Mùa xuân, Hưng Long năm thứ bảy.
Thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Tuy vậy, không thể không kể đến hai việc lớn của "gia đình" tôi vào đầu năm nay.
Đương nhiên cái gọi là "gia đình" chính là cậu em song sinh Đoàn Nhữ Hài và hai anh em Đỗ Chi – Đỗ Quân.
Trước tiên phải nói tới đám cưới của Thái y Bân và Đỗ Chi.
Tết còn chưa kịp khăn gói bỏ đi, cả phủ đã gà bay chó sủa vì chuẩn bị cho một cái kết viên mãn cho đôi chim sẻ.
Mẹ tôi đã rời đi ngay từ trong Tết nhưng Trần Thuyên lại gửi tới một nữ quan đứng tuổi trong cung giúp lo liệu chuyện cưới xin nên mọi chuyện cũng đều được sắp xếp ổn thoả.
Bận rộn cả tháng trời, ngày mai đã là Lễ Thân Nghinh (1).
Đỗ Chi dù có vô tư đến đâu cũng bắt đầu thấy ruột gan rối bời, suốt buổi chỉ ngồi ngẩn ngơ trên sạp, nhìn chăm chăm vào chiếc váy màu hồng nhạt.
Tôi đến gần, vỗ vai Đỗ Chi một cái: "Đã làm đám cưới một lần rồi, sao giờ lại ngây người ra thế?"
Đúng thế.
Đỗ Chi chịu ảnh hưởng của tôi, nhất nhất muốn tổ chức trước một "đám cưới hiện đại".
Cái gọi là đám cưới hiện đại ấy chẳng qua chỉ là để thoả mãn sự ham vui của Đỗ Chi, và cũng để an lòng đôi phu phụ khi có sự tham gia của Trần Thuyên.
Anh là hoàng đế, hôn lễ của một vị y quan nhỏ nhoi đương nhiên không thể công khai tới dự mà chỉ ban quà mà thôi.
"Đám cưới hiện đại" của Đỗ Chi diễn ra rất đơn giản, có tôi làm chủ hôn nói gà nói vịt một hồi, còn lại Trần Thuyên, Đỗ Quân, hai vợ chồng Dương Thu Nguyệt ngồi dưới cười nói chúc phúc.
Đỗ Chi nắm lấy tay tôi: "Em không ngờ ngày này tới nhanh đến như vậy."
Tôi mỉm cười, siết chặt tay cô: "Nhất định phải hạnh phúc."
Cô đỏ mặt thẹn thùng: "Chị cũng vậy, Quan gia là người tốt..."
Tôi liền cốc đầu Đỗ Chi một cái, mắng: "Nói linh tinh gì thế hả?"
...!
Hôn lễ của em họ Đại Hành khiển (2) Trần Khắc Chung không phải tầm thường, đông vui náo nhiệt hết mức.
Lúc này Phạm Bân và Đỗ Chi đang đứng song song trước ban thờ Tơ Hồng, trên mặt ẩn hiện nụ cười hạnh phúc.
Sau bốn lạy ba vái, cả hai kính cẩn quỳ trước hương án, Đặng Công được coi là đại diện của nhà trai liền bước lên cất giọng:
"Trời đất có âm, có dương; người đời có chồng, có vợ.
Hoa đào đua nở, nhị tươi cười đợi gió đong đưa; lá liễu phất phơ, cành rung múa còn chờ tay vin đến.
Duyên trời khéo kén, bà mối tốt đưa..."
Văn khấn Tơ Hồng còn rất dài, tôi nghe được một lúc thì bắt đầu thấy buồn ngủ nên vội lùi ra ngoài, đụng phải người quen.
Quân Trì đang đứng riêng một góc, tên hầu Bính ở phía sau ngồi xổm nghịch kiến, thấy tôi liền ngạc nhiên.
Tôi vội đến gần, chào hỏi xã giao.
"Không biết anh là phía nhà trai hay nhà gái?" Tôi kiếm chuyện làm quà.
Quân Trì cười: "Có lẽ là nhà trai.
Khi xưa ta mắc bệnh lạ, may mắn được anh Bân cứu chữa."
Tôi thầm nghĩ, vậy cũng có thể coi là "bạn trong giang hồ" rồi.
Lần này gặp anh ta vào lúc trời còn sáng, tôi phải tranh thủ đánh giá một chút mới được.
Xem ra Quân Trì này không phải là kẻ nghèo khó.
Quan sát kỹ một chút có thể thấy trang phục mà anh ta đang mặc có chất liệu vải tương đối giống với Đỗ Quân mỗi khi lên triều.
Khi nói chuyện không thay đổi tư thế, luôn duy trì dáng đứng thẳng tắp.
Cử chỉ nhã nhặn, giọng nói bình ổn, thấy người quen cũng không hề tỏ ra thất thố.
Có thể nói Quân Trì đã được dạy dỗ rất nghiêm.
"Chà, thái y Bân quả là người tốt." Tôi gật gù.
Quân Trì lại hỏi: "Tiểu thư là bên nhà gái sao? Khi nãy không thấy cô trong đoàn rước dâu."
Tôi ừ một tiếng rồi nói tiếp: "Tôi cũng được coi là chị em thân thiết của Đỗ Chi."
"Vậy chắc hẳn tiểu thư cũng là người kinh thành rồi?" Bỗng nhiên tôi như thấy trong mắt Quân Trì loé lên một thứ ánh sáng kì dị.
Tôi lắc đầu giải thích rồi hỏi: "Vậy anh Quân Trì ở đâu?"
"Ta là người Gia Lâm."
Tôi: "...!Ồ vậy hả?"
Ngoài mặt bình thản nhưng thực tế tôi chịu chết, không biết Gia Lâm là nơi nào.
Chắc chắn không phải là huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội rồi.
Khi còn sống ở thế kỷ hai mốt với hệ thống tỉnh thành – đường phố được phân chia rõ ràng mà tôi còn không thông thuộc nữa là thời phong kiến này.
Phía gian trong đã thấy mọi người ồn ào chuyện trò, có lẽ lễ tế Tơ Hồng cũng đã kết thúc.
Lúc này một tên gia nhân từ ngoài chạy vào hô lên: "Hành Khiển Trần Khắc Chung đến."
Nghe vậy tôi lập tức gạt Quân Trì sang một bên để có thể ngắm nghía nhân vật lịch sử một cách toàn vẹn.
Đúng là càng ở thế giới này lâu thì càng gặp được nhiều người nổi tiếng.
Trần Khắc Chung hiện tại đã ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng nét mặt hồng hào, tinh thần quắc thước.
Từng bước đi trầm ổn, vốn chỉ là lướt qua nhưng Trần Khắc Chung vẫn kịp dành cho tôi một cái nhìn rất sắc.
Tôi rùng mình, cả người như bị châm chích, vội lùi lại một bước.
Khi định thần lại thì Trần Khắc Chung đã đi vào gian trong, khuất sau đám người đến dự lễ cưới.
Quân Trì quay sang hỏi: "Tiểu thư có quen biết với Hành Khiển sao?"
Tôi nhíu mày, cái cảm giác kỳ lạ khi nãy vẫn còn nguyên.
Ánh mắt của Trần Khắc Chung khiến tôi cảm thấy nổi da gà, như thể tất cả các loại còi báo động đang vang lên cảnh báo nguy hiểm.
"Niệm Tâm?" Quân Trì gọi tên tôi.
"À?" Tôi giật mình.
"Không...!tôi chỉ tò mò một nhân vật cộm cán của triều đình sẽ trông như thế nào thôi."
Quân Trì cũng không tỏ thái độ gì, chỉ yên lặng.
Một lát sau thằng Bính đứng lên, ghé tai Quân Trì thì thầm gì đó.
Anh ta liền quay qua tôi: "Ta có việc gấp phải đi ngay, mong sớm ngày được gặp lại tiểu thư."
Tôi gật gật, Quân Trì vội vã rời đi.
Sau đó vài tháng lại có tin vui.
Em trai Đoàn Nhữ Hài của tôi được bổ nhiệm làm quan trong triều, nắm giữ chức vụ Ngự sử trung tán.
Tuy tôi biết rằng sớm muộn gì Đoàn Nhữ Hài cũng sẽ làm quan to, nhưng phải là sau sự kiện Trần Thuyên say rượu suýt bị Thượng hoàng phế ngôi.
Theo tôi hay thì suốt thời gian qua không hề có sự vụ nào nghiêm trọng liên quan tới Trần Thuyên, trừ việc anh bị ám sát và tôi thì vạ lây.
Tên nhóc Đoàn Nhữ Hài nhận lệnh bổ nhiệm mà cứ như không, vẫn ung dung đọc sách sớm tối.
Tôi nghe Đỗ Quân giải thích, cái chức vụ Ngự sử trung tán của cậu ta không hề tầm thường.
Nơi Đoàn Nhữ Hài sắp vào làm việc có tên Ngự sử đài – là một cơ quan với đặc quyền giám sát, giữ gìn kỷ cương phép nước.
Nhiệm vụ chính của Ngự sử đài là can gián hoàng đế, đàn hặc quan lại.
Nghe qua mới thấy, những người được lựa chọn làm việc tại Ngự sử đài phải là người cương trực, thẳng thắn, không sợ cường quyền, dám vạch ra cái sai của kẻ khác.
Đúng là một chức vụ dễ chuốc thù oán.
Đứng đầu Ngự sử đài thời Trần là chức vụ Ngự sử đại phu, tức "chủ quan" của đài.
Ngay phía dưới chính là Ngự sử trung tán, cũng được coi như phó chức của Ngự sử đại phu.
Trong đài lại có ba viện:
"Đài viện": Đàn hặc bá quan, kiểm soát ngục tụng.
"Điện viện": Kiểm soát nghi thức
"Sát viện": Kiểm soát các quận huyện trên cả nước.
Đoàn Nhữ Hài nắm giữ chức vụ Ngự sử trung tán, không thuộc một viện cụ thể nào.
Công việc của cậu ta đại khái là ở bên cạnh hoàng đế, đưa lời khuyên, can ngăn những quyết định sai lầm của vua.
Đoàn Nhữ Hài chưa đầy hai mươi tuổi, hơn nữa lại không hề qua thi cử, đột ngột được vua ban cho chức này thật đúng là "tuổi trẻ nắm trọng quyền".
Bởi vậy sau khi Đoàn Nhữ Hài nhậm chức đã bị nhiều kẻ ganh ghét mà làm thơ chế giễu:
"Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ,
Khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tán."
Có nghĩa là:
"Ngự sử Đài luận đàm câu cổ ngữ,
Miệng hôi mùi sữa Trung tán Đoàn."
Đã vài lần tôi cố gắng hỏi dò Đoàn Nhữ Hài, xem xem rốt cuộc vì sao mà cậu ta đã làm gì mà lại có thể nhận được chức cao như thế.
Thực hư câu chuyện Trần Thuyên say rượu suýt bị phế truất rốt cuộc là như thế nào?
Có lẽ vì tôi không dám nói quá cụ thể nên tên nhóc Đoàn Nhữ Hài cũng luôn bày ra bộ dạng kín như bưng, không chịu tiết lộ bất cứ điều gì.
Thậm chí có lần cậu ta còn dám liếc mắt nhìn tôi khinh bỉ mà nói: "Đó là bởi vì tôi học thức uyên thâm, là người tài hiếm có nên quan gia mới trọng dụng mà thôi."
Đúng là khiến tôi buồn nôn.
Những lời này mà tên nhóc con nhà cậu cũng dám thở ra, thử để người khác nghe được xem có bị lôi ra chém đầu vì nói năng bừa bãi hay không?
Vì Ngự sử trung tán được coi là một chức vụ cao cấp, và nhờ vào lòng yêu mến kẻ có tài của Anh Hoàng nên chúng tôi, à nhầm, Đoàn Nhữ Hài được cấp cho một biệt phủ nho nhỏ.
Tuy phủ riêng của Trung tán không quá rộng lớn, hoành tráng nhưng cũng gọi là có nơi đi chốn về, hai chị em tôi không cần ăn nhờ ở đậu hai anh em họ Đỗ thêm nữa.
Biết tin này Đỗ Chi buồn thê thảm, cô còn khóc lóc đòi tôi ở lại cho bằng được.
Cũng phải, đến khi tôi và em trai chuyển đi thì tại phủ họ Đỗ này sẽ trống vắng thêm mấy phần.
Anh trai Đỗ Quân, phu quân Phạm Bân ngày ngày phải tiến cung phụng lệnh làm việc; hai vợ chồng Dương Thu Nguyệt đã dắt díu nhau về quê sau khi dự lễ cưới, đến nay hai chị em tôi cũng không ở đây nữa...!
Nhắc mới nhớ, trước khi Dương Thu Nguyệt rời đi có để lại cho tôi một ít thuốc bổ, truyền lại lời dặn dò của ông bố Dương Gia rằng cứ bảy ngày phải có ba lần sắc thuốc mà uống, không được lơ là.
Đống thuốc bổ ấy là Dương Gia đích thân bốc theo thể trạng và sức khoẻ của tôi, đặc biệt do tôi đã từng trúng phải độc Chúc Đương Phong...!tuy rằng đã giải được rồi nhưng vẫn phải chăm sóc sức khoẻ kỹ lưỡng.
Cái mạng này của tôi là nhờ Dương Gia giúp lấy lại, tôi đương nhiên phải răm rắp nghe theo.
Chờ suốt mấy tháng, cuối cùng cũng đến ngày biệt phủ của Trung tán Nhữ Hài hoàn tất công việc sửa sang, sẵn sàng đón hai chị em tôi về ở.
Ngoài thằng Dần xin phép được theo hầu hai chị em tôi, Đoàn Nhữ Hài còn phải vay mượn Đỗ Quân một khoản để mua thêm vài gia nhân hầu hạ, thậm chí cậu ta còn vung tiền mua khế ước của một nữ quan già đã xuất cung để quán xuyến việc nhà.
Đối với việc này, Đoàn Nhữ Hài tuyên bố với tôi rằng đã gửi thư cho mẹ thông báo, mẹ sắp xếp xử lý xong việc buôn bán thì cũng phải cuối năm mới có thể trở về sống cùng chúng tôi.
"Trong nhà không thể không có người lớn, còn chị thì..." Cậu ta kéo dài giọng, muốn trêu chọc tôi.
Tôi tỏ vẻ cảm động vì được quan tâm, cúi đầu chắp tay: "Trung tán Hài nói phải! Dân nữ ngu ngốc không biết quản lý việc nhà, trăm sự nhờ Trung tán xử lý."
Em trai liền bật cười tức giận: "Chị...!hay lắm!"
Vậy là phủ Trung tán hiện tại đang tạm có:
Chủ nhân: Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài
Một con sâu gạo đáng yêu: Chính là tôi đây.
Quản gia kiêm cựu nữ quan họ Dư tên Nương.
Thằng nhóc Dần và khoảng mười gia nhân: Năm nam, năm nữ được phân công cho tất cả các phòng.
Do ít người nên có kẻ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cũng khá vất vả.
Đoàn Nhữ Hài tốt bụng dặn dò Quản gia chọn riêng một cô bé con ngoan ngoãn theo hầu tôi.
Dư Nương nói cô bé năm nay mười lăm tuổi, không biết là người từ nơi nào đến, tứ cố vô thân.
Khi Đoàn Nhữ Hài gặp phải là lúc cô bé đang lang thang trên đường lớn ăn xin, cậu ta thấy vô cùng thương cảm nên mới "nhặt" về.
Đám người hầu trong phủ hiện đang được đặt tên theo Mười hai con Giáp giống như Dần, cô bé kia được gọi là Tuất.
Tôi vội kêu lên: "Một thiếu nữ xinh xắn như thế này mà tên là Tuất thì sao được!"
Cô bé đang quỳ dưới đất, nghe tôi nói vậy liền cúi gằm mặt.
Dư Nương cười cười: "Cũng không có gì khó khăn, nếu cô Niệm Tâm không thích thì hãy đặt cho nó một cái tên khác.
Cậu Hài đã dặn dò chuyện này thì để cô quản lý ạ."
Tôi sửng sốt: "Như vậy cũng được sao?" Rồi quay sang cô bé: "Em đứng lên đi, đừng quỳ nữa ta tổn thọ mất.
Tên cũ của em là gì? Đặt tên mới là chuyện hệ trọng, ta không muốn làm bừa đâu."
Cô bé kia còn không chịu đứng dậy, bật khóc: "Bẩm cô, con không còn nhớ tên cha mẹ đặt hồi nhỏ là gì nữa...!Con lang thang đây đó suốt mười năm, người ta chỉ gọi con là con này, con kia...!Giờ đây con đã được đi theo hầu hạ cô, được cô đặt tên cho chính là may mắn của con ạ...!Nếu quá phiền phức, cô cứ gọi con là Tuất như mọi người là được ạ! Em không hề có điều gì bất mãn cả!"
Tôi ngạc nhiên nhìn lên Dư Nương đang đứng cạnh, bà mỉm cười gật đầu.
Cô bé này đúng là rất