Vương Tiến Bảo vừa nói vừa xoay mình đi ra.
Vi Tiểu Bảo rất đỗi bồn chồn, chạy theo níu áo la lên:
- Vương tam ca! Tam ca hãy đưa tiểu đệ đi theo.
Đột nhiên gã thấy một bàn tay to tướng nắm lấy đầu gã. Chính là Hồng giáo chủ. Lại nghe lão nói:
- Tiểu huynh đệ! Quan tổng binh đây từ kinh thành ra đi. Lão nhân gia đã có lòng tốt cho biết rõ ý kiến của Hoàng thượng. Ngươi đừng nghĩ vớ nghĩ vẫn nữa.
Tôn Tư Khắc cũng lớn tiếng:
- Đúng thế! Chúng ta phải đi truy đuổi phản tặc cho lẹ, không thể chần chờ được.
Vi Tiểu Bảo biết mạng mình lúc này ở trong tay Hồng giáo chủ. Lão chỉ nhả nội kình một cái là lập tức đầu gã phải nát như tương. Nhưng chẳng chết lúc này thì cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Gã vội lớn tiếng năn nỉ:
- Xin các vị bắt tiểu đệ đem đi. Tiểu đệ là Vi Tiểu Bảo đây mà.
Mọi người nghe gã la đều sửng sốt.
Tôn Tư Khắc cười hô hố đáp:
- Vi Tiểu Bảo là thằng nhỏ mới mười mấy tuổi đầu. Còn ngươi là ông lão bẩy tám chục tuổi đầu, sao dám lớn tiếng nói đùa? Há chẳng làm người ta phải cười đến trẹo quai hàm?
Hắn nói rồi kéo tay áo Vương Tiến Bảo, hai người song song rảo bước đi ra.
Lại nghe tiếng quát tháo truyền lệnh:
- Để lại đây mười ba con ngựa, cho truy binh đến sau biết tin tức. Phóng hỏa đốt ngay hai căn nhà gianh kia khiến bọn phản tặc không còn chỗ ẩn nấp.
Quân sĩ dạ ran tuân lệnh.
Lập tức có người phóng hỏa đốt nhà.
Tiếp theo tiếng vó ngựa lộp cộp vang lên, đại đội nhân mã nhằm phía bắc rong ruổi.
Vi Tiểu Bảo thở dài sườn sượt nghĩ bụng:
- "Phen này nhất định ta phải chết rồi. Vương tam ca cùng Tôn tứ ca sợ ta không chạy mà còn đạo binh khác rượt tới là hết đường".
Một nóc nhà gianh lửa bốc lên ngùn ngụt, khói đen giàn giụa ra tứ phía.
Hồng giáo chủ cười lạt nói:
- Bạn hữu ngươi đều có lòng nghĩa khí, đã cho tiền lại tặng ngựa. Chúng ta đi thôi.
Tăng Nhu đỡ Công chúa dậy. Đoàn người theo cổng hậu ra ngoài quanh về phía trước quả nhiên thấy mười ba con ngựa buộc ở một gốc cây lớn. Trong đám này có hai con yên cương còn mới nguyên, hiển nhiên là ngựa của Vương Tiến Bảo và Tôn Tư Khắc.
Hồng giáo chủ vung tay trái lên một cái, bốn tiếng "véo véo" vang lên. Lão đã liệng ra bốn thanh đoản kiếm.
Tiếp theo bốn tiếng "răng rắc" vang lên. Bốn cành cây lớn trên cây cổ thụ bị chặt đứt, rơi xuống ầm ầm.
Hoàng Long sứ Trần Bá Cương tán tụng:
- Thần kiếm của giáo chủ đã đến trình độ thiên hạ vô song. Bọn ngươi là bốn đứa trẻ nít mà hòng trốn chạy thì hãy coi bốn cành cây kia làm gương.
Hắn dứt lời tán tụng liền tung mình vọt đi lượm bốn thanh đoản kiếm mang về, hai tay cung kính đưa hoàn trả cho Hồng giáo chủ.
Đoàn người chia nhau cưỡi mười ba con tuấn mã.
Lục Cao Hiên phóng ngựa chạy trước, mười hai con theo sau thành hàng chữ nhất chạy về hướng đông nam.
Vi Tiểu Bảo chỉ mong có truy binh tới nơi bắt mình đem về Hoàng cung. Gã tính thầm:
- "Tiểu Hoàng đế có mối tình nghĩa thâm trọng với tạ Chuyến này ta mắc trọng tội, vị tất đã khỏi mất đầu. Nhưng dù sau bị chết bởi tay tiểu Hoàng đế cũng còn hơn để lão giáo chủ thâm độc này bắt đưa đi. Ta lọt vào tay lão chẳng những cũng phải chết mà còn phải chịu biết bao nhiêu nỗi khổ ải nữa".
Nhưng đoàn người đi mỗi lúc một xa mà vẫn không nghe thấy tiếng vó ngựa rượt theo.
Mười ba con tuấn mã này do chính Vương Tiến Bảo, một tay sành ngựa nổi tiếng lựa chọn, toàn là lương câu. Chúng chạy nhanh như gió. Mặc dù đằng sau có truy binh cũng khó lòng đuổi kịp được. Huống chi ba vị tổng binh Triệu Lương Đống, Vương Tiến Bảo, Tôn Tư Khắc đều dẫn quan binh rượt lên phía bắc.
Dọc đường ai nấy đều ngậm tăm, không nói câu nào. Chỉ một mình Công chúa không ngớt kêu la, chửi mắng. Sau cùng cũng bị Trần Bá Cương điểm vào á huyệt.
Tuy nàng tức đến vỡ bụng mà không lên tiếng thóa mạ được.
Hồng giáo chủ thống lĩnh đoàn người ngựa, cứ nhằm nơi hoang lương lao thẳng về hướng đông nam. Đêm cũng nghỉ nơi đồng không mông quạnh.
Vi Tiểu Bảo đã mấy lần toan lẩn trốn, nhưng Hông lão chủ cũng là người qui?
quyệt, cơ trí chẳng kém gì gã. Mấy lần gã toan hành động đều bị ăn đòn mấy thoi quyền cước mà chẳng được ích gì. Sau cùng gã tự biết không còn cách nào thoát khỏi bàn tay Hồng giáo chủ nên đành chịu theo.
Đoàn người ngày đi đêm nghỉ, sau mấy tháng hành trình mới tới bờ biển.
Lục Cao Hiên móc trong người Vi Tiểu Bảo lấy mấy tấm ngân phiếu để mướn một con thuyền lớn ra khơi.
Vi Tiểu Bảo ngấm ngầm kêu khổ. Gã nghĩ tới tiền mướn thuyền cũng của gã để địch nhân đưa mình đi hành tội, trong lòng gã càng căm hận chua xót.
Đoàn người xuống thuyền rồi, nhà đò dương buồm chạy về phía đông.
Vi Tiểu Bảo trong lòng căm hận mắng thầm:
- "Phen này chúng lại đưa lão gia ra Thần Long đảo. Chắc con rùa đen Hồng giáo chủ định đem thịt lão gia để nuôi rắn".
Gã nghĩ tới thảm cảnh khi bị bầy rắn độc trên đảo xúm lại há miệng đớp vào mình gã, bất giác toàn thân run bần bật.
Sau gã trấn tĩnh tự nhủ:
- "Phải tìm cách nào phá thủng một lỗ lớn dưới đáy thuyền để nước ùa vào cho chết cả lũ mới yên được" Vi Tiểu Bảo có ý định như vậy, nhưng bọn giáo chúng đã biết gã quỉ kế đa đoan, giám thị rất gắt gao khiến gã không có cơ hội nào để động thủ.
Vi Tiểu Bảo hồi tưởng lại lần trước đã đến đảo Thần Long. Lần đầu gã ngồi thuyền cùng Phương Di, thủ thỉ bên tai mình mình ta ta, kể sao cho xiết nỗi ôn nhu đằm thắm. Lần thứ hai gã thống lĩnh đại binh, oai phong bát diện, lẫm liệt tứ phương. Đến lần này gã bị người quyền đấm chân đá, mất mạng trong sớm tối.
Những nỗi lo âu, vui sướng trong mấy chuyến đi thật khác nhau một trời một vực.
Từ ngày dời khỏi nhà nông xá ngoại thành Bắc Kinh, gã cùng Phương Di trên bộ cưỡi ngựa song hành, ngoài biển ngồi chung một thuyền mà thủy chung cô vẫn trơ ra như gỗ, lẳng lặng chẳng nói câu gì, nỗi mừng vui cũng không lộ ra ngoài mặt.
Tuy cô không hành hạ gã, nhưng thủy chung chẳng thèm đưa mắt ngó tới gã lần nào.
Có lúc gã cho là Phương Di khiếp oai Hồng giáo chủ, dù trong lòng có mối thâm tình với gã cũng chẳng dám hé răng. Có lúc gã lại nghĩ là đã mắc bẫy cô nhiều lần và cho cô là một nữ nhân thâm hiểm quỷ quyệt nhất thiên hạ. Bất giác gã nghiến răng căm hận.
Ngồi thuyền ít ngày, quả nhiên đã tới Thần Long đảo.
Lục Cao Hiên, ủy tôn Giả áp giải bọn Vi Tiểu Bảo, Công chúa, Mộc Kiếm Bình và Tăng Nhu bốn người lên bờ.
Trần Bá Cương bức bách nhà đò cũng phải dời thuyền. Một tên chân sào đưa ra dị nghị liền bị chém chết. Thế là bao nhiêu người trong thuyền đều sợ bở vía không còn ai dám lên tiếng nữa, đành líu ríu lên bờ hết.
Trên đảo cây khô lá úa, gạch ngói ngổn ngang. Khắp chỗ đều là vết tích của cuộc nổ súng tập kích ngày trước còn để lại.
Trong rừng cây mùi hôi thối sặc sụa xông lên mũi. Dọc đường đầy những xác rắn phơi xương.
Đoàn người dừng trước đại đường, chỉ thấy tường đổ trúc gẫy. Mấy chục căn nhà tre bị phá hủy hoàn toàn không còn lấy một gian.
Hồng giáo chủ đứng nhìn cảnh hoang phế tan tành, lẳng lặng không nói câu gì.
Bọn Trần Bá Cương đều đầy vẻ phẫn nộ.
Trương Đạm Nguyệt đột nhiên lớn tiếng hô:
- Hồng giáo chủ đã về đảo! Giáo chúng các lộ mau mau ra làm lễ tham bái!
Hắn đã đề tụ chân khí, tiếng hô truyền đi xa mấy dặm. Sau một lúc hắn hô đi hô lại mấy lần mà chỉ nghe thấy tiếng vang trong sơn cốc vọng trở lại hồi lâu không ngớt. Nhưng bốn mặt vẫn hiu quạnh chẳng những không thấy giáo chúng kéo đến mà cũng chẳng có tiếng người đáp lại.
Hồng giáo chủ quay lại ngó Vi Tiểu Bảo bằng con mắt hằm hằm, cất tiếng gay gắt hỏi:
- Ngươi thống lãnh quan binh bắn đại pháo lên đảo khiến cho Thần Long giáo rộng lớn này tan tành như xác pháo. Ngươi đã vui lòng hả dạ chưa?
Vi Tiểu Bảo thấy lão đầy vẻ oán độc, lông tóc dựng đứng cả lên. Gã cất tiếng run run đáp:
- Cảnh cũ chưa đi,..... cảnh mới chưa lại..... Hồng giáo chủ trùng trấn oai phong..... đại triển hồng đồ, gây lại tân giáo khai trương phát tài, làm ăn hưng thịnh suốt bốn biển, tài nguyên đầy rẫy khắp tam giang..... Cái đó kêu bằng càng đốt càng lên..... càng nổ càng thịnh vượng. Hồng giáo chủ tiên phúc vĩnh hưởng...
Hồng giáo chủ nói:
- Hay lắm!
Đột nhiên lão vung chân đá Vi Tiểu Bảo bắn tung lên rồi rớt xuống đánh ầm một tiếng. Gân cốt gã tưởng chừng đứt hết, không bò dậy được nữa.
Trần Bá Cương tiến lại khom lưng nói:
- Khải bẩm giáo chủ! Tên tiểu tặc này tội đáng muôn thác. Xin cho bọn thuộc hạ mỗi người chặt một đao phân thây gã ra làm muôn đoạn.
Hồng giáo chủ hắng dặng một tiếng đáp:
- Hãy khoan!
Sau một lúc lão nói tiếp:
- Trong lòng tên tiểu tử này còn giấu một cơ mật trọng đại. E rằng việc phục hưng bản giáo phải dựa vào những bí mật trọng đại đó. Vậy tạm thời chưa thể giết gã ngay được.
Trần Bá Cương nói:
- Dạ dạ! Giáo chủ nhìn xa trông rộng. Bọn thuộc hạ ngu tối không thể hiểu được những điều ảo diệu bên trong.
Hồng giáo chủ ngồi xuống phiến đá lớn, trầm tư một lúc rồi nói:
- Từ xưa đến nay những người làm nên đại sự nhất định phải trải qua nhiều tai nạn to lớn. Bản giáo trong lúc nhất thời bị khốn đốn là chuyện thường, chẳng có chi kỳ lạ. Hiện giờ giáo chúng tan nát, chúng ta phải nghĩ cách chỉnh đốn lại chính sự như thế nào? Ai có ý kiến gì cứ việc đưa ra.
Trần Bá Cương đáp:
- Giáo chủ là bậc anh minh trí tuệ hơn đời. Bọn thuộc hạ suy nghĩ cả mười đêm ngày cũng không bằng giáo chủ chợt động tâm cơ trong nháy mắt. Vậy xin giáo chủ chỉ thị lương sách để bọn thuộc hạ thi hành là xong.
Hồng giáo chủ lẩm nhẩm gật đầu nói:
- Công việc đầu tiên hiện giờ là tụ tập giáo chúng trở lại. Lần trước quan binh Thát Đát nổ súng lên đảo, tuy giáo chúng bị thương vong rất nhiều, nhưng bất quá ba phần mới mất một. Còn hai phần lưu tán ra tứ phương. Bản tòa cho Lục Cao Hiên thăng lên chức Bạch Long sứ để bổ xung cho đủ số Ngũ Long sứ.
Lục Cao Hiên cúi đầu tạ Ơn.
Hồng giáo chủ lại nói:
- Thanh, Xích, Bạch, Hắc, Hoàng Ngũ Long sứ lập tức chia ra các ngả chiêu tập cựu bộ. Nếu thấy những nam nữ thiếu niên có đủ tư cách cũng thu về làm thuộc hạ để trùng hưng bản giáo.
Trần Bá Cương, Trương Đạm Nguyệt, Lục Cao Hiên ba người khom lưng đáp:
- Bọn thuộc hạ xin kính cẩn tuân theo hiệu lệnh giáo chủ.
Xích Long sứ Vô Căn đạo nhân và Thanh Long sứ Hứa Tuyết Đình lẳng lặng không nói gì.
Hồng giáo chủ lé mắt ngó hai người hỏi:
- Xích Long sứ và Thanh Long sứ có ý kiến gì?
Hứa Tuyết Đình đáp:
- Khải bẩm giáo chủ! Thuộc hạ có hai điều trình bày, mong giáo chủ chuẩn y cho.
Hồng giáo chủ hắng dặng một tiếng hỏi:
- Hai điều gì?
Hưa Tuyết Đình đáp:
- Bọn thuộc hạ trước nay vẫn hết dạ trung thành cùng bản giáo và giáo chủ.
Thế mà giáo chủ thủy chung vẫn không tín nhiệm anh em khiến lòng người chán nản. Điều thứ nhất thuộc hạ khẩn cầu giáo chủ rộng lượng ban thuốc giải Độc Long hoàn để cho anh em không phải lo lắng gì nữa là họ sẽ hết lòng phục vu.
cho giáo chủ.
Hồng giáo chủ lạnh lùng nói:
- Nếu bản tòa không ban thuốc giải thì các ngươi không hết lòng hết ý làm việc cho bản giáo chăng?
Hứa Tuyết Đình đáp:
- Thuộc hạ không có ý thế. Còn điều thứ hai thuộc hạ nhận thấy bọn thiếu niên cả nam lẫn nữ làm việc nên thì không đủ mà làm hư việc lại có thừa. Khi gặp biến cố trọng đại là tên nào tên nấy trốn sạch sành sanh. Phen này bản giáo gặp cơn hoạn nạn, thủy chung chỉ có bọn