Đại Hùng đưa tay bắt lấy vỏ ốc màu trắng trước mặt rồi thi triển Hàm Âm Pháp Quyết, đem câu hồi báo lưu vào, xong thả ra cho nó tự bay trở về. Thời buổi này có một số loại vật phẩm trải qua luyện chế có thể dùng truyền âm từ xa. Tại Long Khí Môn thì vỏ ốc Bạch Tuyến có khả năng tồn trữ âm thanh nguyên gốc khá tốt, là thứ hay được mọi người sử dụng nhất.
“Lại phải trèo đèo lội suối một trận rồi” - Đại Hùng mệt mỏi ca thán. Tận đến lúc leo lên lưng con Quỷ Diện Kỳ Đà lần nữa, hắn mới chợt nhớ ra hai ngày nay mải nghiên cứu Nhật Uyên Đái nên chưa ngả lưng ngủ lấy một lần. Nhưng sư phụ gọi tới, đệ tử nào dám quay đầu xem như không biết?
Lạc Viên Sơn ngạo nghễ chọc vào mây. Trong những ngọn núi rời rạc thuộc dãy Hoàng Liên Thánh Lĩnh, đây là ngọn núi to lớn và hoành tráng bậc nhất, mà Lạc Viên Đỉnh chính là đỉnh cao nhất trong ba đỉnh của nó.
Khi Đại Hùng tới nơi, trong Lạc Long Đường đã lố nhố mấy chục huynh đệ đồng môn cả cũ lẫn mới. Phía bên trong, các vị sư phụ, sư thúc đang cầm một đống giấy tờ khác nhau, rì rầm thảo luận.
Qua thêm chừng nửa giờ thời gian, các đệ tử không thấy còn ai chạy tới nữa, lúc này mấy trưởng bối mới đứng lên bảo mọi người sắp thành năm hàng đều nhau.
- Như các đệ tử đã biết. Còn khoảng hơn tháng nữa là chúng ta sẽ tiến hành chọn lựa mười đệ tử hạt giống hàng năm. Nhưng nhóm trưởng bối bọn ta đã bàn bạc qua. Nếu cứ giữ gịt mọi người trong môn phái như vậy, tuy có đảm bảo an toàn cho những đệ tử còn chưa có căn cơ vững chắc, nhưng ngược lại lại hạn chế các ngươi cọ xát với thực tế, kinh nghiệm chiến đấu cũng kỹ năng sinh tồn không phát triển được. Bởi vậy nên bắt đầu từ năm nay, thay vì chỉ có các đệ tử Hổ Cấp được xuất môn làm việc bên ngoài, các đệ tử Hùng Cấp cũng sẽ có quyền lợi tương tự.
Lời chưởng môn Khai Nhân vừa dứt, trong đám đệ tử tức thì nảy ra một đợt xôn xao. Đang thoải mái đi lại ở bên ngoài, đùng một cái chấp hành chế độ nội trú, đa số các đệ tử đều có khát khao mãnh liệt được trốn ra khỏi môn giao lưu một tí. Hơn nửa đám đệ tử đứng đây toàn là trình độ Hùng Cấp, vừa nghe xong liền hai tay hai chân hoan hô rầm rầm.
Khai Nhân đứng trên bục cao tươi cười nhìn đám đệ tử hớn hở bên dưới, khoát tay cho yên lặng lại rồi tiếp tục:
- Tuy nhiên, nếu thả cho các ngươi tự do đi lại, như vậy nếu xảy ra vấn đề gì, sơn môn sẽ không bảo đảm được. Vì vậy, chúng ta đã tiến hành tiếp nhận bổ sung một số nhiệm vụ cấp thấp từ nhiều nơi, đem cho các ngươi thực hiện, trong khoảng một tháng chắc chắn sẽ hoàn thành. Như vậy vừa tạo thêm thu nhập cho các ngươi, vừa có cơ hội để mọi người rèn luyện.
Khai Nhân vung tay áo. Trên chiếc bàn gỗ trước mặt liền hiện ra tám tấm mộc bài bằng tre Lục Thiết – thứ có thể đem nội dung sách vở tiềm nhập vào được.
- Trên đây là tám loại nhiệm vụ khác nhau, số người cần làm từng nhiệm vụ cũng bất đồng. Bây giờ ta sẽ dựa theo danh sách lập sẵn để gọi tên từng người ứng với mỗi nhiệm vụ. Ai có tên thì tiến ra hợp thành tổ, ba ngày sau sẽ tiến hành xuất phát.
….
Thái Nguyên nằm phía Bắc của kinh đô Thăng Long, có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng bắc-nam và thấp dần xuống phía nam. Cấu trúc vùng núi phía Bắc chủ yếu là đa phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ.
Phía tây nam có dãy Tam Đảo với đỉnh cao nhất gần bốn trăm trượng (1.590 m), các vách núi dựng đứng và kéo dài theo hướng tây bắc-đông nam. Ngoài dãy núi trên còn có dãy Ngân Sơn bắt đầu từ Bắc Kạn chạy theo hướng đông bắc-tây nam đến Võ Nhai và dãy núi Bắc Sơn cũng chạy theo hướng tây bắc-đông nam. Cả ba dãy núi Tam Đảo, Ngân Sơn, Bắc Sơn đều là những dãy núi cao che chắn gió mùa đông bắc. (1)
Ở Thái Nguyên đương nhiên nổi danh nhất là đặc sản trà, mà tại đây, dân bản địa hay gọi là chè (2). Trà Thái Nguyên ngon nhất khi nấu bằng lá trà xanh còn tươi, bỏ qua lượt nước sơ đầu, lấy nước thứ hai, vị đậm, ngọt nhẹ ngay sau khi qua cổ, hương thơm thuần dịu, do linh khí của ba dải núi trên tụ lại mà nên. Mỗi loại trà trồng trên một ngọn núi khác nhau lại mang một hương vị khác nhau, đều là cực phẩm. Các khách thương đến nơi này mua trà thường đều tranh thủ nấu một ấm trà xanh thưởng thức tại chỗ. Hàng trà sau đó muốn chở đi phương xa thì đều phải qua sơ chế để chống hư hỏng, ít nhất thì cũng phải phơi cho khô đi, nhưng dù có đặc cách bảo quản, cũng khó giữ đủ mười phần hương vị như khi vừa hái.
Trà Thái Nguyên nổi tiếng khắp đại lục Đông Phương, có thể tưởng tượng được với câu “chè Thái, gái Tuyên”. Sự nổi tiếng của mỹ nữ tại thành Tuyên Quang đã được nhân gian của đại lục Đông Phương ca ngợi bằng mấy câu thơ:
“San bằng ba dải núi
Lấp kín bốn bể chơi
Miễn gái Tuyên mãn ý
Bất quản sự trên đời”
Sự xinh đẹp của giai nhân tuyệt sắc thành Tuyên Quang cũng chỉ ngang với Chè Thái, đủ thấy sự trân quý của trà Thái Nguyên. Vùng núi chè của Thái Nguyên thực sự không hề nhỏ, sản lượng cũng không thấp, nhưng ứng với giá “vạn kim nhất lượng cực phẩm thanh trà” (vạn lượng vàng một lượng trà xanh cực phẩm) thì chỉ có vườn trà của ba cự phú hào là Đào Gia, Võ Gia và Lý Gia. Mà trong khu vườn trà của ba nhà đó đều chỉ có một khu duy nhất có thể cho ra Thái Nguyên Tam Vương Trà. Đó là Thúy Thanh Trà của Đào Gia có hoa màu xanh, dựa vào một khe suối tụ tập một loại linh khí đặc biệt mà sinh trưởng. Hồng Thanh Trà của Võ Gia là một loại trà có hoa đỏ mọc trên một khoảnh đất có màu đỏ như nham thạch. Cuối cùng là Bạch Thanh Trà của Lý Gia có hoa trắng lớn trồng quanh một khối thiên thạch rơi xuống từ thời cổ. Ba khu vườn trà này đặc biệt như thế, rất tiếc diện tích đều không lớn, sản lượng cực kỳ hạn chế, mỗi năm tổng lượng chỉ chừng sáu chục cân trà lá. Đối với nhu cầu khổng lồ của Đại Việt thôi cũng là kham không nổi, nói chi là bán sang những nơi khác trong đại lục Đông Phương. Cái giá vạn lạng vàng vì thế xem ra cũng không phải là đắt. Mà nhiều khi có tiền cũng không có hàng để mua.
Ba loại trà này đều mang những tư vị cực kì đặc biệt, ngay cả hoàng cung mỗi năm cũng phải tranh mua một phần để hoàng thất sử dụng. Theo các vị dược sư cao cấp phân tích, mỗi loại trà này đều có hơn hai mươi loại bổ trợ thông thường ngoại vi cơ thể, mười loại bổ trợ tốt cho các cơ quan nội tạng, năm loại bổ trợ tăng cường cho tĩnh khí, thanh tâm. Đặc biệt mỗi loại cực phẩm trà đều có một đặc tính cực mạnh riêng, là trú nhan, dưỡng sinh và kiềm bệnh. Phàm là con người hầu như đều không thoát khỏi các lo toan về sức khỏe, nhan sắc. Nhà giàu thì mong sống lâu để hưởng thụ, các quý bà thì mong trẻ đẹp để lưu truyền nhan sắc. Còn các con bệnh mắc phải loại cửu tử nhất sinh có ai còn tiếc