Trong rạp tối thui, quả nhiên, trên sân khấu đã bắt đầu diễn. Bối cảnh sân khấu là một thung lũng hoang vắng và lạnh lẽo, mộ phần rải rác khắp nơi, không khí âm u đáng sợ. Bạch Bích đoán người phụ trách mỹ thuật và dàn dựng sân khấu của đoàn phải là người thích xem tiểu thuyết của Stephen King. Quốc vương trẻ Thành cổ Lâu Lan đang tự hỏi tự đáp theo kiểu gần như độc thoại. Bạch Bích chưa xem được phần biểu diễn trên sân khấu, cô đang tìm ghế ngồi trong bóng tối, chẳng bao lâu cô đã tìm thấy, đồng thời cô kéo luôn cả Diệp Tiêu ngồi xuống ghế bên cạnh. Mặc dù vé của họ không phải là một cặp, nhưng trong rạp còn nhiều ghế trống, cho nên hầu như khán giả không ai ngồi đúng chỗ của mình.
Diệp Tiêu ngẩng đầu lên nhìn một lượt những khán giả đang ngồi trong bóng tối. Tuy người đến xem không nhiều lắm, nhưng chí ít cũng vượt quá con số mà anh tưởng tượng. Anh luôn sợ rằng vở kịch của La Chu lần đầu công diễn, người diễn kịch nhiều hơn người xem kịch, nếu thế thì gay to, nhưng giờ được như thế này cũng khá ổn rồi. Đại để trong số năm, sáu trăm chỗ ngồi của rạp lấp đầy được khoảng một nửa, như thế là không tồi đâu. Có lẽ do công tác quảng cáo bỏ nhiều công phu, đã lôi cuốn được một số học sinh của Học viện Sân khấu, cũng có thể còn do bức áp phích của Bạch Bích vẽ nữa.
Rất nhanh, màn thứ hai bắt đầu, sự thay màn liên tiếp với khoảng cách ngắn như thế thường ít gặp. Đến nỗi những học sinh của Học viện Sân khấu ngồi bên dưới còn cho rằng đây là loại kịch tiên phong mang tính thực nghiệm. Trong màn thứ hai, Bạch Bích nhìn thấy Tiêu Sắt, nếu so với hai lần luyện tập trước mà Bạch Bích đã xem thì trạng thái của Tiêu Sắt hôm nay khá tốt. Cô diễn rất thật và đi vào lòng người, không giả tạo như những lần trước.
Bạch Bích bỗng nhiên nhớ tới cuộc nói chuyện với Tiêu Sắt ở quầy bar lần trước. Lúc này cô cảm thấy hối hận, cô hiểu rằng việc cô giận dữ bỏ đi là hơi nóng vội, điều đó đã làm tổn thương đến người bạn thân thiết nhất của cô. Cô không nên bỏ đi như thế. Tiêu Sắt cần cô, cô nên ở lại chăm sóc cho cô ấy, và không để cho Tiêu Sắt uống thêm bia nữa. Tiêu Sắt thực ra cũng rất đáng thương, cũng chìm đắm trong sợ hãi và đau khổ. Khi ấy, điều cần nhất là một trái tim ấm áp của bạn bè, có lẽ chính điều đó sẽ giúp chiến thắng được mọi nỗi sợ hãi. Cho dù mọi điều Tiêu Sắt nói đều là sự thật, thì sự việc cũng đã xảy ra. Mặc dù cô yêu người đàn ông ấy thì sự việc cũng đã kết thúc rồi. Giang Hà đã hoá thành đống tro tàn nằm dưới lòng đất. Giữa cô và Tiêu Sắt không còn trở ngại nào nữa, họ không cần phải làm tổn hại đến tình bạn của nhau vì một người đàn ông đã chết, cho dù cô yêu người đàn ông đó.
Nghĩ đến đây, thân thể Bạch Bích bỗng run lên. Cô lặng lẽ nhìn Diệp Tiêu ở bên cạnh. Trên những chiếc ghế tối đen, khuôn mặt của khán giả đều mờ mờ, chỉ nhìn rõ đường viền quanh mặt. Lúc đó, những đường nét của bộ mặt người đàn ông ngồi bên cạnh cô sao mà quen thuộc, sao mà thân thiết, đến nỗi cô bỗng cảm thấy người ngồi bên cạnh cô chính là Giang Hà. Cô tưởng tượng mình đang ngồi xem kịch với chồng chưa cưới, không, không phải chồng chưa cưới, mà là đức lang quân, bởi vì cô chợt nhớ ra, hôm nay chính là ngày cô và Giang Hà dự định tổ chức lễ cưới. Chính hôm nay, cô đáng lẽ được mặc váy cưới màu trắng, được cùng với Giang Hà uống ly rượu giao bôi trong tiếng chúc phúc của bạn bè. Cô đáng lẽ đã được hạnh phúc. Chính là ngày hôm nay, cô phải là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế giới, được mọi người ca ngợi, được mọi người chúc mừng, thậm chí còn bị ghen tị. Thế rồi đức lang quân của cô đưa cô vào phòng, sau đó đóng hết các cửa lại, trong thế giới riêng của hai người, họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm. Thế là mặt cô đỏ bừng lên, thậm chí cô còn thấy phấn khích, phấn khích đến mức muốn đưa tay ra vuốt ve khuôn mặt quen thuộc của người đàn ông ngồi bên cạnh. Nhưng tất cả những cảm xúc đó chỉ thoáng qua chốc lát. Bạch Bích lập tức quay trở lại với thế giới thực tại, cô biết rằng đức lang quân của cô đã chết, đã biến thành một đống xương khô. Hôm nay chỉ là một ngày bình thường. Cô không phải là cô dâu, cũng không phải người phụ nữ hạnh phúc nhất thế giới. Ngồi cạnh cô, chẳng qua chỉ là một sĩ quan cảnh sát đang phụ trách điều tra vụ án về cái chết của chồng chưa cưới của cô. Vai Bạch Bích lại rung lên, nhưng Diệp Tiêu làm sao cảm nhận được những thay đổi của người con gái đang ngồi bên cạnh. Cô lắc đầu, cố gắng quên đi những tưởng tượng vừa đến trong đầu, định thần lại, tập trung nhìn lên sân khấu.
Lúc này trên sân khấu, Lam Nguyệt xuất hiện. Cô vẫn bịt mặt, để lộ đôi mắt to quyến rũ. Đôi mắt ấy như đang dõi về phía xa, lại như đang nhìn từng người trên sân khấu. Cái nhìn ấy không nghi ngờ gì nữa, đã làm cho tất cả những người có mặt trong rạp sững sờ. Bạch Bích chú ý đến khán giả xung quanh trước khi Lam Nguyệt xuất hiện, nhiều người đang thì thầm chuyện phiếm, những nữ sinh viên thì nhai quà vặt. Thế mà khi Lam Nguyệt xuất hiện, dưới sân khấu lập tức im bặt. Những cái miệng đang nhai quà vặt không ngừng nghỉ của đám nữ sinh cũng dừng cả lại. Tất cả đều tập trung nhìn lên sân khấu, lắng nghe tiếng nhạc và tiếng thoại, nhưng quan trọng nhất là tập trung vào đôi mắt của cô.
Cuối cùng, Lam Nguyệt đã thong thả nói ra câu thoại đầu tiên:
- Người mà Hoàng tử yêu là Công chúa, không phải ta!
Câu nói ấy có một sức mạnh thật sự, mặc dù chỉ là một câu nói ngắn, nhưng Bạch Bích cảm thấy nó vượt qua trăm nghìn câu nói khác. Sau đó, sân khấu chìm trong bóng tối, Lam Nguyệt biến mất, màn ngắn nhất trong cả vở kịch, cũng chính là kết thúc màn 2.
Tiếp sau đó, là những màn rất dài, màn 3, màn 4, màn 5. Bạch Bích cảm thấy những màn này tuy cấu tứ hay, nhưng tiết tấu tự thuật hơi chậm. Điều này không phù hợp với yêu cầu thưởng thức của những khán giả hiện đại, nhưng sự xuất hiện thường xuyên của bầu không khí sợ hãi đã lôi cuốn người xem. Đặc biệt là âm nhạc, dùng nhiều giai điệu và tiết tấu mang tính ám thị, có lúc dùng những diễn tấu nhạc cụ cổ. Trong âm hưởng chốc chốc lại hát đệm những tiếng độc thanh hay quần thanh. Đạo diễn chắc phải lao tâm khổ tứ nhiều lắm, nhưng hiệu quả thì lại hoá thành giống nhạc kịch. Có lẽ vở kịch này chuyển thành ca kịch có khi hay hơn.
Màn 6, Tiêu Sắt lại xuất hiện. Đây là đêm tân hôn của Công chúa Thành cổ Lâu Lan. Công chúa cuối cùng đã rõ, người Hoàng tử Vu Điền yêu không phải là mình, thế là Công chúa đau buồn khôn xiết. Tiêu Sắt diễn rất hay, Bạch Bích thậm chí còn cảm thấy khi Công chúa khóc không phải là biểu diễn hay diễn kịch mà là khóc thật. Bạch Bích và Tiêu Sắt chơi với nhau đã lâu nên cô biết Tiêu Sắt khóc thật là như thế nào, điều đó không ai có thể bắt chước được. Bạch Bích nhìn Tiêu Sắt trên sân khấu nước mắt đầm đìa cùng với dáng đau buồn của cô đã khiến mọi người đều đồng cảm. Bỗng cô cảm thấy Tiêu Sắt có biểu hiện không bình thường, nỗi đau thương của Công chúa đã vượt quá sự tưởng tượng của Bạch Bích. Có lẽ Tiêu Sắt nhập vai quá đạt, đến nỗi cho rằng mình chính là Công chúa Thành cổ Lâu Lan.
Màn 7, là cảnh Lam Nguyệt và Hoàng tử. Màn này vẫn đầy tính bi kịch. Màn 8 rõ ràng là giống “Romeo và Juliet” của Shakespeare, Hoàng tử ngộ nhận Lan Na đã chết nên đã tự vẫn ở Mộ phần cốc.
Màn 9, Lam Nguyệt và Tiêu Sắt cuối cùng đều cùng xuất hiện trên sân khấu. Bối cảnh của màn 9 trên sân khấu khiến Bạch Bích rợn tóc gáy. Trên phông vẽ những vị thần mặt mũi dữ tợn. Những vị thần này, có vị thì dẫm chân lên lưng người, có vị thì đang ăn thịt người, có vị thì xé người thành hai mảnh, hình như các vị thần này đều có quan hệ với các chư thần thuộc phái Ấn Độ giáo.Vừa mở màn, đã thấy Lam Nguyệt đang quỳ ở giữa sân khấu, mình mặc một bộ váy trắng rách nát, đầu tóc xoã xượi, trông giống như một nữ tù nhân. Tiêu Sắt trong vai công chúa đang nhìn cô bằng ánh mắt căm thù, Tiêu Sắt cất cao giọng hỏi Lam Nguyệt:
- Lan Na, mi chẳng qua chỉ là một con nô tỳ thấp hèn, có tư cách gì mà dám yêu Hoàng tử Vu Điền?
Lam Nguyệt vẫn rất tôn kính công chúa, cô cầu xin với giọng của kẻ dưới:
- Công chúa, xin người tha thứ cho những tội lỗi của thần!
- Không, ta hận ngươi, ta hận Hoàng tử! - Giọng Tiêu Sắt đầy vẻ căm thù.
- Công chúa tôn kính, Lan Na chỉ là một kẻ ti tiện thấp hèn, chưa bao giờ dám mơ tưởng xa xôi là có được Hoàng tử, chỉ mong công chúa có thể rộng lượng với chàng, đừng làm khó cho chàng, để chàng được hạnh phúc. - Lam Nguyệt dừng lại một lát, thể hiện đầy mâu thuẫn và đau khổ, sau đó cô cao giọng nói:
- Vì hạnh phúc của chàng, Lan Na nguyện suốt đời rời xa Hoàng tử.
Tiêu Sắt lắc đầu nói:
- Không, không, không, ngươi đã vĩnh viễn rời xa Hoàng tử rồi, ta muốn giết ngươi, dễ như trở bàn tay. Bây giờ ta muốn ngươi thề trước các vị thần linh Thành cổ Lâu Lan, mãi mãi không yêu Hoàng tử nữa.
Tiếp đó, trên sân khấu bỗng tối om, ánh sáng lập loè, lúc mờ lúc tỏ, như đang lạc vào một thế giới khác. Bỗng vang lên thứ âm thanh giống như tiếng tụng kinh, nhưng tốc độ rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với với giọng đọc kinh trong chùa. Không ai hiểu được âm thanh ấy trong âm nhạc có ý nghĩa gì. Mấy diễn viên múa tiến vào sân khấu, dưới những chùm ánh sáng, Bạch Bích thấy họ đều mặc trang phục của người Tây Tạng cổ, trên đầu đội mũ da, có cắm lông vũ, tay lắc những dụng cụ rất lạ. Họ mềm mại chân tay, nhảy múa thoăn thoắt trong tiết tấu âm nhạc, vây tròn lấy Lam Nguyệt ở giữa sân khấu. Bạch Bích cảm thấy tiết mục đang biểu diễn trên sân khấu có tính tượng trưng, cô hiểu rằng những diễn viên múa là đại diện cho những ông đồng bà cốt. Điệu múa trên sân khấu có ý nghĩa là một buổi lễ cúng tế các thần linh. Theo sau điệu múa của các ông đồng bà cốt là những tiếng hô đồng thanh: Thề đi, thề đi!
Lam Nguyệt bỗng nhiên đứng lên, cô lựa theo nhịp của các ông đồng bà cốt cùng nhảy với họ. Động tác múa của cô rất đẹp, chân tay mềm mại, trông giống như một con hạc tiên. Bạch Bích rất ngạc nhiên tấm tắc trước điệu múa rất nghệ thuật của Lam Nguyệt, cô cho rằng Lam Nguyệt trước kia có lẽ đã học qua vũ đạo. Nhưng không phải là vũ đạo bình thường, mà là vũ đạo có tính trừu tượng và tính tượng trưng. Những ông đồng bà cốt ở xung quanh đã phối hợp rất ăn ý với cô ở trung tâm. Họ vừa nhảy vừa có