Mãi Không Nhắm Mắt

Chương 3


trước sau

Ăn cơm tối xong, Văn Yến ra về và cô nữ cảnh sát lại đến. Đây đã là đêm thứ năm. Tiêu Đồng từ chỗ không quen lắm cuối cùng cũng phải quen, từ chỗ không tự nhiên dần dần biến thành tự nhiên, thậm chí anh còn thiết lập được một sự hiểu biết lẫn ký kết ngầm với người phụ nữ mà anh chưa hề trông thấy mặt này. Anh nghe thấy tiếng cô đi đi lại lại, tiếng cô ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường. Từ giọng nói của cô, anh đoán mò về tâm tình, động tác cũng như thân hình, dung mạo của cô. Nhất định cô ấy phải rất cao, thậm chí phải trên một mét sáu lăm. Khi nắm tay anh dắt đến nhà vệ sinh, anh đã nhận ra bước đi của cô rất phóng khoáng. Bàn tay cô ấy và bàn tay Văn Yến khác nhau hoàn toàn, cũng hoàn toàn khác với bàn tay của những người con gái khác mà trước đấy anh đã tiếp xúc. Bên cạnh sự mềm dịu đặc trưng của phái nữ, bàn tay ấy còn có sức mạnh và sự kiên định của một nam nhi. Càng ngày Tiêu Đồng càng chăm chú nghe và trả lời những câu hỏi của cô, thậm chí có lúc anh chủ động bắt chuyện. Từ những câu chuyện của cô, anh khó lòng hình dung rằng đó là một chiến sĩ hình sự đã từng tham dự vào hàng trăm vụ án. Ban ngày, khi Văn Yến bên cạnh, Tiêu Đồng trở nên trầm lặng hơn, ít nói hơn. Khi Văn Yến nhẹ nhàng giúp anh lau tay rửa mặt, bón cơm..., trong đầu anh chỉ có hình ảnh người nữ cảnh sát đầy lý trí nhưng thuần khiết và sâu sắc. Khi nói chuyện với cô, Tiêu Đồng phải vận dụng toàn bộ trí tuệ để tưởng tượng và suy nghĩ. Mỗi người một câu, thông hiểu và thoải mái. Buổi tối, Văn Yến ra về, cô cảnh sát lại đến, tâm tình Tiêu Đồng lại quay về với trạng thái hoạt bát, suy nghĩ cũng nhanh nhạy hơn so với ban ngày rất nhiều. Anh nghĩ, có lẽ điều này xuất phát từ lòng hiếu kỳ nhưng lúc này, anh mới hiểu vì sao người mù lại thường có một loại cảm giác cực kỳ nhanh nhạy, tư duy vô cùng phóng khoáng.

Cô cảnh sát hỏi:

- Tối nay ăn cái gì rồi?

Anh đáp:

- Bánh bao Hán Bảo!

Cô cảnh sát hỏi:

- Văn Yến đem đến phải không?

Anh đáp:

- Vâng!

Cô cảnh sát nói:

- Đó là loại bánh dùng cho trẻ con!

Anh nói:

- Tôi cũng chưa lớn!

Cô cảnh sát hỏi:

- Ăn trái cây nhé, táo hay quít?

Anh đáp:

- Quít!

Cô cảnh sát giúp anh bóc vỏ quít rồi gỡ từng múi đưa lên tận miệng cho anh, rồi lại đưa tay tiếp lấy những hạt quít từ miệng anh nhả ra. Những việc ấy làm anh xúc động vô cùng. Anh lắng nghe âm thanh từ thùng rác trong góc phòng vang lên khi cô bỏ vỏ và hạt quít vào trong, lên tiếng:

- Ái chà, có phải là chị đã xem tôi như chồng mình rồi phải không?

- Cậu? Hình như đối phương đang cười - Nhiều lắm cậu cũng chỉ đáng làm em của tôi!

Anh cũng cười:

- Vinh hạnh quá! Tôi cũng có một bà chị làm cảnh sát! Lại nói tiếp - Nhưng có điều lúc này, tôi vẫn chưa biết mặt mũi chị ra sao.

Đối phương nói:

- Tôi cũng chưa biết mặt mũi cậu như thế nào.

Anh nói:

- Chị đã trông thấy một nửa.

Đối phương nói:

- Tôi chỉ muốn nhìn thấy nửa kia!

- Tại sao?

- Vì nửa ấy có đôi mắt!

Tiêu Đồng trở nên trầm mặc, giây lâu mới lên tiếng:

- Tôi chân thành kính phục chị. Ý tôi là kính phục tấm chân tình của chị đối với người chồng đã quá cố.

Cô cảnh sát cũng im lặng giây lâu rồi nói:

- Thực ra thì chúng tôi chưa kịp làm lễ kết hôn - Cô đã nhận ra nét biến đổi kỳ lạ trên nửa khuôn mặt của Tiêu Đồng nên hỏi - Cậu cảm thấy tôi rất kỳ lạ, đúng không?

Tiêu Đồng lắc đầu:

- Tôi chỉ cảm thấy chị thật đáng nể!

Cô cảnh sát giúp anh kê chiếc gối cao hơn một tí, cười nói:

- Có gì đáng nể đâu, sau này cậu cũng sẽ thế thôi. Văn Yến đối với cậu rất tốt. Sau này vì cô ấy, cậu cũng sẽ nhảy vào nước sôi lửa bỏng cho mà xem.

- Văn Yến à? Tôi không thể!

Câu nói của Tiêu Đồng dường như nằm ngoài tưởng tượng của cô cảnh sát nên cô kêu lên tỏ vẻ không tin:

- Nói dóc!

- Đúng thế! Cuối cùng Tiêu Đồng cũng nói những tâm sự thầm kín nhất - Con trai còn phải vì sự nghiệp, vì bạn bè. Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, rất ít có kẻ đem sinh mệnh ra để làm trò đùa với đàn bà!

- Đừng quên rằng đàn bà cũng có thể trở thành hồng nhan tri kỷ!

- Nhưng Văn Yến và tôi không thể coi là tri kỷ được.

- Cậu vẫn còn là một đứa trẻ, chưa hiểu thế nào thì được coi là tri kỷ. Cậu vẫn chưa tiếp xúc với cuộc sống cơ mà!

Ngữ điệu của cô cảnh sát rõ ràng là của kẻ bề trên nhìn xuống, không thể tranh cãi được. Điều này khiến Tiêu Đồng cụt hứng. Anh không thích cô tỏ vẻ coi thường mình như một đứa trẻ như vậy. Có một chút tức giận dấy lên khiến Tiêu Đồng không muốn nói thêm gì nữa. Cô cảnh sát sắp xếp lại chiếc giường rồi rời khỏi anh, ngồi ở chiếc ghế sa lông xa xa, lên tiếng hỏi:

- Cậu chỉ là một sinh viên bình thường, sao lại được xếp vào căn phòng sang trọng này?

Khẩu khí này chẳng khác nào đang hỏi cung phạm nhân, Tiêu Đồng trả lời một cách khiêu khích:

- Bỏ tiền ra là được thôi mà. Nằm viện thời đại này, tất cả đều do tiền quyết định!

- Cậu lấy đâu ra tiền? Giọng cô cảnh sát có vẻ khinh miệt.

- Bố mẹ tôi trả!

- Bố mẹ cậu quá nuông chiều cậu rồi!

- Lâu nay họ chẳng quan tâm gì đến tôi. Bố chỉ quan tâm đến phòng thí nghiệm của ông, mẹ chỉ quan tâm đến bố chứ có ai quan tâm đến tôi đâu?

- Bố mẹ không quan tâm cậu? Họ đã bỏ tiền ra để cậu nằm một phòng bệnh sang trọng thế này. Bạn gái mấy ngày đêm liền túc trực chăm sóc nhưng cậu lại chẳng có một chút biểu thị sự cảm kích nào. Theo tôi, một thế hệ thanh niên như các cậu đều vô tình vô nghĩa cả.

Hình như Tiêu Đồng đã bị dồn vào đường cùng. Anh không biết giải thích thế nào để cho cô hiểu:

- Tôi..., đôi mắt của tôi gần như bị mù nhưng bố mẹ tôi vẫn không thể xa rời cái phòng thí nghiệm của mình ở tận bên Đức. Họ chỉ gửi tiền về. Tôi không cần tiền. Tôi muốn gặp mặt họ. Tôi không được họ quan tâm nhưng tôi vẫn muốn trông thấy họ, nhưng họ...

Sự kích động đột ngột của Tiêu Đồng khiến cô cảnh sát lặng người. Cô không biết là mình đang an ủi cậu ta hay biện hộ thay cho bố mẹ cậu ta:

- Có lẽ..., có lẽ họ quá bận. Các nhà khoa học thường lấy khoa học làm tính mạng của mình. Cậu nên hiểu cho họ...

Tiêu Đồng đã trở nên bình tĩnh hơn. Anh nhận ra là mình đã phạm một sai lầm là thổ lộ tâm can với một người phụ nữ mà anh chưa thể hiểu hết. Nhưng có điều anh vẫn không thể dứt được dòng tâm sự của mình. Thở hắt ra một hơi dài, anh nói tiếp:

- Tôi bị mù hẳn hai mắt họ mới trở về, nhưng chỉ đúng có một ngày.

Hình như giọng của cô cảnh sát đã biến thành lời an ủi của một người mẹ:

- Anh không thể bị mù. Qua vài ngày nữa, anh đã có thể mở mắt ra. Anh sẽ trông thấy được bố mẹ mình, cũng trông thấy được Văn Yến và những người mà anh muốn trông thấy khác nữa.

Lời an ủi dịu dàng của cô đã khiến Tiêu Đồng thư thái hơn rất nhiều, cười nhẹ:

- Còn có thể trông thấy chị nữa. Chị có xinh đẹp không?

Không! Không xinh đẹp tí nào.

- Đúng, làm cảnh sát không nên xinh đẹp!

- Tại sao?

- Những cô cảnh sát trong phim đều mặt hoa da phấn, nhìn thấy cũng đủ biết là giả.

- Đúng! Một cảnh sát đích thực không cần phải quá xinh đẹp.

- Chủ yếu là phải có bản lĩnh.

Hình như Khánh Xuân không muốn nghe Tiêu Đồng nói chuyện vu vơ nữa, nói:

- Được rồi. Cậu còn phải nghiên cứu luật kinh tế của mình đi!

- Không còn có chuyện gì để nói nữa sao?

Cứ như vậy, đêm nào cũng một đoạn đối thoại tương tự, sau đó thì ngủ. Hai đêm nay đôi
mắt Tiêu Đồng bị băng kín không phân biệt được đâu là đêm là ngày. Nên thường vào lúc nửa đêm thức giấc, anh không thể ngủ lại được nữa, ngồi dậy muốn nhìn một cái gì đó nhưng tất cả đều đen kịt. Anh chỉ dựa vào cảm giác để đoán định cô cảnh sát đang nằm trên ghế sa lông kia đang thức hay ngủ. Đã mấy đêm rồi, cô liên tục ngủ ở đó để chăm sóc anh, nói chuyện với anh và chờ đợi được trông thấy những ánh mắt đầu tiên của anh. Một người con gái lại chung tình với chồng chưa cưới đến vậy chẳng khác nào một chuyện cổ tích thời hiện đại khiến Tiêu Đồng cảm động. Một thứ tình cảm mà từ trước đến nay anh chưa hề trải qua.

Đại khái là hai ngày nữa anh sẽ được mở băng. Đôi mắt anh sẽ mở ra và tâm nguyện của cô cảnh sát sẽ được hoàn thành. Anh nghĩ: Có lẽ phụ nữ với đàn ông không giống nhau. Phụ nữ yêu một ai đó là yêu đến tận cùng. Còn đàn ông đối với phụ nữ thì nhanh chóng trở thành quá khứ, rất ít người đàn ông nào sau khi người yêu mất mà lại chung tình đến dường ấy.

Có thể dùng hai từ chung thủy để gọi tên tình cảm của Văn Yến giành cho anh. Nhưng có điều không biết vì sao, anh chưa hề có cảm giác rung động trước cô ấy. Tình cảm của anh giành cho Văn Yến rất kỳ lạ, không có tình yêu nhưng lại cảm thấy không thể rời khỏi cô ấy. Hai người bên cạnh nhau, lúc nào anh cũng phát khùng. Nhưng khi chỉ một mình, nghĩ lại sự hiền dịu và phục tùng của Văn Yến và sự chăm sóc ân cần của cô ấy giành cho mình, anh không thể không có chút cảm kích. Nhưng tất cả đều dừng lại ở chỗ cảm kích, không hề có chút xúc động, không bao giờ xúc động.

Ban ngày, cô cảnh sát cứ đúng với hợp đồng, lẳng lặng bỏ đi. Có lúc anh đã nghĩ rằng, cần phải bàn bạc với Văn Yến để tìm cách cám ơn cô và Văn Yến đã nói: Đưa cho chị ấy một ít tiền! Người ta chẳng thân chẳng thiết, không những tặng cho đôi mắt mà còn đến tận bên giường để chăm sóc và bầu bạn, dựa vào cái gì mà làm việc ấy? Chúng ta không đưa tiền cho chị ấy là không được đâu. Vấn đề là đưa bao nhiêu thì vừa? Nhưng Tiêu Đồng cảm thấy không thể đưa tiền vì nó chẳng xứng đáng gì cả, không chừng lại xúc phạm đến cảm tình của cô cảnh sát đối với người đã mất. Nhưng nếu không bày tỏ bất kỳ thái độ nào trước sự giúp đỡ của người ta thì không thể nào yên tâm được, cũng không có cái đạo lý vô tình đến như vậy. Tiêu Đồng nghĩ, dùng bất kỳ phương thức nào nhưng có thể biểu thị được sự cảm tạ chân thành và sự kính trọng đối với cô ấy là tốt nhất.

Cuối cùng anh quyết định tặng cho Khánh Xuân một món quà. Đương nhiên là không phải là quà để ăn để mặc, vì như thế thì quá dung tục. Cũng không thể tặng một món quà nghệ thuật vì nếu chọn không tốt sẽ khiến người ta cảm thấy tầm thường, thiếu văn hóa. Món quà này tất nhiên phải có giá trị. Nhưng nếu chọn đồ chơi hay một món hàng công nghệ phẩm nào đó, e rằng cô ấy sẽ không hiểu được ý nghĩa món quà của anh. Suốt ngày hôm ấy anh không muốn bắt chuyện với Văn Yến, khổ công suy nghĩ nhưng cuối cùng chẳng có kết quả gì.

Đến tối, cô cảnh sát lại đến và vẫn trao đổi bâng quơ như mọi ngày, xong thì lại ngủ. Sáng sớm hôm sau, khi cô chuẩn bị về thì anh nói:

- Chiều nay tôi sẽ mở băng, chị có đến không?

Cô cảnh sát nói:

- Thế sao? Chiều nay đã mở băng rồi sao? Đương nhiên tôi sẽ đến.

Ăn sáng xong, Tiêu Đồng bảo Văn Yến đến siêu thị trung tâm. Anh chợt nhớ trước đây đã trông thấy ở đó có một khuôn ảnh bằng thủy tinh. Trong ký ức của anh, nó khoảng một hoặc hai nghìn nhân dân tệ. Anh cho rằng Khánh Xuân sẽ thích món quà này, vừa sang trọng vừa thanh nhã, lại không thể đoán ra ngay giá tiền của nó. Nếu không để ý thì chỉ nghĩ nó là một khung ảnh bình thường, không đến nỗi khiến người nhận quà cảm thấy áy náy.

Văn Yến do dự nói:

- Món quà này đắt quá, phải chăng là quá trọng thể?

Tiêu Đồng thoáng chút giận, nói:

- Vậy thì em đỡ anh, anh tự đi mua vậy!

Đương nhiên là Văn Yến chỉ biết chấp hành. Anh nghĩ, chiều nay mở băng ra, anh đã có thể mở mắt và cầm lấy món quà ấy tặng cho cô với danh nghĩa của cả hai người: Tiêu Đồng và Văn Yến!

Món quà rất nhanh chóng được Văn Yến mang về, hai ngàn tám trăm nhân dân tệ! Tiêu Đồng dặn dò Văn Yến kiểm tra thật kỹ, không được để tờ giấy niêm yết giá trên khung ảnh, e rằng Khánh Xuân không nhận thì khó xử vô cùng.

Buổi chiều, thầy giáo phụ đạo Lư Lâm Đông đã có mặt từ rất sớm. Anh vừa là giáo viên tập sự, vừa là Bí thư Đoàn Thanh niên khoa nên mối quan hệ giữa anh với học sinh vô cùng rộng rãi và mật thiết. Tiêu Đồng vì giúp anh dọn dẹp phòng mà bị hỏng mắt. Cho dù trách nhiệm đó không thuộc về anh nhưng nếu đôi mắt ấy không thể phục hồi nhất định áp lực tinh thần đè lên anh sẽ không hề nhẹ. Anh cùng với Văn Yến đỡ Tiêu Đồng đến phòng điều trị. Tiêu Đồng không thể biết trong phòng điều trị lúc này có bao nhiêu người mà chỉ nghe thấy người ta đi đi lại lại, nói chuyện râm ran. Tiếng máy phẫu thuật chạy khô khốc, không khí trong phòng nồng nặc mùi cồn, mùi thuốc. Cuối cùng các bác sĩ cũng bắt đầu công việc mở băng cho anh, đến lúc ấy căn phòng mới trở nên yên tĩnh một cách lạ thường. Từng lớp băng đã được bóc ra và lớp cuối cùng đã được bóc nốt. Anh mở to đôi mắt với một nỗi sợ hãi chiếm cứ toàn thân. Mình có thể nhìn thấy được không? Anh tự hỏi, đồng thời nhanh chóng nhắm mắt lại; lại mở ra và cuối cùng một âm thanh vô cùng bình tĩnh vang lên:

- Tôi đã nhìn thấy được rồi!

Đúng vậy! Anh lại được nhìn thấy thế giới này, trông thấy những gương mặt hân hoan của các bác sĩ, trông thấy đôi mắt đầy ngấn lệ của Văn Yến, khuôn mặt cười rất tươi của thầy giáo phụ đạo... Trong tâm trạng cực kỳ hưng phấn, anh đưa ánh mắt nhìn bốn phía và đột nhiên thoáng một chút thất vọng. Cuối cùng, anh đã không thể trông thấy cô cảnh sát đã cho anh ánh sáng và cũng là người mà bao lâu nay anh ao ước được trông thấy nhất. Cô cảnh sát ấy cần phải đến nhưng cuối cùng lại không đến!

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện