Sau khi lửa soi hồng những khuôn mặt đẫm mồ hôi.
Sau khi sương lạnh bao trùm vườn hoa tĩnh mịch.
Sau khi mang đau thương qua những ngọn núi đá.
Lại là những tiếng gào thét, lại là những tiếng kêu la.
Cung điện tù ngục và tiếng sấm xuân
Vang vọng làm chấn động núi xa
Ngày ấy anh ta đang sống, còn bây giờ đã chết
Chúng ta đã từng sống và bây giờ đang sắp chết
Chỉ cần kiên nhẫn một chút thôi.
La Chu ngồi trên ghế, lặng lẽ nghe đoạn thơ trên trong bài thơ “Đất hoang”. Trong chớp mắt, anh cũng cảm thấy giống như lời trong bài thơ, bản thân anh đã từng sống, còn bây giờ thì đang sắp chết. Anh thong thả hít thở không khí, ngắm Lam Nguyệt đang ngồi trước mặt. Còn Lam Nguyệt thì đang nhìn thẳng vào mắt La Chu, đọc “Đất hoang” bằng chất giọng giàu sức cuốn hút của mình. Ánh sáng trong phòng đã được cô điều chỉnh xuống mức thấp nhất, vừa đủ để La Chu có thể nhìn rõ khuôn mặt và đôi mắt mơ màng của cô. Cô ngồi cách La Chu khoảng một mét, La Chu cảm thấy đây là khoảng cách có thể mộng tưởng hão huyền nhưng không thể với tay tới. La Chu không rõ bây giờ là mấy giờ đêm, chỉ nhớ những con sóng cả trên sông Tô Châu đã sớm bị bóng tối bao trùm. Anh giống như một ngư dân, bỗng nhiên đánh được một con cá tuyệt đẹp ở dưới sông. Miệng Lam Nguyệt tiếp tục mấp máy dưới ánh điện, những câu thơ trong “Đất hoang” giống như khe suối chầm chậm tuôn chảy:
Ở đây không có nước chỉ có núi đá,
Núi đá không có nước chỉ có con đường cát,
Con đường cát chạy vòng quanh núi
Núi là do đá chồng lên nên không có nước
Nếu có nước chúng ta đã dừng lại để uống
Giữa núi đá con người không thể dừng lại hoặc suy nghĩ
Bàn chân cạn mồ hôi chìm trong đất cát
Chỉ cần trong núi đá có nước
Núi đã chết miệng đầy răng sâu, không khạc ra được một giọt nước
Người ở đây không thể đứng, cũng không thể nằm, cũng không thể ngồi
Trên núi đến cả sự tĩnh lặng cũng không có.
Chỉ có tiếng sấm cạn, không có mưa
Trên núi đến cả sự cô đơn lạnh lẽo cũng không có
Chỉ có những bộ mặt trầm uất gầm thét trong nụ cười lạnh lẽo
Hiện ra trên cửa căn nhà bùn khô nứt nẻ.
La Chu rất thuộc đoạn thơ này, anh đã từng kinh hãi cái thế giới mà T.S Eliot miêu tả, nhưng nghĩ kỹ, kỳ thực bản chất của thế giới không phải mang dáng dấp như thế sao? Con người đã giấu giếm, che đậy, không phải bản chất thật của bộ mặt thế giới là thế này ư? Cho dù là như thế thì có gì đáng sợ đâu, chỉ có đôi môi hồng của người đọc thơ, dường như cùng lúc tuôn ra những vần thơ cũng hút luôn cả anh vào đó. Thực ra bài thơ mà anh thích nhất không phải “Đất hoang” mà là bài “Bốn khúc tứ tấu”[26], cũng là bài thơ được giải Nobel văn học. La Chu trước kia thậm chí còn viết một cuốn tiểu thuyết có liên quan đến Eliot, đại thể là mô phỏng theo Jorge Luis Borges, nội dung kể về Eliot đi trong mê cung, nhưng mãi không đi được đến đoạn cuối. Bắt đầu từ đất hoang, cuối cùng lại kết thúc ở đất hoang. Trong khi La Chu đang suy nghĩ lan man về Eliot thì Lam Nguyệt vẫn vẫn tiếp tục đọc “Đất hoang”.
Chỉ cần có nước
Mà không cần núi đá
Nếu có núi đá
Cũng có nước
Có nước
Có nguồn
Trong núi đá có đầm nước nhỏ
Nhưng chỉ có tiếng nước chảy
Không phải là thật
Cùng đồng ca với cỏ khô
Còn tiếng nước chảy trên núi đá
Ở đó chim họa mi thành đàn hót trên những cây tùng
Tí tách, tí tách, tách tách tách
Nhưng không có nước.
- Đủ rồi! - La Chu đột ngột cắt đứt giọng đọc của Lam Nguyệt. Anh lẩm bẩm câu “Nhưng không có nước”. Cho dù dưới căn hộ của anh là một con sông đầy nước, nhưng anh vẫn cảm thấy khát, anh cảm thấy trong cổ họng bỗng nhiên nóng ran lên như có ngọn lửa thiêu đốt ở bên trong.
- Nhưng vẫn chưa đọc xong. - Lam Nguyệt dịu dàng nói.
- Anh biết!
La Chu ngẩng đầu lên, ghé sát vào cô nói:
- Xin lỗi đã cắt lời em, nhưng đến đấy với anh là đủ lắm rồi, không cần phải đọc hết! Nếu không anh sẽ không chịu nổi. Vả lại, em đọc cũng đã lâu rồi, nhất định khát nước, phải uống một chút gì chứ!
Anh đứng dậy mang đến cho Lam Nguyệt mấy lon nước ngọt.
- Cảm ơn anh, em không khát, em sinh ra vốn đã không sợ khát rồi!
Nhưng cô vẫn uống một ngụm, có lẽ là vì lịch sự, cũng có thể cô khát thật.
- Em biết vì sao anh chịu không nổi không? Vì từ cái đoạn “Chỉ cần có nước” đến cái đoạn “Nhưng không có nước” đó là quá trình đi từ hy vọng đến tuyệt vọng hoàn toàn. Có nước và không có nước, đọc nên chỉ thiếu một chữ nhưng là ranh giới giữa sinh tồn và chết chóc. Anh bỗng nhiên nhớ đến “Đoạn hồn Lâu Lan” của chúng ta. Thành cổ Lâu Lan chẳng phải vì mất nguồn nước mà bị diệt vong sao?
- Trong kịch bản của chúng ta, Thành cổ Lâu Lan mất nguồn nước là do lời nguyền.
- Đúng, nhưng theo anh thì như nhau cả thôi, đều là một dạng tuyệt vọng! Anh nghĩ Amanda Eliot có lẽ biết Thành cổ Lâu Lan, thậm chí khả năng còn có cảm hứng với Thành cổ Lâu Lan. “Đất hoang” viết năm 1922, khi đó những báo cáo và thư tịch của Sven Ahders Hedin và Marc Aurel Stein đã lưu