Tôi không biết gia đình ông có thù oán gì với thầy phong thuỷ đó không, nhưng mọi thứ xây nên ở đây đều bất lợi cho gia chủ, nhẹ thì tai ương bệnh tật, nặng thì tổn mạng cho con cháu đời sau. Dương trạch ở đây đã phạm vào hình sát trong năm sát của phong thuỷ: hình sát, quang sát, khí sát, thanh sát và phong sát.
***
Trời đã nửa khuya, tôi lững thững bước trên con đường đất quen thuộc. Hôm nay là ngày rằm nên ánh trăng vẫn còn lấp ló phía sau tán cây. Tiết trời se lạnh, chốc chốc lại có một cơn gió nhẹ lùa qua tán lá me ven con đường vắng vẻ mang theo cái lạnh đầu mùa. Tôi đưa tay cho vào áo khoác len giữ ấm, ngước nhìn cảnh vật có phần ảm đạm xung quanh, thở dài rồi lê bước về phía quán chạo của dì Hai Gù.
Xa xa dưới ánh đèn mờ mờ của chiếc đèn măng xông treo lơ lửng gần tàn trâm bầu đưa ra phía mặt đường, tôi thấy loe hoe vài bóng người đang ngồi phía trước quán. Chiếc xe chạo của dì Hai đặt cạnh ngay những ngôi mộ được xây bằng đá tổ ong cũ kĩ nhưng lúc nào cũng nhang khói nghi ngút, làm cho khung cảnh có phần tĩnh mịch âm u, có lẽ vì thế mà người ta đặt cho quán chạo của dì Hai Gù cái tên "Quán chạo âm phủ"...
Dân vùng này còn thưa thớt, mỗi căn nhà cách xa nhau cả mấy thửa vườn, đường đất nhỏ hẹp, đến điện còn chưa kéo vào được, ấy vậy mà quán chạo của dì Hai đã tồn tại gần hai mươi năm nay rồi, cứ đến mười hai giờ khuya là bà lại lầm lũi đẩy xe chạo ra bán cho đến tận sáng, tôi nghe kể lại rằng có khi bà chẳng bán được tô chạo nào, vậy mà bà vẫn kiên trì không bỏ cái nghề nương theo mưa gió thất thường này.
Tôi tiến lại gần chiếc bàn tre, thì ra bóng người lúc nãy là chú Tư Biền, năm nay ngoài năm mươi rồi, nhà cách nhà tôi mấy sào đất, còn người ngồi cạnh chú là anh Quách lớn hơn tôi vài tuổi. Tôi lễ phép chạo, chú Tư ngước lên thấy tôi liền cười và nói:
– Thằng Hạo hả bây? Mày về khi nào mà không cho chú Tư hay gì hết vậy? Ngồi xuống đây!... Hôm bữa chú có qua nhà gặp ba mày uống trà tán dóc mà có thấy mày đâu?!
Tôi ngồi xuống rồi chậm rãi:
– Dạ, cháu mới về hồi sáng, nhớ chạo của dì Hai nấu quá nên tranh thủ ra ăn sẵn tiện thăm dì Hai luôn.
Tôi ngước nhìn dì Hai khẽ gật đầu, dì Hai mang lại cho tôi tô chạo nóng hổi:
– Cháu vẫn khoẻ chứ?
– Dạ, cháu vẫn khoẻ!
– Ừm...! – dì Hai khẽ cười rồi lặng lẽ quay đi. dì Hai lúc nào cũng vậy, rất kiệm lời, nhưng lại là người rất tốt bụng, trên mặt dì lúc nào cũng đượm vẻ u buồn.
chú Tư đưa tay xoắn một điếu thuốc rê, rít một hơi thật dài rồi nhẹ nhàng phà làn khói trắng mỏng lên không trung quyện vào ánh sáng vàng đục mờ ảo của chiếc đèn măng xông, xuyên thấu bóng tôi trên mặt đường lỏm chỏm đá, khung cảnh dường như chùn lại ít giây... Anh Quách hớp một ngụm trà rồi vỗ vai tôi:
– Hạo, anh nghe đồn em có thể nhìn thấy những hồn ma có đúng vậy không? Anh không tin nên muốn nghe chính miệng em nói!
Tôi chưa kịp nói gì thì đã nghe một tiếng xoảng vang lên, thì ra là dì Hai không cẩn thận làm rơi tô chạo, vẻ mặt dì lúc đó hình như có điều gì khác lạ, anh Quách lại hối:
– Có thật vậy không Hạo?
Tôi bối rối vội trùng vai nhoẻn miệng cười:
– Người ta đồn mà anh đừng tin làm gì!
Tôi nhanh miệng lách sang chuyện khác:
– chú Tư, sao những ngôi mộ kia lúc nào cũng nhang khói nghi ngút vậy? dì Hai thắp phải không chú?
– Ừm, đúng rồi đó mỗi lần ra bán là bả đều thắp nhang cho những ngôi mộ đó, nhang tàn bả lại thắp tiếp cây khác cho đến khi nào về thì thôi, đấy mày thấy không, bả để cả chục bó nhang trên kệ đấy.
Nói xong chú Tư đưa tay chỉ về phía chiếc xe chạo.
– Mộ đó là người thân của dì Hai hả chú?
– Chú cũng không rành, nhưng chắc chỉ là cái lễ phép khi mượn chỗ buôn bán thôi, phải vậy thì người khuất mặt khuất mày người ta mới phù hộ mình làm ăn suôn sẻ...
Tôi gật gù im lặng, định bụng bưng tô chạo lên làm một ngụm cho ấm bụng thì chú Tư trầm giọng nói:
– Nhắc đến những ngôi mộ, sẵn tiện để chú kể cho tụi bây nghe một câu chuyện đáng sợ về những oan hồn mà chú không bao giờ quên được!
Ngay lúc đó có một cơn gió nhẹ lành lạnh thổi ngang qua chúng tôi, cây lá xào xạc đu đưa như tô điểm thêm cho câu chuyện chú Tư thêm phần bí hiểm. Chú đưa cánh tay gân guốc cháy nắng lên kéo một hơi thuốc nữa rồi từ tốn:
– Chú còn nhớ như in năm đó là đầu mùa mưa, khi ấy chú còn khỏe lắm, cứ mưa xuống tối đến là chú cùng các thanh niên trai tráng trong xóm kéo nhau đốt đuốc đi soi ếch. Đêm đó, sau khi Dì tư bây dỗ mấy đứa nhỏ ngủ, thì chú xách cái gọng tre, đốt bó đuốc rồi lách qua vách lá bên hông nhà, định đi thì dì Tư bây thấy thấy lạ nên ngăn lại hỏi:
– Ủa ông đi đâu hướng đó vậy?
– Bà hỏi ngộ đi soi ếch chứ đi đâu?
– Thường ngày ông đi với tụi thanh niên qua mấy mẫu ruộng tập đoàn 1 mà, đây là hướng ra bờ sông, ông ra đó làm gì?
– Bên kia tụi nó kéo đi đông quá, tôi đổi hướng qua bên khu đất tập đoàn 5 xem có thu hoạch lớn không?
– Nhưng mà. ..
– Nhưng mà cái gì, nói nhanh đi trời khuya lắm rồi đó.
– Tôi nghe nói... con sông sau nhà ban đêm hay có. .. mấy thứ dơ bẩn đó, tôi nghe người ta đồn nhiều lắm rồi – Dì tư bây ấp úng, nghe xong chú gạt phắc ngang:
– Bà tối ngày đi nghe mấy cái chuyện tầm phào, thôi tôi đi đây.
Chú lặng lẽ bước đi trong đêm, lội bì bõm tiến thẳng ra sau nhà, thời đó rừng rú không chứ đâu phải như bây giờ, lúc đó trong đầu chú không hề nghĩ đến chuyện ma quỷ gì cả, xung quanh thì bóng đêm bao trùm, chỉ
nghe được tiếng ếch nhái râm ran gần xa và tiếng nổ lách cách của bó đuốc, thỉnh thoảng tàn lửa rơi xuống mặt nước tạo nên âm thanh hời hớt chua chát.
Chú lội băng qua cánh rừng, đến con sông rồi hì hụi đẩy chiếc xuồng ba lá giấu trong gạch nhỏ ra, cấm bó đuốc lên mạng xuồng rồi bơi đi chậm rãi, ven hai bờ sông chỉ thấy toàn dừa nước xen lẫn mấy thân cây còng cao to mấy thân dây leo phủ đầy.
Sở dĩ dì Tư bây nói vậy là vì trước đây trên đoạn sông này xảy ra một chuyện vô cùng thương tâm, có 1 gia đình nọ vào một đêm tối trời bị toán người vào nhà, chúng chặt đầu rồi quăng xác họ xuống sông, hết thảy năm mạng người, không biết vì lý do gì, nhưng nghe thiên hạ đồn là bị cướp vào nhà, khi ấy vùng này loạn lạc lắm, xác họ được chôn ngay cạnh nhà, cặp mé sông đến nay thì không còn dấu tích mộ phần đâu nữa.
Dân ở đây họ rỉ tai nhau là vào ban đêm thường thấy bóng đen của năm người không đầu đứng cạnh mé sông vẫy vẫy tay, rồi còn có người nói rằng đôi khi lại thấy bóng người bay qua bay lại ngang sông nhưng chú chưa bao giờ tin mấy chuyện nhảm nhí đó, chú nổi tiếng là gan lì mà, lúc ấy chú nghĩ vậy nên ung dung khua nước, ánh trăng lưỡi liềm gọi lên mặt nước êm ắng lạ thường, tiếng ếch nhái cũng lặng đi nhường chỗ cho tiếng cú mèo văng vẳng đâu đó lúc xa lúc gần như vọng về từ cõi hư vô...
Chú bơi được một đoạn thì bỗng ngọn đuốc vụt tắt ngúm, chú nghĩ trong đầu "Quái lạ, có tí gió nào đâu mà đuốc tắt vậy", mải mê với những suy nghĩ vẩn vơ mà chú đâu hay tai họa sắp ập đến với mình; khi ngẩng đầu lên nhìn xung quanh cảnh vật có vẻ trông rõ hơn khi còn ánh đuốc. .. im ắng... là hai từ để hình dung khung cảnh lúc đó, chú vẫn khua mái chèo đi tiếp, nước róc rách chảy bên mạng xuồng, ánh đuốc tàn sáng rực trong đêm tối, nhấp nhô trên con sóng như oan hồn ma chơi dạo bước trên sông, tàn tro nhấp nháy bay vụt lên bầu trời đặc quánh, âm u.
Bỏm bỏm... bỏm bỏm...
Chú khựng người lại khi nghe âm thanh kì quặc giữa đêm khuya đó, nghe như tiếng người đang bơi lội trên sông, tay chú nắm chặt cán chèo, căng mắt nhìn về phía âm thanh phát ra. Ở xa xa gần đám dừa nước dường như chỗ đấy nước động rất mạnh, trong khoảng tối đó chú không thấy được gì ngoài một màu đen nối dài vô tận dọc theo hai bờ sông, chú lại thầm nghĩ "Chẳng lẽ là bọn trộm gà, trộm vịt", định bụng vậy chú liền chộp lấy con dao phay rồi khua chèo chậm rãi đến gần.
Khi còn cách đó chỉ khoảng vài mét, cũng là lúc đám mây che khuất ánh trăng trôi đi, ánh sáng yếu ớt soi xuống mặt sông để lộ ra trước mặt chú một cảnh tượng hãi hùng, một khuôn mặt trắng bệt ướt sũng đang nhe răng cười khoái trá, thân hình nó thâm tím tong teo, còn trên cổ thì có một vạch gì đó cứ khép vào hở ra trông rất ghê rợ.
Chú há hốc mồm, đánh rơi cả con dao trên tay, suýt chút nữa đã không giữ được bình tĩnh mà rơi xuống sông, ánh mắt ma mãnh nó nhìn chú giống như truyền một nguồn điện chạy từ sống lưng đến gáy vậy. Chú chưa kịp định thần thì ào một cái nó phóng nhanh lên bờ, chạy lại phía gốc còng có tàn cây xum xuê đưa ra giữa sông, nó leo thoắt một cái là lên đến nhánh cây đó, rồi nó ngồi vắt vẻo như một con khỉ, ít lâu nó lại treo mình lủng lẳng rồi bò tới bò lui trên cành cây cất tiếng cười khanh khách như oán hận vọng về bốn phía.
Con cú gần đó cũng vỗ cánh bay đi mất, đến lúc này chú không còn dám nhìn lên nữa, phải rất lâu chú mới định thần lại được tay cầm mái chèo của chú run lên bần bật như người sốt rét, chú cố đưa tay trèo nhanh nhưng không hiểu sao chiếc xuồng chỉ nhích đi từng chút... từng chút một... Điều đáng kinh hãi hơn là khi mũi xuồng vừa đi đến ngang nhánh cây đó thì bỗng nhiên một cái đầu người rơi bộp lên mũi xuồng, vẫn ánh mắt sắc lẻm ma mị đó, vẫn giọng cười khanh khách đáng sợ đó cái đầu nẩy lên đành đạch rồi rơi tõm xuống sông.
Chú không thể kiềm chế hơn được nữa liền vung mái chèo quay ngược xuồng, dùng hết sức bình sinh bơi thật nhanh về phía nhà, chú không dám ngoái lại thậm chí không dám phát ra tiếng động mà cỗ họng chú cứ rít lên từng hồi vì nỗi sợ, nhưng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt khi chú quay xuồng bỏ chạy, thì chú nghe đằng sau lưng mình có một vật gì đó rơi từ trên cao xuống. .. bõm một tiếng rất lớn linh cảm có điều chẳng lành sắp xảy ra, quả thật là vậy phía sau có âm thanh ào ào của nước đang tiến về phía chú, chú nấc lên từng hồi rồi cắm đầu mà chèo, đột nhiên dưới đáy xuồng có tiếng rõ lên lụp cụp rất to và liên tục, xong một cánh tay xương xẩu thò từ dưới nước lên chụp vào mạng xuồng gần sát chân chú, hoảng hồn chú chụp ngay con dao dưới máng xuồng chặt liên hồi lên những ngón tay ấy, rồi phóng ầm xuống sông bơi thẳng vào bờ, chú co chân chạy thục mạng; mấy lùm cây gãy rạp dưới chân...
Truyện convert hay :
Sủng Thê Tận Xương: Thần Bí Lão Công Có Điểm Hư