Khi đến Quảng Đông, điều bạn nhất định phải làm là uống trà sáng.
"Uống trà sáng" là cách gọi của người Quảng Đông, thế nhưng ngay cả người địa phương cũng không rõ tập tục này bắt nguồn từ đâu.
Vậy bạn có từng nghe "uống trà đêm" chưa?
Nhiều năm trước chợ đêm phát triển rất mạnh, các quán trà đêm mở ra khắp nơi ở Thâm Quyến, Quảng Đông, nhưng dần biến mất trong mấy năm gần đây.
...
Là người Quảng Đông nên tôi rất thích uống trà. Lúc nhỏ tôi ốm yếu nhiều bệnh nhưng chỉ cần có cơ hội, tôi thường quấn quýt đu theo người nhà đi uống trà sáng. Bố tôi biết điều này nên mỗi cuối tuần có ngày nghỉ, sẽ dẫn tôi đến quán trà ăn điểm tâm sáng, dần dà trà sáng đã trở thành thói quen trong gia đình tôi.
Tuy nhiên vào một ngày nọ, bố tôi cùng tôi đến quán trà quen thuộc thì bất ngờ quán đã đóng cửa. Hôm đó bố tôi có việc bận không rảnh dẫn tôi đi tìm quán trà khác, hết cách ông đành nói: "Hay bữa nay nhịn đi?"
Tất nhiên tôi không chịu, bắt đầu lăn ra ăn vạ khóc lóc um xùm. Thấy tôi khóc, bố tôi bất lực đành dỗ dành:
"Được rồi, bố nghe nói bên phố Lưu Đường có mấy quán trà đêm, chờ bố đi công chuyện xong, tối dắt con tới đó được không? Nín đi."
Tôi tiếp tục ăn vạ suốt đường về nhưng cuối cùng vẫn cam chịu. Tôi nhớ hôm đó bố bận rộn đến tận khuya, tôi nhõng nhẽo đợi ở phòng khách không chịu ngủ, đến khi bố tôi đẩy cửa bước vào nhìn thấy tôi vẫn còn nhây, nên đành giữ lời hứa lái xe chở tôi đến phố Lưu Đường.
Tuy trời đã khuya nhưng phố Lưu Đường vẫn náo nhiệt đông đúc đèn đóm sáng rực, dù muộn vẫn không ngăn được mọi người rủ nhau đến đây ăn uống trò chuyện.
[Quán trà Khôn Ký] nằm ở quảng trường Thập Thắng, phố Lưu Đường. Không cần phải hỏi, ông chủ quán trà hẳn là một người đàn ông trung niên tên "A Khôn". Ngày đó tôi buồn ngủ mơ màng, mắt nhắm mắt mở theo bố đi vào quán.
Quán trà này, hay nói đúng hơn là sạp đồ nướng, khác với những quán trà cao cấp xanh vàng rực rỡ tôi thường đi, phía trên sạp chỉ dựng tạm một tấm bạt lớn, bên dưới bày vài cái bàn tròn cùng ghế nhựa, trên ghế còn dính chút dầu mỡ. Đổi lại ngày thường tôi nhất định khóc um xùm, nhưng cả ngày hôm nay quá mệt mỏi, hơn nữa cơ thể ốm yếu cộng thêm gió đêm lạnh lẽo đập vào hàng cây ven đường, phát ra âm thanh xào xạt mang theo cơn buồn ngủ.
Tôi đói bụng cồn cào làm gì có sức để khóc, ngoan ngoãn nằm bò trên bàn chờ bố đem đồ ăn ra.
"Anh Chí, thằng nhóc này là con anh hả? Lớn thế này rồi à?" A Khôn rõ ràng quen biết bố tôi từ lâu.
"Ừ, mười mấy năm không gặp, không ngờ chú mở quán trà đêm ở đây, thằng nhóc này quậy cả ngày đòi đi uống trà, nếu không thì cũng không gặp được chú." Bố vỗ nhẹ đầu tôi nói: "Gọi chú Khôn."
"Chú Khôn." Tôi mệt mỏi đứng dậy kêu một tiếng rồi ngồi phịch xuống ghế.
"Thằng nhóc này đói sắp khóc rồi, hahaha." Bố và chú Khôn chọc tôi.
Tôi ngủ gục, lúc tỉnh dậy đã thấy trên bàn đầy đồ ăn: Sườn heo hấp tỏi, lòng heo, cánh gà... Tôi dụi mắt, chẳng mấy chốc cơn đói thổi bay cơn buồn ngủ, tôi cắm đầu ăn ngấu nghiến trong khi chờ bố đi xem chú Khôn phao trà.
Ăn được một lúc, tôi phát hiện không biết từ khi nào những người xung quanh đã đi đâu mất, phố Lưu Đường vốn nên ồn ào náo nhiệt, rộn rã người bây giờ trở nên im lặng. Càng kỳ lạ hơn là tôi nhìn thấy một cô bé ngồi dưới gốc cây cành lá thưa thớt, gần bàn đối diện đang mở to mắt nhìn chằm chằm tôi, đằng sau cô bé là mảnh trăng khuyết rất lớn treo trên bầu trời tối mịt.
Trăng hôm nay lớn vậy sao?
Tôi tiếp tục ăn và phớt lờ cô bé, bởi vì từ nhỏ đau bệnh nên tính tôi hơi hướng nội, ít giao tiếp với bạn bè cùng tuổi. Đột nhiên, tôi nghe tiếng chim kêu gào thảm thiết giống như bị thứ gì đó làm cho hoảng sợ, tôi ngẩng đầu lên, chỉ thấy chúng bay loạn xạ bốn phía.
Lúc ấy tôi vẫn còn nhỏ, tuy rằng cảm giác có chuyện không đúng nhưng không dám nghĩ nhiều.
Gió đêm lạnh lẽo, nương theo ánh trăng tôi mơ hồ nhìn thấy bố đang trò chuyện với chú Khôn, hai bóng dáng lờ mờ lay động trước mắt tôi.
Tôi lại nhìn sang cô bé dưới gốc cây.
Không thấy?
Một trận gió lạnh thổi tới khiến tôi co rúm, ý thức của tôi dần trở nên không rõ ràng.
Khi tôi tỉnh dậy thì đã nằm trong phòng mình, có lẽ tối qua tôi ngủ quên nên bố mang tôi về. Phòng của tôi hướng Đông, mặt trời có thể chiếu thẳng vào đến bên giường. Trong y học cổ truyền Trung Hoa, tôi bị chứng hư nhược và khó thở, cho nên thiết kế phòng như vậy sẽ có lợi cho cơ thể của tôi. Sau đó tôi vẫn sinh hoạt như bình thường, ăn sáng xong được cô giúp việc đưa đến trường tiểu học.
...
Rất nhanh lại đến cuối tuần.
Tôi lại theo bố đến "Quán trà đêm Khôn Ký."
Dường như thói quen uống trà sáng của chúng tôi đã trở thành uống trà đêm. Lần này tôi không buồn ngủ nữa, bố tôi ngồi cạnh tôi dùng điểm tâm rồi bị chú Khôn gọi đi uống trà.
Không biết qua bao lâu, mọi người bắt đầu đi hết. Cơn buồn ngủ đánh úp lại, tôi mơ màng nhìn bảng đèn đằng xa.
Bảng hiệu "Quảng trường Thập Thắng" lập lòe lúc sáng lúc tối, vô cùng quái dị. Đột nhiên, tôi sợ hãi ngồi dậy mở to hai mắt.
Vừa rồi tôi rõ ràng nhìn thấy hai chữ Quảng Trường (广场) biến thành Thi tràng (尸场) (bãi tha ma). Tôi chỉ là đứa trẻ tiểu học, chưa từng biết đến những thứ dơ bẩn nhưng vẫn khiến tôi nổi da gà đầy mình, đó là nỗi sợ hãi phát ra từ nội tâm. Tôi vội quay đầu nhìn dưới gốc cây, nhưng không có gì ở đó. Hơi thở tôi bắt đầu dồn dập.
Ánh trăng hôm nay rất lớn, còn là trăng tròn. Cả người tôi toát đầy mồ hôi lạnh, tôi nhìn vào trong quán, không biết có phải vì quá sợ hãi nên thị giác bị hỗn loạn hay không, bên trong quán trống rỗng.
Tôi nhanh chóng dụi mắt. Nhìn lại thì thấy bố tôi đi ra.
"Buồn ngủ hả?" Bố xoa đầu tôi.
"Dạ!" Tôi gần như bị mất trí nhớ và hoàn toàn quên hết vừa rồi mình đã làm gì, "Về nhà thôi
bố, tuần sau chúng ta lại đến."
Rồi tôi nhìn chằm chằm vào chú Khôn.
Mãi đến nhiều năm về sau, tôi nhớ lại, cảm giác phảng phất như đêm đó không phải là tôi. Tôi chỉ nhớ hôm ấy tôi từng đến quảng trường Thập Thắng uống trà đêm rồi ngủ thiếp đi, sau đó tôi thức dậy ở trên giường của mình như mọi khi.
Trong khoảng thời gian dài tôi không tìm thấy ký ức của mình.
...
"Bố và chú Khôn đúng là nhiều năm không gặp."
Lại là một đêm cuối tuần, tôi ngồi trên xe, bố chợt nổi hứng kể với tôi chuyện trước kia. Hóa ra gia đình tôi không phải gốc ở Thâm Quyến. Vào những năm 1980 ~ 1990 làn sóng cải cách diễn ra, nhiều người ở Quảng Đông đều đến Thâm Quyến để tìm việc trên biển, bố và chú Khôn là người cùng quê Yết Dương, một trong những nơi nghèo nhất ở Quảng Đông.
"Nhớ năm đó, chính sách kế hoạch hóa gia đình rất khắt khe." Bố tôi thở dài nhìn phía trước, "Đặc biệt là những nơi kinh tế trọng điểm như Thâm Quyến, chú họ con lúc đó cũng ở Thâm Quyến, bởi vì sinh đứa con thứ hai mà phải sống trốn chui trốn nhủi."
Đôi mắt bố tôi lộ ra biểu cảm mà tôi không hiểu. Đến sau này tôi mới biết, đó là tang thương.
Bố tôi gầy dựng sự nghiệp trước, cho nên 32 tuổi mới có thằng nhóc là tôi, còn là con ma bệnh. Mẹ tôi vì sinh khó mà mất sớm, tôi chưa kịp nhìn mặt bà ấy lần nào.
...
[Quán trà đêm Khôn Ký.]
Không biết đây là lần thứ mấy tôi nhìn thấy bảng hiệu này. Hôm nay chúng tôi đến khá muộn.
"Còn tưởng hai người không tới, anh Chí." Sau đó chú Khôn vẫy tay với tôi, "Tiểu Ức." (Ức trong hồi ức).
Hiện tại không có khách, họ không vào bên trong mà lấy bộ trà bày lên bàn tròn. Trong lúc bọn họ nói chuyện phiếm thì tôi cúi đầu ăn điểm tâm, điều kỳ lạ là dù giọng họ vẫn ở bên tai nhưng tôi chẳng thể nghe thấy gì. Ngay lúc tôi ngẩng đầu lên, bố và chú Khôn đột nhiên giống như làn khói mỏng manh biến mất trước mặt tôi.
Tôi nghiêng đầu nhìn qua thấy bảng hiệu "Quảng trường Thập Thắng" đã biến thành "Kế sinh thi tràng" (Bãi tha ma kế hoạch hóa).
Tôi lạnh toát cả người, tôi nhớ lúc ở trong xe bố từng nói với tôi, quảng trường này trước kia vốn gọi là Quảng trường kế hoạch hóa, năm đó nhiều đứa trẻ sinh ngoài ý muốn đều bị chôn ở đây, chẳng mấy chốc đã trở thành bãi tha ma, vô số xác trẻ sơ sinh bất kể đã thành hình hay chưa.
Đến khi thay đổi lãnh đạo, mới bỏ nét đầu trong chữ Kế (计) thành chữ Thập (十), sửa chữ Sinh (生) thành chữ Thắng (胜), nên mới có quảng trường Thập Thắng ngày hôm nay.
Trong lúc đang nghĩ ngợi, bỗng nhiên tôi nhìn thấy cô bé dưới gốc cây lại xuất hiện. Cô ta nhìn tôi lom lom, một trận gió đêm thổi qua, cô bé lơ lửng và di chuyển về phía tôi.
Tôi muốn chạy nhưng thân thể cứng ngắc. Cô bé mặc một chiếc váy màu đỏ gai mắt, dưới ánh trăng chiếu rọi cực kỳ quỷ dị, càng lúc càng gần, khuôn mặt cô bé bị cắt thành sáu bảy mảnh nhưng được chỉ khâu lại, tựa như búp bê vải. Hai mắt tôi tối sầm rồi ngất xỉu.
...
Tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện, bên cạnh là bố tôi. Ông ấy nói tôi bị sốt cao và đã ngủ ba ngày.
Đến khi tôi xuất viện đã là nửa tháng sau.
Tôi cũng không biết như thế nào, kể từ đó tôi không còn thích uống trà đêm. Mỗi tối cuối tuần tôi đều ngoan ngoãn lên giường ngủ sớm.
Khoảng hai tháng sau, tôi vô tình nghe bố nhắc tới chú Khôn từng có đứa con gái, khi ấy vợ chú Khôn mang thai đến tháng thứ năm, nhưng vì là đứa thứ 2 hơn nữa còn là con gái nên họ quyết định phá cái thai.
Bởi vì thai nhi đã thành hình nên khi phá phải dùng kẹp sắt gắp từng miếng ra. Bố tôi nói, lúc chú Khôn kể với bố, vẻ mặt chú ấy rất hối hận, nhưng chuyện đã xảy ra rồi, hối hận thì có ích gì?
Sau đó, bố tôi và tôi đi đến ngã tư đường, thấy quảng trường Thập Thắng đã đóng cửa, nghe nói là sẽ phá bỏ để xây bệnh viện.
...
Một đêm mùa hè của nhiều năm sau, tôi lại nghe thấy tin tức của chú Khôn. Lúc ấy tôi đang học trung học và ở ký túc xá. Tối ngày đó tôi nhận được điện thoại của bố, ông im lặng hồi lâu, nói: "A Khôn... chết rồi!"
Đúng vậy, chú Khôn đã chết.
Bố nói chú Khôn đi uống trà đêm với bạn, không may xảy ra tai nạn. Dạo này báo chí thường đưa tin, tình hình giao thông và công trình xây dựng nhà cửa có vấn đề nghiêm trọng. Ô tô đâm nhau liên hoàn làm chết rất nhiều người, chuyện này gây ầm ĩ rất ở lớn ở Thâm Quyến khi đó.
Không những vậy, vụ tai nạn giống như mở đầu cho chuỗi sự kiện kinh hoàng, đa phần là tai nạn giao thông và cố ý giết người. Sau đó ban lãnh đạo cấp trên không thể tiếp tục làm lơ, bắt đầu thực hiện chính sách mỹ quan đô thị, đóng cửa tất cả quán trà đêm ở ngã tư
Từ đó trà đêm ở Thâm Quyến, thậm chí cả Quảng Đông cũng dần biến mất.
Truyện convert hay :
Tu La Kiếm Thần