Hách Chấn Văn vốn là tú tài, có lên kinh đi thi nhưng không được đề tên bảng vàng.
Khi hắn rời kinh trở về quê nhà thì dắt theo một người con gái tên là Tú Nương.
Bọn họ về không lâu thì nhà họ Hách tổ chức hôn lễ cho hai người, Tú Nương gả cho Hách Chấn Văn làm vợ.
Tú Nương không phải người trong vùng.
Cô gái trắng trẻo xinh xắn, dịu dàng văn nhã, không hề thô kệch như những người phụ nữ nhà nông bình thường.
Người dân trong thôn trước giờ chưa từng gặp một người con gái nào mĩ miều nhường ấy.
Cánh đàn ông thì hâm mộ Hách Chấn Văn, còn đám phụ nữ thì ghen ghét Tú Nương.
Trong một khoảng thời gian rất dài sau đó, nhất cử nhất động của Tú Nương và Hách Chấn Văn đều bị người ta soi mói bàn tán không ngừng.
Bỗng nhiên, một ngày nọ, trong thôn bắt đầu xuất hiện một tin đồn nhảm, nói Tú Nương là gái lầu xanh, sau khi được chuộc thân thì mới hoàn lương đi theo Hách Chấn Văn.
Những người dân trong vùng lúc đầu chỉ dám lén lút xầm xì sau lưng, bây giờ bắt đầu không thèm kiêng nể gì nữa mà công khai cười nhạo cô.
Dần dần, Tú Nương không hề bước chân ra khỏi nhà nữa, ngay cả Hách Chấn Văn cũng rất ít khi ra ngoài gặp người khác.
Lại vào một ngày nọ, trong thôn xôn xao ầm ĩ hết cả lên.
Tú Nương dan díu với kẻ khác.
Cô một thân quần áo xốc xếch bị chính mẹ chồng mình nắm tóc kéo lê từ trong phòng ra ngoài.
Những người dân vây xem ai nấy đều sa sả chửi rủa Tú Nương là ả đàn bà lăng loàn mất nết, dâʍ đãиɠ hạ tiện.
Bọn họ hoặc nhao nhao mắng nhiếc, hoặc thờ ơ lạnh nhạt mà nhìn cô bị thôn trưởng cầm đầu mấy người cả đàn ông lẫn phụ nữ trói gô lại, nhét giẻ vào miệng, tống vào trong lồng heo.
Người đàn ông trung niên nói lúc ấy hắn chỉ mới có mười hai tuổi, lúc cha hắn bị bệnh nặng Tú Nương đã cho nhà họ vay tiền chạy chữa.
Vì vậy cả nhà họ ghi tạc ân tình này của cô, đối mặt với cả đám dân trong thôn đang hùng hùng hổ hổ, đứng lên nói vài câu công bằng cho Tú Nương.
Nhưng ngờ đâu bọn người đó không những hoàn toàn không nghe lọt tai mà còn đánh đập cô tàn nhẫn hơn nữa.
Cuối cùng cả nhà họ chỉ đành bất lực trơ mắt nhìn cô gái trẻ chìm dần xuống dòng nước lạnh lẽo.
Người đàn ông tràn đầy áy náy kể lại câu chuyện, nói xong lời cuối cùng thì đã vô cùng phẫn nộ: “Sau khi Tú Nương bị dìm chết xong, ngày hôm sau Hách Chấn Văn mới trở về.
Hắn ta chạy tới bờ sông khóc rống, kêu la phải báo thù cho Tú Nương, thế mà cuối cùng hắn ta chẳng làm nên trò trống gì.
Tú Nương vốn không phải người như vậy, hắn vẫn cứ tin vào lý do biện giải giả dối của đám người kia, không bao lâu sau thì cưới Hách Thu thị, sinh ra một đứa con trai.”
Ba người Cố Cửu vừa nghe vậy trong lòng giật thót một cái.
Phương Bắc Minh hỏi: “Tú Nương đã chết bao lâu rồi?”
Ông lão trả lời: “Đến bây giờ đã được hai mươi năm rồi.”
Cố Cửu nhịn không được nỗi kích động, phải nắm chặt lấy đôi tay đang run lên: lồng heo, hai mươi năm, ngoại trừ tên họ không khớp ra thì tất cả đều quá trùng hợp.
Thiệu Dật bỗng nhiên nghĩ đến cái gì đó, quay người nhìn một vòng quanh bờ sông, hỏi: “Có phải năm xưa ở gần đây từng có một cây liễu rủ lớn không?”
Ông lão kinh ngạc nhìn cậu, nói: “Đúng vậy, đúng là có một cây liễu, ở ngay cạnh chỗ Tú Nương rơi xuống.
Sau khi cô ấy chết không lâu liền có tin đồn có quỷ bên bờ sông, đêm nào chỗ đó cũng vang lên tiếng khóc ai oán của một người phụ nữ.
Người dân trong thôn sợ hãi liền bỏ tiền ra mời đạo sĩ đến xem.
Lúc ấy đạo sĩ kia nói cây liễu thuần âm, nó đã trở thành chỗ trú ngụ cho Tú Nương nên cô ấy mới có thể tác quái quấy nhiễu mọi người không yên.
Thế là người dân trong vùng liền nghe theo lời đạo sĩ kia, chặt cây liễu đi, cả bộ rễ cũng đem đi thiêu cháy hết, rồi lấp luôn cả cái hố sâu chỗ cây liễu được đào lên.”
Cố Cửu lắc lắc đầu, bọn họ cực cực khổ khổ đi tìm tung tích cây liễu lớn, lại quên suy xét đến việc trong hai mươi năm đó cây liễu có thể đã bị chặt đi.
Hơn nữa, gã đạo sĩ được mời đến kia nếu không phải đạo sĩ giả thì phỏng chừng cũng là tay mơ mà thôi.
Cố Cửu từng nghe Thiệu Dật nói, cây liễu thuần âm, nhưng cực âm thì sinh dương, cho nên cây liễu cũng là một thứ dùng để khắc chế vật cõi âm, có thể xua đuổi tà ma, hơn nữa đuổi được một lần thì ngắn lại ba tấc.
Phương Bắc Minh hỏi thêm một câu cuối cùng: “Có phải Tú Nương lúc xưng hô với Hách Chấn Văn thường gọi hắn ta là “Tam Lang” không?”
Ông cụ lại kinh ngạc lần nữa: “Không sai, Hách Chấn Văn trong nhà đứng hàng thứ ba.
Sau khi Tú Nương qua đời, hắn không cho phép ai gọi mình như vậy nữa, làm sao cậu biết được chuyện này?”
Phương Bắc Minh không trả lời, y chỉ chắp tay cảm ơn hai cha con nọ rồi dẫn Cố Cửu và Thiệu Dật quay về hướng nhà họ Hách.
Lúc gần đến nơi, bọn họ gặp được Tiểu Đệ đang đi chơi ở gần đó.
Trên lưng mèo đen còn chở theo hai nhóc người giấy, chạy băng băng về phía bọn họ.
Người giấy bé xíu đứng trên lưng Tiểu Đệ, nửa người bị chôn trong đám lông mèo mềm mại, y y a a nói chuyện với Phương Bắc Minh.
Đột nhiên, từ nhà họ Hách phía trước vang lên một tiếng kêu gào thê lương thảm thiết.
Cùng lúc đó, sương mù bỗng chốc bao phủ khắp nơi, ngay cả ánh trăng cũng bị làm lu mờ, không trung tối sầm lại, bóng tối bao trùm khắp cả thôn, ngay cả nhóm Cố Cửu đã đến rất gần rồi mà cũng không xác định được nhà họ Hách ở chỗ nào.
Phương Bắc Minh nhanh tay đốt một lá bùa, lửa cháy lên, ngoại trừ sương mù dày đặc bao phủ phía xa ra, xung quanh bọn họ lập tức được chiếu sáng trở lại, sau đó ánh đèn mờ ảo hắt ra từ khuôn viên nhà họ Hách cũng trở nên rõ ràng trong tầm nhìn của ba người.
Phương Bắc Minh bước đi trước, bảo Thiệu Dật dẫn Cố Cửu mau đuổi theo cho kịp.
Cố Cửu sợ hãi, túm lấy góc áo của Thiệu Dật.
Cửa nhà họ Hách bị khóa từ bên trong.
Thiệu Dật trèo tường vào, sau đó lại mở cửa cho Cố Cửu.
Nhà họ Hách, tính cả gia nhân trong nhà tổng cộng gần hai mươi miệng ăn, nhưng lúc này sân trước nhà họ lại không có một bóng người nào, hơn nữa bên trong nhà còn có tiếng khóc la loáng thoáng truyền ra ngoài.
Cố Cửu và Thiệu Dật gấp gáp chạy đến nhà sau vừa đúng lúc nghe được tiếng quát to của Phương Bắc Minh.
“Dừng tay!”
Hai người đi sau Phương Bắc Minh một chút, mới bước vào liền thấy tất cả người nhà họ Hách đều hôn mê bất tỉnh cả, nằm la liệt khắp trong sân.
Vương Tiểu Điệp đang đứng giữa đám người, dưới chân là một vũng máu.
Một người phụ nữ mặc đồ đen từ đầu đến chân, tóc xõa rối tung đứng ngay trước mặt cô, đôi tay cắm ngập sâu vào trong bụng cô.
“A!”
Vương Tiểu Điệp hét lên môt tiếng thê thiết, người phụ nữ áo đen rút đôi tay đầy máu của mình ra, lôi theo một cục máu thịt lẫn lộn.
“Nghiệp chướng!” Phương Bắc Minh rống to, rút kiếm ra đâm thẳng về phía người phụ nữ áo đen.
Cô ả cười duyên một tiếng, nhéo nhéo cục máu trên tay, lui về phía sau mấy bước, đẩy Vương Tiểu Điệp lên trước chắn cho mình.
Phương Bắc Minh túm lấy Vương Tiểu Điệp quăng cho Thiệu Dật.
Cậu đón lấy rồi đặt cô ta trên mặt đất, Cố Cửu thì vội vàng lôi thuốc trị thương ra để sẵn.
Bụng Vương Tiểu Điệp thủng một lỗ to, sắc mặt cô ta lúc này trắng bệch như tượng sáp, đã đau đến mức bất tỉnh nhân sự.
Thiệu Dật bôi thuốc cầm máu cho Vương Tiểu Điệp, Cố Cửu ngẩng đầu nhìn vào trong, nếu nhóc đoán không sai thì cô gái áo đen kia tám chín phần mười chính là Lan Nguyệt, hay còn được biết đến với tên gọi Tú Nương.
“Lan Nguyệt không phải là quỷ nước sao? Lẽ ra sau khi rời khỏi thân thể của Vương Tiểu Điệp thì cô ta không thể tiếp tục ở trên bờ nữa mới phải chứ ạ?” Cố Cửu nghi ngờ hỏi.
Thiệu Dật mặt mày đen như nhọ nồi: “Cô ta đã rất mạnh, sức mạnh tương đương với tiểu quỷ vương.”
“Tiểu quỷ vương?”
Thiệu Dật nhìn tới nhìn lui, xé một miếng vải từ trên áo cưới của Vương Tiểu Điệp xuống, băng cái lỗ trên bụng cô ta lại, vừa làm vừa giải thích cho Cố Cửu: “Thế gian có quỷ vương, là thủ lĩnh của chúng quỷ.
Nhưng thường thì họ cũng không phải là quỷ quái thật mà hầu hết đều là hóa thân của Bồ Tát để giáo hóa chúng sinh, không phân ra chí thiện hay chí ác.
Mà tiểu quỷ vương tuy thực lực không bằng quỷ vương, nhưng chúng nó đều rất hung ác, vốn do lệ quỷ tu luyện thành.
Khi đạt đến độ cao này, chúng nó đã thoát ra khỏi quy tắc của