Linh Phi Kinh

2: Tinh Ẩn Chân Nhân (2)


trước sau

- Ổng vẫn còn sống cơ à? - Nhạc Chi Dương hỏi.

- Đương nhiên là còn! - Tịch Ứng chân khẽ cao giọng: - Chỉ vì ông ấy còn sống mà suốt ba mươi năm qua, Vân Hư không dám rời khỏi Đông Đảo nửa bước.

- Lợi hại thiệt! - Nhạc Chi Dương buột miệng kêu lên.

Tịch Ứng Chân cười khà khà, kể tiếp:
- Lương Tư Cầm chế ngự nhị lão nhưng tuyệt không xuống tay giết người mà lại thả cho bọn họ đi, lúc thả có dặn: "Các người thay ta chuyển lời cho Vân Xán, ngày nay thiên hạ đại loạn, lý ra phải trừ hại an dân, cứu vớt chúng sinh. Nếu y còn chút lương tâm thì tốt nhất nên quản thúc lại đám người trên đảo, không thì trời cao sẽ chẳng buông tha cho y đâu". Nhị lão đưa mắt nhìn nhau, cất giọng hỏi: "Ngươi tên họ là chi? Võ công từ đâu học được?" Lương Tư Cầm đáp: "Ta họ Lương, đến từ hải ngoại". Hai người nọ tái mét mặt mũi, chẳng nói chẳng rằng, xoay người bỏ đi một mạch, ngay cả thi thể đồng môn cũng không thèm quan tâm đến. Ta cảm kích trong dạ bèn tiến lên phía trước làm quen với Lương Tư Cầm, trong lúc chuyện trò mới hay người này chẳng những võ công tuyệt đỉnh mà học vấn cũng cao vời, tài trí trác tuyệt, lại có chí hướng giúp đỡ giang sơn xã tắc, ta liền khuyên y đầu quân về dưới trướng Chu Nguyên Chương. Nhưng y bản tính đạm bạc, không muốn làm tướng làm quan, trước sau chỉ muốn làm một viên phụ tá nhỏ. Về sau lúc truy diệt quần hùng, Lương Tư Cầm nghĩ ra diệu kế, tạo lập thần cơ, ra tay mạnh mẽ, quần hùng Đông Đảo liên tiếp đón nhận thất bại, trong lòng họ hiểu rõ, một ngày không diệt trừ đi Lương Tư Cầm thì chuyện thắng được Chu Nguyên Chương chỉ là vọng tưởng. Thế nên, Vân Xán mới hạ chiến thư, mời Lương Tư Cầm đến Đông Đảo quyết một trận tử chiến."

- Một mình ổng thôi à? - Nhạc Chi Dương không khỏi kinh ngạc.

- Ta vốn định cùng y đi đến đó, nhưng y bảo đối phương tráo trở, biết đâu lại là kế điệu hổ ly sơn, dặn ta ở lại bên cạnh Chu Nguyên Chương, phòng ngừa Đông Đảo ra tay ám sát. Vì thế sự tình sau đó, ta cũng chưa từng tận mắt chứng kiến, chỉ nghe kể lại rằng y một mình theo hẹn, vượt trùng dương đánh bại hết tất cả cao thủ ở Đông Đảo, lại khắc lên bảy chữ trên bia đá đầu đảo: "HỮU BẤT HÀI GIẢ NGÔ KÍCH CHI"(*)
(ND chú: đại loại là ~ hễ ai không thuận theo thì ta đánh hết!)

Nhạc Chi Dương tặc lưỡi liên hồi:
- Hóa ra hàng chữ ở trước đảo là do ổng viết, thảo nào, thảo nào...

Tịch Ứng Chân nói:
- Từ sau trận chiến ấy, Đông Đảo thất bại toàn tập, Vân Xán vừa thọ thương cộng thêm uất hận, không lâu sau thì lìa đời, trước khi chết cứ căn đi dặn lại con trai Vân Hư nhất định phải báo thù cho mình. Sau này Vân Hư luyện thành kiếm pháp, trong vòng mười năm đã khiêu chiến Lương Tư Cầm ba lần, kết quả đều thất bại cả ba. Lần thứ ba ấy, y trở về Đông Đảo, trong lúc tức giận đã phát lời thề độc, nếu không luyện thành võ công đánh bại Lương Tư Cầm thì cả đời sẽ quyết không rời khỏi Đông Đảo nửa bước.

Nhạc Chi Dương vỗ tay cười:
- Chả trách Vân Hư mặt mày khổ não như vậy, hóa ra là một kẻ thua cuộc cay đắng.

- Lương Tư Cầm vốn là vô địch thiên hạ, thua dưới tay ông ta cũng không đến nỗi mất thể diện! - Tịch Ứng Chân từ tốn bảo: - Vả lại Vân Hư trước nay giao đấu cũng chỉ thua mỗi ba lần duy nhất ấy, phóng mắt khắp thiên hạ, nhân vật có thể so vai với y chắc cũng không quá năm vị.

- Là năm vị nào? - Nhạc Chi Dương cảm thấy tò mò cực điểm.

Tịch Ứng Chân chầm chậm đáp:
- Nếu sau này ngươi vào giang hồ thì tự nhiên sẽ biết thôi.

- Lương Tư Cầm còn ở triều đình không vậy? - Nhạc Chi Dương không nhịn nổi thắc mắc:
- Sao ta chưa từng nghe nhắc đến danh của ổng?

Tịch Ứng Chân lặng im một thoáng mới trả lời:
- Bởi chính kiến không hợp nhau, y đoạn tuyệt với Chu Nguyên Chương rồi bỏ đi Tây Vực ẩn thân lánh đời, hiện nay ba từ "Lương Tư Cầm" chính là từ cấm kỵ ở triều đình, ai mà nhắc đến sẽ phạm vào tội chết.

Nhạc Chi Dương ngạc nhiên tột độ:
- Sao lại như thế chứ?

Tịch Ứng Chân ồ lên một tiếng bảo:
- Lạ nhỉ, Nhạc Thiều Phượng không kể cho ngươi nghe chuyện này à? Theo ta biết, lệnh tôn mất đi chức quan cũng là vì liên lụy đến cái án của Lương Tư Cầm.

Nhạc Chi Dương giật thót mình, lập tức hỏi ngay:
- Tịch đạo trưởng, nghĩa phụ ta và Lương Tư Cầm thân nhau lắm ư?

- Nói thân cũng không hẳn, Lương Tư Cầm tinh thông âm luật, năm ấy trong lúc bàn thảo Nhã Nhạc cho Đại Minh, Nhạc tiên sinh và y có qua lại giao thiệp với nhau một thời gian. Về sau Lương Tư Cầm gặp chuyện, lệnh tôn cũng chịu liên can, nhưng thời may là ông đã từ quan nên bảo toàn được tính mạng, còn những người khác thì không có được vận hạnh ấy.

Tịch Ứng Chân nói đến đây, thầm thở dài một hơi.

Nhạc Chi Dương nghe tim đập mạnh thình thịch, gã hỏi:
- Tịch đạo trưởng, cha của tôi có kẻ thù nào hay không?

Tịch Ứng Chân bảo:
- Việc này thì không nghe, lệnh tôn dựa trên âm nhạc mà làm quan, chưa từng lâm trận giết địch, cũng không tham gia chính sự, theo lẽ thì chẳng có kẻ thù nào.

Nói đến đây, ông lấy làm lạ hỏi lại:
- Nhóc con, ngươi hỏi việc này chi vậy?

Nhạc Chi Dương cố nén nhịn nỗi đau, mang cái chết của Nhạc Thiều Phượng kể lại một lượt. Tích Ứng Chân nghe xong, trầm ngâm bảo:
- Xuống tay tàn độc như thế hẳn là do huyết hải thâm thù, ta với lệnh tôn qua lại không được thân thích, rất nhiều chuyện cũng không rõ cho lắm.

- Liệu có phải là... - Nhạc Chi Dương hít sâu một hơi mới tiếp lời: - Là Chu Nguyên Chương?

- Không đâu! - Tịch Ứng Chân trầm tư bảo: - Nếu là Chu Nguyên Chương thì đã sớm giết lệnh tôn từ lâu rồi, hà tất phải chờ đến lúc này?

Trái tim Nhạc Chi Dương bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm, nếu Chu Nguyên Chương không phải là hung thủ, gã và Chu Vi cũng không phải gặp nhau trong thù hận nữa, nhưng nếu không phải Chu Nguyên Chương, vậy thì là ai?

Muôn mối tơ vò, gã đành dẹp sang một bên, hỏi tiếp:
- Tịch đạo trưởng, ông là bạn thân của đương kim hoàng thượng, vì sao lại bị nhốt ở chốn này?

- Nói ra thì dài lắm! - Tịch Ứng Chân khẽ thở dài. - Năm ấy thiên hạ được bình định, ta không muốn làm quan bèn đi vân du tứ phương. Nhưng Chu Nguyên Chương nhớ lại giao tình thuở trước liền tìm cách triệu hồi ta về kinh đô, một mặt giao nhi nữ của mình cho ta truyền thụ võ công, mặt khác ban cho ta nhiều danh hiệu, để ta ở lại kinh thành quản lý Đạo giáo trên khắp thiên hạ.

- Vốn là người trong Huyền Môn, bất quản cả trời đất, ta tham dự cuộc phân tranh trong thiên hạ cùng lắm chỉ là nhất thời ngẫu nhiên, vinh hoa phú quý không phải thứ ta thích, tiêu diêu tự tại mới là sở cầu của ta. Còn cái bọn hoàng tử hoàng tôn ấy được mấy bà vú nuôi lớn trong chốn thâm cung, nếu không phải loại hèn nhát tầm thường thì cũng là loại bạo ngược bất nhân, dạy dỗ chúng xem ra còn khó hơn lên trời, tính đi tính lại, chỉ có ba người là học được chân truyền của ta, trong đó có một cô bé mà ta hết sức tâm đắc. Chao, cô bé tốt tính như vậy mà lại sinh ra trong nhà đế vương thật là uổng phí.

Nhạc Chi Dương nghe kể đến đây, trong lòng ngưa ngứa, bèn hỏi:
- Cô bé ấy tên là gì?

- Tên nó độc mỗi chữ Vi. - Tịch Ứng Chân hờ hững đáp: - Hiệu là Bảo Huy công chúa.

Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy một bầu máu nóng dâng đến đỉnh đầu, trống ngực thình thịch đập vang. Gã cuối cùng cũng nhớ ra, trong phường hát Trương Thiên Ý đã từng bảo, Chu Vi chính là đệ tử của Tịch Ứng Chân, hèn chi cái tên ấy lại nghe quen tai đến như vậy. Thật không ngờ được, tại cái xứ khỉ ho cò gáy này lại gặp được sư phụ của tiểu công chúa.

Tịch Ứng Chân dòm qua chấn song thấy thần sắc của gã là lạ liền hỏi:
- Sao vậy? Ngươi từng nghe tên nó rồi à?

Nhạc Chi Dương không muốn liên lụy đến Chu Vi bèn lắc đầu giục:
- Xin đạo trưởng kể tiếp đi ạ.

- Ta không thích ở lại kinh thành bèn mượn cớ đi giám sát các đạo quán trong thiên hạ để tiện bề ra ngoài chu du. Chừng đâu hai năm trước, Vi nhi gởi thư cho ta, bảo đã lâu rồi không gặp, trong lòng nhung nhớ không thôi. Ta liếc qua phong thư, cũng có phần nhơ nhớ cô bé đồ đệ này, vì vậy mới chuyển hướng về kinh. Mấy năm qua Chu Nguyên Chương giết chóc quá nhiều, công thần bạn cũ tan tác quá nửa, tuy ông ấy không nói ra ngoài miệng nhưng trong lòng thì hết sức cô đơn, gặp được người bạn xưa đã lánh đời như ta liền níu giữ ở miết trong cung cùng ông ấy chơi cờ uống rượu. Một ngày nọ, chơi xong hai ván cờ, ông ấy chợt đề cập đến hoàng thái tôn Chu Doãn Văn, trong lòng vô cùng phiền muộn. Thái tôn tuy thừa đức hạnh nhưng lại không đủ hùng tài, tuy ông ta đã có trăm kế đề phòng nhưng vẫn lo sợ có sơ suất. Chướng ngại ở triều đình trước mắt đã bị quét sạch, đám quân thần hung hãn khó chế ngự đều bị tru diệt, tuy nhiên bên ngoài triều đình thì vẫn ẩn chứa mầm họa, đặc biệt là dư nghiệt của Đông Đảo. Nhiều năm qua như vậy, đám tro tàn lại âm ỉ bùng cháy, dạo gần đây bọn chúng đã đôi phen xông vào cung cấm, mặc dù chưa thể thành công nhưng cũng cần đề cao cảnh giác. Ông ấy hỏi ta có biết vị trí của Đông Đảo ở đâu không, định đóng tàu chinh phạt, đánh thẳng vào sào huyệt.

- Tuy ta biết Đông Đảo ở đâu nhưng Thái Hạo Cốc và Đông Đảo như cây liền cành như chim liền cánh, sao ta có thể tiết lộ vị trí, đẩy họ vào đường cùng cho được? Cho nên ta đành nói qua quýt, rằng Đông Đảo cách xa Trung Thổ, giữa vùng mênh mông khói sóng, trừ đệ tử Đông Đảo ra, không ai biết đảo ở vị trí nào. Năm ấy Đại Nguyên cũng từng phái binh đi chinh phạt nhưng cũng như mò kim đáy bể, xiết bao lượt công cốc trở về. Chu Nguyên Chương tiêu tan hy vọng, đành nói nếu lần sau còn có đệ tử Đông Đảo xông vào hoàng cung sẽ để cho "Âm Ma" Lãnh Huyền bắt sống, bất kể phải dùng thủ đoạn gì cũng phải ép hỏi cho ra nơi tọa lạc của Đông Đảo.

- Vậy toi rồi còn gì? - Nhạc Chi Dương nói: - Mấy tên ở Đông Đảo này hết sức cuồng vọng, nhất định sẽ còn lén trở lại hoàng cung.

- Ta cũng suy đoán như vậy. - Tích Ứng Chân thở dài: - Ta với Đông Đảo có dính dấp rất nhiều, năm ấy hai bên xem nhau như kẻ thù cũng vì tình thế chẳng đặng đừng, nay tuổi tác ta đã cao, cũng chẳng còn gì mà lo lắng, chi bằng xả thân dấn bước, cho dù chết hay sống thì cũng nên giải quyết nốt mối ân oán này. Nghĩ bụng như thế, ta mượn cớ vân du rời kinh thành, cưỡi thuyền vượt biển, mấy độ lênh đênh mới đến được Đông Đảo. Vân Hư trông thấy ta cũng hết sức ngạc nhiên, nhưng y thân là tông chủ một phái nên cũng không gây khó dễ gì cho ta mà ngược lại còn khách khí dò hỏi ý đồ đến đây của ta.

- Ta đem chuyện vì sao đến đây nói cho y biết, lại bảo: "Giờ đây thiên hạ thái bình, bá tánh lạc nghiệp. Ta với ông đều đã kinh qua chiến loạn, biết bao nhiêu thảm cảnh không dám ngoảnh đầu nhìn lại, nếu dấy binh biến lần nữa liệu sẽ có bao nhiêu người dân vô tội phải tan nhà nát cửa? Dám mong Vân đảo vương lấy bá tánh làm trọng, cứ một cõi xưng hùng ngoài hải ngoại, vứt bỏ đi thù xưa hận cũ". Vân Hư nghe xong chẳng mảy may biểu lộ cảm xúc, chỉ bảo: "Thái Hạo Cốc và Đông Đảo ta có dây mơ rễ má sâu xa, tổ sư Liễu Tình đạo trưởng của ông và tổ sư Công Dương Vũ của bản môn vốn giao tình không nhẹ, năm xưa đạo trưởng ở doanh trại kẻ địch cũng nhiều lần giơ cao đánh khẽ, chừa cho Đông Đảo ta một đường sống. Nhớ đến chuyện cũ ta đây kính ông ba phần. Nhưng mà, theo lời đạo trưởng nói, thật sự phải cân nhắc đôi điều. Từ khi nhà Tống mất ở Nhai Sơn thì Đông Đảo ta luôn nung nấu quyết tâm chống lại giặc Nguyên, trong suốt trăm năm ấy chả biết đã chết mất bao nhiêu anh hùng hảo hán. Về sau Đại Nguyên loạn chính cũng là lúc đệ tử Đông Đảo đồng loạt nổi dậy, muôn vạn người cùng chít khăn hồng. Trận chiến ở Cao Bưu, thừa tướng Đại Nguyên là Thoát Thoát dùng trăm vạn đại quân vây thành, một thành trì bé tẹo đã mấy phen suýt tan vỡ, là nhờ ai đã liều mạng khổ chiến, đại phá quân Nguyên khiến cho chúng chẳng thể tiến xuống phương Nam chứ? Bằng không, Thoát Thoát mà phá được Cao Bưu rồi, thừa thế cuống phăng Giang Nam, Chu Nguyên Chương cho dù có tài năng trùm trời đi nữa cũng phải thành ma dưới đao của bọn Nguyên. Kết quả thì sao chứ, đệ tử Đông Đảo chúng ta máu chảy đầu rơi nơi tiền tuyến, còn hắn thì ở hậu phương trắng trợn khuếch trương thực lực. Đáng hận nhất chính là cái tên Lương Tư Cầm, tổ tiên của hắn vốn là đại tướng triều Nguyên đã nhẫn tâm vứt bỏ đi áo mũ Đại Hán chúng ta. Đạo trưởng tương trợ Chu Nguyên Chương còn có thể
cho là vì thiên hạ bá tánh, còn hắn giúp Chu Nguyên Chương chỉ là vì không muốn để cho Đông Đảo bọn ta đạt được ý nguyện, cho nên trăm phương ngàn kế phá hoại đại sự của bọn ta. Mối hận này cao đến trời xanh, Vân mỗ nếu không trả thù rửa hận thì quả là uổng thân nam tử bảy thước".

- Ta nghe xong lời này, đành nói: "Đánh đuổi rợ Nguyên, Đông Đảo đúng là lập công lớn. Đời có câu: "Tận nhân sự, an thiên mệnh"(*), chống lại giặc Nguyên rõ là quý đảo đã làm hết sức, không phụ lòng của thiên hạ bá tánh, thế nhưng để thống nhất thiên hạ thì không thể thiếu đi ít nhiều sự may mắn. Năm ấy đại chiến mấy bận, nếu Đông Đảo có cơ hội thủ thắng thì biết đâu chừng Chu Nguyên Chương cũng sẽ có họa diệt vong, mọi người ai cũng cố hết sức, thắng bại cũng rõ ràng rành mạch. Con người sinh ra ở đời phải biết chấp nhận thất bại, cứ mồm miệng oang oang không dứt như lũ đàn bà thì đâu có giống hành vi của một người đàn ông tốt."
(ND chú: có nghĩa là khi đã làm hết sức mình rồi, thì chuyện còn lại nên để cho số trời an bài.)

Nhạc Chi Dương bật cười:
- Đạo trưởng nói vậy chỉ e đắc tội người khác rồi.

Tịch Ứng Chân cười khà khà, kể tiếp:
- Vân Hư nghe xong nổi giận đùng đùng. Nhưng y tự cao tự đại, không tiện phác tác ra ở đó, hậm hực một lúc mới bảo: "Hóa ra đạo trưởng là thuyết khách của Chu Nguyên Chương". Ta thấy y ngu xuẩn cố chấp, trong lòng phát bực bèn nói: "Ta đi thuyết phục ông làm gì? Ông mà đi đầu hàng Chu Nguyên Chương, dựa vào thủ đoạn của ông ta, chắc gì chừa cho ông cửa sống. Ta chỉ vì nhớ lại mối quan hệ của đời trước, không nỡ chứng kiến Đông Đảo bị tận diệt nên mới mạo hiểm đến đây nhắc nhở ông một câu, đừng bao giờ trở về gây nhiễu loạn cho Trung Thổ nữa, nhỡ đâu chọc giận Chu Nguyên Chương, để ông ta đóng thuyền chinh phạt, vậy thì nguy to". Vân Hư nghe xong liền đáp: "Chu Nguyên Chương giết hại công thần, không chừa lại dư lực, đạo trưởng cứ năm lần bảy lượt bán mạng cho hắn thì có gì hay đâu? Năm đó Lương Tư Cầm lập cho hắn ta biết bao công lao, kết quả vì không hợp ý là lập tức trở mặt thành thù. Một người chủ bạo ngược như vậy đạo trưởng không cảm thấy đáng sợ hay sao?". Ta không thể khuyên nhủ được Vân Hư, ngược lại còn để y kích động ta, trong lòng thấy buồn cười liền nói: "Đánh giá một vị hoàng đế, hãy xem cách ông ta đối xử với bá tánh như thế nào. Có thể khiến cho thiên hạ thái bình, bá tánh lạc nghiệp, đó chính là một vị hoàng đế tốt, còn những chuyện khác bần đạo chẳng quan tâm". Vân Hư nói: "Xem ra, đạo trưởng không tác động được ta, ta cũng không thuyết phục được đạo trưởng, thôi thì như vầy, chúng ta cùng phát xuất từ một nguồn, đều dựa vào kiếm pháp mà rạng danh, ta và ngươi so kiếm pháp, nếu ngươi thắng thì ta sẽ tự quản thúc đệ tử, không gây khó dễ cho Chu Nguyên Chương nữa; còn nếu ngươi thua thì hãy lén trở về bên cạnh Chu Nguyên Chương, đoạt lấy cái đầu chó của tên ăn mày ấy cho ta!".

- Ta trong dạ giật bắn, vội nói: "So kiếm thì so kiếm, nhưng việc hành thích bần đạo nhất quyết không đồng ý". Vân Hư mỉm cười: "Việc này đạo trưởng không tự quyết định được, nếu không đồng ý, sợ là đạo trưởng không thể rời khỏi hòn đảo này đâu". Ta hỏi: "Ta thắng rồi thì có thể đi chứ?". Vân Hư đáp: "Tất nhiên!" Ta liền nói: "Đao kiếm không có mắt, Đông Đảo là địa bàn của ông, ông có giết ta cũng chẳng hề gì, còn ta mà lỡ làm bị thương ông, đệ tử của quý đảo chắc gì sẽ chấp nhận, lúc ấy ta vẫn không thể rời khỏi Đông Đảo. Hay là đổi sang cách này, có thể phân thắng bại mà không làm tổn thương hòa khí". Vân Hư hỏi là biện pháp nào, ta đáp: "Lúc bần đạo cưỡi thuyền đến đây có trông thấy một hang đá, nơi ấy chim yến ra vào thành từng bầy, hay là chúng ta dùng kiếm đâm yến, hễ chim rơi xuống đất mà không bị thương thì đạt yêu cầu, nếu như làm bị thương bao nhiêu con thì cứ căn cứ vào số con trên mặt đất mà trừ đi bấy nhiêu, trong vòng một nén nhang, ai làm rơi nhiều yến hơn là người thắng cuộc."

Nhạc Chi Dương giật mình:
- Dùng kiếm đâm yến, sao có thể không làm yến bị thương mà rơi xuống đất được chứ?

- Kể ra thì ảo diệu khó tin lắm, kiếm pháp khi luyện đến một cấp độ nhất định thì chuyện đó không có gì là khó nữa. Chỉ cần xuất kiếm êm, nhanh, đúng lúc, vận kình chuẩn xác, mũi kiếm chưa đâm đến nhưng kình lực đã xuyên vào cơ thể của chim yến trước, khiến cho khí huyết nó ngừng lại, mất đi khả năng bay liệng.

Nhạc Chi Dương hít ngược vào một hơi lạnh, buột miệng hô:
- Việc đó khó vô cùng!

- Nếu không khó thì đâu có thể hiện được bản lĩnh. Ta cứ nghĩ Vân Hư chưa chắc ưng thuận, ngờ đâu y không hề ngập ngừng, gật đầu đồng ý ngay, lại hỏi ta, nếu như ta thua thì có chịu đi hành thích Chu Nguyên Chương hay không? Ta không trả lời rõ ràng, chỉ bảo nếu ta thua thì tùy y xử trí. Y mỉm cười không nói gì thêm. Thế rồi chúng ta đi đến phía trước hang yến, đầu tiên giăng lưới cá ra phủ trước cửa hang tránh làm cho yến bay lật tổ, tiếp đó nổi trống lên, đàn yến trong hang giật mình, thi nhau tung cánh bay tán loạn, nhưng vì lưới cá ngăn cản, chúng chỉ biết hoảng hốt chao liệng ngay tại cửa hang. Hai chúng ta ở ngay phía trước lưới, mỗi người đều cầm trường kiếm đâm yến. "Phi Ảnh Thần Kiếm" với sở trường tốc độ, một khi tung chiêu, hệt như ngư long giỡn sóng, rọi bóng chim hồng, màng lưới kiếm kết thành từ lưỡi gươm ấy còn chằng chịt hơn cả tấm lưới cá ngoài kia, ánh kiếm lia đến đâu, hầu như nơi đó khó có con yến nào thoát được. Chốc lát sau, y đã loác xoác đâm rụng hơn mười con yến biển, tiếc thay trong số đám chim rơi dưới mặt đất thì số chết đã chiếm một phần ba còn bị thương đã hơn quá nửa, chỉ có một vài con là còn miễn cưỡng chấp nhận, nhưng nếu trừ đi số chim chết và bị thương thì y đến một con cũng không có dư, thậm chí còn bị âm không ít.

Lão đạo sĩ nói đến đây thì bật cười khùng khục. Nhạc Chi Dương cũng vỗ tay cười theo:
- Vân Hư tự cao quá trớn, lần này đã trúng kế rồi, đạo trưởng trước đây đã từng luyện qua chiêu đâm chim yến hay sao?

- Chưa luyện bao giờ, nhưng ta đề nghị đâm chim yến thì trong bụng cũng có sẵn tính toán. Kể từ khi đại hiệp Vân Thù sáng chế ra "Phi Ảnh Thần Kiếm" đến nay, đường kiếm pháp này thường áp dụng trong chiến tranh, trên chiến trường có ngươi thì không có ta, chuyên dùng để giết địch chớp nhoáng, thường thường đối thủ còn chưa nhìn rõ thì đã bị y một kiếm đâm chết, mà dù có nhìn rõ cũng chẳng thể nào đỡ nỗi một cú nhanh như điện xẹt ấy. Cho nên, đường kiếm pháp này chính là kiếm pháp đoạt mạng, sở hữu một khí thế không thể cản phá. Chim yến vốn nhỏ bé yếu mềm, dùng "Phi Ảnh Thần Kiếm" dũng mãnh như vậy, nếu không cẩn thận thì sẽ đâm xuyên qua mình chim. Còn Thái Hạo Cốc của ta bốn đời đều là đạo sĩ, Huyền Môn ý chính là ở hai từ "Xung Hư". Thánh nhân dạy: "Đại Doanh Nhược Xung, Kỳ Dụng Bất Cùng."(*) Chỉ có giữ lại đường lui ở khắp nơi thì sự sống mới không ngừng sinh sôi nảy nở. Cho nên "Dịch Tinh Kiếm" một khi luyện đến cảnh giới nhất định có thể chuyển Hư thành Xung, mỗi một lần đâm kiếm luôn giữ lại một ít kình lực, một là để tránh làm người khác bị thương nặng, mang ý nghĩa tha thứ của đạo môn, hai là những chiêu thức nhìn tưởng trống rỗng nhưng hậu chiêu thì lại nhiều vô cùng, bất kể đối thủ biến hóa thế nào, ta đều có cách để ứng biến.
(ND Chú: trích đạo đức kinh C45 của lão tử, ý nghĩa là thứ đầy đủ nhất là những thứ nhìn thì như rỗng không nhưng tác dụng nó mang lại thì lại nhiều vô kể)

- Ta hiểu rồi. - Nhạc Chi Dương vỗ tay cười: - Kiếm của Vân Hư là loại kiếm giết chóc, còn của đạo trưởng là kiếm nhân từ, nếu muốn chim yến không chết không bị thương thì loại kiếm nhân từ đương nhiên dễ dàng làm được.

- Thí dụ đúng rồi đó! - Tịch Ứng Chân vỗ tay cười lớn, có cảm giác như gặp được tri kỷ: - Kiếm pháp của ta tuy không dũng mãnh như Phi Ảnh Thần Kiếm thế nhưng kình lực có thể thu phát tùy tâm, mũi kiếm vừa chạm vào thân chim liền thuận theo thế bay của chim mà thu hồi lại phần lớn kình lực, phần dư lực sót lại có thể đâm rơi chim yến mà không gây ra bất kỳ thương tổn nào cho nó. Hiển nhiên không thể nói là "Dịch Tinh Kiếm" trội hơn "Phi Ảnh Thần Kiếm" được, chỉ là phong cách của cả hai không giống nhau, khi lâm trận giết địch, "Phi Ảnh Thần Kiếm" tất nhiên lợi hại nhưng nếu để đâm rơi chim yến thì "Dịch Tinh Kiếm" hiệu quả hơn nhiều.

Nhạc Chi Dương ngấm ngầm khâm phục, nhủ bụng lão đạo sĩ này cừ khôi thật, chỉ trong chốc lát ngắn ngủi mà cũng nghĩ ra được một cách có lợi cho mình như vậy. Nghĩ đến đây, gã lại thấy khó hiểu:
- Nói như vậy, đạo trưởng đáng lý phải thắng mới đúng, sao vẫn còn bị giam ở trên đảo?

- Ta chỉ lo nghĩ đến kiếm pháp mà quên đi mất lòng người. - Tịch Ứng Chân thở dài một hơi: - Lúc bắt đầu, Vân Hư cho rằng việc đâm yến quá sức đơn giản, lại ỷ vào khinh công và kiếm thuật, nhất định có thể giành chiến thắng ngay, đến khi y hiểu ra điểm khó khăn bên trong thì đã rơi xuống thế hạ phong quá sâu rồi. Mắt thấy nén nhang sắp tàn, bại cục đã định, y bèn phất tay bắn ra vô số "Dạ Vũ Thần Châm", thế là toàn bộ đám yến còn sống ở đằng trước ta đều bị ghim chết sạch trên mặt đất.

Nhạc Chi Dương hét lên:
- Như vậy không phải phạm quy hay sao?

- Đúng, ta cũng tố y phạm quy, Vân Hư lại bảo rằng: "Chúng ta chỉ nói không đâm chết yến của mình chứ đâu có nói không được đâm chết yến của đối thủ đâu. Đạo trưởng nếu có khả năng thì cứ đến đâm chết đám yến của ta cũng được mà." Lý lẽ này hết sức vô lại nhưng cũng khó mà phản bác, nén nhang nhanh chóng cháy tàn, ta đành phải buông kiếm nhận thua.

- Rõ ràng là xằng bậy. - Nhạc Chi Dương tỏ ra phẫn nộ: - Đạo trưởng sao có thể nhân thua!

- Chuyện này không minh không bạch, có thể nói là làm bậy, cũng có thể cho là lợi dụng kẽ hở trong quy tắc. Nếu là đám vô lại chợ búa thì hẳn có thể tranh cãi một trận ra trò, nhưng lão đạo ta một đời rộng lượng, sao có thể làm cái trò xấu xa như mấy bà thím ấy? Vân Hư thấy ta buông kiếm nhận thua, lại ép ta đi hành thích Chu Nguyên Chương. Ta nói "Ta cam nhận thất bại, muốn chém muốn giết ta đều nhận hết, nhưng việc hành thích thì vạn lần không thể. Bần đạo xuất thân ở Huyền Môn, cũng biết đến hai từ "nhân nghĩa", ta và Chu Nguyên Chương có giao tình kết bái, sao có thể vì sự bức ép của ông mà đi sát hại huynh đệ của mình, huống chi dù ta có đồng ý trước mặt nhưng về đến Trung Thổ ta lập tức nuốt lời thì sao?". Vân Hư bảo: "Nói cũng phải, đề phòng trường hợp này ta sẽ có hậu chiêu". Nói xong, y giơ ngón trỏ phải điểm năm lần xuống người ta, cảm giác tê-buốt-đau-ngứa, mỗi loại đều khác nhau, ta không kềm được liền hỏi: "Ông làm gì đấy?". Y nói: "Ngươi nghe qua ‘Nghịch Dương Chỉ’ chưa?".

- Ta vừa nghe cái tên đó thì hết hồn, ngón chỉ kình này chính là môn kỳ công mà năm xưa "Tây Côn Luân" Lương Tiêu trong lúc phá giải kỳ độc "Ngũ Hành Tán" đã ngộ ra. Thông thường khí huyết trong cơ thể vận hành đều hợp theo đạo ngũ hành, chỉ kình của "Nghịch Dương Chỉ" lại đảo ngược với ngũ hành, khắc chế toàn bộ khí huyết trong cơ thể. Chỉ kình ẩn nấp lâu ngày trong cơ thể, thường ngày người trúng chỉ không có vẻ gì khác với người bình thường, nhưng cứ mỗi bảy hôm lại phác tác một lần, mỗi lần phác tác thì sống không bằng chết".

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện