Lời vừa dứt, gương mặt Trần Thuyên liền biến sắc. Anh thở hắt ra một hơi, chầm chậm nói: "Trẫm không đồng ý."
Ơ kìa, ai vừa mới bảo tôi muốn gì cũng sẽ chấp thuận ấy nhỉ? Lại còn xưng trẫm, biết lúc nào phải dùng khí thế áp bức người khác ghê đấy.
Tôi tỏ ra bối rối: "Quan gia..."
Trần Thuyên lặp lại, giọng trầm xuống: "Trẫm không đồng ý, nàng chớ nói thêm nữa."
Không khí giữa chúng tôi như tụt xuống âm mười độ, rét lạnh bao trùm. Lông mày anh nhíu lại, dứt khoát không rời mắt khỏi tôi. Tim tôi nhảy dựng lên một cái, thấy mình hèn nhát đi bao nhiêu.
Rốt cuộc với thần thái của một vị hoàng đế, chỉ một cái liếc mắt thì Trần Thuyên cũng đủ áp đảo tôi rồi. Quả thật, đối với một đứa dân đen lễ nghi thì thiếu còn bố láo lại có thừa như tôi thì anh đã quá bao dung.
Mỗi lần gặp mặt, Trần Thuyên luôn bày ra dáng vẻ lười nhác ểnh ương, nụ cười nhàn nhạt luôn vương trên khoé môi, gần như chưa bao giờ nổi giận với tôi cả. Vậy mà lúc này đây, dường như Trần Thuyên đã đeo lên chiếc mặt nạ Hoàng đế thường ngày, khiến tôi chỉ muốn bỏ chạy ngay tức khắc.
Tôi nuốt nước bọt: "Trước tiên... Quan gia có thể nghe vài lời của tôi được chứ?"
Trần Thuyên khẽ gật đầu.
Tôi nhấp một ngụm rượu hoa cúc, bỗng thấy tỉnh táo hơn đôi phần. "Quan gia có nhớ giao thừa năm ngoái người đã từng nói gì với tôi không?"
Cả người anh thả lỏng, ánh mắt cũng hiền hoà hơn. Trần Thuyên cười nhẹ: "Trẫm muốn nàng dần dần cảm nhận được tâm ý của trẫm..."
Tôi cũng cười: "Đúng thế. Tôi... hoàn toàn có thể hiểu được là... Quan gia thật lòng quan tâm tới tôi..."
"Nhưng?" Trần Thuyên nhàn nhạt ngắt lời.
"Tuy vậy..." Tôi cố gắng điều chỉnh nhịp thở, đồng thời chọn lọc từ ngữ sao cho phù hợp. Ông con giời ngồi trước mặt tôi đây đang có tâm trạng không tốt cho lắm, tôi sao dám nói năng không suy nghĩ chứ.
"... Tôi lại chưa thể tiếp nhận nổi điều này."
Hơi thở từ phía Trần Thuyên có phần nặng nề hơn. Chén rượu nhỏ bị siết chặt trong lòng bàn tay, tôi chỉ lo anh dùng sức quá đà khiến nó vỡ vụn.
"Ý nàng là gì?"
Nếu trả lời là tôi ích kỷ, muốn nghĩ cho bản thân mình trước tiên thì liệu có bị chém đầu không nhỉ?
Lần đầu tiên gặp lại Trần Thuyên sau mười năm xa cách, dù là trùng hợp hay do có kẻ sắp xếp, tôi cũng đã bị cuốn vào thế giới khắc nghiệt đầy những sóng ngầm dữ dội của anh, với một bên vai bị trúng tên tẩm độc. Suốt từ đó đến bây giờ, xảy ra thêm vụ việc của Đặng Bá, tôi đã lờ mờ nhận ra được dường như mọi chuyện xảy ra đều có liên quan tới nhau. Mà mục tiêu của đám người bí ẩn ấy, không chừng lại chính là hoàng đế Đại Việt – Anh Hoàng Trần Thuyên.
Dĩ nhiên nếu chỉ có vậy, có thể tôi sẽ không do dự mà ở cạnh anh. Vật lộn đấu trí với một tên sát nhân, e là vẫn còn dễ chịu hơn cảm giác khi biết rằng dù tình cảm mà Trần Thuyên dành cho tôi là độc nhất thì cũng không thể chối bỏ được sự thật: Anh là hoàng đế, phía sau anh luôn có một hậu cung giai lệ.
Ôi, thật sự rất đau đầu.
"Chính vì hiện tại tôi không thể tiếp nhận nổi... nên là... chúng ta tạm thời đừng gặp nhau nữa." Tôi ấp a ấp úng nói từng chữ một, chỉ hi vọng Trần Thuyên sẽ đủ bình tĩnh để đồng ý chuyện này. "Tôi... tôi cảm thấy vô cùng áp lực... Ví như... như hôm qua, không đơn giản chỉ là Quan gia đã thất hứa với tôi... mà còn là Hoàng phi... phi tử của người."
Trần Thuyên định lên tiếng, tôi vội ngăn lại. Tôi từ tốn rót thêm rượu cho anh, nhẹ nhàng nói: "Tôi cho rằng ở nơi đây, người hiểu được Niệm Tâm chỉ có Quan gia mà thôi."
Tôi nhìn sâu vào mắt Trần Thuyên, thấy anh hơi sững người lại. Sau một hồi lâu, quả nhiên, cơn giận dữ của Trần Thuyên đã hoàn toàn tan biến.
"Được."
Tôi thở phào. Ít nhất là Trần Thuyên đã hiểu được.
"Nhưng... tạm thời là trong bao lâu?" Anh chậm rãi nâng chén rượu lên nhấp môi.
"Chúng ta sẽ biết." Tôi nghiêng đầu, mỉm cười nhìn anh.
Sau đó, tôi và Trần Thuyên chỉ yên lặng uống hết vò rượu rồi ai về nhà nấy.
Đông Ly đi cạnh tôi hồi lâu, cuối cùng cũng không nhịn được mà lên tiếng: "Cô cả ơi, vì sao Quan gia lại trông như đang thiết triều thế ạ?"
Tôi giật mình, ngơ ngác hỏi lại nghĩa là sao.
Con bé lắc lư cái đầu, ngẫm nghĩ đôi chút rồi trả lời: "Trông cứ như Quan gia đang phải đấu trí cùng đám triều thần lắm văn nhiều chữ vậy."
Trước cách so sánh độc đáo của Đông Ly, tôi chỉ biết cười khổ. Chẳng trách, chẳng trách!
Tối hôm ấy trở về, cứ tưởng rằng tinh thần tôi sẽ thoải mái vô cùng, nhưng không ngờ chỉ càng lạt mồm lạt miệng. Ăn được lưng bát cơm, tôi xin phép mẹ vào phòng trong nghỉ ngơi trước.
Tôi ngồi ở bậc cửa sổ, ngước nhìn lên ánh trăng bàng bạc trút xuống mặt đất những giọt sáng lấp lánh, nhận ra bản thân không hề nhẹ nhõm chút nào.
Có cảm giác... tôi đã quá tính toán với Trần Thuyên rồi?
Cả đêm tôi trằn trọc, lăn lộn qua lại. Tới khi vừa chợp mắt được một lúc thì đã nghe tiếng Đông Ly gõ cửa, thông báo Đoàn Nhữ Hài vừa từ trong cung trở về, mời tôi ra dùng bữa trưa. Thằng nhóc này bình thường đâu có quan tâm chuyện ăn uống của tôi, rõ ràng là có chuyện muốn nói.
Mẹ cùng Dư Nương đi chùa nên ở nhà chỉ có tôi và em trai. Đoàn Nhữ Hài giương đôi mắt đầy phán xét lên, chiếu tia laser từ lúc tôi bước vào phòng đến khi đặt mông ngồi xuống ghế mới chịu thôi. Cậu ta gắp cho tôi một miếng thịt ba chỉ, híp mắt hỏi: "Chị và Quan gia là sao?"
Tim tôi giật thót một cái, vênh mặt lên hỏi ngược lại: "Sao là sao?"
Nhữ Hài bĩu môi: "Hôm nay Quan gia cho gọi riêng tôi vào thư phòng, hỏi tình hình của chị tối hôm qua. Chẳng phải buổi chiều hai người vừa mới gặp nhau sao? Tôi đoán, chắc chắn là do chị giận dỗi Quan gia rồi."
Nghe cậu ta ăn nói tầm bậy, tôi liền lườm cho một cái rồi tò mò hỏi: "Vậy Trung tán Hài trả lời như thế nào?"
"À." Đoàn Nhữ Hài đáp lại với một giọng điệu đáng ghét vô cùng. "Tôi bẩm với Quan gia rằng chị vừa về thì khóc rống lên, bỏ cả ăn, trốn rúc trong phòng, không chịu gặp ai cả. Sau đó thì Quan gia dặn dò tôi trở về chăm sóc chị cho tốt."
Tôi phì cười, tên nhóc này đúng là rất biết cách quan sát nét mặt người khác. Cậu ta dám bịa ra một câu chuyện như vậy về tôi, không hoàn toàn chỉ là để làm vui lòng vị hoàng đế trẻ con kia mà còn thể hiện một điều: Trong chuyện này, Đoàn Nhữ Hài chọn đứng về phía tôi.
Khi biết rằng không chỉ anh mà đến tôi cũng không vui vẻ gì đối với quyết định "dừng gặp mặt" này, đương nhiên Trần Thuyên sẽ chịu để yên cho tôi có thời gian suy nghĩ. Đoàn Nhữ Hài không hề thông tỏ mọi chuyện nhưng lại đưa ra được một câu trả lời vô cùng hợp, đủ để nói rằng cậu ta là một người thông minh.
Em trai Nhữ Hài uống một ngụm canh, chậm rãi bảo: "Dù vì lý do gì thì cũng hãy giải quyết cho nhanh chóng. Phận làm thần tử như tôi không mong muốn Quan gia phải phiền lòng."
Tôi mỉm cười, gật đầu nói đã hiểu.
...
Tết Nguyên Đán qua đi, phủ họ Đoàn chúng tôi bắt đầu bận rộn chuẩn bị rước về cho Ngự sử Trung tán Đoàn Nhữ Hài một nàng dâu hiền.
Hôn nhân đại sự không phải chuyện để đùa, tôi và Đông Ly cũng phải góp chút sức mọn chứ không được ngồi chơi xơi nước như mọi ngày nữa.
Năm nay Đoàn Nhữ Hài đã hai mươi, còn Phạm Vân Phi kia gần mười bảy, đại khái cũng gọi là kết hôn muộn ở thời đại này. Tuy rằng phong tục Việt Nam xưa nay không ấn định lứa tuổi kết hôn cho hai giới, nhưng thường sau tuổi dậy thì, tức mười lăm đối với nam còn mười ba đối với nữ, hai bên cũng sẽ bắt đầu tìm hiểu và tiến hành những nghi thức hôn nhân theo trình tự.
Họ hàng hang hốc của mẹ con Đoàn Nhữ Hài từ trấn Hải Dương kéo lên kinh thành, tuy nhiên tính ra cũng chưa tới mười người nên đều ở lại phủ nhà họ Đoàn cả. Tất cả đều là những người lớn tuổi, được coi là có tiếng nói trong dòng họ để thay mặt người cha quá cố của Đoàn Nhữ Hài "làm việc" với nhà gái.
Thường thì ở nghi lễ đầu tiên - lễ Nạp thái - sẽ cần ông mối, bà mối thay mặt hai bên gia đình bàn bạc trao đổi. Mối lái có thể là họ hàng xa của nhà trai, nhưng cũng có thể dùng tiền để thuê hẳn một người chuyên nghiệp cho nhanh. Khi nhà gái đã đồng ý với hôn sự thì nhà trai mới chuẩn bị lễ vật là chim nhạn sống để tới cầu hôn. Chim nhạn ở đây là một loài ngỗng trời, vậy mà trước giờ tôi lại cứ tưởng là chim én cơ đấy.
Loài chim này có bản tính trung trinh, một khi đã chọn bạn đời thì sẽ chung thuỷ mãi mãi. Nếu một trong hai chết đi, con chim nhạn còn lại sẽ đơn độc sống tiếp, không hề có ý định đi tìm một con chim nhạn khác để kết đôi. Từ xưa đã có câu: Mộc lạc nam tường, băng tân bắc vãng. Có nghĩa là: Khi lá rụng thì bay về phương nam, khi băng tan lại quay về phương bắc. Tuần hoàn theo đạo âm dương, chim nhạn sẽ luôn bay từ bắc tới nam, không bao giờ thất tín. Mà theo quan niệm của người xưa thì chồng tượng trưng cho dương, vợ tượng trưng cho âm, lấy chim nhạn làm lễ vật cầu hôn cũng là có ý vợ phải đi theo chồng đấy thôi.
Tiếp theo là tới lễ Vấn danh và Nạp cát, lấy tên tuổi trong bát tự của người con trai và người con gái, dùng thuật bói toán mà phán đoán tương sinh hay tương khắc. Đương nhiên về mặt này, Đoàn Nhữ Hài em tôi và Phạm Vân Phi vô cùng phù hợp với nhau. Tôi trộm nghĩ, nếu như hai người yêu nhau tha thiết nhưng bát tự không hợp thì đành phải huỷ hôn hay sao? Mà không nói đâu xa, ở thế kỷ hai mốt mà không hợp tuổi thì cũng ối người phải bỏ nhau ấy chứ.
Hai nhà Đoàn - Phạm vui mừng, chính thức bước sang lễ Nạp trưng (tương ứng với Ăn hỏi) và Thỉnh kỳ, xác định ngày giờ cho lễ Nghênh thân, hay còn gọi là Nghênh hôn. Mẹ tôi buôn bán nhiều năm tích góp được ít của cải, Đoàn Nhữ Hài làm quan tuy chưa lâu nhưng lại được Quan gia tin tưởng, bổng lộc không gọi là ít. Tất cả đều phải dồn vào đống sính lễ, bao nhiêu trầu cau gấm vóc, rượu ngon thức quý... chỉ để rước về cô út nhà họ Phạm về.
Hai tháng trời chạy đông chạy tây, cuối cùng tôi cũng được hoà trong đám người đông đúc, nhìn Đoàn Nhữ Hài đỡ tay Phạm Vân Phi bước qua lò than hồng dưới đất. Khi Phạm Vân Phi được rước về, theo lệ mẹ tôi phải trốn đi nơi khác, lúc con bé bước vào trong nhà rồi thì bà mới được trở về. (1)
Hôn lễ lần này tôi chỉ tiếc đúng một điều, đó là không được gặp mặt trực tiếp với Phạm Ngũ Lão. Nói gì thì nói, đây vẫn là một vị tướng cực kỳ nổi tiếng của nhà Trần, chắc chỉ xếp sau mỗi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mà thôi.
Hiện nay Phạm Ngũ Lão đang giữ chức Thân vệ Tướng quân kiêm cai quản cả đội quân Thiên Thuộc của phủ Long Hưng.
Với chức Thân vệ Tướng quân - người đứng đầu vệ binh của hoàng đế, theo danh nghĩa thì cả Đỗ Quân - tức Ngũ đô chỉ huy sứ quân túc vệ và Thành An - Nhất đẳng Ngân bài Thị vệ sẽ đều phải nghe lệnh của Phạm Ngũ Lão. Nói chung, vô cùng quyền lực. Tôi sẽ lấy thêm một ví dụ nữa, đó chính là Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn cũng đã từng giữ chức Thân vệ điện tiền Đô chỉ huy sứ dưới thời vua Lê Ngoạ Triều.
Tiếp theo, nói về phủ Long Hưng (tức tỉnh Thái Bình hiện nay), cũng là nơi được hoàng gia nhà Trần vô cùng coi trọng. Tức Mặc là nơi phát tích còn Hưng Long thì được coi là nơi khởi nghiệp của họ Trần. Ngoài ra, nhà Trần cũng xây dựng các lăng mộ tại Tam Đường thuộc phủ Long Hưng, việc để Phạm Ngũ Lão - một người ngoại tộc - cai quản quân đội của riêng phủ Long Hưng đã đủ chứng tỏ sự tin tưởng của hoàng tộc Trần đối với vị đại tướng này.
Và tất cả những điều trên có nghĩa là gì?
Là... Được làm thông gia với Thân vệ tướng quân Phạm Ngũ Lão là điều không đơn giản!
Nếu suy nghĩ sâu xa hơn một chút, chưa chắc mối quan hệ giữa em trai tôi và Phạm Vân Phi hoàn toàn là tình cảm trong sáng đơn thuần. Đoàn Nhữ Hài trẻ tuổi nắm trọng quyền, tuy rằng cũng biết cách xã giao kết bạn nhưng thực tế lại thân cô thế cô, không ít lần bị đám quan lại trong triều tìm cách chèn ép. Trần Thuyên dù có trọng dụng đến mấy cũng không thể công khai bảo vệ cậu ta mãi được.
Chính vì vậy, Đoàn Nhữ Hài sẽ phải tìm cách kết thân với người có quyền lực, cũng là để bảo vệ cho chính mình. Mà đương nhiên, tìm đến đám hoàng thân quốc thích thì vô vàn khó khăn, suy đi tính lại, chọn lọc cẩn thận thì chắc chỉ có phía Phạm Ngũ Lão là ổn thoả nhất mà thôi.
Ôi chao, thương thay em dâu mới vào cửa, chỉ mong thằng nhóc Đoàn Nhữ Hài biết điều mà yêu thương chiều chuộng vợ mình.
...
Phạm Vân Phi vào cửa nhà tôi chưa đầy mười ngày thì cái Tị qua báo tin mừng, Đỗ Chi bình an sinh
hạ một cô con gái mũm mĩm, đặt tên là Phạm Huệ.
Chữ Chi trong tên của Đỗ Chi có nghĩa là cây chi, một loài cây có hương thơm, được coi mang đến điềm lành. Nay Phạm Bân đặt tên con gái là Huệ, là lấy từ câu "chi phẫn huệ thán". Câu này ám chỉ việc cây chi và cây hoa huệ là cùng loại, khi cây chi bị cháy thì cậy huệ sẽ than khóc. Có lẽ mong muốn của Phạm Bân đơn giản là cả nhà đồng cam cộng khổ, yêu thương lẫn nhau.
Trên đời này mỗi chuyện xảy ra dường như đều là duyên phận. Phạm Bân là thầy thuốc, từ bé đến giờ tiếp xúc với cây cỏ hoa lá còn nhiều hơn cả con người. Nay hắn yêu và lấy Đỗ Chi, đặt tên con gái là Huệ. Thật đúng là trời ban duyên, người nên phận.
Cũng vì kiêng kỵ nên đầy tháng tôi mới dẫn Vân Phi đến thăm hai mẹ con Đỗ Chi. Bé Huệ cả người tròn ủng, mũm mĩm như một cục bông, còn chưa biết lạ người nên được ai ôm cũng cười khanh khách.
Tôi đỡ lấy con bé, nhẹ nhàng chuyển vào tay Vân Phi, tủm tỉm cười: "Nào em dâu, ôm con lấy vía đi."
Con bé tròn mắt, ngơ ngác ẵm lấy Phạm Huệ: "Dạ, lấy vía sao ạ?"
Đỗ Chi dựa người vào thành giường, liếc nhìn tôi rồi bật cười: "Ý chị Tâm là cô Phi mau chóng sinh cho anh Hài một cậu con trai khoẻ mạnh đấy."
Vân Phi là cô gái mới về nhà chồng, bị chúng tôi trêu cũng chỉ biết đỏ mặt, mãi hồi lâu mới thoát được "nanh vuốt" của hai bà chị là tôi và Đỗ Chi.
...
Từ phủ họ Đỗ về, Vân Phi dẫn theo hầu gái Nhã Hồng tạt qua chợ mua một ít bánh ngon cho mẹ và Đoàn Nhữ Hài, tôi vội kéo Đông Ly chạy biến theo hướng khác. Về làm dâu được hơn một tháng, Vân Phi đã thân thiết hơn với tôi, bước vào giai đoạn tìm hiểu sâu hơn cuộc sống thường ngày của gia đình. Mà đối với tôi, việc con bé cứ lẵng nhẵng bám theo hỏi han đã chấm được chàng rể nào chưa khiến tôi phiền lòng muốn chết.
Vì vậy, có cơ hội cút cho khuất mắt Vân Phi là tôi phải nắm lấy ngay.
Tôi với Đông Ly chọn một gánh hàng rong, gọi hai bát sữa đậu rồi ngồi xuống góc phố ngắm người qua kẻ lại. Con bé đưa cho tôi một bát, nhẹ nhàng bảo: "Từ ngày cậu Hài thành hôn tới giờ con mới thấy cô cả vui đến vậy, sau cô năng qua chơi với cô Đỗ Chi cho khuây khoả ạ."
"Vậy sao?" Tôi thẫn thờ hỏi lại.
Cũng đúng, từ sau cuộc "chia tay" với Trần Thuyên, tôi rất hay rơi vào trạng thái ngẩn ngơ giống như trước đây. Những tưởng cách xa anh sẽ giúp tôi suy nghĩ được những bước đi tiếp theo của cuộc đời mình, nhưng xem ra gần ba tháng qua tôi chỉ giả ngu là giỏi thôi. Đông Ly bảo, những lúc không có ai tôi đều đần người ra, ánh mắt vô định không biết đang nhìn vào nơi nào. Tóm lại, toàn thân phát ra bốn chữ "vô cùng chán nản".
Không biết Đoàn Nhữ Hài có nghe được gì từ phía Trần Thuyên hay không nhưng từ ngày ấy, em trai không bao giờ nhắc tới Quan gia của cậu ta nữa. Đông Ly cũng vậy, tôi đoán chừng con bé vẫn có thể gặp gỡ Thành An hay lén lút tiến cung vào ban đêm, chỉ là cũng như Nhữ Hài mà bịt mặt cái miệng lại, không hé ra một lời.
Trần Thuyên xử lý chuyện này rất tốt, vậy mà tôi lại chần chừ mãi, chưa thể giải quyết được vấn đề từ chính bản thân mình.
Đang nghển cổ ngó sang gánh hàng bên cạnh, hít hà mùi thơm của thứ bánh gói trong tàu lá chuối xanh thì tôi bỗng thấy cách mình độ vài ba mét có một dáng hình dong dỏng tiến đến gần.
Tim tôi rất phối hợp mà đập loạn lên, sau đó dụi mắt một cái, tôi lập tức đặt bát sữa đậu còn vơi nửa xuống mặt đất rồi giục Đông Ly trả tiền.
Trông cái nét mặt nhăn nhăn nhở nhở ấy, tôi chỉ nghĩ mình phải bỏ chạy ngay lập tức.
Đông Ly vốn là Dạ Hành, phản ứng cực kỳ nhanh. Sau khi tia được lý do khiến tôi như ngồi trên đống lửa thì đã kịp trả xong tiền cho bà thím, hai đứa dắt díu nhau bỏ chạy thục mạng.
Nhưng chỉ được mấy bước, phía sau đã vang lên tiếng cười rộ: "Kìa Niệm Tâm!"
Hừ, phải gió!
Tôi chầm chậm quay người lại, khoác lên một vẻ mặt tươi tắn vô cùng giả trân: "Huệ Vũ vương đi dạo phố đấy à?"
Trần Quốc Chẩn nở nụ cười to đến tận mang tai, như toả ra cơn gió mùa hạ mát lành đến thế gian, bảo: "Đúng vậy. Tiểu thư Niệm Tâm cũng rảnh rỗi vậy sao?"
Nghe đã biết thằng nhãi này đang chửi tôi rồi. Đáp lại Quốc Chẩn, tôi chỉ cười hờ hờ đánh trống lảng, không có ý định trả lời.
Từ sau lưng Trần Quốc Chẩn ló ra một cái đầu, đôi mắt to tròn long lanh như đang phát sáng, cái mũi nhỏ tuy hơi tẹt nhưng lại rất đáng yêu, đang tò mò nhìn tôi đánh giá. Thiếu nữ mặc viên lĩnh màu xanh nhạt, tóc búi thành chỏm cao ở trên đỉnh, đầu đội quan hình búp sen chưa nở bằng vàng, cài thêm châm ngọc cùng màu với áo.
Tôi đồ rằng cô bé này cùng lắm mới chỉ mười lăm tuổi, tay níu vào áo của Trần Quốc Chẩn vô cùng tự nhiên chứng tỏ mối quan hệ cực kỳ thân thiết. Chắc không phải vợ cậu ta đâu nhỉ?
Cậu ta kéo con bé lên phía trên, dịu dàng nói: "Em chào tiểu thư Niệm Tâm đi."
Thiếu nữ cười hì hì, giọng trong trẻo tựa phiến lá rơi xuống hồ nước mùa thu, tự giới thiệu: "Đã nghe tên tiểu thư Niệm Tâm từ lâu, ta tên là Diễm Tiên."
Diễm Tiên?
Tôi cũng nhún chân chào hỏi: "Bái kiến công chúa."
Hai người phía trước cười ồ lên, Diễm Tiên vui vẻ hỏi: "Sao tiểu thư biết ta là công chúa?
Không lẽ tôi lại bảo là mình đoán bừa, nhưng như vậy thì không có khí chất gì hết.
Trần Quốc Chẩn cúi xuống, khẽ gõ vào trán Diễm Tiên một cái rồi tỏ vẻ trách móc: "Ai như em không? Ra ngoài rồi vẫn đội liên hoa quan (2), không riêng gì tiểu thư Niệm Tâm, ai nhìn thấy cũng sẽ nhận ra ngay."
Diễm Tiên bĩu môi, tỏ vẻ không phục ông anh này.
Quốc Chẩn lại bảo tôi: "Cũng muộn rồi, ta với công chúa đi trước, khi khác gặp tiểu thư hàn huyên nhé."
Tôi mừng như thoát được vận xui, gật đầu như gà mổ thóc. Ai ngờ Diễm Tiên kia lại thả tay Trần Quốc Chẩn, chạy tới gần tôi: "Tiểu thư cũng đi cùng bọn ta nhé."
Trần Quốc Chẩn và tôi như cùng hiện lên dấu hỏi to đùng trên đầu.
Diễm Tiên khúc khích cười: "Ai mà chẳng biết Chiêu Văn vương yêu quý tiểu thư, dăm ba ngày lại mời tới phủ luận bàn âm nhạc."
"Ồ, hai vị đang trên đường tới phủ Hoàng Lục thăm Chiêu Văn vương sao?"
Khác với sự nhiệt tình của Diễm Tiên, Trần Quốc Chẩn hơi nhăn mày, hai mắt khẽ nheo lại.
Diễm Tiên mỉm cười: "Tiểu thư không biết sao? Vương đã đổi tên phủ Hoàng Lục thành Chương Đức viên rồi."
Chương trong chiêu chương, có nghĩa là vẻ vang, rực rỡ. Đức trong uy đức - vừa có cái uy nghiêm lại vừa đức độ.
Trước đây, vì phủ Hoàng Lục chỉ là nơi nghỉ chân tạm thời khi Chiêu Văn vương từ Văn Trinh lên kinh thành chầu Quan gia nên vẫn giữ tên cũ được đặt từ xưa, gần đây ông ở lại Thăng Long khá lâu nên đã đổi thành Chương Đức viên.
Nhắc mới nhớ, vì phải lo cho đám cưới của Đoàn Nhữ Hài mà đã lâu lắm rồi tôi không có thời gian đến thăm ông.
Nói là vậy nhưng tôi chẳng hề có ý định đi cùng hai anh em hoàng thân quốc thích này đâu. Không phải khoe khoang, mối quan hệ giữa tôi và Trần Nhật Duật tương đối thân thiết, khi không có người ngoài còn có thể trò chuyện thoải mái, tự do bày tỏ ý kiến. Bởi vậy, nếu có người ngoài thì chẳng còn vui vẻ gì cả.
Mắt trông rõ sự khó xử của Trần Quốc Chẩn, tôi cúi đầu đáp: "Hôm nay tôi còn có công việc phải làm, không thể đi cùng hai vị được rồi."
Diễm Tiên lập tức ỉu xìu, nhưng cũng không nài nỉ thêm: "Vậy hôm khác ta sẽ bảo anh Chẩn dẫn đến gặp tiểu thư, có dịp chúng ta cùng trò chuyện nhiều hơn nhé."
Đoạn, Trần Quốc Chẩn cùng Diễm Tiên rời đi, hướng về phía Chương Đức viên của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Khi lướt qua tôi, cậu ta thì thầm: "Không biết ta phải chờ đến khi nào mới cơ hội được gọi cô là chị dâu đây?"
Dứt lời liền cười vang, khiến cho không ít người đi đường phải ngoái lại nhìn.
Hai má tôi nóng ran, thì ra thằng nhãi này không nhịn được, vẫn phải tìm cách trêu chọc tôi mới chịu!
Tối đó tranh thủ lúc Đông Ly đang dọn giường, tôi liền hỏi con bé về thân thế của công chúa Diễm Tiên.
Đông Ly cười bảo: "Thì đúng rồi, công chúa xưng tên huý trước cô cả thì sao mà cô cả biết được. Nàng ấy chính là Huyền Trân công chúa, con gái yêu của Tuyên Từ thái hậu đó ạ."
Huyền... Trân công chúa? Chính là Huyền Trân công chúa trong truyền thuyết? Vị công chúa mà về sau phải gả cho ông vua của Chăm Pa để đổi về hai châu Ô, châu Lý?
Đông Ly cái gì cũng biết, tiếp tục thao thao bất tuyệt: "Tương truyền, năm ấy công chúa được Tuyên Từ thái hậu hạ sinh, vốn đang khóc oe oe thì được Thượng hoàng ẵm vào lòng dỗ dành. Công chúa còn đỏ hỏn, nước mắt rơi khắp mặt, nhưng vừa nhìn thấy Thượng hoàng thì lại nhoẻn miệng cười. Thượng hoàng vui mừng, ban tên Diễm Tiên." (3)
Tôi ngồi khoanh chân trên giường, chăm chú nghe Đông Ly kể chuyện. Con bé còn không quên chú thích khi đó Tuyên Từ thái hậu vẫn còn là Thứ phi, mà Thượng hoàng cũng vẫn còn là Quan gia trẻ trung phong độ.
Đông Ly cầm lên một chiếc bút lông trong tưởng tượng vẽ vời nhằm phân tích cho tôi hiểu.
"Chữ Diễm viết như thế này." Vừa nói, con bé vừa quẹt quẹt lên khoảng không trước mặt. "Mang bộ Thuỷ, có nghĩa là sóng nước chan chứa. Còn Tiên, viết như thế này... mang bộ Ngư, nghĩa là tươi đẹp, rực rỡ. Tóm lại, mỗi giọt nước mắt của công chúa đều xinh đẹp và quý giá vô cùng, Thượng hoàng mong muốn cuộc đời của công chúa sẽ không phải rơi một giọt lệ đau buồn nào ạ."
Lòng tôi khẽ run lên, thương thay Huyền Trân...
Hiện giờ đã là năm Hưng Long thứ tám, mà theo lịch sử thì sáu năm nữa con bé sẽ phải rời Đại Việt, trở thành dâu Chiêm Thành. Chỉ sau một thời gian ngắn, vua Chiêm băng hà, Huyền Trân được đưa về Đại Việt rồi cắt tóc đi tu.
Hơn nữa, trong thời gian ấy Huyền Trân còn dính phải chuyện thị phi với cái ông Trần Khắc Chung đáng tuổi bố mình, để hậu thế bảy trăm năm về sau vẫn còn luận bàn, thậm chí là xỉ vả.
Cuộc đời của vị công chúa này, dù thế nào cũng không hề suôn sẻ như mong muốn của Trần Nhân Tông mười ba năm trước khi ban hai chữ Diễm Tiên, rực rỡ và xinh đẹp tuyệt trần.
Nhìn lại bản thân mình, tôi chỉ thấy như một trò đùa. Biết rõ kết cục của kẻ khác nhưng tương lai của chính mình lại chỉ toàn sương mù che lối, còn gì nực cười hơn đây?
- ----
(1) Tất cả thông tin về đám cưới thời xưa được tham khảo trong cuốn Tập tục đời người - Tác giả Phan Cẩm Thượng và bài viết Sự trung trinh của chim nhạn: Tình yêu đích thực, sống chết chỉ một bạn đời trên báo Tinh Hoa.
Đám cưới thời Trần không được ghi chép cụ thể, đây hoàn toàn là cách suy diễn của tác giả trước các thông tin góp nhặt được.
(2) Liên hoa quan: Tên này do tác giả bịa ra =))
(3) Không có tài liệu nào ghi lại tên thật của Huyền Trân công chúa và mẹ ruột của cô là ai => cái tên Diễm Tiên & chi tiết Tuyên Từ thái hậu cũng là do tác giả hư cấu, không có giá trị tham khảo.
Truyện convert hay :
Giang Thần Đường Sở Sở