Mất Tư Cách Làm Người

Chương 15


trước sau

Tôi quay về căn hộ chung cư ở Amanuma, với thân hình rách rưới tiều tụy, vứt bỏ mọi hy vọng, thả mình nằm dài trên giường. Tôi đã hai mươi chín tuổi. Hoàn toàn trắng tay. Chỉ còn một mảnh áo Dotera. H cũng chỉ đủ quần áo mặc. Tôi thấy mình đã rơi xuống tận đáy. Hoàn toàn dựa vào số tiền trợ cấp anh cả gửi lên hàng tháng, chúng tôi sống lặng lẽ như kiến như sâu.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa xuống tận đáy. Vào đầu xuân năm đó, tôi có một cuộc trao đổi không ngờ đến với một họa sĩ chuyên vẽ tranh kiểu Tây Phương. Và dần dần trở thành bạn bè chí thiết. Khi biết chuyện đã xảy ra tôi thiếu điều muốn đứng tim. H đã phạm một sai buồn. Tôi chợt nghĩ đến dáng vẻ của H khi tôi rời khỏi cái bệnh viện không may đó, ngồi trong xe hơi, H có vẻ buồn vô hạn trước câu nói tàn nhẫn của tôi. Tôi đã gây cho H quá nhiều nỗi buồn phiền, nhưng tôi vẫn muốn chung sống với H đến khi nào tôi chết. Tôi rất dở trong cách biểu hiện tình cảm nhưng cả H cả người họa sĩ đó không hiểu được điều đó. Cho dù nghe chuyện nhưng tôi cũng chẳng thể làm được gì. Tôi không muốn gây thương tổn cho ai cả. Trong ba người thì tôi là người lớn tuổi nhất. Tôi nghĩ chỉ có tôi là bình tĩnh để đưa ra những quyết định sáng suốt nhưng quả thật tôi đã suy sụp trước chuyện này, đã hớt hải, đã đầm đìa nước mắt khiến cho bọn H càng khinh miệt tôi hơn. Tôi chẳng thể làm được gì. Tôi dần xa lánh người họa sĩ trong thời gian đó. Cho dù đau khổ nhưng tôi vẫn thấy tội nghiệp và lấy làm tiếc cho H. Hình như nàng đang muốn chết. Dù gì thì trong những lúc không thể nào chịu đựng nổi, tôi cũng nghĩ đến cái chết. Thôi thì cả hai cùng chết vậy. Chắc thần linh cũng sẽ tha thứ cho chúng tôi thôi. Hai chúng tôi cùng đi du lịch như hai anh em đến suối nước nóng Minakami. Đêm đó, hai chúng tôi tự sát trên núi. Tôi nghĩ mình không thể làm H chết được. Tôi cố gắng làm vậy. H đã sống. Tôi cũng thất bại ngoạn mục. Chúng tôi đã uống thuốc ngủ.

Cuối cùng chúng tôi chia tay nhau. Tôi không đủ can đảm để níu kéo nàng lại thêm nữa. Nói là tôi bỏ rơi nàng cũng được. Mặc dù cố thử chịu đựng bằng cái từ chủ nghĩa nhân đạo trống rỗng nhưng tôi đã cảm nhận được rõ ràng cái địa ngục xấu ác của những ngày tiếp theo sau đó. H một mình quay về sống với mẹ già ở quê. Còn người họa sĩ kia thì tôi không biết tung tích thế nào. Tôi ở lại một mình trong căn phòng chung cư, bắt đầu cuộc sống tự nấu nướng lấy. Tôi bắt đầu uống rượu Sochu. Răng tôi lung lay rồi dần rơi rụng. Mặt tôi trở nên đê tiện. Tôi chuyển sang một căn phòng trọ gần khu chung cư. Đó là phòng trọ tồi tàn giá rẻ nhất. Tôi nghĩ nó hợp với tình cảnh của mình. Dựa cửa nhìn trăng sáng, đêm cuối nhìn thế gian, đồng khô dài trước mặt, tùng đứng lặng trầm ngâm. Tôi nhiều lần uống rượu một mình trong căn phòng bốn chiếu rưỡi, say cuồng ra khỏi nhà, đứng dựa cột ngâm ư ử một bài ca bất chợt. Trừ hai ba người bạn thân thiết khó rời còn lại con người đều tạ tuyệt với tôi. Dần dần tôi cũng hiểu được cái thế giới này nhìn tôi như thế nào. Tôi là một tên vô lại kiêu mạn ngu si, một thằng cha hiếu sắc giảo quyệt hạ đẳng, một kẻ lừa đảo thiên tài, sống xỉ xỉ bê tha, đến khi túng tiền thì cuồng ngôn đòi tự sát nhằm uy hiếp cha mẹ anh chị nơi quê nhà. Đã ngược đãi người vợ trinh thục như mèo như chó rồi cuối cùng tống cổ nàng ra khỏi cửa. Ngoài ra còn nhiều thêu dệt trào tiếu, hiềm ác phẫn nộ khác mà thế gian nói về bản thân tôi, bị thế gian chối bỏ, tôi bị đối xử như là một phế nhân. Từ khi nhận ra điều đó, tôi không còn muốn ra khỏi phòng trọ tồi tàn của mình dù chỉ một bước. Những đêm không có rượu tôi vừa gặm senbei muối vừa đọc truyện trinh thám, tự mình vui trong nỗi lặng thầm. Các tạp chí và tòa soạn báo cũng không đặt hàng tôi viết truyện nữa. Hơn thế tôi không còn muốn viết gì cả. Tôi không thể viết được. Tuy món tiền nợ trong khi nhập viện không bị ai thôi thúc trả nhưng tôi vẫn khổ sở với chúng thậm chí trong những giấc mơ hàng đêm. Tôi đã ba mươi tuổi đầu.

Liệu sẽ có một sự chuyển hóa nào chăng? Tôi nghĩ mình phải sống. Những bất hạnh của gia đình tôi ở quê nhà đã cho tôi sức lực đó. Anh cả tôi sau khi trúng cử đại nghị sĩ đã bị khởi tố vì tôi gian lận tuyển cử. Tôi vô cùng tôn kính nhân cách nghiêm túc của người anh cả nên vụ này chắc chắn là có kẻ xấu nào đó ra tay. Chị tôi mất. Cháu trai tôi chết. Người em họ cũng qua đời. Những việc này tôi đều nghe người ta nói lại mà biết. Vì từ lâu tôi đã không còn liên lạc thư từ gì với những người trong gia tộc ở quê nhà. Những bất hạnh này dần dần từng chút một đã nâng tôi dậy. Tôi rất hổ thẹn vì căn nhà to lớn ở quê của mình. Cái danh con nhà giàu đã làm tôi tuyệt vọng. Cái cảm giác nản lòng là những ân huệ ấy không xứng với mình đã làm tôi trở nên hèn nhát và yếm thế bi quan. Tôi tin rằng trẻ con nhà giàu sẽ phải rơi vào đại địa ngục khủng khiếp cho xứng đáng với kẻ nhà giàu. Trốn chạy là hèn nhát. Tôi muốn chết một cách đàng hoàng với tư cách một đứa trẻ đầy ác nghiệp. Nhưng rồi một đêm tôi nhận thấy mình đừng nói là một đứa trẻ con nhà giàu mà chỉ còn là một tên tiện dân đến ngay cả một tấm áo mặc còn không có. Tiền trợ cấp từ quê nhà gửi lên chắc chắn trong năm nay sẽ bị cắt. Tôi cũng bị chuyển hộ khẩu rồi. Nhưng ngôi nhà tôi đã sinh ra và lớn lên ở quê giờ lại chìm vào đáy của sự bất hạnh. Tôi không còn một thứ đặc quyền nào nữa để có thể đe dọa người ta. Ngược lại chỉ có nợ nần. Cùng với sự ý thức này còn có thêm một điều nữa. Đó là trong khi nằm dài trong căn phòng trọ, không còn muốn chết nữa thì tự nhiên cơ thể tôi lại hồi phục sức khỏe một ca1hc lạ thường. Đây là một nguyên nhân tôi cho là rất quan trọng. Mặc dù có thể liệt kê ra nhiều nguyên nhân khác nữa như tuổi tác, chiến tranh, dao động của lịch sử quan, sự căm ghét thói lười biếng, sự thấp hèn của văn học hay là do thần linh nhưng khi giải thích về sự chuyển hướng của con người tôi đều thấy có gì đó trống rỗng. Bởi cứ cho là sự giải thích đó là đúng đến đâu đi nữa thì bao giờ tôi cũng nhìn thấy ra được kẽ hở của sự dối trá ở đâu đó. Không thể nào có chuyện con người lúc nào cũng suy nghĩ như thế này, cân nhắc như thế kia rồi mới chọn con đường đi được. Trong nhiều trường hợp, vào một lúc nào đó, anh ta chợt thấy mình đang đi trên một cánh đồng xa lạ.

Vào mùa hè năm ba mươi tuổi, lần đầu tiên tôi mới nghiêm túc quyết ý đi theo con đường văn chương. Nghĩ lại thì đó là một ý nghĩ muộn màng. Tôi đã ráng hết sức viết văn trong căn phòng bốn chiếu rưỡi không có lấy một đồ đạc gì cho ra hồn. Cơm tối của nhà trọ tôi để lại một phần trong hộp cơm, lén nắm lại thành cơm nắm để lót dạ khi làm việc khuya. Lần này tôi không viết di thư di chúc gì cả. Mà là viết để sống. Có một vị tiền bối đã khích lệ tôi. Cho dù thế gian khinh ghét cười nhạo tôi thì chỉ có vị tác gia tiền bối đó trước sau vẫn đối xử với tôi thân thiết. Tôi phải báo đáp lại sự tin tưởng đáng quý ấy. Cuối cùng tôi cũng viết xong tác phẩm “Vứt bỏ” (Ubasute). Truyện này tôi viết lại thành thực việc tôi và H dự tính tự sát tại suối nước nóng Minakami. Tác phẩm này tôi bán được ngay. Có một biên tập viên vẫn không quên chờ đợi tác phẩm của tôi. Tiền nhuận bút đó tôi không dám phung phí, đầu tiên tôi đến tiệm cầm đồ chuộc lại một cái áo dạ mặc ngoài và đi du lịch. Tôi đến vùng núi Koshu. Cũng là để đổi mới suy nghĩ và dự định viết một tiểu thuyết dài. Tôi ở Koshu đúng một năm tròn. Tuy không viết được tiểu thuyết dài nhưng lại viết và xuất bản được hơn mười truyện ngắn. Cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ bốn phương. Tôi nghĩ mình phải cảm tạ chốn văn đàn. Tôi nghĩ người nào sống được ở đó cả đời thì thật là may mắn. Năm sau, vào tết năm Chiêu Hòa 14, nhờ sự giúp đỡ của vị ân sư mà tôi đã tổ chức được một đám cưới giản dị với một người con gái qua mai mối. Không, cũng chẳng phải là đám cưới giản dị gì nữa. Tôi cử hành hôn lễ mà không một xu dính túi. Rồi chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ chỉ có hai phòng ở xa Koshu mà chung sống với nhau. Tiền thuê nhà một tháng là sáu yên năm mươi xu. Tôi gom lại những truyện đã viết và in được thành hai quyển. Cũng dư dả được một chút xíu. Tôi cũng từng chút một trả được món nợ canh cánh trong lòng nhưng trả hoài mà không thấy hết. Vào đầu thu năm đó, chúng tôi chuyển đến khu phố Mitaka, ngoại thành Tokyo. Nơi này không còn là thành phố Tokyo nữa. Kể từ khi tôi mang một chiếc cặp rời nhà trọ ở khu Ogikubo đi đến Koshu thì cuộc sống của tôi ở Tokyo đã bị cắt đứt hoàn toàn.

Tôi giờ chỉ có mỗi việc tập trung viết văn. Trong sổ đăng ký khách trọ mỗi lần du lịch, tôi không ngần ngại đề tên “nhà văn” vào mục nghề nghiệp. Cho dù có khổ não nhưng tôi ít khi nói ra. Những nỗi khổ nhiều hơn trước đây nữa tôi cũng mỉm cười mà đón nhận. Mấy kẻ ngu ngốc nói tôi đã trở nên tầm thường. Mỗi ngày mặt trời lặn trên Musashino thật lớn với ánh sáng rực rỡ thiêu đốt chói chang. Mỗi ngày tôi ngồi trong căn phòng ba chiếu ngắm mặt trời lặn, ăn bữa cơm tối buồn thảm rồi nói với vợ mình. “Anh là một thằng đàn ông như thế đấy nên không thể thành công, không thể giàu có nhưng dù sao đi nữa anh vẫn muốn giữ gìn và bảo vệ cái gia đình này”. Lúc đó đột nhiên tôi nhớ đến tám cảnh sắc Tokyo. Quá khứ bỗng trở về và lướt qua tôi như hình ảnh của chiếc đèn kéo qu

Nơi này tuy là ngoại thành Tokyo nhưng công viên Inokashira gần ngay đây vẫn được xem là một trong những điểm danh thắng của thành phố này, nên tôi thấy việc cho thêm cảnh mặt trời lặn ở Musashino vào “tám cảnh sắc Tokyo” thì cũng chẳng sao. Tôi thử lật
lại quyển album quá khứ để quyết định bảy cảnh sắc còn lại. Tuy nhiên trong trường hợp này, cái trở thành nghệ thuật không phải là phong cảnh Tokyo mà là “tôi” ở trong phong cảnh đó. Như vậy nghệ thuật đã lừa tôi chăng? Hay tôi đã lừa nghệ thuật? Kết luận. Nghệ thuật chính là tôi.

Mùa mưa ở Totsuka. Hoàng hôn ở Hongo. Lễ hội ở Kanda. Tuyết đầu mùa ở Kashiwagi. Pháo hoa ở Hacchobori. Trăng tròn ở Shiba. Ve sầu ở Amanuma. Chớp lóe ở Ginza. Hoa cosmos ở bệnh viện thần kinh Itabashi. Sương sớm ở Ogikubo. Mặt trời lặn ở Musashino. Đóa hoa tăm tối của ký ức đã rụng rơi lả tả khiến việc sắp xếp lại thật khó khăn. Hơn nữa tôi nghĩ việc cố gắng gom góp lại thành tám cảnh cũng đã hạ đẳng và vô lý rồi. Trong đó tôi đã thêm vào hai cảnh nữa của mùa xuân và mùa hạ.

Vào ngày mùng bốn tháng bốn năm nay, tôi đã đi thăm một bậc tiền bối S ở Koishikawa. Vị tiên sinh S này đã lo lắng cho tôi rất nhiều khi tôi nhập viện năm năm trước. Cuối cùng tôi bị la mắng rất dữ và bị xem như kẻ phá sư môn. Thành ra vào Tết năm nay, tôi đã đến xin lỗi và tạ lễ. Sau đó thì im bặt trong một thời gian dài cho đến ngày vị tiên sinh đó được mời làm người tổ chức một buổi lễ ra mắt sách mới xuất bản của bạn tôi thì tôi mới có dịp đến thăm. Vị tiền bối đã nhận lời và chúng tôi ngồi nói chuyện về hội họa và về những tác phẩm của Akutagawa Ryunosuke. “Tôi biết mình đã làm khó cho cậu nhưng nhìn thấy kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay, tôi nghĩ mình cũng nên lấy làm vui mừng”. Tiên sinh nói với tôi bằng giọng cân nhắc chậm rãi. Chúng tôi cùng đón xe đi Ueno. Và đã cùng xem một cuộc triển lãm về tranh họa Tây Phương ở bảo tàng mỹ thuật. Có nhiều bức tranh chán ngắt. Nhưng tôi dừng lại trước một bức tranh. Tiên sinh S cũng đến gần tôi, nhìn sát mặt vào bức tranh đó rồi nói bất chợt.

“Nhạt nhẽo quá nhỉ”.

“Không được chút nào”, tôi cũng nói thẳng.

Đó là bức tranh của người họa sĩ kia, của H.

Chúng tôi rời bảo tàng mỹ thuật và đến Kayabacho xem duyệt trước bộ phim “Cuộc tranh đấu đẹp” rồi ghé Ginza uống trà kết thúc một ngày vui chơi. Đến chiều tối vị tiền bối S bảo sẽ đón xe buýt về nhà từ nhà ga Shinbashi nên tôi cũng theo chân vị S cùng đi bộ đến nhà ga Shinbashi. Dọc đường tôi kể cho vị tiên sinh S đó nghe kế hoạch viết về Tokyo tám cảnh của mình.

“Quả thật mặt trời lặn ở Musashino trông lớn lắm đấy”

Vị S dừng lại trên chiếc cầu trước nhà ga Shinbashi.

“Một bức tranh đẹp đấy chứ?”, vị S trầm giọng nói và đưa tay chỉ về chiếc cầu khu vực Ginza.

“Ah”, tôi cũng đứng sững lại và ngắm nhìn.

“Một bức tranh đẹp”, vị S lặp lại như độc thoại với chính mình.

Và tôi quyết định sẽ đưa hình dáng của tên đệ tử phá sư môn, dáng vẻ ngắm nhìn phong cảnh của vị S vào một trong những cảnh sắc Tokyo hơn chính là những phong cảnh được ngắm nhìn.

Sau đó chừng khoảng hai tháng, tôi lại bắt được một cảnh sắc sáng sủa khác. Vào một ngày kia, tôi nhận được một lời nhắn từ người em vợ. “Ngày mai T sẽ khởi hành. Chúng ta có thể gặp mặt anh ấy ở công viên Shiba. Hãy đến đó vào chính giờ sáng mai nhé. Và nhờ anh hãy truyền đạt lại tình cảm của em với anh ấy nhé. Vì em ngu ngốc chẳng biết nói với T cả”. Tuy em vợ tôi đã hai mươi hai tuổi rồi nhưng vì dáng người nhỏ bé nên trông cứ như trẻ con. Năm ngoái đã được sắp xếp gặp mặt cậu T và đính hôn ước rồi đấy nhưng ngay sau khi hứa hôn cậu T lên đường nhập ngũ, đồn trú ở một đơn vị thuộc Tokyo này. Tôi cũng đã từng một lần gặp mặt cậu T khi cậu đang mặc đồ quân phục và nói chuyện cùng nh chừng nửa tiếng. Đó là một thanh niên sáng sủa, quý phái. Và ngày mai cậu ta phải đi vào chiến địa. Sau khi nhận được lời nhắn đó trong vòng chưa tới hai giờ đồng hồ tôi lại nhận được một bức điện khác từ cô em. “Sau khi suy nghĩ kỹ, em thấy lời yêu cầu trước với anh thật là nhẹ dạ phù phiếm. Anh không cần nói gì với T cả. Chỉ cần anh đến đó tiễn anh ấy vậy là được rồi”.

Cả tôi và vợ đọc xong thì phá ra cười. Tôi cũng rất hiểu sự gấp gáp lật đật của cô em vợ. Từ hai ba ngày trước nàng đã đến nhà giúp việc cho cha mẹ cậu T rồi.

Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy sớm đi đến công viên Shiba. Trong khuôn viên chùa Zojoji, rất nhiều người đến tập trung đưa tiễn. Tôi nắm lấy một ông già mặc bộ quần áo kaki, đang vội vã chen lấn đám đông để hỏi thăm thì ông cụ trả lời đơn vị của cậu T sẽ dừng lại ở ngoài sơn môn nghỉ chân chừng năm phút rồi lại xuất phát ngay. Chúng tôi từ trong khuôn viên chùa đi ra ngoài cổng sơn môn chờ đơn vị của cậu T đến. Cô em vợ của tôi tay cầm lá cờ nhỏ cùng với cha mẹ cậu T đã đến đó từ trước. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp song thân của cậu T. Vì cũng chưa quen thân nhiều lắm với lại tôi cũng kém xã giao nên cũng chẳng hỏi thăm gì. Tôi chỉ gật đầu chào nhẹ rồi bắt chuyện với cô em.

“Đã bình tĩnh lại chưa em?”

“Dạ, không có gì đâu ạ”, nàng đáp và cười rất tươi.

“Có chuyện gì với em thế?”, vợ tôi cau mặt lại hỏi. “Sao lại cười rúc rích thế kia?”

Người đến đưa tiễn cậu T đông ơi là đông. Có đến sáu cây cờ lớn viết tên cậu T dựng ngoài sơn môn. Các công nhân trong xưởng nhà cậu T, các nhân viên nữ cũng nghỉ làm để lên đây đưa tiễn. Tôi tách khỏi mọi người, đứng riêng ở ngoài rìa góc sơn môn. Tôi cảm thấy tự ti và ghen tỵ. Nhà cậu T thì giàu. Tôi thì bị sún răng và không có chiếc áo lành mà mặc. Tôi không mặc áo khoác hakama cũng không đội nón. Tôi là một nhà văn nghèo. Chắc chắn bố mẹ cậu T sẽ nghĩ rằng bọn người thân rách rưới bẩn thỉu của con dâu mình đã đến đây mà. Cô em vợ chạy đến nói chuyện với tôi nhưng tôi đuổi đi và nói rằng “hôm nay em đóng một vai trò rất quan trọng đấy. Quay trở lại chỗ bố mẹ chồng đi”. Đơn vị của cậu T mãi mà không thấy đến. Mười giờ, mười một giờ rồi mười hai giờ cũng chẳng thấy đâu. Mấy chiếc xe buýt chở đoàn học sinh nữ đi tham quan đã đi qua trước mặt tôi. Trên cửa xe buýt có dán tờ giấy ghi tên trường. Đó là tên trường trung học nữ ở quê tôi. Cháu gái con anh cả tôi chắc chắn cũng học ở trường này. Có lẽ đang ở trên xe cũng nên. Tôi nghĩ cô cháu chắc cũng nhìn dòng người đang đứng thẫn thờ trước cổng sơn môn của chùa Zojoji danh tiếng ở Tokyo mà không biết có ông chú ngu ngốc của mình trong đó. Có đến khoảng chừng hai mươi chiếc xe nối tiếp đi qua sơn môn và mỗi lần như thế cô hướng dẫn viên trên xe lại chỉ tay đúng vào chỗ tôi và thuyết minh điều gì đó. Đầu tiên thì tôi thản nhiên nhưng sau đó tôi cũng làm dáng vài điệu bộ. Tôi khoanh tay lại đứng như bức tượng Balzac. Và ngay lập tức tôi có cảm tưởng mình đã trở thành một phần của danh thắng Tokyo. Đến gần một giờ chiều bỗng nghe có tiếng la hét “đến rồi đến rồi” và một lúc sau chiếc xe tải chở đầy lính tráng đã đến trước sơn môn. Vì cậu T đã học lái xe nên lần này cậu được làm tài xế. Tôi đứng nhìn mơ màng từ sau lưng đám đông. “Anh này” cô em vợ từ lúc nào đã đến sau lưng tôi thì thầm và đẩy vai tôi thật mạnh. Chợt bừng tỉnh tôi thấy cậu T đã bước xuống xe vẫy tao chào thằng tôi đang đứng cuối đám đông này. Tôi cũng hơi nghi ngờ, do dự nhìn quanh quẩn nhưng đúng rõ ràng là cậu ấy vẫy tay chào tôi. Tôi quyết ý chen vào đám đông cùng cô em tiến đến chỗ cậu T đứng. “Đừng lo gì chuyện nhà nhé. Tuy cô em tôi ngu ngốc thế này nhưng chắc chắn nó biết cách vun vén chu toàn đấy. Đừng lo gì cả. Chúng tôi sẽ chăm lo cho cô bé”. Thật là hiếm khi tôi nói mà không cười một chút nào như thế này. Tôi nhìn cô em, thấy mặt nàng đang ngước nhìn lên đầy căng thẳng. Mặt cậu T thoáng ửng đỏ nhưng rồi cậu im lặng và giơ lại tay chào.

“Em không còn điều gì nói nữa hay sao?” Lần này tôi cười và hỏi cô em vợ.

“Dạ, đủ rồi ạ”, nàng cúi mặt nói.

Hiệu lệnh xuất phát đã ban ra. Lần này tôi lại muốn âm thầm lẻn vào đám đông người nhưng bị cô em đẩy vai đi đến tận buồng lái xe. Chỗ đó chỉ thấy cha mẹ cậu T đang đứng chờ.

“Hãy yên tâm mà đi nhé”, tôi hét lớn. Người cha nghiêm nghị của cậu T chợt quay lại nhìn tôi. Ánh mắt của cụ như muốn nói “thằng ngu nào vừa mới la làng vậy?”. Nhưng lúc đó tôi không sợ. Phải chăng tôi nhận ra mình đã nói một lời cuối từ niềm tự hào vô cùng của con người rằng có những điều khổ đau đến chết mà chải mang theo. Tôi không vào được quân ngũ và tôi nghèo nhưng tôi không bận tâm nữa. Danh thắng Tokyo này lại hét lớn:

“Đừng lo lắng gì nữa cả”.

Từ giờ trở đi vạn nhất chuyện hôn sự của cậu T và em vợ tôi có gì bất trắc thì thằng tôi vô pháp vô thiên không biết thể diện này sẽ trở thành điểm tựa cuối cùng cho cả hai người.

Lấy được cảnh sơn môn chùa Zojoji, tôi cảm thấy tác phẩm của mình đã hoàn chỉnh như thể dây cung đã được kéo căng hết sức giống như mặt trăng tròn vậy. Vài ngày sau đó tôi mang một tấm bản đồ Tokyo, bút, mực và giấy viết hăng hái lên đường đi du lịch Izu. Sau khi đến nhà nghỉ suối nước nóng Izu sẽ có chuyện gì nữa đây? Tôi đã đến nhà nghỉ này được mười ngày rồi và vẫn còn tiếp tục ở đây. Phải viết một cái gì đó mới được.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện