Tôi nói với Đỗ Chi rằng ma nữ đã xuất hiện thêm lần nữa, đương nhiên đã lược bỏ chi tiết "không thuộc về thế giới này" một cách khéo léo. Hôm nay chỉ có tôi và Đỗ Chi ở nhà, cả Đỗ Quân và Phạm Bân đều phải tiến cung khiến cô nàng khó chịu ra mặt. Tôi lại vô cùng thấu hiểu, phải đi làm thì mới kiếm được tiền, mà có tiền mới sống sung sướng được chứ.
Đỗ Chi rất lo lắng, một ngày chưa thể chứng minh được Lưu Bích Thủy kia là giả và ma nữ vẫn xuất hiện trong giấc mơ của tôi thì cô còn chưa yên lòng được ngày đó.
Chi chống cằm, mắt nhìn xa xăm: "Vì sao chị Bích Thủy không tới tìm em mà lại là chị nhỉ?"
Tôi diễn sâu, khuôn mặt tỏ ra đăm chiêu suy nghĩ y hệt cô nàng mà đồng tình.
Hai chúng tôi ngồi gặm bánh, trò chuyện linh tinh. Bên vai tôi bỗng nhói đau một cái, khiến tôi nhớ lại tình cảnh ngày mình trúng tên. Mấy hôm trước tôi cũng đã hỏi qua Trần Thanh và Đỗ Quân nhưng hai người đó chỉ một mực đánh trống lảng, nói rằng chuyện quan trọng nhất vẫn là tôi chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình. Do có nhiều chuyện xảy ra, vết thương cũng lành khá nhanh nên tôi hoàn toàn quên béng đi chuyện này. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi vội lựa lời hỏi Đỗ Chi. Rốt cuộc thì người bắn tên vào tôi là ai?
Đỗ Chi gửi tôi một cái nhìn kín đáo, thở dài. "Em cũng không rõ lắm về chuyện này, bởi mấy anh ấy cũng giấu em. Nhưng chị Tâm à, chị thật sự đã đỡ hộ anh Thanh một tên đó."
Tôi gật đầu, nói: "Cái này chị biết, anh Thanh cũng nói qua rồi. Chị chỉ tò mò ai là người đã bắn tên mà thôi."
Đêm hôm trước, chẳng phải Trần Thanh đã nói rằng anh nợ tôi một mạng đấy thôi. Đỗ Chi lắc đầu, cô không biết nhiều hơn tôi được bao nhiêu.
Bởi chuyện quá sức khó hiểu nên hiện tại, tôi lại càng nghi ngờ thân phận của Trần Thanh hơn nữa. Anh có thật sự là cháu của An phủ sứ Trần Thì Kiến hay không? Vì sao chỉ với một thân phận đơn giản như vậy mà khiến Ngũ đô Chỉ huy sứ như Đỗ Quân, hay thái y của y viện phải cúi đầu nghe lệnh?
Tôi từng nghĩ rằng ngoài đời thật, Việt Nam của ngày xưa sẽ không như những phim kiếm hiệp hay cổ trang chiếu trên ti vi nhưng hiện tại tôi đã phải xem lại. Nghĩ mà xem, có kẻ dám ra tay bắn tên giữa con phố chính đông đúc người dự lễ. Mục tiêu lại chỉ là một thư lại nhỏ bé trong An phủ? Đúng là trò cười.
Nghĩ ngợi một lúc, tôi nổi máu thám tử đòi Đỗ Chi cùng ra ngoài "điều tra" một phen. Lời vừa ra khỏi miệng, Đỗ Chi đã hoàn toàn gạt đi.
"Sáng sớm nay trước khi tiến cung, anh Quân đã dặn dò rằng trước khi anh về thì cả chị và em đều không được ra khỏi cửa."
Tôi sửng sốt: "Cái gì?"
Đỗ Chi nhún vai, tỏ vẻ bản thân mình cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô nàng này tuy luôn tỏ vẻ bất kham, cả ngày chỉ có mỗi việc xách roi ra đường gây chuyện nhưng thực tế lại rất nghe lời anh trai. Tôi nghĩ Đỗ Quân chỉ nói vậy để tránh việc chúng tôi ra ngoài gây chuyện nên năn nỉ Đỗ Chi, cuối cùng không những không đạt được mục đích mà còn bị cô rút roi ra dọa dẫm.
"Chị mà bước ra khỏi đây một bước, em sẽ quất gãy chân chị."
Tôi sợ tới đổ cả mồ hôi.
Đỗ Chi mím môi, nhỏ giọng nói: "Chị Tâm, anh Quân không phải là người hay cấm cửa em như vậy. Từ tính cách của em là chị biết rồi đó. Chắc chắn phải có nguyên do gì đó anh ấy mới cẩn thận dặn dò em không được ra ngoài, chị chịu khó chút vậy."
Cô gái nhỏ này thực sự rất biết suy nghĩ, hoàn toàn không phải kiểu tiểu thư cả ngày cãi lời cha mẹ. Tôi lại càng quý cô hơn nữa.
Từ kinh nghiệm đọc truyện trinh thám kinh dị phong phú, tôi vội nghĩ tới khả năng ngoài kia có một kẻ giết người chuyên bắt cóc các cô gái xinh đẹp về tra tấn nên Đỗ Quân mới không muốn tôi cùng em gái y bước ra ngoài đường.
Phải rồi, tối qua chính Trần Thanh cũng nói rằng tôi là người cần Đỗ Quân hơn hay sao? Anh không muốn tôi một mình về nhà, rất nguy hiểm. Tôi cảm giác lông gà trên người mình dựng đứng cả lên. Đúng là không ra sao, tự mình dọa mình.
Không được ra ngoài thì đành ở nhà. Từ sáng tới giờ Đỗ Chi và tôi đã uống hết bốn bát nước, ăn năm chiếc bánh nướng, kể không biết bao nhiêu câu chuyện. Phần lớn là Đỗ Chi nói, tôi chăm chú ngồi nghe. Tôi không dám mở miệng ra nhiều, chỉ sợ bản thân không ý thức được sẽ kể lại chuyện của Nguyễn Từ Niệm Tâm chứ không phải Đoàn Niệm Tâm.
Có khi những lúc tôi đã cho rằng Đoàn Niệm Tâm là kiếp trước của tôi, bởi khi nhìn thấy khuôn mặt của cô mỗi lần chải đầu rửa mặt, tôi đều chắc chắn rằng đó chính bản thân mình trước đây. Không hẳn là giống, nhưng tôi vẫn luôn có một cảm giác vô cùng đặc biệt, như thể có một giọng nói bên trong vẫn luôn khẳng định thân phận của tôi vậy.
Đỗ Chi không nói nhiều về quá trình cô theo đuổi Phạm Bân, tôi cũng không ép, đợi Đỗ Quân về rồi hỏi cũng được. Điều tôi quan tâm hơn cả là việc Phạm Bân có một ông thầy khá đặc biệt, sống tít ở trên núi cao. Tính tình của ông ta sáng nắng chiều mưa, một ngày không biết nổi nóng bao nhiêu lần.
Nghe nói lần đầu tiên Đỗ Chi gặp thầy của Phạm Bân cũng bị ông mắng chửi một trận. Họ tên của ông là Dương Gia, ông ta nổi tiếng vì tài chữa bệnh của mình, và cũng bởi bề ngoài xinh đẹp như một người phụ nữ. Tuy vậy, cái mà Dương Gia ghét nhất cũng chính là bị kẻ khác nhận nhầm là đàn bà con gái, ông ta sẵn sàng hạ độc người dám gọi mình là phụ nữ.
Chính Dương Gia là người tìm được thuốc giải cho tôi, à không, là cho độc Khốn Nạn nằm trong cơ thể tôi từ trước. Và nhờ thân phận là học trò của Dương Gia mà Phạm Bân mới có thể trong vài ngày ngắn ngủi tìm được thuốc giải. Tôi cũng có chút mong muốn được gặp ông ta trực tiếp nói lời cảm ơn.
Sau một hồi, Đỗ Chi hỏi ngược lại vì sao tới giờ tôi vẫn chưa lấy chồng. Tôi khựng lại một chút, trong đầu vội vã lục lọi lại những gì Đoàn Nhữ Hài đã từng kể. Còn chưa kịp trả lời thì Đỗ Chi đã cuống quýt xin lỗi, rằng cô không nên hỏi những câu như vậy. Tôi bật cười, nói không sao.
Từ những gì Đoàn Nhữ Hài từng nói, tôi vẽ ra được một câu chuyện đầy nước mắt giữa Đoàn Niệm Tâm và anh chàng bỏ người thương sau khi lên kinh ứng thí. Mà thậm chí kỳ thi còn chưa diễn ra, hắn chỉ mới lên kinh đô mà đã vội vã rũ bỏ Đoàn Niệm Tâm rồi.
Đỗ Chi nghe mà mặt đỏ bừng vì tức giận, cô nói nếu gặp phải kẻ đốn mạt kia nhất định sẽ rút roi đập cho một trận tơi bời. Tôi híp mắt cười, liên mồm cảm ơn.
Thật nực cười, trong khi tôi của kiếp trước – tức Nguyễn Từ Niệm Tâm – bị đá chỉ bởi một tin nhắn, cũng vì người thứ ba mà nổi giận liền hất nước tung tiền thì Đoàn Niệm Tâm lại đổ bệnh mà chết. Có lẽ vì tôi mạnh mẽ hơn cô ấy, hoặc cũng có thể tôi vốn không có tình cảm gì sâu sắc với Phùng. Mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy thôi.
Câu chuyện của tôi và Đỗ Chi còn kéo dài qua trưa, vừa ăn vừa nói, tới mức cái Tị dọn cơm lên còn nổi cáu vì chúng tôi không chịu ăn mà cứ trò chuyện mãi.
Tôi cười bảo Đỗ Chi: "Em xem, chiều cái Tị quá sinh hư rồi."
Đỗ Chi cũng cười hùa vào, trêu đùa rằng nhất định phải cho con bé một bài học.
Cái Tị đương nhiên không biết chúng tôi đang trêu nó, liền bật khóc ấm ức nói: "Con cũng chỉ lo lắng cho bữa cơm của các cô thôi mà!"
Nhờ Đỗ Chi mà tôi mới nhận ra, Đoàn Nhữ Hài vẫn luôn tìm cách giúp tôi biết thêm về gia đình cũng như chị gái của cậu. Ví dụ như nửa năm nay chúng tôi lên kinh đô cũng vì mục đích ứng thí của Đoàn Nhữ Hài, căn nhà mà tôi cùng cậu ở là nhà thuê. Trong khi chúng tôi ở nhà thì mẹ cậu chạy đông chạy tây buôn bán kiếm tiến, vì thế số lần gặp tôi cũng vô cùng ít ỏi, không có cơ hội phát hiện ra con gái mình đã thay đổi.
Đoàn Niệm Tâm vô dụng, đau ốm nằm một chỗ không giúp ích gì được cho mẹ cũng như em trai, lại đã quá tuổi lấy chồng, coi như thành vô hình trong mắt mẹ.
Tôi thở dài một hơi, tự thương lấy bản thân mình hiện tại.
"Chị Tâm... chị thấy anh Quân thế nào?" Đỗ Chi rụt rè lên tiếng.
Nghe cô nàng ngại ngùng hỏi cho anh trai, tôi liền cười rộ lên: "Sao vậy? Thật sự muốn chị làm chị dâu sao?"
Không ngờ Đỗ Chi lại đỏ cả mặt, người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ là chúng tôi có gian tình mất.
Tôi lại bảo: "Anh Quân rất tốt, lại có sáu múi... ý chị là thật khỏe mạnh, nhưng mà chị cũng đã quá tuổi rồi..."
Vừa nói tôi vừa muốn đi ói một trận. Thật không ngờ câu này lại có thể từ một cô gái mười tám tuổi nói ra.
Đỗ Chi cụp mắt: "Chị dâu của em qua đời đã hơn một năm mà anh Quân chẳng hề nghĩ tới việc tái hôn, em lo lắng cho anh lắm."
Tôi cười thông cảm: "Đừng lo, tới thời điểm thích hợp là sẽ tìm được người thích hợp."
Ngày trước tôi cũng hay dùng câu này để an ủi bản thân, cho tới khi tôi gặp Phùng. Đúng là sai người sai thời điểm, chỉ chuộc lấy bực bội.
Thấy Đỗ Chi vẫn còn suy tư, tôi liền nói thêm: "Giống như em với Phạm Bân. Chính là đúng người, đúng thời điểm."
Chỉ cần nghe thấy tên Phạm Bân, đôi mắt Đỗ Chi như trở nên lấp lánh hơn. Thật đáng yêu.
Có người đến hỏi Đỗ Quân, Đỗ Chi phải ra ngoài tiếp khách. Tôi ngồi một mình trong nhà, nghĩ vẩn vơ.
Ngẩn ngơ mãi, cuối cùng nghĩ tới Trần Thuyên. Cho tới thời điểm hiện tại thì Trần Thuyên đã lên ngôi được sáu năm rồi. Không biết trong chín năm qua, kể từ ngày chúng tôi gặp nhau, thì Trần Thuyên của khi ấy đã thay đổi như thế nào?
Sáu năm trước, tôi hơn cậu chín tuổi; tới bây giờ cậu lại hơn tôi ba tuổi. Thật đúng là nghịch lý.
Sau khi trở thành Đoàn Niệm Tâm, không tốn quá nhiều sức lực, tôi đã tìm hiểu được mình đang ở thời điểm nào trong quá khứ. Đoàn Nhữ Hài giống như Google, hỏi cái gì cũng biết.
Đương nhiên cậu em trai này không thể trả lời được chính xác tất cả. Cậu chỉ nói năm nay là năm Mậu Tuất, Hưng Long năm thứ sáu mà thôi. Hưng Long chính là niên hiệu của vua Anh Hoàng – tức Trần Thuyên. Sau lần gặp chín năm trước, tôi cũng có tìm hiểu một chút về Anh Tông Hoàng đế, đương nhiên biết được vài thông tin nho nhỏ.
Tôi còn học thuộc cả một đoạn trong Đại
Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sỹ Liên khi nói về Trần Thuyên:
"Quý Tỵ, Trùng Thiên năm thứ chín tức năm 1293, từ tháng ba trở đi là Anh Tông Hưng Long năm thứ nhất.
Mùa xuân, tháng ba, ngày mồng chín, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên. Thái tử lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ nhất, đại xá, tự xưng Anh Hoàng..."
Chỉ là tôi đã đọc đi đọc lại, viết ra giấy biết bao nhiêu lần tới nỗi học thuộc lòng. Tôi luôn tự dặn bản thân phải thật hạnh phúc bởi bản thân mình đã trở thành kỷ niệm nhỏ bé của một vị vua của Việt Nam.
Nhưng... tôi không ngờ được mình rồi sẽ mang một nhân dạng khác, bình yên sống qua ngày ở chính thành Thăng Long, ngay sát cậu bé mười ba tuổi mà mình từng thân thiết.
Đại khái là tôi đã xác định được hiện tại là năm 1298, cách thời hiện đại mà tôi sống hơn bảy trăm năm. Riêng thông tin này đã khiến tôi bị sốc mất một lúc.
Vị khách khi nãy mới đi khỏi một lúc thì Đỗ Quân cũng về. Khuôn mặt y mang một sắc thái rất phức tạp, vừa vui lại vừa lo lắng.
Tôi cùng Đỗ Chi nhẫn nhịn đợi y thay trang phục, ngồi xuống uống cạn một bát nước mới hỏi rất qua loa là: "Hôm nay có chuyện gì không?"
Đỗ Quân nghiêm túc nhìn tôi, đáp: "Phía Kiểm pháp đã ra lệnh tróc nã Thục Đoan rồi. Không biết ai báo tin mà ngay khi lính Kiểm pháp phủ tới nơi thì ả đã chạy trốn."
Tôi sửng sốt, hiệu suất làm việc của phủ Kiểm pháp thật đáng khen. Chưa đầy một ngày đã đủ chứng cứ bắt giữ Thục Đoan rồi. Xem ra Đại an phủ Kiểm pháp quan Trần Thì Kiến không phải chỉ có hư danh. Dựa vào lời khai của Dần và những gì chúng tôi tìm hiểu được, Đại an phủ sứ Trần Thì Kiến đã ra lệnh cho đám người dưới đặc biệt điều tra, chỉ sau gần một ngày đã tìm đủ nhân chứng vật chứng.
Về động cơ giết người, không chỉ Dần và nhiều gia nô trong phường hát cũng khẳng định rằng bề ngoài có vẻ như Thục Đoan đối xử rất tốt với Hoài Đoan, nhưng nếu vào phòng riêng sẽ không tiếc lời mắng mỏ, thậm chí là đánh đập.
Đương nhiên những thủ đoạn này chỉ đơn giản là để che mắt chủ phường hát mà thôi. Thục Đoan không sợ đám gia nô sẽ đi báo lại cho ông chủ, bởi bên ả có tên Mùi, một kẻ nóng nảy sẵn sàng ra tay với bất cứ ai. Và đúng như Dần nói, giữa hai người có gian tình.
Cơn giận của Thục Đoan bùng phát có lẽ chính là vì chiếc váy trắng mới được đặt may bị Hoài Đoan cướp mất. Sau buổi diễn, có tới ba người nhìn thấy Thục Đoan kéo Hoài Đoan vào phòng riêng, bên ngoài lại có Mùi canh giữ.
Sáng ngày hôm sau, Thục Đoan tới báo lại ông chủ rằng giữa đêm có người tới báo tin gia đình gặp nạn nên Hoài Đoan phải vội vã về quê, vì không kịp nên phải nhờ ả tới xin phép. Chỉ có chủ phường hát tin Thục Đoan, đám người dưới ai cũng biết có vấn đề. Thế nhưng Dần lại là người duy nhất dám báo tin Hoài Đoan mất tích với bên Kiểm pháp. Và sau đó, nó cũng bị Thục Đoan và Mùi cho một trận nhừ tử rồi.
Trong phường hát, Hoài Đoan cũng có một người bạn khá thân. Chính người này đã xác nhận thân phận của xác chết nữ qua một số đặc điểm trên cơ thể Hoài Đoan.
Người ta còn tìm thấy chiếc váy trắng dính đầy máu mà Hoài Đoan mặc ngày hôm đó, được Thục Đoan giấu dưới giường. E rằng không phải cô ả không có ý định thủ tiêu, mà chỉ là chiếc váy này là vật đại diện cho cái danh hoa nương bậc nhất nên ả không nỡ đem đi đốt.
Bà bán bánh mà chúng tôi nói chuyện cũng được bên Kiểm pháp triệu tập làm chứng, tỏ ra vô cùng hợp tác.
Bởi vì quá trình điều tra là bí mật, phải tránh sự chú ý của Thục Đoan nên không ai hiểu được vì sao ả lại có thể chạy trốn trước khi quan binh tới bắt giữ. Mùi bị Thục Đoan để lại dọn dẹp đồ đạc, không kịp bỏ trốn. Sau khi dùng hình, hắn đã khai ra quá trình giết người của Thục Đoan. Đại khái là cũng không khác suy đoán của chúng tôi cho lắm.
Đây cũng là lần đầu tiên Thục Đoan giết người, không tránh khỏi cảm xúc bất an hoảng hốt. Ả cùng Mùi đem xác Hoài Đoan đi vứt, vì sợ nếu cứ vác cái xác chạy nhông nhông ngoài đường khiến người ta chú ý nên đã bỏ lại trong ngõ nhỏ. Hai người còn khá yên tâm vì trang phục cũng đã thay, mặt mũi Hoài Đoan bị rạch vài nhát, máu me be bét chắc chắn không thể nhận ra.
Vậy là vụ án hoa nương đã kết thúc, khiến lòng tôi cũng nhẹ bớt.
Nhưng riêng Đỗ Chi, cứ nhắc tới xác chết bị rạch mặt là cô lại trở nên bứt rứt. Dù sao ma nữ vẫn tiếp tục ghé thăm tôi, chứng tỏ nỗi oan này còn chưa được làm sáng tỏ.
Đỗ Quân kể một hơi dài, khát nước nên uống liên tiếp ba bát nước. Tôi cười cười, tiện mồm bảo: "Uống từ từ thôi, cẩn thận kẻo sặc."
Chỉ thấy ánh mắt y lóe lên một cái.
Đặt bát nước xuống, Đỗ Quân nhíu mày, tỏ ra do dự. Tôi nhìn Đỗ Chi, Đỗ Chi nhìn tôi, tò mò mà không dám hỏi. Tim tôi bỗng nhiên đập mạnh hơn, giống như bản thân có một thứ giác quan nào đó có thể cảm nhận được nguy hiểm.
Trong khi Đỗ Quân đang suy tính chuyện gì đó, Phạm Bân đã xuất hiện trước cửa nhà với bộ dáng mệt mỏi. Đỗ Chi không do dự mà chạy tới đỡ người thương.
Mí mắt tôi giật giật, đây liệu có đúng là thời đại mà Nho giáo, Phật giáo thịnh hành không? Còn chưa làm lễ kết hôn mà hai người đã dính nhau như sam rồi.
Đỗ Quân nhìn ra được tôi có điều bất mãn liền cười một cách bất lực, cười khổ: "Từ nhỏ nó đã không chịu để tôi dạy dỗ rồi."
Dứt lời, nét mặt y tối lại, tựa như tự bản thân mình nói sai điều gì. Tôi len lén nhìn y, còn chưa kịp cất tiếng thì Đỗ Chi đã đưa Phạm Bân vào tới nơi. Trong đám bạn bè của Đoàn Nhữ Hài, người tôi không thân quen nhất là Phạm Bân. Hắn rất năng tới đây chơi, nhưng toàn bộ sự chú ý đều được đặt lên người Đỗ Chi.
Thậm chí, tôi còn có cảm giác hắn không hài lòng với tôi ở một điểm nào đó. Hoặc là tôi nghĩ nhiều quá rồi, chỉ là Phạm Bân không có thời gian quan tâm tới bất kỳ một cô gái nào khác ngoài Đỗ Chi mà thôi.
Tôi tỏ ra mình không phải người bất lịch sự, rót một nước bát đầy đưa cho Phạm Bân. Do không cẩn thận, bát nước vừa tới tay liền bị sánh ra ngoài, rơi xuống người Phạm Bân làm ướt một mảng áo. Tôi lập tức cảm nhận được ánh mắt muốn giết người của hắn phóng qua. Sao tôi lại không hiểu được cảm giác này chứ. Một ngày dài làm việc vất vả, tâm trạng đã không tốt lại bị người khác đổ nước vào người. Nếu là Phạm Bân, tôi nhất định sẽ mở mồm ra chửi thề vài cái.
Không dám đóng vai chủ nhà nữa, tôi cúi đầu thể hiện mình đã biết lỗi. Đỗ Chi cùng Đỗ Quân không biết chuyện gì vừa xảy ra, Phạm Bân thở dài một cái rồi xua tay, uống một hơi hết bát nước. Sau đó y nhướng mắt nhìn tôi chờ đợi. Tôi nhếch miệng phản đối, nhưng cuối cùng vẫn ngoan ngoãn rót thêm nước vào bát, lần này chỉ rót tới lưng chừng.
Đỗ Quân tới giờ mới lên tiếng: "Thế nào rồi?"
Câu này là hỏi Phạm Bân.
Tôi liền quay sang nhìn Đỗ Chi. Trong tình huống này, chỉ có tôi và cô không biết chuyện gì. Theo lý mà nói, chúng tối sẽ nhìn nhau trong giây lát để hiểu nhau hơn, đồng thời tăng thêm độ kịch tính cho bí mật chưa được bật mí. Nhưng không, Đỗ Chi chưa một lần dời mắt khỏi Phạm Bân và cô hoàn toàn không có ý định nhìn tôi lấy một cái.
Mắt Phạm Bân đảo mấy cái, y hắng giọng: "Kiểm pháp quan không ở trong phủ, đám người dưới cũng không biết gì nhiều."
Đỗ Quân nói: "Còn Lưu Tôn thì sao?"
Lưu Tôn là một thư lại khác trong Kiểm pháp phủ, hôm trước tôi cũng có gặp qua. Ông ta cũng phải hơn năm mươi tuổi rồi, dáng người gầy gò, đầu cạo trọc nhưng râu để dài. Thật giống cụ Rùa, chỉ thiếu cái kính đen đeo trên mắt nữa thôi.
"Đã cùng Kiểm pháp quan ra ngoài." Phạm Bân lắc đầu.
Đỗ Quân suy nghĩ trong chốc lát, nói: "Vậy chờ tới khi cậu Thanh tới rồi chúng ta tính tiếp."
Tôi không nhịn được liền hỏi: "Là chuyện gì vậy?"
Thực ra tôi cũng không vô duyên tới mức ấy, cái gì cũng muốn xen vào. Nhưng nếu chuyện mà Đỗ Quân và Phạm Bân đang nói không liên quan tới tôi, và cũng không muốn tôi biết thì việc gì hai người họ để tôi ngồi lại? Đỗ Quân hoàn toàn có thể nói tôi tránh đi một lát. Tuy vậy, vấn đề không hoàn toàn là về tôi.
Thân phận của ma nữ trong những cơn ác mộng có lẽ sắp được giải đáp.
Khuôn mặt Đỗ Chi trở nên trắng bệch. Tôi hít một hơi thật sâu, trong lòng run rẩy.
- ---
(*)Thư lại: Chức quan ghi chép các thứ cho quan phủ khi xử án.
Từ điển chức quan Việt Nam (tác giả Đỗ Văn Ninh) có chép:
Tháng 12 năm Đinh Dậu (1477) Định lệ tư cách và xuất thân lại viên các nha môn.
Phàm ở trong, lại viên các nha môn, người có chân xuất thân (giám sinh, sinh đồ, hoặc thi đỗ thư toán) thì khi mới bổ sung làm Thư lại, sau ba năm làm Đạt lại...
Không có ghi chép trước đó nên mình mạn phép sử dụng cho thời này.
Truyện convert hay :
Mạt Thế Trọng Sinh: Khối Rubik Không Gian Tới Làm Ruộng