Phụng các long lâu liên vân Hán,
ngọc thụ quỳnh chi tác yên la.
Vào Đông, khí lạnh bao phủ Yến Kinh, bốn phương ngoài thành một màu trắng xóa, dường như nghe được cả tiếng ào ào gió thổi, thấy được cả cảnh rì rào tuyết rơi. Hoàng hôn buông phủ chốn cung thành, ấy cũng là lúc những cánh chim di trú cuối cùng theo đàn bay về vùng trời phương Nam.
Mở cửa son, chỉ thấy một vùng trời mây trắng xóa, cây ngọc cành quỳnh như khói tỏa.[1]
[1] "Cây ngọc cành quỳnh như khói tỏa" trong "Phụng các long lâu liên vân Hán, ngọc thụ quỳnh chi tác yên la." Thơ của Lý Dục, thời Bắc Tống.
Trong đình uyển, nội thị bận rộn cào tuyết, quét tuyết. Vậy mà chỉ qua một buổi, tới đêm thôi, nơi đây sẽ lại bị tuyết phủ một tầng dày, như thể mặt đất đã được lát một lớp bạch ngọc. Ngọc trắng muốt, êm nhưng lạnh.
Mùng một sắp tới, các cung các điện đã bắt đầu treo đèn lồng đỏ. Ánh nến trong lồng đèn đỏ lập lòe trước gió tuyết, thứ ánh sáng đỏ thắm hắt lên trên nền gạch, lúc này đã bị phủ bởi một tầng tuyết trắng muốt. Cũng là thứ ánh sáng ấy tỏa ra từ một chiếc đèn lồng cầm tay, tay cầm của đèn được chế tác từ sừng dê, ánh sáng vàng đỏ lướt đi trên nền tuyết.
Trì Tái cầm chắc cán đèn lồng, khom lưng đi trước chủ tử, chủ tớ bước đi mà nhanh như đang chạy, không nói một lời. Chỉ nghe tiếng từng bước vội nện trên nền tuyết mịn, chẳng để thì giờ cho tuyết phủ dấu chân.
Đi xuyên qua Nguyệt Lượng môn, có lẽ vì quá gấp gáp, Trì Tái vô ý giẫm phải một đụn tuyết, tuyết ngập ngang giày nhung, dường như lọt cả vào bên trong, mang theo hơi ẩm và cả cái lạnh buốt. Còn đang cúi đầu nhìn, một khắc sau ngẩng đầu lên đã chẳng thấy bóng dáng chủ tử đâu nữa. Bước chân lại càng thêm vội vàng, hớt hải chạy theo, lúc này người đã dẫn trước đèn lồng đỏ. Vừa chạy đại não vừa tê liệt, không biết nghĩ gì ngoài khấn cầu Bồ Tát phù hộ độ trì, dang tay che chở cho Thái hậu qua được một đêm tuyết đổ, qua được đêm nay tức cũng có hi vọng bình an.
Thái hậu đổ bệnh đã mấy ngày, chuyện cũng chẳng phải quá đột ngột. Khi gió cuối thu nổi lên bốn phía, nàng trở nên sợ lạnh vô cùng, ho khan không dứt, tuy trong cung chưa đến ngày đưa than tới các cung phòng, trong Trường Nhạc điện lúc nào cũng ấm áp. Mấy ngày trước gặp một ngày trời Đông ấm áp, nàng ra đình uyển đón nắng một chút lúc ban ngày, đêm xuống đột ngột sốt cao.
Đã mấy ngày liên tiếp Thái y kê thuốc điều trị, Đường Oanh túc trực ở bên một tấc không rời. Nếu không phải hôm qua Thái hậu tỉnh táo nhất quyết đuổi người về, phỏng chừng nàng cũng đã cho người chuyển Ngự án tới Trường Nhạc điện. Nhưng sợi dây trong lòng còn chưa bớt căng, khi nãy vừa về tới Tuyên Thất điện đã nghe cung nga đến bẩm, bệnh tình Thái hậu trở nặng rồi.
Đường Oanh vừa nghe đã khoác ngoại bào đi thẳng, chẳng cả truyền liễn. Trì Tái thấy chủ tử một thân đơn bạc, vội vàng chạy về tìm phi phong, suýt nữa không theo kịp người.
Lúc ấy theo kịp rồi, bây giờ lại lạc mất.
Trì Tái thở không ra hơi, chạy đến Trường Nhạc điện đã thấy Nhẫn Đông và Thanh Đại đang tiễn Y chính đi ra. Hắn không rõ tình hình, cũng chẳng thể tùy tiện xông vào, bèn đưa đèn lồng tiến gần thêm một chút, đại khái cũng nghe thấy câu được câu chăng. Nghe rằng Điện hạ nặng nề tâm sự, lo âu chuyện gì cũng không rõ, ăn uống không ngon, thể trạng đã bị thuốc thang bào mòn tàn phá sẵn, nay rất dễ nhiễm bệnh.
Những lời này, mấy năm nay Nhẫn Đông đã nghe quen tai, nay nàng cũng chỉ quan tâm đến chuyện chủ tử sốt cao như vậy khi nào mới đỡ. Bèn cướp lời Y chính mà hỏi thẳng: "Đại nhân vừa nói nếu ngày mai Điện hạ tỉnh, sốt cao như vậy... cũng sẽ hết?"
Bước chân của Y chính ngừng lại, nhìn quanh mới buông tiếng thở dài, ngữ điệu thẳng thắn thành khẩn: "Ta đến tuổi này đã gần đất xa trời, không ngại nói thật. Ấy là nửa câu đầu, còn nửa câu sau, nếu ta nói ra chọc giận Bệ hạ, thế nào cũng có người liên lụy."
Mấy người đều dừng bước, hơi thở như hụt mất một nhịp, không biết nên đối mặt với chuyện này như thế nào. Trì Tái còn chưa kịp phản ứng đã thấy đôi mắt Nhẫn Đông đỏ lên, như ầng ậc nước đến nơi. Thanh Đại nhìn, biết nàng khổ tâm đến thế nào, nhưng dù tâm sáng như gương lúc này cũng khó mà lên tiếng khuyên nhủ. Lúc này, có an ủi cũng không vào tai, có giải thích cũng không tường thấu. Vì thế, Thanh Đại bèn mời Y chính ra một góc, thứ hỏi nửa câu còn lại là gì.
Đôi mắt vì tuổi đã cao mà mờ đục đi của Y chính lúc này toát ra vẻ tiếc nuối, hắn cật lực đè giọng, nén nỗi bi thương: "Còn nếu đến sáng mai vẫn chưa tỉnh, không qua được đêm nay, vậy chỉ e..."
- --
Trường Nhạc điện.
Trong điện không còn một bóng người, cung nga thị tẩm cũng đã đều lui.
Thái hậu nằm trên giường, ánh nến sáng rỡ thoảng trên khuôn mặt đã gầy gò của nàng. Gò má nàng do cơn sốt cao mà hồng lên, tương phản rõ rệt với thần sắc suy yếu tiều tụy. Hàng mi khép chặt, đôi môi nàng mấp máy, dường như là đang nỉ non điều gì. Giọng ấy mơ hồ, nghe không rõ chữ, chỉ biết không phải giọng Yến Kinh. Ngữ điệu trầm bổng lưu luyến, dịu dàng êm tai, hồ như là giọng Kim Lăng.
Đường Oanh xoa hai bàn tay mình vào nhau, xoa đến mức lòng bàn tay rát lên vì nóng, lúc ấy mới luồn đôi tay mình vào trong chăn, bao bọc lấy bàn tay lạnh buốt của người kia. Cứ như vậy, hết tay này tới tay kia, dường như độ ấm đều bay biến đi đâu hết.
Hôm qua rõ ràng đã có tiến triển, nói rằng đỡ hơn nhiều rồi, hôm nay lại đột nhiên trở nặng, đây rõ ràng là điềm dữ. Khi nãy Y chính bẩm báo, Đường Oanh thấy rõ hắn ấp úng khó trả lời, thái độ do dự rào trước đón sau, những điều này có ý nghĩa gì, nàng đều hiểu được tất thảy. Nhưng tự lòng hiểu được là một chuyện, nghe người khác nói là chuyện khác. Cũng chẳng biết là do buồn sầu hay do lo lắng, nàng quỳ gối bên giường, miễn cưỡng cười cười:
"A nương. Người biết trong lòng ta còn nhiều điều muốn nói, còn nhiều chuyện muốn làm, lại chỉ sợ rằng nếu làm rồi, nếu nói ra, người lại không vừa ý. Ta sợ nếu ta nói trước với người, người sẽ không để ta thực hiện."
Đường Oanh chống hai tay trên đầu gối, tóc mây khi còn ở Tuyên Thất điện vừa cởi ra còn chưa kịp búi, lúc này tỏa xõa trên lưng, nom như thác đổ. Ánh mắt nàng lưu luyến trên gương mặt nhợt nhạt, vì thiếu đi huyết sắc mà trắng quá đỗi, trắng như bạch ngọc. Ánh nến lay động trong không gian, chiếu vào đôi mắt nàng, khiến đôi mắt đen láy cũng lấp lánh lên. Chỉ thấy nàng lại mỉm cười, nhưng thanh âm nghẹn ngào: "Bây giờ người ngủ say tới như vậy, xem ra ta giãi bày một chút cũng không sao. Phải không? Phải rồi, im lặng tức là đồng ý, người không nói gì, vậy ta sẽ nói ra."
Đường Oanh giữ cho lưng mình thật thẳng, dường như nụ cười càng sâu, thanh âm càng nghẹn ngào: "Ta muốn đưa người trở về cố hương. Trở về Kim Lăng chốn ấy, ta cũng đã nhắc qua vài lần, mỗi lần ta nhắc cớ gì người lại luôn không vui? Nhưng người ở Yến Kinh đã thật nhiều năm, đã từng khi nào thật sự vui vẻ hay chưa? Ta biết người có thể đoán được ta suy nghĩ điều gì, ta muốn làm điều chi, người biết ta có ý dời đô, cho nên mới nhấn mạnh rằng mình không nhớ nhà, không nhớ cố hương, không nhớ Kim Lăng. Ngay đến bức họa Kim Lăng bốn mùa kia vốn đang treo trên tường, người cũng cho cung nhân lấy xuống."
"Ta, xét cho cùng, cũng chỉ có thể hận bản thân mình, hận bản thân mình đã quyết định quá chậm. Nay Viên Tất ở Kim Lăng, không biết đến bao giờ mới có hồi âm. Người nói xem, nếu ta hành động nhanh một chút, phải chăng lúc này đây chúng ta đã ở Kim Lăng? Mùa đông Kim Lăng phải chăng chẳng khắc nghiệt như mùa đông Yến Kinh? Nơi ấy ấm áp, người có thể an tâm tĩnh dưỡng, sẽ không phải chịu lạnh, sẽ không đổ bệnh, sẽ không nằm đây chịu khổ sở thế này."
Tẩm điện im lìm. Nói thật nhiều, đáp lại nàng chỉ có tiếng bấc đèn ngọn nến nổ tí tách.
Đường Oanh vốn nghĩ rằng mình nhất định không thể rơi nước mắt, nhưng nước mắt âu cũng là thứ chẳng kiểm soát được. Vậy là bèn vừa rơi lệ vừa kìm nén, vừa nghĩ đến chuyện vui mà cũng vừa dự liệu đến bi kịch. Đau thương trầm thống đến vậy, như thể chỉ vài khắc nữa thôi sẽ có đại họa giáng xuống nơi này. Người lâm bệnh nặng còn chưa tỉnh, quỳ gối bên giường rơi nước mắt, vốn là chuyện không nên.
Đường Oanh không tin thần, chẳng tin quỷ, nhưng lúc này chỉ cần một khúc cây ngọn cỏ có thể cho nàng
chút hy vọng, nàng cũng sẽ bám víu không buông.
Lảo đảo đứng dậy, nàng đi về phía ngọn đèn sáng nhất, ấy là ngọn đèn trên thư án. Đường Oanh biết người kia tuy nay đã không nhìn thấy nữa, nhưng vẫn thường sai người đọc kinh Phật cho mình nghe, bởi thế người của Văn Uyên các cũng thường tới Trường Nhạc điện đưa sách.
Trên thư án nhất định phải có kinh Phật.
Đường Oanh đẩy ngọn đèn sang một góc bàn, vội vã tìm kiếm. May thay, chẳng mấy chốc cũng đã thấy thứ muốn tìm. Nàng muốn mang sách giấy bút nghiên tới bên bàn, vừa chép vừa túc trực bên người đang còn nằm trên giường. Tuy nói chỉ cần thành tâm ắt sẽ linh nghiệm, bản thân nàng cũng chẳng rõ liệu Phật tổ có chứng giám tấm lòng thành của nàng hay không, có lắng nghe tâm nguyện của nàng hay không, hoặc chăng, là do nàng ngộ đạo quá muộn?
Vừa lo lắng ngược xuôi vừa vội vàng vơ lấy tập kinh, lại vô tình chạm phải một tấm thẻ tre. Thẻ tre ấy chính là từ cuộn thẻ tre mà nàng cho công tượng khắc chữ, vừa nhìn đã nhận ra, thế nên cũng chẳng mấy lưu tâm, chỉ muốn trở lại bên giường. Thẻ tre rơi trên đất, có một tấm úp sấp, nét chữ khắc bằng mũi dao găm thanh mảnh mà vụng về hiện lên dưới ánh đèn le lói tỏa ra từ nơi góc thư án, không phải nét chữ của Đường Oanh.
Tam nguyện như đồng lương thượng yến,
Tuế tuế.
Có lẽ là nửa câu còn lại đã bị tấm khác che ngang, không nhìn thấy chữ. Nhưng tất cả những thứ này, Đường Oanh không để ý, cũng đã không nhìn thấy.
Nàng chỉ đang vội vàng trở về bên giường, bên giường lại không có án, bèn quỳ rạp trên đất, khom người chép kinh, chép được một dòng lại nhìn lên một lần. Ước chừng qua hơn nửa chén trà, nàng lảo đảo đứng dậy, áp tay lên trán người kia, kiểm tra nhiệt độ, lại tiếp tục ủ ấm tay chân. Dường như càng lúc Thái hậu càng lâm vào mê man, rốt cuộc đang nói điều gì, Đường Oanh cũng không nghe rõ, chỉ đành ghé sát vào bên tai, thấp giọng trấn an vỗ về.
Nhưng trấn an vỗ về, dần dần biến thành đe dọa uy hiếp từ lúc nào.
"Người không chịu tỉnh lại, không chịu tỉnh ta liền phóng hỏa đốt quốc khố."
"Tại sao người không nói với ta sớm hơn một chút, nói với ta sớm hơn một chút, ta đã có thể có cơ hội đày đọa tên Nhan Tốn kia. Người không tỉnh, mối hận này ta sẽ tính lên mộ phần tổ tiên hắn." Nhưng nói xong mới nhớ ra tổ tiên Nhan Tốn cũng chính là Kim Lăng Nhan thị, không xét đến trái đạo làm người, mà nàng còn đang chép kinh Phật, sao có thể nói lời vô nhân đạo như thế? Bèn muốn nói lại, coi như sửa sai.
Nhưng rồi chưa kịp lên tiếng sửa sai, tiếng triều trống báo sáng đã vang vọng cung khuyết, át đi tiếng nàng. Đường Oanh giật mình cả kinh, ngẩng đầu nhìn về phía cửa sổ, chỉ thấy nơi ấy sắc trời đã tảng sáng. Tưởng như thể có tảng đá nặng đè ngang cõi lòng, có tiếng sấm sét giáng xuống bình địa, nhất thời mọi giác quan đều liệt đi, tê dại. Phải thật lâu, lâu sau đó, nàng mới thở hắt ra một hơi, đôi mắt vô thần ngước lên nhìn chốn hư không.
Nàng nói, từng chữ thoát khỏi môi, thật chậm: "A Y, nếu người đã định nằm đây không chịu tỉnh, đã quyết ngủ một giấc đến thiên thu, vậy ta cũng chẳng thể ngăn cản được nữa. Chi bằng để ta theo cùng, bầu bạn đồng hành đi thôi? Ta đi cùng người, sẽ đầu thai trước người, sẽ tái sinh trước người, sẽ sinh ra trước người, sau cùng, sẽ nhiều tuổi hơn người. Phải, chỉ có cách ấy, kiếp sau ta mới có thể danh chính ngôn thuận chăm sóc người cả đời."
"Ngươi... nói lời hồ đồ." Giọng nói vô cùng yếu ớt, yếu ớt đến mức nếu không lắng tai nghe, sẽ dễ dàng vụt mất.
Mà quả thật, Đường Oanh đã chẳng nghe thấy, chỉ cảm thấy bàn tay mà mình đang bao bọc trong lòng bàn tay khe khẽ cử động. Nàng ngẩng đầu nhìn lên, hồ như muốn đứng bật dậy.
"Tỉnh? Tỉnh rồi! Tỉnh rồi, cuối cùng cũng tỉnh rồi! Đợi một chút, ta gọi người, ta gọi người tới bắt mạch!"
Nói xong liền muốn đứng lên chạy đi.
Thái hậu lại gọi nàng: "Tiểu Thất, ngươi ngồi xuống đây một lát."
Đường Oanh lo lắng không yên, chần chờ, nhưng cũng vẫn là nghe theo. Ngồi xuống rồi lại hỏi ngược hỏi xuôi, hỏi nàng có chỗ nào không thoải mái hay không, có khát nước hay không, có lạnh hay không. Rốt cuộc, ngồi xuống rồi, tâm tư cũng vẫn chẳng yên.
Thái hậu giữ lấy nàng, dường như có lời muốn nói. Đợi khi cơn ho khan qua đi, lúc ấy mới nhẹ giọng: "Những ngày gần đây ta thường có những giấc mơ kỳ lạ. Như vừa rồi, ta đã có một giấc một thật dài. Trong mộng, ta đi trên đường, đi không ngừng nghỉ. Nơi ấy tối đen, cảm thấy như có rất nhiều người quanh ta, rồi lại thấy họ đều là người xa lạ. Chỉ có một người kia bắt chuyện với ta, nói với ta rằng ngươi đang làm ra chuyện đại nghịch bất đạo, muốn ta quay trở lại, ngăn cản ngươi. Nhưng ta không tin, ta nói, Trường Canh hiểu đạo, là một người tốt."
Hơi thở của nàng rất yếu.
"Nhưng ta không nhìn thấy đường, sao có thể tìm đường trở về đây? Cũng chính là lúc ta không biết nên đi về đâu, chợt có một cơn mưa rất lớn, rất lớn, chẳng mấy chốc khắp nơi đã chìm trong bể nước. Ta vùng vẫy trong ấy, có làm cách nào cũng vẫn bị nhấn chìm, như thể là có thứ gì níu ta lại. Ước chừng thứ ấy là những lời ngươi nói chăng? Khi ấy ta đúng là đã nghe thấy ngươi nói những lời hồ đồ."
Đường Oanh muốn giải thích, Thái hậu lại chẳng để ý đến nàng, cũng chẳng quở trách, chỉ tiếp tục kể, như đang nói chuyện với chính mình: "Sau đó thì tỉnh lại. Nay nghĩ lại, ước chừng nơi ấy là cầu Nại Hà chăng? Cầu Nại Hà, ở nơi ấy ai cũng đều chẳng còn có tên họ. Nhưng có lẽ ta biết cơn mưa kia là từ đâu mà ra."
"Từ đâu mà ra?"
Thái hậu nén tiếng ho khan, giọng nàng khàn đi: "Ngươi tới đây, tới gần bên ta."
Đường Oanh nhất nhất nghe theo, không trái một lời, cũng ngồi lại sát bên nàng, ghé người vào hỏi nhỏ: "Sao vậy?"
Thái hậu vươn tay, đầu ngón tay lành lạnh chạm tới gương mặt Đường Oanh, vuốt ve đuôi mắt sưng đỏ. Nàng nói, thanh âm yếu ớt mà ngữ điệu thanh thản: "Ngươi đã khóc phải không? Khóc rất lâu, rơi rất nhiều nước mắt phải không? Khó trách ta nhập mộng rồi vẫn gặp phải cơn mưa lớn như vậy, chỉ e nơi Địa phủ cũng đều đã ngập trong nước mắt của ngươi. Quỷ yêu khóc."
"Ta..." Đường Oanh trốn tránh, "Ta không khóc, ta thức đêm chép kinh Phật, mắt mới sưng như thế."
Nàng đang bận phân bua, chẳng phát giác ngón tay mảnh khảnh của Thái hậu đã lướt xuống đôi môi nàng.
"Quỷ yêu khóc gì chứ..." Đường Oanh còn đang lẩm bẩm, Thái hậu đã giữ lấy gáy nàng, khẽ ngửa đầu đón một nụ hôn, lại mỉm cười, nụ cười nhạt nhòa: "Môi vẫn rất mềm."
Đường Oanh hóa thành tượng đá, đôi mắt đã đỏ còn càng đỏ hơn. Chưa kịp phản ứng đã thấy mình bị người kéo xuống rồi ôm lấy, có lời nói thoảng bên tai:
"Tiểu Thất, ngươi còn ở đây, sao ta có thể nỡ từ bỏ ngươi?"
Một lần thập tử nhất sinh, nàng cảm thấy như mình đã thấu triệt. Chuyện tới hôm nay, còn phải trốn tránh dằn vặt tới khi nào nữa?
- -- Hết chương 77 ---
Dã tằng mân vi sương
Dã tằng nhân nhĩ hồi quang
Du du tuế nguyệt mạn trường
Chẩm năng lãng phí thời quang
Khứ lưu lãng, khứ hoán thành trưởng.
-
(Tóc đen đã pha sương,
Cũng đã vì người mà về lại chốn cũ.
Năm tháng dài đằng đẵng
Sao có thể lãng phí thời gian?
Để lưu lạc, lưu lạc đổi lại trưởng thành.)