một chuỗi đeo vào cổ cho Từ, Từ xem kỹ thấy mỗi hạt đều đáng giá hàng trăm đồng vàng. Lát sau cả bầy đều ra ngoài, Từ nấu thịt xong, dạ xoa cái vào bảo đi, nói là ra đón thiên vương. 

Tới một cái hang lớn rộng chừng một mẫu, giữa có tảng đá to bằng phẳng như cái bàn, chung quanh đều có chỗ ngồi bằng đá, một chỗ trên cùng phủ da báo, còn lại đều phủ da hươu, hai ba chục dạ xoa đã ngồi la liệt trong hang. Giây lát gió to tung bụi bay mù mịt, cả bọn vội vàng ra đón, thấy một con vật to lớn hình thù như dạ xoa chạy ào vào hang, nhảy lên ngồi ngất ngưỡng trên bệ, đưa mắt nhìn khắp chung quanh. Bầy dạ xoa theo vào chia ngồi xuống hai bên, đầu ngẩng cao, hai cánh tay chắp thành hình chữ thập trước ngực. Con vật đếm cả bọn rồi hỏi "Bọn Ngọa My Sơn có mặt cả ở đây không?", cả bầy cùng dạ. Nó nhìn Từ hỏi “Từ đâu tới?”, dạ xoa cái thưa là chồng, cả bầy đều ca ngợi Từ biết nấu thịt. Lập tức hai ba dạ xoa chạy đi lấy thịt chín bày lên, con vật bốc ăn no, hết sức khen ngợi, bảo phải cung đốn thường xuyên. Lại quay nhìn Từ hỏi "Vòng hạt sao ngắn thế?", cả bọn thưa “Mới tới nên chưa đủ”. Con vật rút mười hạt trong chuỗi hạt đeo trên cổ đưa cho, hạt nào cũng to như đầu ngón tay, tròn như viên đạn, dạ xoa cái vội đón lấy đeo vào cho Từ, Từ cũng chắp tay nói tiếng dạ xoa tạ ơn. 

Kế con vật ra khỏi hang, lướt gió đi nhanh như bay, cả bầy bèn ăn chỗ thịt còn lại rồi tan đi. Được hơn bốn năm, vợ Từ sinh ba, hai trai một gái, đều có hình người chứ không giống mẹ. Bầy dạ xoa đều rất thích ba đứa nhỏ, cùng vỗ về đùa giỡn với chúng. Một hôm cả hang đi vắng, chỉ còn một mình Từ, chợt một dạ xoa cái ở hang khác sang gạ gẫm, Từ không chịu, nó tức giận quật Từ xuống đất. Vợ Từ từ ngoài vào, nổi giận đánh nhau, cắn đứt tai nó. Giây lát con đực chồng nó về, gỡ ra đuổi nó đi, từ đó dạ xoa cái giữ rịt lấy Từ không rời. Lại ba năm sau, ba đứa trẻ biết đi, Từ dạy chúng tiếng người, dần dần biết nói, bập bẹ như người, tuy còn nhỏ nhưng trèo núi như đi trên đất bằng, khắng khít với Từ như cha con loài người. 

Một hôm dạ xoa cái và một trai một gái ra ngoài, nửa ngày chưa về mà gió bấc thổi mạnh, Từ chạnh tình quê, dẫn con trai tới bờ biển. Thấy chiếc thuyền cũ vẫn còn, định cùng nhau trở về, đứa con định báo với mẹ, Từ ngăn lại. Hai cha con xuống thuyền, một ngày một đêm về tới Giao Châu, tới nhà thì vợ đã cải giá. Từ bán hai hạt châu được rất nhiều tiền, trong nhà dư dật. Đứa con lấy tên là Bưu, mười bốn mười lăm tuổi đã có thể nhấc nổi vật nặng trăm thạch, tính thô mãng thích đánh nhau. Viên Tổng súy đất Giao gặp lấy làm lạ, trao cho
chức Thiên tổng. Gặp lúc có loạn ngoài biên, Bưu lập được công, năm mười tám tuổi được phong Phó tướng. 

Lúc ấy có một lái buôn đi biển cũng bị gió bạt tới Ngọa My, vừa lên bờ thì gặp một thiếu niên, lấy làm kinh ngạc. Thiếu niên biết là người Trung Quốc liền tới hỏi han, người lái buôn nói rõ. Thiếu niên dẫn tới hẻm núi vắng, đưa vào một hang đá. nhỏ, bên ngoài toàn là cây cỏ gai góc, dặn chớ ra ngoài. Đi hồi lâu quay về đem thịt hươu cho người lái buôn ăn, nói cha mình cũng là người Giao Châu, người lái buôn hỏi ra thì là Từ, lúc đi buôn có biết nhau bèn nói "Ông ta là bạn ta, nay đứa con trai đang làm Phó tướng". Thiếu niên không hiểu Phó tướng là gì người ấy nói "Đó là chức quan ở Trung Quốc”. Thiếu niên lại hỏi quan là gì, người ấy đáp “Ra đường thì cưỡi ngựa đi xe, vào nhà thì ngồi trên sảnh đường, gọi một tiếng thì trăm người dạ, ai gặp cũng không dám nhìn thẳng, không dám đứng thẳng, như thế gọi là quan". Thiếu niên có vẻ thích lắm, người lái buôn nói "Tôn quân đã ở Giao Châu, sao còn chịu ở đây lâu thế?". Thiếu niên kể lại sự tình. 

Người lái buôn khuyên nên về nam, thiếu niên nói "Ta cũng thường có ý ấy, song mẹ ta không phải là người Trung Quốc, vẻ người tiếng nói đều khác, vả lại nếu đồng loại mà biết sẽ làm hại nên còn chần chừ". Rồi đi ra, nói "Đợi gió bắc nổi ta sẽ đưa ông về, phiền ông tới báo cho cha anh ta biết tin". Người lái buôn ẩn trong hang gần nửa năm, có lần nhìn qua đám gai góc thấy dạ xoa qua lại bên ngoài sợ lắm, không dám động đậy. Một hôm gió bắc ù ù nổi, thiếu niên chợt tới, dẫn người lái buôn trốn ra, dặn "Đừng quên điều ta nhờ”, người lái buôn vâng dạ rồi về, tới Giao Châu vào ngay phủ Phó tướng kể lại những điều đã gặp. Bưu nghe chuyện chạnh lòng muốn đi tìm mẹ và em, cha lo biển khơi sóng gió, yêu vật hung dữ, nguy hiểm khó lòng nên hết sức ngăn cản. Bưu đấm ngực kêu khóc, cha phải cho đi. 

Bưu tới trình với Tổng súy đất Giao, dẫn hai người lính ra biển. Thuyền bị gió ngược, trôi dạt trên biển nửa tháng, nhìn quanh chỉ thấy mênh mông trời nước không bờ, không phân biệt được phương hướng. Bỗng gặp con sóng to ngất trời, thuyền bị lật úp, Bưu rơi xuống biển bị sóng cuốn hồi lâu thì được một con vật kéo đi. Tới một nơi thấy có nhà cửa, nhìn thấy con vật ấy có hình dáng dạ xoa, bèn nói tiếng dạ xoa. Dạ xoa kinh ngạc hỏi han, Bưu nói rõ là mình định đi đâu, dạ xoa mừng rỡ nói "Ngọa My là quê cũ của ta, đường đột thế này thật có lỗi. Ông đã đi chệch đường tám ngàn dặm, đây là đường tới nước Độc Long, không phải lối đến Ngọa My". Rồi tìm thuyền đưa Bưu xuống, dạ xoa bơi dưới nước đẩy thuyền đi nhanh như tên bắn, chớp mắt đã vượt ngàn dặm, qua một đêm thì tới bờ bắc Ngọa My. 

Thấy trên bờ có một thiếu niên quanh quẩn trông ngóng, Bưu biết trên núi không có loài người ở, ngờ đó là em, tới gần hỏi quả đúng. Hai anh em nắm tay nhau khóc, kế Bưu hỏi tin tức mẹ và em gái, em trai nói đều mạnh khỏe bình yên. Bưu muốn tới thăm, em trai ngăn lại, trời tối quay đi. Bưu trở ra cám ơn dạ xoa đưa mình tới thì nó đã đi mất. Không bao lâu mẹ và em gái cùng tới, vừa thấy Bưu đã khóc ròng. Bưu nói ý mình, mẹ dạ xoa buồn rầu bảo "Sợ đến sẽ bị người làm nhục". Bưu nói "Con ở Trung Quốc rất quý hiển, ai dám coi thường". Khi đã quyết ý về Giao Châu thì lại gặp gió ngược không đi được, mẹ con đang lúng túng thì cánh buồm xoay về phía nam kêu phần phật, Bưu mừng nói “Trời giúp ta rồi”. Mẹ con theo nhau lên thuyền, sóng xuôi gió thuận, thuyền đi như tên bắn, ba ngày thì tới Giao Châu, người trên bờ nhìn thấy đều bỏ chạy. 

Bưu chia quần áo cho ba người, về tới nhà, mẹ dạ xoa thấy Từ thì giận dữ chửi mắng vì ra đi không bàn với mình, Từ phải xin lỗi mãi. Gia nhân tới chào chủ mẫu, người nào cũng run sợ. Bưu khuyên mẹ học nói tiếng Trung Quốc, cho mặc đẹp ăn ngon, mẹ dạ xoa dần dần vui vẻ yên lòng. Cả mẹ và con gái đều mặc nam trang, được vài tháng mẹ dần biết tiếng người, hai em thì trắng ra. Em trai đặt tên là Báo, em gái đặt tên là Dạ Nhi, đều rất khỏe mạnh. Bưu xấu hổ vì em không biết chữ, cho Báo học hành. Báo rất thông minh, kinh sử chỉ đọc qua là hiểu nhưng không muốn học văn, Bưu bèn cho tập cưỡi ngựa bắn cung, sau đỗ Tiến sĩ võ, lấy con gái viên Du kích họ A. 

Dạ Nhi thì vì khác loài không ai lấy, sau có viên Thủ bị họ Viên dưới trướng Bưu góa vợ mới lấy gượng. Dạ Nhi có thể giương được cung cứng trăm thạch, ngoài trăm bước bắn trúng chim nhỏ, không sai một phát. Viên mỗi khi đánh dẹp thường đưa vợ cùng đi, dần làm tới chức Đồng tri tướng quân, một nửa công trạng là do vợ lập. Báo năm ba mươi tư tuổi được đeo ấn Tướng quân, mẹ cũng thường theo đi đánh dẹp phía nam, mỗi khi gặp đám giặc mạnh là mặc giáp cầm gươm tiếp ứng cho con, quân giặc trông thấy là sợ hãi lui chạy. Nhà vua xuống chiếu phong tước nam, Báo thay mẹ dâng sớ từ chối, được phong Phu nhân. 

Dị Sử thị nói: Phu nhân dạ xoa là chuyện ngày nay ít nghe, nhưng nghĩ kỹ thì không ít đâu, trong phòng nhà nào cũng thường có dạ xoa đấy thôi. 

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện