Ăn xong bữa cơm đầu tiên ngay sau khi từ bệnh viện về, Tiêu Đồng vội vã nằm dài ra giường để xem tivi, làm như một kẻ đói khát ánh sáng, đói khát thông tin sau mấy chục năm bị mù đột nhiên có lại ánh sáng không bằng. Anh xem ngấu nghiến những tiết mục như “Mua bán trên truyền hình”, “Diễn đàn tạp vụ”... đều không bỏ qua. Ngay cả những trò quảng cáo cũng được anh xem một cách say sưa. Văn Yến giúp anh dọn dẹp buồng vệ sinh, thỉnh thoảng lại thò đầu ra khỏi cửa và ngạc nhiên hỏi anh vừa cười một cách hồn nhiên là cười vì chuyện gì.
Anh chỉ biết đưa tay chỉ về phía chiếc tivi, mắt vẫn không rời khỏi màn hình, tinh thần có vẻ tập trung lắm. Văn Yến nghĩ rằng nhất định phải có tiết mục gì đó rất vui nên chạy ra đứng xem hồi lâu, bất giác cảm thấy nghi ngờ. Thì ra trên màn hình chỉ là những trò thi đấu thể dục giữa những công chức của các đơn vị hành chính, thú vị nhất cũng chỉ là màn kéo co... Cô nhíu mắt càu nhàu:
- Anh mới bị băng kín mắt có mấy ngày mà đã như vậy, có chuyện gì không?
Chưa đến mười giờ đêm, Văn Yến kiên quyết tắt tivi:
- Bác sĩ đã dặn dò anh như thế nào? Đôi mắt của anh cần phải được chăm sóc và nghỉ ngơi một thời gian. Lúc này anh không thể xem tivi hoặc xem sách trong một thời gian quá dài. Nếu bị mù trở lại thì khó lòng gặp được người hảo tâm hiến võng mạc nữa!
Tiêu Đồng lưu luyến nhìn tivi, có vẻ cơn hứng vẫn còn âm ỉ nhưng cuối cùng không hề phản đối, ngoan ngoãn phục tùng Văn Yến. Lúc này Văn Yến đã mở đầy nước ấm vào bồn, gọi anh vào để tắm rửa. Đây là cách tốt nhất để điều tiết sự hưng phấn của Tiêu Đồng bởi lâu lắm rồi, anh chưa được tắm một lần đúng nghĩa.
Nước trong bồn không lạnh cũng không nóng. Một chiếc khăn tắm mới tinh vắt trên thành bồn, xà phòng thơm và sữa tắm đều mới. Tuy căn nhà này không có người ở đã lâu lắm rồi nhưng dưới bàn tay dọn dẹp của Văn Yến, lập tức trở nên chỉnh tề và sạch sẽ. Từ thuở bé, Tiêu Đồng đã được người ta chăm bẵm trong sự bao bọc của bố mẹ và bảo mẫu, mặc quần áo chỉ cần vươn tay ra, ăn cơm chỉ cần há miệng, chưa bao giờ biết khổ là gì. Từ nhỏ, Tiêu Đồng đã ở cùng với bố mẹ trong ký túc xá của cơ quan. Hai mươi năm trước, khuôn viên ký túc xá của các cơ quan khoa học chính là nơi tụ tập của những phần tử trí thức, những nhà văn hóa uyên thâm. Đây là khu cư trú có tính chất như một xã hội thu nhỏ, một vương quốc độc lập tự cung tự cấp với những cửa hàng, hội trường, bệnh viện, nhà trẻ, hồ bơi, thậm chí có cả đồn công an hộ khẩu. Giống như mọi đứa trẻ khác lớn lên cùng một môi trường sống đầy đủ và ưu việt về tinh thần cũng như vật chất như vậy, Tiêu Đồng có một sự xa cách, thậm chí một thái độ khinh thị rất tự nhiên đối với những người thị dân sống trong những ngõ ngách cũng như những ngôi nhà có sân chung trong các ngõ hẽm ấy. Đến lúc chuẩn bị tốt nghiệp trung học, Tiêu Đồng mới chuyển về ngôi nhà hiện tại này. Lúc ấy, các khu ký túc xá cao cấp trong các cơ quan đã bắt đầu lạc hậu. Những khu chung cư hiện đại mới được xây đã thay thế cho những khu ký túc xá tồi tàn chính là đại biểu cho tầng lớp thượng lưu hiện đại. Trịnh Văn Yến sống trong một khu chung cư cực kỳ phổ thông nằm bên cạnh những khu chung cư cao cấp. Cô đến đây chỉ vì những căn nhà chung sân bốn mặt của cô đã bị giải tỏa, trở thành hàng xóm của Tiêu Đồng và tuy chỉ cách nhau có một khoảnh cỏ xanh nhưng lại thể hiện rõ sự phân biệt giữa hai giai tầng khác nhau trong nội bộ thị dân. Nếu so với Văn Yến, sự thích nghi với cuộc sống của Tiêu Đồng là không thể bằng, nhưng nếu xét về suy nghĩ thì đơn giản và thoáng hơn cô rất nhiều. Anh và cô đã từng bàn cãi về sự khác biệt này không dưới một lần nhưng kết quả cuối cùng là ai cũng lấy cái sở trường của mình ra để công kích và cười cợt sở đoản của đối phương mà thôi.
Ngâm trong nước ấm, Tiêu Đồng thấy toàn thân thư giãn, đầu óc tỉnh táo vô cùng. Anh muốn tìm một cuốn tạp chí để đọc. Không thấy cuốn nào bên cạnh, anh mở to mắt nhìn chung quanh. Lâu lắm rồi mới quay về đây, Tiêu Đồng thấy tất cả vật dụng trong gian vệ sinh này cũng có những điều thú vị. Đó là điều mà trước đây anh không hề cảm nhận ra, ngay cả những hoa văn trang trí trên gạch ốp tường cũng trở nên sinh động hơn so với trước. Giống như trong phòng ngủ, trên tường của nhà tắm cũng có treo những bức ảnh về các loại xe hơi: Nào là Mercedes, nào là Ford, nào là Camry, nào là Toyota, nào là BMW, nào là Volkswagen... Toàn là những bức ảnh anh mang về từ những lần xem triển lãm xe cũng như trong các tờ quảng cáo. Anh chưa học lái xe nhưng nếu nói về những chiếc xe kinh điển đang treo trên tường kia, dù là lịch sử ra đời hay tính năng của từng loại, thậm chí giá cả thị trường, anh đều nói vanh vách chẳng khác nào người sản xuất ra chúng. Mấy năm trước, bố mẹ anh đã mua một chiếc Volkswagen. Loại xe này không được chuộng lắm ở Trung Quốc, một nơi chỉ thích sự hào hoa bên ngoài nhưng ở châu Âu, nó lại là số một!
Tiêu Đồng không thích Volkswagen. Anh chỉ thích BMW, mặc dù ở châu Âu, lượng tiêu thụ của loại xe này rất thấp.
Bố mẹ mua xe nhưng không mua nhà ở nước ngoài. Sau khi hai người ra nước ngoài, đơn vị cũ nằng nặc đòi lại căn hộ trong ký túc xá cơ quan. Cách đây hai năm, hai người mới về nước và mua căn chung cư này, Tiêu Đồng mới chuyển nhà về đây. Căn chung cư này chỉ có một phòng khách và một phòng ngủ. Xét về diện tích thì nhỏ hơn căn nhà cũ rất nhiều, nhưng trang bị cực kỳ hiện đại. Phòng vệ sinh và nhà bếp rất rộng, thêm nữa là có nước nóng thường xuyên trong hai mươi tư giờ. Đối với một cậu con trai sống độc thân như thế là quá đủ, quá thoải mái. Từ việc mua căn chung cư này, Tiêu Đồng nhận ra bố mẹ mình không hề có ý định về nước. Theo kế hoạch của họ, sau khi Tiêu Đồng tốt nghiệp đại học, anh cũng sẽ đi du học, do vậy không nhất thiết phải có một ngôi nhà sang trọng vĩnh viễn ở Bắc Kinh.
Sau khi ngâm thật lâu trong làn nước ấm áp, Tiêu Đồng cẩn thận gội đầu và kỳ cọ thân thể rồi với tay lấy bộ quần áo mỏng treo trên móc phía sau cánh cửa mặc vào người, ngắm mình trong gương. Vẫn đôi mắt rất sáng rất trong. Anh rất muốn biết dung mạo của người đã cho anh đôi mắt và người vợ chưa cưới của anh ta. Dung nhan của cô nữ cảnh sát đã từng làm bạn mấy đêm liền với anh trong bệnh viện ấy như thế nào nhỉ?
Rời khỏi phòng tắm, Tiêu Đồng trông thấy Văn Yến đang ngồi trên giường mình, chiếc đèn ngủ trên đầu giường đã được cô vặn thật nhỏ, căn phòng mờ mờ ảo ảo.
- Sao em vẫn chưa về nhà? - Anh hỏi.
Văn Yến có vẻ không vừa lòng, liếc nhìn anh, giận dỗi:
- Anh xem, đã mấy giờ rồi mà còn bảo em về?
Tiêu Đồng cúi nhìn chiếc đồng hồ báo thức để trên đầu giường. Đã hơn mười giờ đêm.
- Thế thì làm sao mà ngủ đây? - Anh kêu nhỏ.
Văn Yến đưa ánh mắt bẽn lẽn nhìn Tiêu Đồng. Anh vẫn biết là cô rất muốn được ngủ chung nhưng anh không hề đả động đến chuyện này.
- Ngủ thế nào đây? - Anh lại hỏi.
Văn Yến lí nhí:
- Hay là để em ra ngủ ngoài phòng khách, trên ghế salon.
- Để anh ra ngủ ngoài ấy!
Vừa nói, Tiêu Đồng vừa ôm một chiếc chăn lên, đi thẳng ra phòng khách. Văn Yến nhảy xuống giường, lôi anh lại, nói:
- Không! Để em ngủ trên salon. Anh vừa mới xuất viện, cần phải nghỉ ngơi. Dù sao thì ở nhà, em cũng thường xuyên ngủ trên salon rồi.
Tiêu Đồng buông tay để cho Văn Yến ôm lấy chăn đi ra phòng khách và ném xuống chiếc salon, rồi quay vào giúp anh trải tấm ra trên giường. Ngồi trên giường, anh nhìn Văn Yến thật lâu rồi nói nửa đùa nửa thật:
- Có phải là em cảm thấy anh coi thường em?
Văn Yến không trả lời, quỳ bên giường giúp anh cởi quần áo, nét mặt lộ vẻ nhẫn nhục, nói:
- Cho dù anh có coi thường, em cũng chẳng có cách nào hơn.
Tiêu Đồng trầm ngâm giây lâu, không nói gì thêm, trên mặt chỉ nở nụ cười như biểu thị sự thân thiết, lâu lắm mới nói:
- Thôi, em đi ngủ đi!
Không một lời chúc ngủ ngon, Văn Yến quay người đi thẳng ra phòng khách. Ngồi trên giường, Tiêu Đồng lắng nghe tiếng cựa mình của cô trên salon, một lát sau, ánh đèn ngoài phòng khách tắt phụt. Anh đứng lên định đóng cửa phòng ngủ, bỗng nghe tiếng Văn Yến thì thầm trong bóng tối:
- Đừng đóng cửa!
- Sao thế?
- Không sao cả, cửa vẫn mở khiến em có cảm giác đây vẫn là một phòng. Em không muốn ngủ một mình!
Tiêu Đồng chiều theo ý cô, không đóng cửa nữa mà với tay tắt đèn, nhẹ nhàng cởi quần áo và chui vào chăn. Trong bóng đêm, anh vẫn có thể trông thấy được tất cả những gì chung quanh, ngay cả những hoa văn được đắp bằng thạch cao trên trần cũng hiện ra rõ mồn một. Anh thấy phấn chấn vô hạn và chợt nhận ra rằng, Văn Yến đã từng chăm sóc anh trong một thời gian dài ở bệnh viện, anh không nên quá đỗi lạnh nhạt với cô như vậy. Anh không biết có nên kéo dài mối quan hệ giữa mình và Văn Yến nữa hay không, Văn Yến có thể kiên trì chờ đợi nhưng anh cảm thấy nó vô vị vô cùng. Ngày ấy, Văn Yến chủ động làm quen và chính vì sự chủ động này ở cô khiến anh hoàn toàn mất hứng thú.
Lần đầu tiên anh gặp Văn Yến là cách đây hai năm rưỡi. Ngày ấy, anh vừa nhận giấy báo trúng tuyển của Đại học Yên Kinh và tranh thủ những ngày cuối cùng để hưởng thụ sự thoải mái trước khi nhập học bằng cách cứ mỗi buổi chiều, anh lại đến khoảng đất trống cách nhà không xa đá bóng với những thằng con trai nhỏ tuổi hơn anh rất nhiều. Và cứ mỗi lần đá bóng, anh lại vô tình trông thấy một cô gái đứng im lìm dưới tán của một cây hòe to tướng bên cạnh bãi cỏ chăm chú theo dõi bọn anh đá bóng, cứ như thế đến năm sáu lần khiến anh phải chú ý. Một lần, anh cố ý đá quả bóng về phía cô ta và chạy theo nhặt bóng. Ấn tượng đầu tiên của anh về cô gái này là, cô ta không ra vẻ một học sinh tí nào mà là một nhân viên gì đó, bởi cô ta đã chủ động lên tiếng làm quen: “Này, anh đá bóng cũng khá đấy!”. Anh cảm thấy thẹn trước lời khen ấy và tự trong lòng, bỗng có cảm tình với cô ta. Lần thứ hai trái bóng lại bay về phía ấy và khi Tiêu Đồng đến nhặt bóng, cô ta lại hỏi: “Này, có phải là anh học ở trường Đại học Thể dục thể thao?”.
Tiêu Đồng không thể hiểu được đó là những lời cố ý tâng bốc hay là cảm nhận chân thật của cô ta. Lúc ấy anh chỉ mặc độc một chiếc quần cộc, nửa thân trên để trần, thân thể chẳng lấy gì làm to cao và cường tráng nhưng lại rất săn chắc. Da anh bóng nhẫy và lấp loáng mồ hôi. Đó là một thân hình rất hấp dẫn đối với người khác giới. Nó thể hiện một quá trình tập luyện lâu dài và rất kiên trì. Có điều lúc ấy, anh chưa hề có một kinh nghiệm nào trong việc đối thoại với người khác giới nên hơi thiếu tự nhiên, cất tiếng hỏi:
- Bạn sống ở gần đây phải không? Tôi đã nhiều lần trông thấy bạn.
Cô gái đưa tay chỉ về phía một khu chung cư thoạt trông cũng nhận ra là rất bình dân, nói:
- Tôi sống ở đó. Anh ở trong tòa nhà nào?
- Một trong những tòa nhà ấy!
Cô gái ngạc nhiên, bán tín bán nghi, cười nói:
- Tôi vẫn nghĩ rằng những người sống trong những tòa nhà ấy không thể biết kiểu đá bóng đường phố trên một thảm cỏ như thế này.
Không kịp hiểu ẩn ý từ câu nói đầy kinh ngạc của cô gái là nhạo báng hay tán thưởng thì anh đã nghe những đứa trẻ cười ồ lên rồi một đứa nói:
- Sao thế? Bắp chân bị chuột rút rồi à?
Anh ném quả bóng về phía chúng, nói to:
- Tao mệt rồi, nghỉ một lát đã!
Hình như cố ý giải tỏa sự lúng túng của anh trước bọn trẻ, cô gái chuyển đề tài:
- Đi học hay là làm việc rồi?
Anh chàng sinh viên tương lai cảm thấy như được gãi đúng chỗ ngứa nhưng vẫn làm ra vẻ bình thản, nói như chẳng để ý gì:
- Sinh viên, Đại học Yên Kinh!
- Thật sao? Thái độ của cô gái thay đổi, vẻ tôn trọng không hề che giấu - Đúng là khó tin. Anh đá bóng hay như vậy nhưng lại là sinh viên của một trường đại học danh giá.
Lời tán dương của cô như một dòng sữa ngọt chảy trong lòng Tiêu Đồng. Anh cảm thấy khoảng cách giữa mình và cô đã xích lại:
- Còn bạn, đi học hay đã làm việc rồi?
- Đi làm rồi, làm văn thư cho một công ty.
- Quá tốt! Thoạt nhìn cũng nhận ra bạn được đào tạo rất bài bản.
- Thật ư? Tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành văn thư ở trường cao đẳng.
- Thế thì bạn đã là một tiểu thư cán bộ nhà nước rồi đấy!
- Không dám nhận danh hiệu cao quý ấy đâu.
Cũng như rất nhiều thanh niên nam nữ khác, lực hút của giới tính đã kéo họ xích lại gần nhau. Qua vài câu trao đổi bâng quơ ấy, Tiêu Đồng và Văn Yến trở thành bạn và không bao lâu sau, cô đã trở thành khách thường xuyên ở nhà anh. Và cũng chẳng bao lâu sau, Văn Yến đã chủ động đến với anh. Và trong ánh sáng rực rỡ của ban ngày, trên mớ áo quần vung vãi và các thứ linh tinh khác, họ đã làm tình. Đó là lần đầu tiên trong đời, Tiêu Đồng biết thế nào là mùi vị đàn bà. Trong sự hoảng loạn, mê muội và sợ sệt, khoái cảm đến với anh thật dữ dội nhưng cũng vô cùng ngắn ngủi. Sau nhiều lần chung đụng xác thịt, cũng như một quy luật chung của đàn ông khi cảm nhận về sự dễ dãi của đàn bà, anh cảm thấy Văn Yến ngày càng trở nên vô vị.
Sau khi nhập học, anh bắt đầu tránh né Văn Yến. Không khí học tập trong trường cũng như những cố gắng của bạn học chung quanh khiến Tiêu Đồng nhận ra rằng mình phải có một cuộc sống chính đáng hơn, chí ít thì cũng không nên lao vào con đường tình ái quá sớm đến như vậy. Nhưng anh không ngờ rằng, Văn Yến lại không phải
là loại đàn bà hễ nói dứt bỏ là có thể dứt bỏ một cách dễ dàng. Cô hiến dâng cho Tiêu Đồng một cách dễ dàng, dễ dàng đến độ khinh suất nhưng sau khi hiến dâng, cô lại trở thành một người phụ nữ trung trinh và nhẫn nhục chịu đựng đến độ khó tin, cho dù anh có ghẻ lạnh, có hắt hủi thế nào, cô cũng vẫn chấp nhận và biến mình thành một chiếc bóng bám riết lấy anh không rời.
Đúng vậy. Luận về nhan sắc, học vấn lẫn điều kiện gia đình, Văn Yến không thể so sánh với Tiêu Đồng, thậm chí cô còn lớn hơn anh hai tuổi. Nhưng điều này không phải là nguyên nhân để cô nhẫn nhục chịu đựng trước Tiêu Đồng mà chính vì cô rất yêu anh.
Thời gian hai năm cứ thế mà trôi. Tuy không hề yêu Văn Yến nhưng cuộc sống của Tiêu Đồng lại dựa hẳn vào cô. Văn Yến cũng đã điều chỉnh được sự thất vọng về tinh thần và dần dần cũng quen với sự ghẻ lạnh của anh. Còn Tiêu Đồng, sau một thời gian ngắn cảm thấy bất nhẫn trước Văn Yến, dần dần cũng không để ý đến chuyện ấy nữa. Rất nhiều đêm hai người ở trong một nhà nhưng mạnh ai nấy ngủ, Tiêu Đồng không bao giờ chủ động đến với cô nhưng cuối cùng, cô vẫn không hề oán trách, không hề hối hận, cam tâm làm cái bóng của chính Tiêu Đồng để được chờ đợi và mong ước.
Trời đã sáng, Tiêu Đồng đã thức giấc, mặc quần áo, rửa mặt rồi đến bếp chuẩn bị chiên trứng. Văn Yến dụi mắt, ngồi bật dậy trên ghế salon, lao vào bếp, miệng hỏi liếng thoắng, nào là tại sao lại dậy sớm, nào là đói lắm rồi phải không..., tay thì giành lấy chiếc chảo từ Tiêu Đồng. Anh mở tủ lạnh lấy chai nước quả ép rồi đi ra phòng khách, đưa lên miệng tu một hơi rồi hướng vào nhà bếp nói to:
- Bữa nay anh sẽ đi học!
- Cái gì? Văn Yến vội vàng chạy ra - Anh mới xuất viện, nghỉ ngơi vài ngày, việc gì phải vội vã như vậy?
Tiêu Đồng không thèm giải thích. Anh không muốn giam mình cả ngày trong nhà cùng với Văn Yến, thà lên lớp vẫn còn hơn.
Không nghe Tiêu Đồng nói gì, Văn Yến cũng không lên tiếng nữa vì cô ứng xử như vậy đã thành thói quen. Cô đặt trứng lên bàn và cùng ngồi ăn với Tiêu Đồng, được mấy miếng lại quày quả vào bếp để thu dọn lau rửa. Một lát sau, cô thấy Tiêu Đồng đã mặc quần áo chỉnh tề đứng giữa phòng khách đợi cô. Ý tứ của anh đã quá rõ: Anh không muốn cô ở nhà mình.
- Em cũng phải đi làm thôi, đừng để công ty phật ý.
- Em xin nghỉ phép nửa tháng, đã hết đâu?
Nói thế nhưng Văn Yến vẫn lau tay, mặc áo khoác, mang giày, sánh vai Tiêu Đồng rời khỏi nhà.
Xe đạp của Tiêu Đồng để ở trong sân chung cư. Lâu lắm không dùng nên nó đã bị phủ một lớp bụi mờ. Đó là một chiếc xe đạp leo núi rất đắt tiền. Tiêu Đồng dùng khăn phủi bụi, Văn Yến đứng một bên quan sát, lúc sau cô lên tiếng:
- Nếu được anh cứ đưa chìa khóa nhà cho em. Tan việc, em sẽ về đây chuẩn bị cơm trưa cho anh.
- Không cần đâu. Có thể trưa nay anh ở lại trường, tranh thủ thời gian để chép lại bài.
Văn Yến đứng trầm ngâm giây lâu rồi nói:
- Thế thì anh phải giữ gìn đôi mắt thật cẩn thận.
Một khoảng yên lặng bao trùm giữa hai người, thậm chí đến lúc chia tay, cả hai cũng không nói một lời chào tạm biệt. Bình thường mọi ngày cũng như thế mà thôi.
Khi Tiêu Đồng đến trường thì tiết thứ nhất cũng vừa chấm dứt. Bạn bè thấy Tiêu Đồng xuất hiện thì quây lấy anh, đua nhau hỏi han rối rít. Có người đã từng đến thăm anh ở bệnh viện nên đã gặp Văn Yến tò mò hỏi: “Cô gái ấy là ai? Là người yêu chăng?”. Hoặc: “Tiêu Đồng? Cậu đã có người yêu rồi à?”; Hay: “Cậu tìm được người yêu lúc nào thế? Cô nào vậy? Chưa nghe cậu nói gì về cô ấy cả?”... Những cậu bạn ấy cố ý nói to những câu ấy trước mặt rất nhiều nữ sinh, nhưng Tiêu Đồng vẫn cứ cười cười: “Đó là bà chị họ của tớ, các cậu chỉ biết nói lung tung mà thôi”.
Sáng nay có bốn tiết ngoại ngữ. Tiêu Đồng không lên lớp mà đi về ký túc xá. Chiếc giường của anh trong ký túc xá không biết có bao nhiêu người tạm thời tá túc, bẩn không thể chịu nổi. Vừa chun mũi, Tiêu Đồng vừa cuộn chăn lại, định mang đến Trung tâm phục vụ sinh viên nhờ giặt, trong lòng thầm nghĩ là tối nay e là phải về nhà mà ngủ thôi.
Trên đường đến Trung tâm phục vụ sinh viên, Tiêu Đồng gặp thầy giáo phụ đạo Lư Lâm Đông. Lư Lâm Đông ngạc nhiên hỏi:
- Em không nghỉ vài ngày, làm gì mà phải vội vàng đến vậy?
- Ở nhà chán lắm. Không đến lớp mấy ngày mà đã nhớ lớp lắm rồi.
Lư Lâm Đông bật chân chống xe đạp, nói:
- Vừa may, tôi cũng có chuyện quan trọng muốn gặp em. Đảng ủy trường định tổ chức một cuộc thi diễn thuyết trong toàn trường chào mừng ngày 1-7. Lãnh đạo khoa đã bàn bạc và nhất trí cử em tham gia.
- Không được đâu! Em mất quá nhiều bài, lúc này cần phải tập trung bổ sung, đề nghị các thầy chọn bạn khác, tốt nhất là một bạn nữ - Tiêu Đồng vội vàng nói.
- Đây là nhiệm vụ chính trị - Lư Lâm Đông nói - Em không được từ chối. Hơn nữa, em cũng phải tích lũy một số điểm chính trị, sau này có lợi cho việc gia nhập Đảng. Các thầy đã nghĩ rồi, thứ nhất, miệng lưỡi em rất linh lợi. Thứ hai, hình thức của em trông cũng được lắm. Thứ ba, ai cũng biết em vừa bị hỏng đôi mắt, bây giờ đột nhiên lại đứng trên khán đài diễn thuyết, nhiều ý nghĩa lắm và tất nhiên là rất có dễ đạt giải. Với em là nói, đây là công việc hoàn toàn có lợi, không nên bỏ qua - Thấy vẻ do dự trên mắt Tiêu Đồng, Lư Lâm Đông vừa nói vừa ngồi lên xe - Cứ quyết định như thế nhé!
Nói xong anh phóng xe đi ngay như sợ Tiêu Đồng lại từ chối. Tiêu Đồng ôm tấm chăn đến Trung tâm phục vụ sinh viên. Trung tâm này là một trong những “kế hoạch 3” của trường do Công ty phục vụ Yên Kinh đấu thầu kinh doanh. Khi đến trước cổng Trung tâm, Tiêu Đồng gặp ngay Giám đốc Trung tâm là Uất Văn Hoán. Một năm trước, ông ta đã từng dạy anh môn Lịch sử, là một Phó giáo sư hơn năm mươi tuổi. Có lẽ đã nhận ra con đường phát triển thành Giáo sư của mình là vô vọng nên Uất Văn Hoán tự đứng ra thành lập công ty. Thời gian kinh doanh chưa lâu lắm nên lúc này đang là thời kỳ ông ta say sưa nhất. Nhưng không hiểu gặp phải chuyện gì mà sáng nay trông mặt mày ông ta có vẻ ủ dột, thấy Tiêu Đồng như gặp phải cứu tinh, chụp lấy tay anh lôi vào bên trong cánh cổng, thân thiết như một người bạn lâu ngày:
- Đôi mắt của em tốt rồi phải không? Đi học lại khi nào?
- Em vừa mới đến trường sáng nay - Tiêu Đồng lễ phép nói.
- Vừa may! Có một chuyện tôi cần sự giúp đỡ của em. Em đến thật đúng lúc, tôi đang não ruột đây!
Ôm tấm chăn trên tay, Tiêu Đồng cảm thấy bất tiện vô cùng, bèn nói:
- Thưa giáo sư, thầy hãy chờ em mang tấm chăn này vào đã.
Hình như đến lúc này Uất Văn Hoán mới phát hiện ra trên tay Tiêu Đồng có ôm tấm chăn to tướng nên lớn tiếng gọi nhân viên, ra lệnh cho họ mang vào trong, lại còn dặn với theo: “Giặt miễn phí, một lát sau tôi đến ký phiếu!”.
Tiêu Đồng có vẻ không yên tâm với sự ưu ái này, nói:
- Thầy Uất, thầy muốn em giúp chuyện gì?
Uất Văn Hoán ngắc ngứ trong họng như gặp phải chuyện gì oan ức lắm nhưng không biết bắt đầu từ đâu, cuối cùng mới nói:
- Tôi bị Lương Chí Đức chơi cho một vố rồi!
Lương Chí Đức là nghiên cứu sinh ở Khoa Luật, Tiêu Đồng có quen biết anh ta, bèn hỏi:
- Lương Chí Đức làm sao?
Hình như chuyện không phải bắt đầu từ đó, hai tay Uất Văn Hoán quơ đi quơ lại trong không khí, nói:
- Em có biết chuyện làm ăn của bộ phận ăn uống của công ty Yên Kinh lâu nay chưa ra gì cả, đúng không? Không dễ dàng gì mà tôi đã tìm ra nguồn đầu tư. Người ta không có điều kiện gì, chỉ yêu cầu tôi giới thiệu cho con gái họ một người bạn trai trong trường ta. Tiền thì người ta quá nhiều, chỉ muốn tìm cho con gái một bạn trai là sinh viên, nghiên cứu sinh hay trợ giảng gì đó. Tôi đã đem chuyện này nói với Lương Chí Đức. Hắn không hề từ chối, đã đồng ý hẹn là tối nay sẽ gặp mặt ở nhà hàng Áp Xuyên. Nhưng không ngờ hắn đã bỏ đi Thiên Tân và còn nói là không về kịp trong tối nay. Tôi lại không thể liên hệ được với ông chủ đầu tư này. Tối nay không mang được người đến, e rằng người ta sẽ nghĩ mình coi thường họ, thậm chí còn cho là công ty Yên Kinh của chúng ta không có chữ tín nên không tin vào công việc đầu tư nữa.
- Có gì quan trọng đâu - Tiêu Đồng cười nói - Ông ấy đã muốn đầu tư thì nhất định đã nhận ra chỗ hay chỗ dở của công ty Yên Kinh. Không có lợi sẽ không làm, có lợi họ không bỏ cuộc đâu. Còn vì chuyện tối nay con gái ông ấy không gặp được bạn trai tương lai mà ngừng công việc đầu tư thì em nghĩ rằng, ông ấy đã không muốn đầu tư từ trước, chỉ mượn cớ ấy mà ngừng thôi.
- Em nói hơi đơn giản - Uất Văn Hoán xoa đầu Tiêu Đồng nói - Thành lập công ty xong, tôi mới nhận ra rằng bơi trong biển kinh doanh là không dễ dàng gì. Chủ nghĩa xã hội không phải đến dễ dàng như trên giảng đường các em đã nghe mà phải là tranh thủ nhặt từng xu, từng xu mang về. Thôi thế này nhé, tối nay em đi với tôi. Em có quyền ăn được một bữa cơm Nhật Bản ra trò mà không mất đồng nào!
- Em đi với thầy để làm gì?
- Em sẽ thay thế vị trí của Lương Chí Đức!
- Hả? Tiêu Đồng cười như mếu. Anh không ngờ rằng một Phó Giáo sư đã từng dạy dỗ nhiều thế hệ sinh viên mà lại ứng xử như vậy. Gương mặt anh đỏ rần, nói - Em không phải là nghiên cứu sinh, lại cũng chưa có ý định tìm bạn gái. Em vẫn còn nhỏ lắm!
Uất Văn Hoán lại xoa đầu Tiêu Đồng, nói:
- Em muốn tìm bạn gái, người ta chưa chắc đã cần em. Tôi đã từng nói chuyện với cô gái này. Lúc này cô ta cũng chưa có nhu cầu tìm bạn trai vì tuổi cũng chưa lớn, nhưng không hiểu vì sao bố cô ta cứ ép cô ta phải tìm bạn trai mà nhất thiết phải tìm trong trường chúng ta. Bố cô ta và tôi đã từng nói nhiều về chuyện này. Tôi cũng đã nói rõ với Lương Chí Đức. Cơm thì cứ ăn, chỉ cần em có mặt là được, cô ta chẳng can thiệp gì. Tôi và cô ta đã ngầm hẹn với nhau là cứ đóng kịch trước mắt ông ấy, cứ cho là làm vừa lòng để chúng ta được đầu tư mà thôi.
Tiêu Đồng thấy việc này không có gì quan trọng nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy mình là một sinh viên, sớm muộn gì thì chuyện này cũng đến tai bạn bè và thầy giáo trong trường, lúc ấy nó trở nên vô cùng lố bịch. Chuyện như thế này khó lòng lọt qua mắt mọi người trong trường, một đồn thành hai, hai thêm mắm thêm muối thành ba, cuối cùng sẽ là một vở hài kịch cho mà xem. Nghĩ vậy, anh lắc đầu nói:
- Không được! Em chừng này tuổi, không giống như người cần phải có bạn gái gấp chút nào cả.
- Sao lại không giống? Không phải là em đã có người yêu rồi hay sao?
- Thấy Uất, chuyện này là thầy nghe ai nói vậy?
Hình như Uất Văn Hoán đã có một chút giận dỗi:
- Đi một chuyến có gì đáng nói cơ chứ? Hơn nữa đây lại là vì lợi ích của trường. Nhiều sinh viên muốn đi nhưng tôi không chọn. Tôi chọn em là vì thấy những điều kiện của em rất đảm bảo. Thanh niên thời đại mới phải ra dáng một chút để mọi người nhìn vào, phải là đại biểu cho trường chúng ta. Tối nay em ăn mặc cho chỉnh tề một tí và nhận mình là nghiên cứu sinh của Khoa Luật, nghe rõ chưa! Em bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Hai mốt phải không? Cứ nói là hai mươi ba, hai mươi tư gì đó cũng được, nghe rõ chưa?
- Sau này người ta phát hiện ra em không phải là nghiên cứu sinh, họ sẽ bảo là thầy lừa họ, liệu có ảnh hưởng gì đến công ty của thầy không?
Uất Văn Hoán trừng mắt lớn tiếng:
- Em vẫn cho rằng người ta muốn làm bạn với em nên để tâm điều tra chăng? Chỉ một đêm nay, một bữa cơm, ăn xong thì hợp đồng kết thúc, ai đi đường nấy, chuyện sau này em không phải lo. Thế nhé!
Vỗ lên vai Tiêu Đồng mấy cái như tất cả đã xong, Uất Văn Hoán bỏ đi. Nhưng chỉ được mấy bước thì ông ta ngoáy đầu lại, dặn dò:
- À, tối nay ăn cơm Nhật nên phải ngồi trên thảm, phải cởi giày. Em nên rửa sạch chân, mang đôi vớ mới, chớ để mùi chân thoảng đến mũi người ta. Nghe rõ không!