Ba sơn đêm mưa nói chuyện thần kiếm
Đ êm xuân, mưa xuân, Ba Sơn. Mưa đêm vào mùa xuân cứ muốn làm người ta buồn, nhất là ở Ba Sơn, cảnh núi non tịch mịch, con đường đá dốc, rong rêu đen ngòm, bao nhiêu chuyện xưa của các vị tiền bối danh hiệp đã bị mai một dưới đám rong rêu, bao nhiêu hoa xuân chưa kịp khai, đã bị hoá thành bùn cát. Trên đám bùn có một hàng dấu chân, tối hôm qua mưa ngừng rơi, vì vậy mới còn
để lại dấu.
Tối nay mưa lại rơi.
Trong màn mưa khói mịt mù đó, ở tận đầu con đường đá, có một tòa đạo quan, lâu ngày không khói lửa gì, cũng không thấy có bóng người lai vãng, Xung Tiêu kiếm khí của năm xưa, bây giờ không biết đã bao lâu rồi chưa được thấy lại. Từ lúc người đã lấy bốn mươi chín đường Hồi Phong Vũ Liễu Kiếm năm xưa nổi tiếng giang hồ là Ba Sơn kiếm khách Cố đạo nhân ẩn tích đến giờ, môn đệ của ông ta cũng dần dần tản mác. Ngôi đạo quan từng được các chàng trai trẻ si mê kiếm đạo tôn làm thánh địa, đã dần dần thê lương, hoang vắng, có còn lại chăng là những truyền thuyết thần thoại, những vết đao gươm dưới rong rêu thế thôi. Có điều, hai năm nay, mỗi đêm trăng thanh gió mát, những người tiều phu săn bắn thường thường hay thấy hình như trong đạo quan lại có một ngọn đèn leo lét phiêu phiêu dưởng dưởng. Có đèn, ắt hẳn có người. Ai đã về lại đạo quan? Vì lẽ gì? o O o Đêm nay trời mưa, cây đèn lại le lói, một người ngồi cô độc dưới ánh đèn, y không phải là môn hạ đệ tử Ba Sơn, cũng không phải là một đạo nhân. Người ở trong tòa đạo quan hoang lương tịch mịch ấy một mình đã được hai năm nay, lại là một hòa thượng. Một vị hòa thường đã mấy hôm rồi chưa ăn cơm, mấy tháng rồi chưa tắm rữa. Chính trong đêm đó, tòa đạo quan lại có thêm hai người lạ đến viếng.
Hai người đó thân hình cao như nhau, mặc chiếc áo đi mưa màu đen cũng như nhau, đội chiếc mũ nĩ màu đen cũng như nhau, vành mũ rất rộng, kéo xuống thấp, che hết cả gương mặt. Từ cuối con đường đá dốc đi lên đến nơi đây, chân đạp lên không biết bao đóa hoa lạc xuống đã nát thành bùn, một người trong đó xem ra rất mệt nhọc, còn người kia phải ngừng lại đợi y. Xa xa ngoài mấy trăm trượng, hòa thượng ngồi dưới đèn đã biết bọn họ lại từ lâu. Nhưng hòa thương vẫn ngồi đó bất động. Ánh đèn tuy lập lòe lúc sáng lúc tối, hòa thượng vẫn ngồi yên đó, không có lấy một tý phản ứng, đến lúc hai người đó xuyên qua sân của đạo quan, vào tận gian phòng nhỏ có đèn, hòa thượng vẫn còn không có tý phản ứng, hòa thượng không già, y đã nhắm mắt nhập định. Tiếng gõ cửa không có ai đáp lại, người đội mưa vượt núi đó đành phải tự mình xô cửa bước vào. Ánh đèn tuy không sáng lắm, nhưng vẫn chiếu lên mặt của hai người, chiếu lên cái miệng và hai gò má dấu dưới chiếc mũ rộng vành. Chiếc cằm của hai người đều nhọn, nhưng đường nét rất mềm mại, vành môi rất đầy và xinh xắn.
Chỉ có đàn bà mới có cái miệng như vậy, một người đàn bà có cái miệng như vậy, phải là một người đàn bà rất quyến rũ. Hai người đàn bà mỹ lệ, ban đêm trời mưa lại lên Ba Sơn viếng thăm, viếng một hoà thượng đang ngồi nhập định như một lão tăng kia. Bọn họ có điên không? Có chứng có tật gì không? Nếu bọn họ không điên không mắc chứng gì, nhất định phải có một lý do phi thường chính đáng, không những vậy còn vì một chuyện phi thường nghiêm trọng. Hai người đàn bà xinh đẹp đội mưa vượt núi đi tìm một hoà thượng, vì chuyện gì vậy? Hai người đàn bà tìm một hoà thượng, sẽ có chuyện gì xảy ra? o O o Hòa thượng chưa già vẫn ngồi nhập định như một lão tăng già. Người đàn bà đi lẹ hơn, thể lực khỏe hơn, có vẻ cao hơn, thò bàn tay trắng ngần ra, dùng một tư thế đẹp đẽ như đang múa vậy gỡ cái mũ trên đầu xuống, thuận tay giũ một cái, những hạt mưa đọng trên mũ rơi xuống, dưới ánh đèn như một chuỗi trân châu.
Mái tóc dài vốn đang nằm yên trong mũ, bây giờ xõa ra như một suối nước, che hết một bên mặt, còn nửa bên kia lộ ra. Hai hàng lông mày đen mà dài, cặp mắt sáng mà ướt, miệng tựa như cười, một trời xuân sắc bỗng về đến nhân gian. Hoà thượng mắt nhìn mủi, mủi nhìn tâm, hình như chẳng thấy trước mặt mình có một người đàn bà như vậy. Có điều nàng ta đối với hòa thượng lại ra chiều rất quen thuộc, không những vậy còn dở thái độ rất thân mật ra nói với y: - Hòa thượng, người ta nói ông thật thà, trên đời này nếu có một vạn người, hết chín ngàn chín trăm chín mươi chín người nói ông thật thà. Người đàn bà nói: - Nhưng mà, tôi xem ông đấy hở, ngay cả một điểm cũng không thật thà tý nào. Người đàn bà này thân hình rất cao ráo mà trang nhã, không những vậy phong tư rất trác ước, mỗi động tác đều ôn nhu mỹ diệu, chỉ có những người xuất thân từ những gia đình quý tộc, chịu qua nhiều giáo dưỡng, mới có phong thái như vậy. Có điều nàng ta nói chuyện với hoà thượng vừa thần bí vừa quái dị này, thái độ biến thành như của các tiểu ni cô suốt ngày quanh quẩn bên chùa các hòa thượng đang tu. Hòa thượng rốt cuộc cũng nhịn không nổi phải mở miệng ra: - Tôi có chỗ nào không thật thà? - Ông nói với người ta, ông muốn lên Ngũ Đài sơn tọa quan, nhưng lại lén lút trốn đến nơi đây, tôi lên trời xuống đất tìm ông, tìm cả tháng hơn mới tìm ra.
Nàng ta nói:
- Ông nói ông thật thà chỗ nào?
Hòa thượng thở ra.
- Cô tìm hoà thượng có chuyện gì?
Y nhăn mặt khổ sở hỏi:
- Hòa thượng có ăn canh thịt bò đâu?
Cô bé này chính là kẻ gần đây trong giang hồ nổi tiếng là phá phách nghịch ngợm, Ngưu tiểu thơ Ngưu Nhục Thang (canh thịt bò). - Thật ra ông cũng biết trong bụng, tôi tìm ông nhất định sẽ không có chuyện gì hay ho. - A Di Đà Phật, Phật Tổ phù hộ, hòa thượng chỉ hy vọng lần này cô tìm tôi không phải vì chuyện gì xấu xa. - Không những không xấu, mà còn quá tốt nữa. - Sao? - Lần này tôi tìm ông, là để cho ông làm một chuyện giúp đở bạn bè, cũng là ông nói đấy, đi làm một chuyện đại công đức. Ngưu tiểu thơ nói: - Những thứ chuyện này, làm thêm hai ba cái nữa, ông sớm muộn gì cũng sẽ tu thành La Hán. - Tu thành La Hán loại gì? La Hán trộm gà? Cặp mắt to của Ngưu tiểu thơ chớp lên một cái, nàng ta cười ngặt nghẽo: - La Hán trộm gà cũng không sai đấy chứ? Lớn nhỏ gì cũng là La Hán, cũng chẳng khác Hàng Long Phục Hổ bao nhiêu. Hòa thượng cười khổ: - Ngưu đại tiểu thơ, cô tha cho tôi lần này được không? Cô tưởng là tôi không biết lần này cô lại đây có chuyện gì sao? - Ông biết? - Tôi lấy bàn tọa ra suy nghĩ cũng suy tới nơi, nhất định là cái vị Lục Tiểu Phụng của cô chẳng thấy đâu, vì vậy cô bắt hòa thượng đi tìm. Hòa thượng nói: - Chỉ tiếc là hòa thượng không đi làm cái chuyện ngu xuẩn ấy nữa đâu. Thần tình của Ngưu tiểu thơ bỗng biến thành nghiêm trọng hẳn ra, không những vậy còn có vẻ lo âu và bồn chồn không sao nói được. - Ông không đoán lầm, Lục Tiểu Phụng quả thật không thấy đâu cả, chẳng qua, lần này không giống lúc trước. - Không giống chỗ nào? - Lần này y không cãi cọ gì với tôi, cũng không phải vì người đàn bà nào khác. Ngưu tiểu thư nói: - Lần này trước khi đi, y lại gặp tôi, nói rằng, vì một người bạn thất tung, y phải đi một nơi xa tìm ông ta, với lại không chừng có thể có nguy hiểm. Dáng điệu của nàng ta hình như đã muốn khóc òa lên: - Tôi vốn đã quyết tâm đi theo y, nào ngờ y len lén chuồn mất, đi đã lâu rồi không nghe tin tức gì cả, ông nói có sốt ruột người ta không? - Không sốt ruột, không suốt ruột tý nào cả. Hòa thượng ngập ngừng nói: - Hòa thượng đã bói số mệnh cho y rồi, y chết không nổi. - Bất kể ra sao, ông phải đi tìm y. - Tại sao? - Bởi vì ông là bạn thân của y. Ngưu tiểu thơ nói: - Trong giang hồ còn ai không biết, Lão Thực Hòa Thượng là bạn thân nhất của Lục Tiểu Phụng, y có gì nguy hiểm, không đi tìm ông ta, không phải để người ta cười cho chết sao? Hòa thượng này chính là tay đệ nhất du hiệp trong Phật môn, nổi danh thiên hạ, Lão Thực Hòa Thượng. Nghe nói cả đời y chưa bao giờ nói một câu gì không thật, có điều, nếu có người nào nhất định bắt y nói thực, người đó chỉ sợ trong thời ngắn, sẽ không còn cách nào mở miệng được ra. Nghe nói, có lần y đang đi thuyền trên sông Hoàng Hà, gặp phải ăn cướp, y nói trong túi không có tiền, ăn cướp cũng tin, đợi đến lúc ăn cướp đi xong, y lại rượt theo, thừa nhận mình nói dối, lấy hết tiền trong người ra giao cho ăn cướp. Ngày hôm sau, những tay ăn cướp đó không ai biết lý do gì bỗng nhiên chết hết trong sào huyệt. Những chuyện về cái vị hòa thuợng này không phải là ít, và rất thú vị, chỉ tiếc, chuyện cố sự chúng ta đang kể không phải nói về y. Ngưu đại tiểu thơ muốn nói