Gió lạnh đìu hiu thổi trên đỉnh Tuyết Vân Sơn.
Cho dù bây giờ đã là cuối độ tháng Năm, thế nhưng cảnh vật nơi đây vẫn còn khoác lên trên mình một màu tuyết trắng xóa tựa như những đóa hoa mai thanh cao rụng đầy nơi trần thế.
Phong Linh Đường ngụ tại đỉnh Tuyết Vân Sơn đã hơn hai mươi năm nay, tĩnh tại, yên ắng và bình yên vô cùng.
Dường như tất cả thế sự trôi nổi ngoài kia đều đã chẳng còn liên quan gì đến ngôi Đường nhỏ bé mang trong mình những tâm sự về một thời đã mất nữa.
Dĩ vãng, hiện tại và tương lai, Phong Linh Đường đều chỉ mong muốn một điều như vậy, không cầu danh vọng, và cũng chẳng cần cầu.
Cửa viện Nghinh Uyên là một cửa viện nho nhỏ nằm ở tận cùng phía Đông của Phong Linh Đường, là nơi ở của một nữ hài tử năm nay mới tròn tuổi mười hai.
Nàng bần thần ngồi trên bậc tam cấp trước cửa viện, đôi chân nhỏ bé không ngừng đung đưa qua lại làm rung động những đóa hoa mai dưới chân nàng, vẽ lên trước mắt nàng nỗi tương tư nhuốm đầy màu tuyết trắng.
“Đại sư huynh, biết đến bao giờ huynh mới về đây với muội?”
Gốc bồ liễu ngoài cửa viện Nghinh Uyên xào xạc lên những tiếng lá yếu ớt, phảng phất qua tóc mai của nàng những điệu bi ai da diết.
Nàng cùng bồ liễu và tuyết trắng lớn lên, cùng hơi thở của sự cô tịch và ruồng rẫy mà sống.
Suốt những năm qua, nàng chỉ biết bần thần dõi theo hướng cửa viện mà trông ngóng bóng hình đã từng chiếm cứ suốt bao đêm trong tâm trí non nớt của nàng.
Nàng đã từng nghe một người nói rằng, chờ đợi niềm hy vọng là sự chờ đợi hạnh phúc nhất, thế nhưng giờ đây thứ nàng đang chờ đợi là gì, niềm hy vọng mộng ảo hay sự tuyệt vọng vốn đã hiện rõ ràng nơi đáy mắt?
Đột nhiên có tiếng bước chân người đi tới, một lão nhân với khuôn mặt hằn rõ những dấu vết của tuổi già nhẹ nhàng mở cánh cửa viện Nghinh Uyên.
Lão trông thấy nàng, liền cất tiếng khàn khàn nói:
“Uyển Nhi, đã đến giờ luyện võ, sao con còn bần thần ở đây? Mau đến chính Đường tập chung đi, các huynh đệ đã chờ con rất lâu rồi.”
Nàng trông thấy lão đi đến, đôi chân liền nhanh nhẹn chạy khuất vào bên trong cửa viện, ló nửa đầu ra bên ngoài rồi nói:
“Lão sư, trời tuyết rơi nhiều như vậy, trong người đệ tử cảm thấy không được khỏe lắm, người để con nghỉ hôm nay đi mà.”
Lão nhân khe khẽ thở dài, chầm chậm đi đến chỗ nàng đang đứng, đưa tay xoa xoa cái đầu nhỏ nhắn của nàng rồi nói:
“Trong người không khỏe, khi nãy còn đứng bên ngoài nghịch tuyết làm gì.
Ngoan, mau đi theo lão sư.”
Lão đưa hướng nhìn sang bên khác để tránh đi ánh mắt van nài của nàng.
Nàng đã vì lý do này mà nghỉ luyện võ mấy ngày nay rồi, hôm nay nhất định lão chẳng thể mủi lòng với nàng thêm được nữa.
Nàng biết mấy trò làm biếng của nàng đã chẳng còn tác dụng nữa, bèn tiu nghỉu nắm lấy tay áo lão, phụng phịu nói:
“Lão sư, hôm nay con luyện võ với người, sau đó người cho con xuống núi chơi nhé.”
Nghe thấy cụm “xuống núi” phát ra từ miệng nàng, nơi khóe mắt lão đột ngột co lại, trong giọng nói già nua giờ đây lại có thêm vài phần tức giận:
“Vi sư bảo con luyện võ thì con phải luyện võ, từ lúc nào đã học được cái tính đưa ra điều kiện như vậy rồi.”
Nàng thở dài ngao ngán nhìn xuống dưới bàn chân trần vì nghịch tuyết từ nãy mà đã ửng hồng lên như búp sen non nớt.
Nàng vốn chỉ định nũng nịu vài câu với lão mà thôi, chẳng ngờ lại khiến lão tức giận như vậy.
Lão đưa mắt nhìn xuống đôi bàn chân lạnh giá của nàng, vầng trán đầy những nếp nhăn nay lại càng nhăn hơn, lão đưa bàn tay với lấy đôi giày vải vứt lăn lóc mỗi nơi một chiếc của nàng, sau đó đi lại cẩn thận cho nàng, kèm theo đó là lời trách móc chẳng kém một người cha.
“Vi sư đã dặn con bao nhiêu lần rồi, đừng để chân trần mà đi trên tuyết.
Sao con càng lớn lại càng không biết nghe lời như vậy hả? Con mà còn để vi sư nhìn thấy con làm thế lần nữa, vi sư sẽ đánh con đấy.”
Lão giờ đây đang ngồi hẳn xuống để đi giày cho nàng, tuy rằng trong giọng nói nghiêm khắc là vậy, thế nhưng từ trước đến nay lão chưa từng đánh nàng lấy một lần, cũng chẳng bao giờ buông về phía nàng những câu nói gắt gỏng vô cớ.
Điều đó khiến nàng vô cùng biết ơn và yêu quý lão, bởi lão chính là chỗ dựa duy nhất của nàng trong suốt quãng đời ngắn ngủi mấy năm qua.
Nàng cũng thôi không còn làm nũng, đôi chân nhỏ bé nhẹ bước theo sau bóng lưng già nua kia, đi cùng lão ra khỏi cửa viện Nghinh Uyên sơn đỏ phai màu.
Trong thiên hạ rộng lớn này, sớm đã nghe câu: “Loạn thế chính là lạc viên của anh hùng.”
Lão nhân tên chỉ có hai chữ, Ngọc Bội.
Vào hơn hai mươi năm trước, trận loạn chính Càn Khôn điện xảy ra, khi ấy trong giang hồ lẫn triều chính đều dấy lên một hồi gió tanh mưa máu, sinh linh lầm than, cuộc sống khi ấy của người dân Đại Trần Quốc không khác nào địa ngục nơi trần thế.
Trước cơn sóng xô của thời thế, đã từng có một người thiếu niên mặc lục y, trên tay là thanh kiếm Ngọc Minh uy danh thiên hạ, độc lai độc vãng hành tẩu giữa muôn vạn dặm trường.
Ngọc Bội lúc ấy được gọi với cái tên Ngọc Minh Kiếm Tiên, là một trong những cao thủ hàng đầu của Đại Trần Quốc.
Không chỉ võ công cao cường, mà Ngọc Bội còn nổi danh về cách hành hiệp trượng nghĩa, đặt bá tánh lên hàng đầu của mình.
Giang sơn vạn lý Đại Trần Quốc, nói đến Ngọc Minh Kiếm Tiên, từ đầu tiên thoát ra khỏi miệng của họ chính là hai chữ “quân tử”.
Trong những cuộc trà dư tửu hậu, thuyết thư không kể về Ngọc Minh Kiếm Tiên, tuyệt chẳng có người nào muốn ở lại.
Các trà quán, tửu đi-m muốn hút khách, chỉ cần nói đến vị Kiếm Tiên đó, tức thì sẽ đông nghịt đến nỗi hành khất còn chẳng có chỗ để vào mưu sinh.
Cũng từ đó mà đồn thổi nên truyền kỳ về một người thiếu niên tiêu dao tự tại giữa thời loạn thế, một nhân vật như bước ra từ những cuốn thi thư phong lưu nhàn nhã khiến biết bao kẻ thầm mơ tưởng và ghen tỵ.
Phong quang là vậy, song có mấy ai thấu hiểu được sự thật tàn khốc đằng sau bức rèm hoa lệ của vở kịch thế sự vô thường, nhân tình thế thái.
Sau đại nạn cửu tử nhất sinh với thế lực ma giáo lớn nhất thiên hạ là Ám Hà Cung, Ngọc Bội trọng thương, công lực cả một đời Kiếm Tiên bị phế đi đến tám phần.
Lão quy ẩn giang hồ, cứ thế biến mất như làn khói mỏng vô tình giữa nhân gian, khiến giấc mộng si của biết bao thiếu nữ Kinh thành chưa kịp đơm hoa kết trái đã vội ngậm ngùi chết yểu.
Phải rất lâu về sau, nàng mới có thể biết được lão nhân trước mặt nàng đã phải trải qua những thương hải tang điền, bãi bể nương dâu dài tựa một kiếp người để từ một thiếu niên tiêu sái năm ấy lẳng lặng trở thành một ông lão bình thường trên đỉnh Tuyết Vân Sơn đìu hiu, quạnh quẽ.
Ngoài chính Đường, các đệ tử của đã tập hợp thành ba hàng, dáng vẻ nghiêm nghiêm cẩn cẩn giữa trời đông lạnh giá.
Trông thấy Ngọc Bội đi đến, tức thì bọn họ chắp tay cúi người, dõng dạc hành lễ:
“Tham kiến Đường chủ.”
Ngọc Bội gật đầu hài lòng, đưa tay khẽ vỗ vào lưng nàng.
Khuôn miệng bé nhỏ khẽ thở dài một hơi, nàng chán chường đi đến chỗ hàng người, chọn bừa một chỗ đứng cho mình rồi hà những hơi nóng ít ỏi lên bàn tay non nớt.
“Hôm nay cho gọi các con giữa trời tuyết rơi nhiều thế này cốt là để các con khổ luyện nhục thân, trui rèn nội lực.
Nên nhớ, điều căn cơ của võ học đều nằm ở hai thứ đó…”
“Không phải do ngươi hôm qua lười biếng, sao hôm nay sư phụ lại giận cá chém thớt, bắt chúng ta đứng giữa trời tuyết thế này.
Nha đầu, ngươi còn không biết mở miệng tạ lỗi với các sư huynh sao?”
Hạo Khang từ trước đến nay luôn có hiềm khích với nàng liền dùng khuỷu tay huých vào người nàng mấy cái.
Nàng ngước đôi con ngươi lên, chán ghét nhìn y rồi bĩu môi nói:
“Ý của sư phụ như vậy, ngươi có gì thắc mắc thì cứ việc đến tìm người mà đối chất!”
Cái tên Hạo Khang này chỉ suốt ngày biết mỗi việc là bắt nạt một nha