Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên

Bí ẩn hé lộ


trước sau

Chớm đông, từng đụn mây lững lờ trôi dạt trên nền trời cao vút mênh mang, ráng chiều tà đang phai dần, chỉ còn tầng tầng lớp lớp những gam màu nhạt nhoà đằng tây.

Ở phía bên kia hồ Nhật Thịnh, bụi tre bên bờ nước khẽ động, như có con vật nhỏ nào vừa mới ngó ra mà bị dọa cho hoảng sợ, phải quay đầu chạy trốn.

Gương mặt thanh tú hơi ửng đỏ, tóc búi lơi phía sau gáy, Triêu Lộ vận một chiếc viên lĩnh vạt dài màu tía, trước ngực và cầu vai đều được trang trí hoa văn uốn lượn. Cổ tay đeo vòng đồi mồi, miệng mỉm cười, nàng từng bước tiến gần tới đình hóng mát.

Triêu Lộ lưỡng lự trong giây lát, cuối cùng vén váy ngồi xuống đối diện tôi, gật đầu thay cho lời chào hỏi.

Hai chúng tôi cứ thế yên lặng nhìn nhau, không khí có chút gượng gạo.

Trong lòng tôi khẽ than, vừa mới phát hiện ra thân phận thật sự của Triêu Lộ, còn chưa biết tìm nàng ra sao mà nàng đã tự mình xuất hiện. Chẳng lẽ Thánh An và Triêu Lộ có qua lại với nhau, tất cả những gì cô nói với tôi trước giờ đều là do Triêu Lộ nhờ chuyển lời?

Chuyện này hợp lý mà, Thánh An lấy chú của Triêu Lộ, hai người vốn có quan hệ họ hàng.

Người xưa đã dạy: Tiên phát chế nhân, tuy rằng chưa chắc tôi đã làm nên trò trống gì nhưng cứ im lặng mãi cũng không phải là cách hay, vẫn cần một người lên tiếng trước. (1)

"Chị Nguyệt Liên." Tôi hé môi, gọi nàng bằng tên thật.

Nét mặt Triêu Lộ thoáng sững lại, hai mắt mở lớn, khẽ hít vào một hơi thật dài.

Nàng bật cười, trông khoé mắt không hề có chút vui vẻ: "Cứ tưởng khi nãy mình nghe nhầm..."

Thì ra Triêu Lộ vốn không biết tôi đã tỏ tường thân phận của nàng.

"Xin em hãy cứ gọi chị là Triêu Lộ. Còn Nguyệt Liên... mười năm trước... cô ấy đã biến mất khỏi cõi đời này rồi." Nàng cụp mắt, giọng nhẹ bẫng như đang nói về ai khác chứ không phải bản thân mình.

Chỉ một câu đã khiến mọi suy nghĩ trong đầu tôi bốc hơi sạch sành sanh, nhất thời không biết nên nói gì thêm.

Hỏi về Trần Thuyên, về lý do Triêu Lộ bị phế? Mà chuyện này thì có liên quan gì đến tôi đâu chứ...

Vậy là sau khi tôi đồng ý không tiếp tục gọi nàng là Nguyệt Liên, cả hai chúng tôi lại ngậm chặt miệng, ngượng ngùng nhìn nhau.

Triêu Lộ, Nguyệt Liên.

Sương buổi sớm, hoa sen dưới ánh trăng.

Trước khi bản thân kịp suy tính, tôi đã nghe thấy mình cất lời: "Chị này, cái tên Triêu Lộ của chị..."

Đang ngẩng đầu nhìn tầng không cao vút, Triêu Lộ dần hạ ánh nhìn, không nhanh không chậm ngân nga:

"Đối tửu đương ca,

Nhân sinh kỷ hà:

Thí như triêu lộ,

Khứ nhật khổ đa." (2)

Nàng mỉm cười, giải thích: "Nhân có ly rượu trong tay, ta ca một bài. Đời người có bấy nhiêu đâu: Ngắn ngủi như sương sớm, những ngày qua đã khổ đau nhường nào."

Tôi không tỏ thái độ gì đặc biệt.

"Vào cái ngày chị chính thức bước chân vào Đông cung, Quan gia đã đọc đoạn thơ này. Nhân sinh triêu lộ... chị cứ suy nghĩ mãi mà không hiểu rốt cuộc ý của ngài là gì..." Triêu Lộ khép hờ đôi mi, hồi tưởng về những ngày tháng cũ. "Chị là đoá sen dưới ánh trăng, nhưng lời của Quan gia lại nói về giọt sương mai thanh khiết, tan biến khi ánh dương rực rỡ chiếu rọi."

Vậy ra cái tên Triêu Lộ này chính xác là từ Trần Thuyên, thảo nào anh chỉ cần nghe qua cũng đoán được người mà tôi gặp chính là Văn Đức phu nhân.

"Hẳn là chị đã nghe về mối quan hệ giữa em và Quan gia rồi." Tôi nói thẳng, không chút do dự.

Triêu Lộ gật đầu, mày khẽ chau lại trong khoảnh khắc.

Tôi bỗng thấy có gì đó không hợp lý, liền hỏi: "Ngày còn ở Quy Hoá, chị vội vã trốn về phòng khi Quan gia tới thăm em, khi ấy chị mới biết hay là..."

Lần này Triêu Lộ im lặng rất lâu, tựa hồ đang đấu tranh tư tưởng dữ dội. Trong lòng tôi trùng xuống, cảm giác thất vọng len lỏi quấn vào tim. Nàng biết từ trước đó rồi, sau đó mới cố tình tiếp cận với tôi sao?

"Chị Triêu Lộ, chúng ta nên thẳng thắn với nhau thì hơn. Nếu em đoán không lầm thì trong lần gặp trước đây, chị đã cố gắng hỏi em về Quan gia. Chị yên tâm, có thể tiết lộ điều gì thì em chắc chắn sẽ nói thật với chị."

Triêu Lộ thở hắt ra một hơi, khẽ lắc đầu: "Không cần thiết."

Một tay nàng từ từ đưa lên, nắm nhẹ lấy bên vai còn lại, người hơi rụt về phía sau. "Đích thực... chị đã biết đại khái về Quan gia và em, trước cả khi được cứu về nhà Dương Gia."

Tuy rằng đã đoán được nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Triêu Lộ và Trần Thuyên quả đúng là vợ chồng, che giấu mọi thứ quá xuất sắc!

Thời gian trước đây, người của Triêu Lộ mang về tin tức rằng Trần Thuyên cứ vài tháng lại rời khỏi thành Thăng Long để lên núi một lần. Nàng có nghi ngờ của riêng mình, quyết định bám theo Trần Thuyên nhưng nhiều lần bị mất dấu.

Phải biết rằng mỗi khi Trần Thuyên xuất thành sẽ chỉ có duy nhất một Dạ Hành đi theo hộ tống - hoặc Đỗ Quân hoặc Thành An - và dù là ai thì cũng là kẻ đứng đầu đội ám vệ, có khả năng bỏ lại bất cứ kẻ nào bám đuôi.

Bên cạnh Triêu Lộ chỉ có một tỳ nữ và một hộ vệ thân thiết, vốn đã chẳng phải đối thủ của Dạ Hành, không dưới năm lần bị lạc trên núi, có khi không tìm được nơi tá túc mà phải ngủ lại giữa cảnh màn trời chiếu đất.

Cho đến khi đám Triêu Lộ tìm được một ngôi chùa nhỏ, sau đó gặp được Dương Gia và vô tình nghe ông ta chửi bới về một con nhãi chỉ biết nằm một chỗ để người khác chăm sóc. Linh cảm của nàng vô cùng mạnh mẽ, cho rằng người mà Dương Gia nhắc đến nhất định chính là lý do Trần Thuyên rời Thăng Long.

Và thế là nàng quyết định lén lút bám theo Dương Gia về.

"Thầy Gia cao ngạo, chưa từng để ai vào mắt nên không nhớ đã từng gặp chị trên chùa. Hơn nữa, trông ông ấy có vẻ lớn tuổi nhưng thân thủ rất khá, leo sườn vượt núi không thành vấn đề. Cuối cùng bọn chị vẫn bị thầy bỏ lại ở phía sau." Triêu Lộ cười khổ.

Chuyện tiếp theo thì tôi đã biết. Đám Triêu Lộ thật sự đã gặp phải thổ phỉ, thị nữ và hộ vệ vì bảo vệ nàng mà bị chém chết, nàng trốn dưới thân mình đầy máu me của thị nữ, may mắn thoát được một mạng. 

Nàng di di ngón tay trỏ lên cột đình, không rõ đang vẽ những hình thù gì. "Năm lần bảy lượt đều không thể tìm được nơi chốn Quan gia thường ghé tới, ấy thế mà cuối cùng lại được tỳ nữ của em cứu về. Có lẽ chúng ta nhất định phải gặp mặt, là Trời Phật đã an bài."

Tôi có chút nghẹn giọng, hồi lâu mới lên tiếng: "Đông Ly là em gái em, không phải tỳ nữ."

Trong mắt Triêu Lộ loé lên thứ ánh sáng kỳ dị, chỉ đáp ngắn gọn: "Ừ. Chị biết rồi."

Nàng lại nói: "Dù sao thì... được tận mắt thấy Quan gia tới gặp em, chị đã có thể xác nhận được em chính là cô gái mà Quan gia chở che suốt nhiều năm qua."

Sâu kín đáy lòng, tôi thầm kinh ngạc. Lẽ nào tình cảm của Triêu Lộ dành cho Trần Thuyên sâu nặng đến thế, dẫu bãi bể nương dâu, xa cách hơn mười năm vẫn không suy chuyển? (3)

Ngày ấy ở Quy Hoá, Triêu Lộ từng kể mình bị hôn phu lợi dụng lừa gạt, tuy tôi không còn nhớ rõ nét mặt, cử chỉ của nàng nhưng có thể chắc tới chín phần là nàng không nói dối. Rõ ràng, vị hôn phu trong câu chuyện của Triêu Lộ là Trần Thuyên.

Thân phận cháu gái Hưng Đạo vương của Triêu Lộ có điểm gì để Trần Thuyên lợi dụng đây?

Tôi đang tập trung suy nghĩ, không kiểm soát được biểu cảm trên mặt, chỉ thấy Triêu Lộ giật nảy, vội xua tay: "Em đừng hiểu nhầm. Chị chỉ muốn làm rõ một vài vấn đề mà thôi." Nàng ngưng lại trong một hơi thở, hạ giọng: "Xem ra em cũng không biết gì cả, chi bằng gặp mặt người trong cuộc thì hơn."

"Người trong cuộc?" Tôi chau mày. Với cả, tôi không biết điều gì cơ?

Triêu Lộ khẽ gật, nhướn mày một cái, ánh mắt hướng về phía sau lưng tôi, khoé miệng kéo lên thành một nụ cười mơ hồ.

Tôi quay đầu, Thành An xuất hiện từ khi nào, lưng dựa vào gốc xoan cao lớn cách đình hóng mát tầm hơn chục thước. Ánh mắt y đăm đăm nhìn vào tôi, hay chính xác hơn là Triêu Lộ.

Tuy đã thấy Thành An nhưng Triêu Lộ chẳng hề vội vàng, chỉ thở dài: "Chị quay lại Thăng Long không phải vì đòi lại công bằng hay để ngăn cản em và Quan gia. Chỉ là... muốn hỏi Quan gia vài câu."

Tôi hít một hơi: "Câu gì ạ?"

Ngón tay khẽ chạm lên chóp mũi, nàng chớp chớp mắt: "Rằng Quan gia đã bao giờ thấy có lỗi với chị, hay với nàng ấy chưa?"

"Nàng ấy?" Cả người tôi run lên.

Giọng Triêu Lộ bình thản tới không ngờ, âm điệu trong suốt như suối trên ngàn cao.

Chạy dọc sống lưng tôi là một cảm giác băng giá, tay chân như đóng băng, bỗng chốc chỉ còn lại sự luống cuống.

Triêu Lộ đứng dậy, chậm rãi rời khỏi đình hóng mát, đi về phía Thành An. Tôi bừng tỉnh khỏi cõi mộng, tất tả chạy theo.

Đến gần hơn, tôi trông rõ trán y hơi nhăn lại, hẳn là không mấy hài lòng với sự xuất hiện của tôi bên cạnh Triêu Lộ.

Thành An gật đầu chào tôi, nói thật nhanh, không chút giấu diếm: "Ta cho người giữ chân Hồ Yên tại chợ Báo Thiên một lát, phiền tiểu thư chờ thêm."

Y không muốn Hồ Yên trông thấy cuộc gặp gỡ lúc này.

Đoạn, Thành An chuyển ánh mắt về Triêu Lộ, thái độ thay đổi 180 độ, không còn khách khí như với tôi khi nãy: "Phu nhân."

Ngay từ đầu, cả người y đã hướng về phía Triêu Lộ, nàng mới là mục đích cuối cùng của y.

Tôi nghe tiếng Triêu Lộ cười rộ lên vui vẻ: "Thị vệ An nói quá rồi, ta đâu còn là Văn Đức phu nhân nữa."

Ồ, vậy ra hôm nay mới là lần đầu tiên Thành An gặp được Triêu Lộ.

Nụ cười mỹ nhân thu vào tầm mắt, mặt Thành An đỏ như gấc chín, giọng khàn đi đôi chút: "Tiểu thư... Triêu Lộ. Tôi cũng rút khỏi thân phận ngân bài thị vệ bên cạnh Quan gia rồi."

Quả đúng là như vậy, vị trí Nhất đẳng ngân bài thị vệ hiện do Đỗ Quân nắm giữ, còn Thành An chỉ đơn giản là một Dạ Hành, không rõ cấp bậc ra sao.

Tuy nhiên, có vẻ như Triêu Lộ không biết đến sự tồn tại của đội ám vệ này nên Thành An mới không nhắc đến.

Y lại nói: "Tôi tìm tiểu thư vất vả quá."

Tôi suýt nữa cắn vào lưỡi.

Đông Ly của tôi... thua rồi!

"Ta biết. Bởi vậy hôm nay ta mới cố tình lộ diện tại nơi này."

Thành An nói: "Để tôi đưa tiểu thư về."

Triêu Lộ đồng ý, dịu dàng xoay người: "Mong rằng sẽ được gặp lại em, khi chị đã tháo gỡ được tất cả vướng mắc bấy lâu nay."

Đoạn, hai người sóng bước, tôi nghe rõ Thành An thấp giọng: "Giá như khi ấy tôi đồng ý với tiểu thư..."

Triêu Lộ nghiêm nghị đáp: "Đừng nhắc lại chuyện này nữa. Đây không phải lý do ta gặp anh."

Bầu trời chỉ còn vài tia sáng lẻ loi từ đằng tây, một lát sau, Hồ Yên trở về với gói bánh hạt sen nguội ngắt.

...

Mấy ngày gần đây, không khí tại Chương Đức viên có gì đó kỳ lạ.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật vẫn hiền hoà và vui vẻ. Ông nằm nghiêng trên sập, khuỷu tay chống vào chồng gối gấm, vẫy vẫy ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế dưới rồi bảo nếu rảnh rỗi thì khi nào cùng ông niệm kinh.

Tôi sợ tới đổ mồ hôi đầy lưng, tìm cách từ chối ngay lập tức.

Người khiến tôi lo lắng là Trinh Túc phu nhân, bà rất hay mất tập trung, thường không để ý tới người khác nói gì, phải hỏi tới lần thứ ba.

Đợi Trinh Túc phu nhân rời khỏi phòng đi tìm Trần Mạnh, tôi lén lút hỏi thăm sức khoẻ của bà với Chiêu Văn vương.

Ông từ tốn đặt sách xuống án, bình thản đáp: "Không hề gì. Thánh Sinh sắp phải trở về cấm cung, bà ấy buồn là điều đương nhiên."

"Dạ, về... cung ấy ạ?" Tôi thảng thốt.

"Ừ." Chiêu Văn vương nhìn tôi như người ngoài hành tinh. "Ta cứ nghĩ Quan gia sẽ nói trước với con chứ, ai mà không biết Thánh Sinh thân thiết với con nhường nào."

Tôi chỉ đành cúi đầu, cười một cái gượng gạo.

Từ đêm tôi giận dỗi Trần Thuyên đến nay đã mười ngày nửa tháng, anh cũng không thèm chuyển lời qua Đoàn Nhữ Hài nữa là quay trở lại gặp tôi.

Khi ấy đúng là tôi đã giận quá mất khôn, quên mất anh là hoàng đế, sao có thể năm lần bảy lượt dỗ dành tôi vô duyên vô cớ gắt gỏng được.

"Cô Tâm ơi, cô Tâm!"

Tiếng gọi lảnh lót như ca ngâm này là của Trần Mạnh. Tôi hướng mắt ra cửa, thấy thằng bé ngồi vắt vẻo trên vai Quân Trì, hai mắt tít lại.

Trinh Túc phu nhân đi ngay cạnh, tay giơ lên muốn đỡ, miệng nhắc nhở liên hồi: "Cẩn thận, cẩn thận kẻo ngã!"

"Cô Tâm ơi, khi nãy Quân Trì tung con lên trời đấy! Thích lắm luôn ạ!" Trần Mạnh cười sằng sặc khoe khoang.

Trinh Túc phu nhân sầm mặt: "Ta đã nói không được lặp lại mà?"

Quân Trì liền cười xoà: "Phu nhân thứ tội, cũng chẳng mấy mà cậu nhà không được chơi đùa thoải mái như vậy nữa."

Dứt lời, gương mặt Trinh Túc phu nhân như già đi mấy tuổi.

"Tâm, con theo Quân Trì và Thánh Sinh ra vườn chơi đi. Ta có chút chuyện cần bàn bạc riêng với phu nhân." Chiêu Văn vương ngồi dậy xếp bằng, lên tiếng đuổi tôi ra ngoài.

Tôi đi đến gần, Trần Mạnh lập tức giãy dụa, trèo từ trên vai Quân Trì sang tay tôi, đòi tôi bế bằng được. Hai chân thằng nhóc đã quặp chặt vào người, tôi chỉ còn cách choàng tay ôm ngang lưng Trần Mạnh, tiện thể dụi mặt vào cổ nó.

"Thánh Sinh xa cô rồi có buồn không?" Tôi bảo.

Trần Mạnh vội rướn người về đằng sau, hai bàn tay mũm mĩm ôm lấy má tôi, giọng vô cùng nghiêm trọng: "Cô Tâm sắp phải đi đâu ạ?"

Bên cạnh, Quân Trì khẽ lắc đầu.

Xem ra chính bản thân Trần Mạnh cũng không biết mình sẽ phải rời khỏi Chương Đức viên.

Tôi ôm Trần Mạnh trong tay, cùng Quân Trì đi vào vườn cây phía sau gian chính. Tỳ nữ đã sớm dọn qua sân, trên chõng tre đặt sẵn ấm trà, vài ba cái chén cùng một đĩa bánh đậu xanh.

Trần Mạnh nhón một cái rồi tụt xuống, chạy ra giữa sân tự mình nô đùa.

Tôi thở dài, chép miệng: "Đã về cấm cung rồi thì chắc không còn cơ hội gặp lại nữa."

Quân Trì rót trà, đẩy chén về phía tôi: "Không tránh được. Năm sau sẽ tiến hành lễ sắc phong thái tử."

Tôi giật mình, thằng bé mới bốn, năm tuổi mà đã trở thành Đông cung thái tử rồi sao?

Sống tại Chương Đức viên tự do tự tại biết bao, vào cung cấm rồi sẽ phải theo Quan giáo thụ học chữ nghĩa, cả ngày vùi mặt giữa đống sách trong Quốc Tử Giám.

Nhưng chính xác như Quân Trì nói, đây là điều không tránh khỏi. Chỉ chừng mười năm sau, Trần Thuyên sẽ thoái vị, nhường ngôi cho con trai mình. Trần Mạnh trở thành vị vua thứ năm của Hoàng triều Trần, tự xưng Ninh Hoàng, đổi niên hiệu là Đại Khánh.

Tôi còn nhớ mình từng đọc được về Trần Mạnh sau khi lên ngôi, được sứ giả nhà Nguyên khen là "thanh thoát như thần tiên".

Đến khi về nước, sứ giả mô tả lại dáng vẻ thanh tú của Ninh Hoàng cho mọi người biết. Ít lâu sau, sứ nước ta sang Nguyên, có người hỏi lại việc ấy, sứ ta liền trả lời: "Đúng như thế, song cũng là tiêu biểu cho phong thái cả nước." (4)

Trần Mạnh đang ngồi xổm dưới sân, một tay nhét bánh đậu xanh vào miệng, tay kia đập cái bộp xuống nền đất rồi quẹt thẳng lên trán. Chẳng mấy chốc mặt mũi thằng bé đã lấm lem hết cả.

Tôi nhận lấy khăn tay từ bà vú, tất tả chạy đến lau mặt lau tay cho Trần Mạnh. Cậu nhóc cười khúc khích, xoè bàn tay về phía Quân Trì. Anh ta hiểu ý cậu hoàng tử nhỏ, bưng đĩa bánh đậu xanh tới gần rồi tự tay bón cho thằng bé một miếng.

"Từ từ kẻo nghẹn." Tôi nghiêng người, định bụng quệt đi vụn bánh bên khoé miệng Trần Mạnh thì cậu nhóc vụt đứng dậy, đuổi theo cánh bướm vừa bay qua.

Hẫng một cái, tôi mất đà ngã ngửa về phía sau. Quân Trì đang khom người bên cạnh, cánh tay rắn rỏi nhanh chóng đỡ lấy vai, kéo tôi đứng dậy.

Anh ta do dự trong giây lát rồi dứt khoát rụt tay về, không phản ứng gì với lời cảm ơn của tôi.

Nhớ lại đêm qua, tôi nhận được lá thư thứ hai từ Đông Ly. Trên nền giấy chỉ có một vòng tròn màu đen và báo với tôi rằng khoảng chừng mười ngày nữa con bé sẽ quay về Thăng Long.

Vòng tròn kia đồng nghĩa với chữ "có", Chiêu Văn vương và Thần phi Bùi Thị Lan có liên quan đến nhau.

Vậy là Quân Trì đi theo Chiêu Văn vương, khả năng cao là bởi sự nhờ vả từ Thần phi.

Xét lại, ai ai cũng thấy rõ Trần Mạnh và Quân Trì có mối quan hệ thân thiết không kém gì với tôi cả.

Trần Thuyên đã thấy Quân Trì không ổn, thì không lý nào chỉ dặn dò mình tôi phải tránh xa. Chuyện anh ta sống tại Chương Đức viên đâu phải bí mật, người Trần Thuyên lo lắng phải là con trai của anh mới đúng chứ!

Chỉ có thể suy ra rằng Trần Thuyên biết điều gì đó ở Quân Trì, có liên quan trực tiếp đến tôi, cái anh muốn là giữ tôi tránh xa khỏi nó mà thôi.

...

Cái bụng của Vân Phi lớn dần, người lớn trong phủ dựa vào đó mà bày đủ trò trêu Lâm Vũ, khiến thằng bé tức đến khóc lạc cả giọng.

Những câu đại khái kiểu "mẹ Phi đẻ em bé rồi, không còn thương cậu Vũ nữa", "Lâm Vũ sắp ra rìa rồi nhé", hay là "sau này cậu Vũ phải nhường cha mẹ cho em rồi"... tưởng rằng chỉ là lời nói đùa vô hại, nhưng thực tế lại mang ý nghĩa rất ác độc đối với trẻ thơ, trực tiếp khoét dao vào tâm lý của chúng.

Ban đầu tôi tưởng Lâm Vũ đến tuổi nghịch ngợm nên mới khóc lóc nhằm lôi kéo sự chú ý của mọi người, nhưng rồi một lần nghe được Dư Nương ôm Vũ trong tay mà trêu ghẹo mới hay sự vụ. Mà cũng bởi chính Vân Phi không lên tiếng ngăn cản nên đám người dưới mới càng đùa giỡn quá đà hơn, ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới Lâm Vũ.

Tôi mời mẹ Sinh ra ngoài gian chính, để bà ngồi trên sập cao, Vân Phi bế Vũ một bên còn bản thân ngồi ở phía còn lại, chậm rãi uống trà. Dĩ nhiên, mắng kẻ dưới chỉ là chuyện nhỏ, nhắc nhở mẹ lẫn em dâu để ý Lâm Vũ hơn mới là điều quan trọng.

Dư Nương cùng đám tỳ nữ, gia nô trong phủ xếp hàng dưới sân, ngơ ngác không hiểu vì sao một nhân vật lười nhác, "thoắt ẩn thoắt hiện" như tôi lại tự nhiên làm rùm beng lên như thế.

Không trách họ được, thường ngày tôi vốn không quan tâm bất cứ thứ gì. Đứng đầu phủ là Đoàn Nhữ Hài, nhưng chuyện nhà là do mẹ Sinh và Vân Phi cùng nhau giải quyết, tôi giống như phận ăn gửi nằm nhờ, chỉ cần
ngày được no đủ ba bữa là ổn thoả.

Tôi nắm lấy cây thước dài từ trên sập, quét mắt nhìn xuống đám gia nhân, chưa vội lên tiếng.

"Sao đấy con, có gì phải nói chứ?" Mẹ Sinh thì thầm, giật giật gấu áo tôi.

"Mẹ cứ từ từ." Tôi không quay đầu, duy trì nét mặt nghiêm khắc.

Đến khi đám gia nhân đều lộ vẻ hoang mang thì tôi mới từ từ đứng dậy, trước hết giả vờ phủi bụi trên cầu vai rồi mới chầm chậm mở miệng, nói: "Em trai ta đương giữ chức Tham tri Chính sự tại triều đình, công vụ bận rộn tới mờ mắt nhưng mỗi tối trở về vẫn không quên giở sách chắp bút, mong ngóng Lâm Vũ mau chóng lớn khôn để có thể đích thân giảng giải Tứ Thư, Ngũ Kinh cho con trai... Trăm suy vạn tính cũng không ngờ được ở nhà lại có kẻ không biết giữ mồm giữ miệng, chỉ biết nói xằng nói xiên, gây ảnh hưởng tới cậu cả!"

Những người thường ngày hay tiếp xúc với Lâm Vũ, đặc biệt là Dư Nương mặt mày tái mét, hiển nhiên không nghĩ nổi mình đã lỡ lời nói gì để khiến tôi giận dữ.

Tôi tiến gần hơn xuống dưới, nhắc lại đại khái mấy lời trêu ghẹo của họ đối với Lâm Vũ, đoạn mắng: "Khổng Tử từng dạy: Con em trong nhà thì hiếu, thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được thế vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn. Còn các người, đã gieo vào đầu Lâm Vũ những gì rồi? Khiến nó sợ hãi cảnh bị cha mẹ xa lánh, ghen ghét đứa em còn chưa chào đời..." (5)

Dư Nương là người từng trải, không cần tôi phải nói thêm nữa mà lập tức cúi đầu: "Xin cô cả bớt giận, chúng tôi đều là kẻ ít học, nay may mắn được cô cả dạy bảo mới vỡ ra nhiều điều. Từ nay chúng tôi sẽ cẩn trọng lời nói, tuyệt đối không cư xử xằng bậy trước mặt cậu Vũ!"

Dứt lời, mấy tỳ nữ sau lưng cũng quỳ xuống, lặp lại như Dư Nương.

Nhận lỗi quá nhanh, tôi đành phải nuốt câu doạ dẫm "ai còn dám mở miệng nói nhảm trước mặt Lâm Vũ thì đừng trách cái thước trong tay ta vô tình" vào bụng.

Một lát sau, Đỗ Chi và Diệu Hân dẫn Huệ sang phủ chơi, nghe Vân Phi kể lại dáng vẻ hùng hổ của tôi khi ấy mà cười ngất.

Đỗ Chi ho mấy tiếng, khẽ đẩy tôi một cái: "Em chưa từng thấy chị to tiếng với kẻ khác đấy!"

Diệu Hân đang bế Huệ, nghe vậy cũng phụ hoạ vài câu.

Tôi chỉ cười không nói gì, để ý thấy Diệu Hân đã bớt đi vẻ rụt rè, cư xử cũng phóng khoáng hơn mấy phần.

Đỗ Chi nhìn ra được tôi đang đánh giá chị dâu mình, ghé tai thì thầm: "Không rõ ngày hôm ấy chị với chị Hân nói những gì mà về nhà chị ấy còn lễ phép với anh Quân hơn cả khi mới thành thân nữa. Anh em chỉ cần nhướn mày một cái mà chị Hân đã cuống cả lên rồi..."

Có gì khó nghĩ đâu, Diệu Hân ấy là sợ tôi sẽ mách với Đỗ Quân về việc nàng cố tình nhắc lại mối quan hệ cũ của tôi với y đây mà. Tôi quay đầu cái liền quên béng, còn nàng sống cạnh lang quân lại cứ phải lo lo lắng lắng bản thân bị ghét bỏ, âu cũng đáng thương.

Đến tối, Đoàn Nhữ Hài cũng nghe được chuyện hôm nay, biết được tôi dám trích dẫn lời dạy của Khổng Tử ra để mắng đám gia nhân liền cảm động không thôi, rưng rưng bảo: "Cuối cùng thì đầu chị cũng chứa được ít chữ nghĩa."

Dù bị tôi đạp một phát vào ống đồng thì cậu ta cũng không nổi giận, còn nghiêm cẩn vái tạ: "Em trai giao Vân Phi cho chị chăm sóc, yên tâm theo hầu Quan gia rồi."

Thằng Dần đứng sau cũng bắt chước bộ dạng, cười tít: "Con cũng yên tâm theo hầu cậu Hài rồi ạ."

Dần đã sống ở phủ họ Đoàn chừng năm, sáu năm trời, đến nay tuổi xấp xỉ mười tám, trở thành một cậu thanh niên sức dài vai rộng.

Tuy rằng thằng bé không theo tôi nhưng chưa bao giờ quên ơn cứu mạng ngày ấy, có của ngon vật lạ gì đều nhờ Đông Ly gửi đến tôi, rảnh rỗi lại chạy đến nghe tôi kể chuyện.

Tôi bảo với Đoàn Nhữ Hài để ý Dần một tí, xem trong phủ có cô nào hiền lành dễ chịu thì làm mối cho thằng bé, dù sao cũng đến tuổi lấy vợ rồi.

Em trai tôi đồng ý, sau lại mắng tôi làm chuyện bao đồng. Thân mình còn chưa lo xong, hơn hai lăm tuổi rồi vẫn sống cùng em trai, có biết xấu hổ không?

Tôi vênh mặt với Đoàn Nhữ Hài, hiền ngang đáp không biết, khiến cậu ta tức đến xì khói.

...

Được ngày nắng vàng như tơ, tựa mật rải trên cành lá, tôi đưa Vân Phi ra ngoài đi dạo.

Dạo gần đây khẩu vị của con bé thay đổi liên tục, vừa ban sáng thèm mận xanh tẩm gừng, đến chiều đã đòi ăn bánh gạo tẻ, tôi dứt khoát dắt cả đám ra chợ Báo Thiên, thích gì mua nấy cho xong.

Sống ở thời đại này, riêng việc ăn uống của bà đẻ cũng vô cùng tâm linh. Ví dụ: Kiêng ăn cua để tránh sinh ngang, kiêng ăn trai sò ốc hến để tránh con nhiều dãi dớt, kiêng ăn thịt thỏ để con không bị sứt môi...

Nên thực tế thì Vân Phi không được ăn uống thoải mái cho lắm, vẫn phải nghe sự "chỉ đạo" từ hầu gái của con bé, Nhã Hồng, cẩn thận từng li từng tí.

Hôm nay tôi ra đường nên lại có Hồ Yên đi cùng. Khác với Đông Ly, trước nay cô nàng luôn phải giấu mình cùng Dạ Hành, hiếm có cơ hội được dạo chơi phố phường như bây giờ.

Ánh mắt Hồ Yên lấp lánh, gương mặt thể hiện rõ sự tò mò với cảnh tượng chợ búa tấp nập.

Tôi đem thắc mắc của mình hỏi Hồ Yên, cô nhẹ giọng đáp: "Đã có kẻ dưới lo từng bữa ăn, Dạ Hành không cần động tay, hoàn thành tốt nhiệm vụ là được."

Lại nghe cô khẽ thở dài: "Đúng là trải qua rồi mới thấy, được ra ngoài nhìn ngắm bầu trời cũng là một niềm vui."

"Là sao?" Tôi nheo mắt, tránh đi tia nắng vừa chiếu đến.

Hồ Yên khựng lại, liếc nhìn tôi rồi bảo: "Chuyện này chắc cô biết rồi. Năm xưa ta vì Bách Chu mà cãi lời Quan gia, cô cũng chứng kiến đó, về sau Quan gia phạt nhốt để ta suy ngẫm lại lỗi lầm của mình. Chỉ ba ngày ba đêm ở trong một căn phòng nhỏ xíu, không có ánh mặt trời, cũng chẳng được trò chuyện với bất cứ ai đã khiến ta sợ tới run rẩy cả người. Nếu được lựa chọn, ta thà chịu đánh trăm roi chứ không muốn lặp lại tình cảnh khi ấy đâu."

Giọng điệu Hồ Yên nhàn nhạt, tựa như không có chút cảm xúc nào nhưng lời lẽ thì đã đủ khiến tôi phải choáng váng.

Trần Thuyên không hề nhắc lại vụ việc ngày ấy, tôi chỉ biết rằng Bách Chu sau khi chịu ba mươi gậy thì đã được anh tin dùng như xưa, mặc dù không được giữ chức Hữu ngân bài thị vệ nữa. Còn Hồ Yên, cãi ba câu, phạt nhốt ba ngày. Răn đe bằng cách đánh thẳng vào tâm lý, chẳng trách đám Dạ Hành lại sợ Trần Thuyên một phép.

Nhã Hồng kéo Vân Phi vào hàng ăn vệ đường, tôi và Hồ Yên cũng đi theo, nghe mùi thơm nức mũi.

Chị gái bán hàng nhanh nhẹn thái từng miếng thịt, rim với nước mắm, thả một ít ớt đã được cắt nhỏ, xong xuôi thì gói vào lá chuối đặt lên mâm lớn.

Chúng tôi chăm chú quan sát, nhìn đến là say mê.

Bỗng nghe Hồ Yên quát một tiếng, dáng người thon thả vụt bước lên phía trước che chắn cho tôi.

Một gã đàn ông gầy gò ốm yếu, sắc mặt vàng vọt chắp tay lạy lục, xin chúng tôi bố thí mấy đồng. Khi nãy suýt chút nữa ông ta đã lao vào người tôi nếu như không có Hồ Yên ngăn trở.

Bà chị bán thịt vội bịt mũi, lớn tiếng xua đuổi người đàn ông nọ.

Em dâu Vân Phi của tôi đang mang bầu nên càng muốn làm việc thiện tích đức, liền quay sang bảo Nhã Hồng lấy ra mấy đồng lẻ. Nhã Hồng sờ vào hông, sắc mặt trắng bệch, run run nói: "Túi... túi tiền con buộc ở đây... mất... mất rồi."

Vân Phi biến sắc.

Vừa mới bước chân khỏi cửa chưa lâu mà đã mất mát, đúng là xui xẻo. Vân Phi vốn là người quản chuyện tiền nong trong phủ họ Đoàn, tôi lo con bé suy nghĩ nhiều, vội lên tiếng an ủi: "Em đừng buồn, của đi thay người thôi. Giờ để cái Hồng về phủ lấy thêm ít tiền, chúng ta đi chơi tiếp."

"Không cần đâu."

Tôi nghe tiếng cười trầm thấp, ngẩng mặt lên thì thấy Đỗ Quân đang đi tới, tay giơ lên túi tiền leng keng.

Cả đám sửng sốt, quên cả cảm ơn.

Đỗ Quân nói: "Cũng chỉ là một tên ăn mày, đã bị ta cho một đạp rồi. Khả năng cũng phải nằm giường tới hai, ba hôm."

Đây là đã giảm bớt tội trạng cho kẻ ấy, bởi theo luật lệ Đại Việt lúc bấy giờ thì kẻ trộm cướp khi bị bắt sẽ bị chặt một ngón chân rồi giao cho người bị trộm tuỳ ý xử lý, dù có bị voi giày chết thì cũng là chuyện thường.

Y quay sang Hồ Yên nhắc nhở: "Em cần để ý hơn nữa."

Cô nàng vội chắp tay, cúi đầu nhận lỗi.

Gặp phải chuyện không may nhưng cả đám vẫn chưa mất hứng, quyết định đi thêm một đoạn, tìm gánh bán mứt kẹo để mua một ít về ăn vặt.

Đỗ Quân ra dấu cho Hồ Yên, cô hiểu ý liền đi nhanh lên phía trước, cùng Vân Phi ngó nghiêng.

Tôi quan sát Đỗ Quân, thấy sắc mặt y hồng hào, còn có vẻ béo lên mấy cân, xem chừng thời gian qua đã được vợ chăm rất kỹ. Diệu Hân đúng là chỉ ghen bóng ghen gió bên ngoài, về nhà vẫn biết cách chăm sóc chồng con.

"Thấy anh và cô Hân hạnh phúc như hiện tại, tôi mừng lắm." Tôi có chút xúc động, nói với Đỗ Quân.

Lông mi khẽ động, y mỉm cười: "Gặp được nhau là duyên, ở bên nhau là phận."

Tôi cũng cười: "Thật lòng mà nói, tôi coi anh như anh trai lớn trong nhà. Nhiều năm trước sống tại Đỗ phủ, được anh và Chi tận tình chăm sóc, đây không phải chuyện mà bạn bè bình thường có thể làm cho nhau."

Đỗ Quân dịu dàng tiếp lời: "Trong lòng ta, cô và Chi không hơn không kém, đều là em gái nhỏ nghịch ngợm. Có lần cô và nó cãi nhau đến mức gà bay chó sủa, bây giờ nhìn lại cũng là một kỷ niệm đẹp."

Nghe vậy, tôi bật cười. Chắc y nhớ nhầm rồi. Đỗ Chi luôn giắt roi da bên hông, tôi nào dám cãi lộn tay đôi với con bé chứ!

"Hai nhà Đoàn - Đỗ chúng ta gần gũi đến vậy rồi, nếu anh không chê... thì từ giờ... tôi gọi anh là anh trai được không?" Tôi nghĩ nhanh, quyết định kết tình anh em với Đỗ Quân.

Để tránh làm Diệu Hân lo nghĩ mà ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng, tôi thấy vẫn nên rạch ròi mối quan hệ này.

"Được chứ!" Đỗ Quân sảng khoái đáp. "Có được em gái như Niệm Tâm là phúc của anh!"

Thôi thôi, một "phúc" là Đỗ Chi anh đã muốn tiền đình rồi, thêm "phúc" là tôi nữa mà anh chịu nổi hả? Tuy nghĩ là vậy nhưng tôi không dám nói câu này ra miệng.

Nụ cười trên môi Đỗ Quân nhạt đi vài phần, nét mặt lộ vẻ ưu tư. Y thở hắt ra một hơi, quay sang tôi nói: "Có điều này anh phải nhắc nhở em, tuy là cơ mật nhưng... anh nghĩ là em nên nắm được một ít thông tin, từ đó có thể... bảo vệ bản thân."

Tôi cũng thu lại nụ cười, nghiêm túc lắng nghe.

Đỗ Quân hạ giọng: "Anh biết ngày trước Huệ Vũ vương tìm em để nói về chuyện gì."

"Ý anh là ma sói, à nhầm, trò đóng vai kia?" Tôi há miệng.

"Ừ. Đây là một hình thức đánh bạc, chỉ lưu truyền giữa quý tộc và quan lại. Anh tìm được vài đầu mối, đến khi xin chỉ thị của Quan gia để điều tra thì tất cả đều mất tăm mất tích. Đại khái thông tin mà bọn anh nắm được là tất cả những gì Huệ Vũ vương nói với em rồi. Ngoài ra..."

Tôi nín thở, tim đập bình bịch, sợ đến lạnh cả gáy.

Dưới triều Trần, đánh bạc là tội chết, không còn đường lui! Như Đỗ Quân nói... vụ việc này còn liên quan tới cả quý tộc và quan lại, quy mô vô cùng lớn. Chẳng trách Huệ Vũ vương ra sức trốn tránh, nhất quyết không chịu tiết lộ với tôi nửa lời.

"... Tại kinh thành cũng xuất hiện những sòng bạc nhỏ. Đại an phủ sứ đã cho quan quân đi lùng bắt được kha khá kẻ tham gia, đều âm thầm xử trí để tránh gây hoang mang lòng dân. Anh nghe Đông Ly nói, lúc trước em và con bé đi tìm hiểu về một người đàn ông tự tử chết, để lại món nợ lớn cho gia đình?"

Tôi gật đầu.

"Đây là hậu quả của việc đánh bạc. Đông Ly nhờ Dạ Hành tiện thể tìm hiểu một lượt, kết quả tra ra người đàn ông ấy bị bạn dìm chết rồi vứt xác ra sông lớn, đẩy nợ nần của mình sang. Nếu về sau em gặp phải chuyện như vậy thì phải báo với anh, không được tự mình ra ngoài nữa."

Khi ấy tôi đã đoán đúng, Ninh Thế Sơn bị gi.ết chế.t chứ không hề tự tử vì nợ nần!

"Được, em biết rồi. Vậy là vì đánh bạc, mất hết tiền của nên nhiều người mới lâm vào tình cảnh phải đi ăn mày phải không ạ?" Tôi nhíu mày, hỏi Đỗ Quân.

Y xác nhận, sắc mặt vô cùng nặng nề.

"Khoan đã." Tôi chợt nghĩ đến người đàn ông xin bạc khi nãy. "Em từng gặp mấy người ăn mày, họ đều có tình trạng giống hệt nhau: Da nhăn nheo vàng vọt, người gầy guộc, mắt lúc nào cũng đảo đi đảo lại, trông rất dễ sợ. Em không nghĩ đây chỉ là biểu hiện của chịu đói lâu ngày..."

Đỗ Quân gật đầu: "Được, anh sẽ lưu ý điều này."

Y còn phải quay về cấm cung báo cáo với Trần Thuyên, dặn dò mấy chị em tôi cẩn thận rồi nhanh chóng rời đi.

Vân Phi mua được mứt quả như ý muốn, kêu mỏi chân, chúng tôi quyết định kéo nhau về.

Trước phủ họ Đoàn có hai dáng người đang đi qua đi lại như thể dưới chân có lửa đốt, không thể đứng yên một chỗ.

Tôi nhận ra là thằng Sanh vốn theo hầu Phạm Bân, còn bên cạnh là thằng Dần. Nhìn thấy tôi, cả hai chỉ hận không thể gào ầm lên, vội chạy đến.

"Em trai tôi nay về sớm thế à? Tôi hỏi Dần.

Thằng nhóc lắc đầu: "Dạ không. Cậu Hài bảo con về phủ thông báo không ăn tối, cậu ở lại dùng bữa với Quan gia ạ."

Còn chưa dứt lời, thằng Sanh quỳ xụp xuống nắm lấy vạt áo tôi mếu máo: "Cô ơi, cô cứu cậu con với!"

Tôi hãi tới nhảy dựng, vội kéo nó dậy hỏi han.

Sanh sụt sùi: "Cậu Bân nhà con... cậu Bân... bị người của Thái An vương bắt đi rồi!"



(1) Tiên phát chế nhân, có nghĩa Ra tay trước để chế phục đối phương: Kế thứ 9 trong Tam Thập Lục Kế (Binh pháp Tôn Tử và 36 mưu kế)

(2) Trích thơ Đoản ca hành kỳ 2 - Tào Tháo

Mạc Chẩm dịch thô:

Nâng chén ca hát,

Đời người có nhiêu:

Ngắn tựa sương mai,

Đau khổ ngày dài.

(3) Bãi bể nương dâu: Có xuất xứ từ thành ngữ "Thương hải tang điển", có nghĩa "Ruộng dâu biến thành biển xanh", chỉ sự thay đổi lớn trong cuộc đời

(4) Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư

(5) Nguyên văn lời Khổng Tử chép trong Luận Ngữ: "Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn."

Lời Niệm Tâm nói là phần giảng giải trong sách Luận Ngữ & Khổng Tử - Nguyễn Hiến Lê

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện