Đường đến nhà tang lễ rất khó đi. Để đến cổng nhà tang lễ phải đi qua một con đường thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn. Nhiều khi, xe xếp thành hàng dài, nhìn không thấy đường ra. Có lẽ lẫn trong đám xe đó còn có vài chiếc xe tang chở thi thể. Ngộ nhỡ chiếc xe nào bị tắc ngay đằng sau chiếc xe tang thì thể nào mấy bác tài xế cũng lên tiếng chửi rủa con đường mà ai cũng sẽ phải đi qua này. Lúc này, Bạch Bích đang ngồi trên một chiếc taxi như thế. Chiếc xe tang phía trước ì ạch tiến từng bước chậm như rùa, giống như người sắp chết đang bò trên con đường dòng xe cuồn cuộn để đến nơi hoả táng, thiêu đốt chính mình.
Bạch Bích nhìn ra ngoài cửa xe, trời đã bắt đầu sẫm lại. Bây giờ là 3 giờ 45 phút. Cô ra khỏi nhà từ lúc 2 giờ rưỡi, tang lễ, thực ra phải gọi là lễ truy điệu, sẽ được tiến hành vào lúc 4 giờ chiều. Chỉ còn 15 phút nữa, nếu như đi bộ thì may ra còn kịp. Cô xuống xe ngay chính giữa dòng xe đang chen chúc, bước vội về phía vỉa hè. Những người đi trên vỉa hè phần lớn đều đeo băng tang trên cánh tay. Họ bước những bước đi vội vã nhưng không phải ai trông cũng đau buồn. Bạch Bích rảo bước nhanh hơn. Gót giày nhọn của cô gõ xuống nền xi măng phát ra những tiếng kêu nghe rợn người. Cô mặc một bộ quần áo đen, khuôn mặt tuy không trang điểm nhưng vẫn rất ưa nhìn. Nếu như cô cài thêm một bông hoa nhỏ màu trắng lên trên mái tóc dài màu đen được búi gọn kia thì trông cô giống hệt như những người đẹp thường được miêu tả trong các tiểu thuyết ngày trước. Bạch Bích biết rằng, trong những câu chuyện đó, những người con gái như vậy thường là các goá phụ trẻ, có chồng mới mất. Nhưng cô không giống họ, cô thậm chí còn chưa kết hôn. Ngày cưới của cô cũng không còn xa nữa, chỉ một tháng nữa thôi, cô sẽ là cô dâu. Thế mà, giờ đây tất cả đã không còn có thể xảy ra được nữa rồi. Bởi vì, lúc này, cô đang đi tới buổi tang lễ chính người chồng chưa cưới của mình.
Ba giờ 59 phút. Cô đã không đến muộn, vừa kịp bước được vào đại sảnh cử hành tang lễ. Đại sảnh đầy người, đông đúc, chen chúc và ầm ĩ. Mấy đứa trẻ con vẫn còn đang đùa nghịch. Cô cúi đầu, lặng lẽ ẩn mình vào một góc, cô không muốn bị người khác để ý tới. Cô nhìn thấy bố mẹ của Giang Hà. Họ là đôi vợ chồng già từ dưới quê lên. Nếu Giang Hà không chết, một tháng nữa thôi, họ sẽ là bố mẹ chồng của cô. Người tóc bạc tiễn kẻ tóc xanh, mất đi đứa con trai ở tuổi xế chiều khiến họ tiều tụy đi nhiều. Cô có đôi chút phân vân do dự. Cô không ghét bỏ gì họ cả mà chỉ vì cô vốn rất sợ những tiếng gào khóc kêu than.
Nhưng rồi, cô cũng bị người khác nhìn thấy. Mẹ Giang Hà chạy bổ về phía cô, nắm chặt lấy tay cô mà khóc. Nước mắt của bà rơi xuống mu bàn tay cô, nóng hôi hổi, rồi từ từ khô đi. Những giọt nước mắt này tạo cho cô một áp lực. Nó khiến cô cũng muốn trào nước mắt, nhưng lúc này một giọt nước mắt cô cũng không thể tuôn rơi. Cô tự nhủ, không biết liệu có phải cứ phải nhỏ nước mắt, phải khóc lóc kêu gào thảm thiết mới có thể chứng tỏ được nỗi đau đớn trong đáy lòng mình không. Thế nên cô cảm thấy có đôi chút sợ hãi. Đôi vợ chồng ông già nói với cô bằng giọng đặc âm địa phương. Bạch Bích gần như không hiểu một câu nào. Có điều, với biểu hiện của họ, cô biết rằng họ đã coi cô là người một nhà. Lúc này, cô bỗng cảm thấy trong người vô cùng khó chịu, khuôn mặt cô bắt đầu đỏ dần lên. Cô ý thức được rằng tất cả mọi con mắt có mặt ở đại sảnh này đang đổ dồn vào cô, như đang nhìn một goá phụ xinh đẹp, xem cô ta để tang chồng mình như thế nào.
Nghi lễ của buổi truy điệu bắt đầu. Bạch Bích bị người ta xếp cho đứng ở chính giữa hàng đầu tiên. Đó là một vị trí dễ gây sự chú ý nhất, đối diện ngay với di ảnh của Giang Hà. Bức ảnh Giang Hà với khuôn mặt rất đàn ông của anh đang nhìn cô mỉm cười. Cô cũng nhìn Giang Hà. Bỗng nhiên trong cô xuất hiện một ảo giác. Cô cảm thấy đó không phải là một bức ảnh, mà chính là Giang Hà bằng xương bằng thịt. Anh bước ra từ trong ảnh, nắm lấy tay cô, thì thầm vào tai cô vài câu. Nhưng trên thực tế, đó vẫn chỉ là một bức di ảnh được viền đen mà thôi.
Tiếp sau đó, bố Giang Hà bắt đầu đọc điếu văn. Lúc này, ông đã dùng tiếng phổ thông, tuy vẫn mang nặng âm địa phương nhưng mọi người vẫn có thể hiểu được. Đại ý của bài điếu văn là ông hồi tưởng lại những kí ức về quá trình người con trai mình từ một cậu bé sống ở vùng quê nghèo, phấn đấu học tập thi đỗ vào trường đại học ở thành phố, sau đó vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Cuối cùng, ông còn nhắc đến việc, chỉ còn một tháng nữa thôi, con trai ông sẽ cưới vợ, được làm chú rể. Nhưng không ngờ lại xảy ra việc ngoài ý muốn này. Thế là kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Nói một hồi, ông có nhắc đến tên Bạch Bích, khiến các con mắt đều đổ dồn vào cô, hệt như đang ngắm nghía một món đồ nào đó. Điều này khiến toàn thân cô khẽ run lên. Đến bây giờ cô mới hiểu, trong con mắt những người tham dự lễ tang này, cô nghiễm nhiên được nhìn nhận như vợ của người đã chết. Chưa bao giờ cô nghĩ mình lại có ngày trở thành goá phụ. Cô mới 23 tuổi, rõ ràng là không thể quen được với điều này. Mặc dù, cô biết rằng về mặt pháp lý cô và họ chưa hề có quan hệ gì. Cô chỉ là một người con gái chưa chồng bình thường mà thôi. Vậy mà giờ đây, ít nhất cô còn phải ở nhà tang lễ hơn một giờ đồng hồ nữa để đóng vai người goá phụ trẻ. Trong mắt của rất nhiều người, cô nên làm tròn cái nghĩa vụ này. Nghĩ đến đây, cô bỗng cảm thấy tủi thân. Sự tủi thân này khiến cho nước mắt cô cứ tự nhiên muốn trào ra. Đôi mắt cô bắt đầu ướt đẫm nước. Thỉnh thoảng những dòng mắt khẽ trào ra bị cô nhẹ nhàng lau đi.
Tiếp đó, là đến lượt lãnh đạo đơn vị nơi Giang Hà làm việc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ đọc điếu văn. Tên của Viện trưởng đương nhiệm là Văn Hiếu Cổ. Chỉ cần nghe đến tên là biết ngay người này sinh ra để làm cái nghề này. Văn Hiếu Cổ là đồng nghiệp của bố Bạch Bích lúc ông còn sống. Bạch Bích vẫn còn nhớ hồi nhỏ, Văn Hiếu Cổ thường đến nhà cô. Hễ đến là lại ngồi thảo luận cả buổi với bố cô về một chi tiết nào đó trong lịch sử vùng Tây Tạng. Bố Bạch Bích mất trong một tai nạn giao thông năm cô 10 tuổi. Từ đó về sau, Văn Hiếu Cổ càng thường xuyên đến và quan tâm đến mẹ con cô hơn. Bài điếu văn của Văn Hiếu Cổ có rất nhiều từ ngữ mỹ miều, nghe như một bản báo cáo khoa học. Sau đó, ông ca ngợi Giang Hà tuổi trẻ tài cao, có nhiều thành tựu trong các đề tài nghiên cứu khoa học, và rất có tinh thần học hỏi, tìm tòi... Nhưng Bạch Bích gần như chẳng nghe lọt tai lời nào cả. Cô chỉ nhìn vào đôi môi không ngừng cử động trên khuôn mặt lạnh tanh chẳng bao giờ bộc lộ chút cảm xúc nào của Văn Hiếu Cổ.
Sau khi các bài điếu văn được đọc xong, tiếng nhạc điếu bắt đầu vang lên. Trong giai điệu chậm rãi ru ngủ đó, mọi người lần lượt cúi mình ba lần trước di ảnh của Giang Hà. Tiếng nhạc điếu làm Bạch Bích nhớ đến lễ truy điệu của bố cô hơn mười năm trước. Năm ấy, Văn Hiếu Cổ 40 tuổi, đứng bên cạnh mẹ cô, tay giữ chặt áo mẹ cô, đề phòng người đàn bà goá bụa ngã gục xuống. Bạch Bích cũng cúi mình xuống theo mọi người, cô biết rằng, Giang Hà nếu đúng là đang nhìn cô, anh nhất định sẽ không để cho cô cúi lạy mình thế này. Thế nên, cô ngẩng đầu lên, nhìn tấm di ảnh của Giang Hà.
Sau đó, trong tiếng nhạc điếu, Bạch Bích bước theo mọi người đi cáo biệt di thể Giang Hà. Chiếc quan tài kính đặt sau tấm vải đen treo di ảnh. Giang Hà nằm yên lặng trong đó. Mẹ Giang Hà vừa nhìn thấy con trai liền gục lên quan tài mà gào khóc. Tiếng khóc như muốn gọi cho bằng được người nằm trong quan tài sống lại. Mặc dù rất thông cảm với họ, nhưng Bạch Bích vẫn thấy chóng mặt. Cô dừng lại ở một góc quan tài, lặng lẽ nhìn chăm chú vào người chồng chưa cưới. Lúc này, Giang Hà mặc một bộ comple nhập khẩu mới, đầu chải bóng, trang điểm cũng khá đẹp, chỉ có mặt là hơi trắng quá. Nhưng bình thường, anh vốn cũng đã là người có nước da trắng bệch, nên cô không cảm thấy sợ như khi nhìn người chết. Bạch Bích lại