Ba kẻ may mắn sống sót của đội khảo cổ đi bộ trong sa mạc ròng rã suốt một ngày đường, cuối cùng cũng gặp được đoàn văn công Ô Lan Mục Kì(1). Sau khi hỏi thăm, mới biết nơi này là rìa đông bắc sa mạc Kumtag, cách núi Bạch Sơn không còn bao xa.
Khu vực nằm giữa sa mạc và núi Bạch Sơn là vùng thảo nguyên hoang vu, vắng bóng người, phần lớn dân du mục trong đội sản xuất ở đồng cỏ gần đó đều là người Mông cổ. [1] Ô Lan Mục Kì: tiếng Mông cổ có nghĩa là “mầm non màu đỏ”, ý để chỉ đội công tác văn hóa mặc sắc phục màu đỏ.
Đó là đội văn công lưu động được thành lập năm 1957, hoạt động sôi nổi khắp khu vực thảo nguyên Mông cổ. Hải ngọng hơi ngỡ ngàng. Anh không ngờ vừa từ lòng đất chui lên, đã đến thảo nguyên bao la của Nội Mông. Quãng đường này ngoằn ngoèo nhấp nhô, hành trình đâu chỉ vài dặm, nếu không sao có thể gọi là Ô Lan Mục Kì? Tư Mã Khôi thì biết phía tây Tân Cương kéo dài đến tận bồn địa Tarim, phía đông kéo dài đến ven sa mạc Kumtag, chỗ nào có thảo nguyên, nơi ấy sẽ là vùng đất cư trú của dân tộc Mông cổ.
Năm đó, sau khi thoát khỏi ách thống trị của sa hoàng Nga, lực lượng Torghut từ Liên Xô cũ ở lưu vực sông Volga trở về Trung Quốc, hoàng đế Càn Long triều Thanh ban bố ngự chỉ, lệnh chia khu vực này thành bốn lộ: đông, tây, nam, bắc, tất thảy mười kì, dân du mục định cư ở bồn địa Yourdusi, núi Ưng Sa, núi Bạch Sơn v.
v… bởi vậy hầu hết dân du mục ở phía tây nam Tân Cương đều là người Mông cổ; còn đoàn ô Lan Mục Kì qua đường là đội văn công lưu động tuyên truyền ở giữa những khu vực này. Bây giờ gặp được họ, coi như đội khảo cổ đã lượm được cái mạng từ tay thần chết. Tư Mã Khôi không dám nói rằng ba người họ là đội khảo cổ vừa mới rời khỏi kính viễn vọng Lopnor, mà chỉ nói là phân đội trắc họa, được cử đến sa mạc để chấp hành nhiệm vụ thám trắc.
Thẻ công tác mà Thắng Hương Lân mang theo trên người, tạm thời giúp cả hội chứng minh được mình đúng là nhân viên đội trắc họa. Họ nói dối rằng, sau khi máy điện đàm bị hỏng, cả đội lại gặp bão cát nên lạc đường, mọi người đã đi bộ trong sa mạc suốt mười mấy ngày trời.
Đoàn văn công Ô Lan Mục Kì thấy Tư Mã Khôi có vẻ nói thật lòng, lại trông thấy một thành viên bị thương cần cấp cứu gấp, nên mọi người không ai hoài nghi gì cả, lập tức dắt ngựa đến rồi dẫn ba người vào nông trường cỏ gần đó, nhờ dân du mục bản địa chăm sóc. Trong vòng mấy chục dặm vuông quanh đây, chỉ có hai túp lều của người Mông cổ.
Người dân Mông cổ từ xưa đã nổi tiếng thuần hậu, biết hội Tư Mã Khôi là phân đội trắc họa gặp nạn, họ liền nhiệt tình giúp đỡ. Tư Mã Khôi thấy tình hình sức khỏe của Thắng Hương Lân dần diễn biến theo chiều hướng ổn định, anh liền mượn dân du mục bộ trang phục chỉnh tề, thay quần áo xong liền vào huyện thành cách đó chừng trăm dặm, đánh một bức điện báo cho lão Lưu Hoại Thủy ở tận Bắc Kinh, bảo lão mau chóng đến Tân Cương tiếp ứng, đồng thời dặn dò lão tuyệt đối không được huênh hoang chuyện này với bất kì ai, sau này hội anh nhất định không quên ơn lão.
Bố của Thắng Hương Lân, là giáo sư Thắng Thiên Viễn, từng là ân nhân cứu mạng của lão Lưu Hoại Thủy, nên sau khi nhận được tin, lão vội vã thu xếp chạy đến tiếp ứng, rồi chuẩn bị đưa cả hội đến gần địa phận Cam Túc, đáp chuyến xe lửa đường dài trở về Bắc Kinh. Tư Mã Khôi muốn mang chiếc đồng hồ vàng của Pháp, mà cả hội tìm thấy trước cửa Hắc Môn ở Lâu Lan, tặng cho những người dân du mục Mông cổ để thể hiện lòng cảm ơn, nào ngờ họ một mực chối từ, anh đành lặng lẽ đặt vào trong tay nải của họ lúc sắp rời đi.
Thời kì ở khu Hắc Ốc, ăn cơm đường sắt trường kì, Tư Mã Khôi vô cùng thông thuộc chế độ của bộ phận đường sắt, ngẫm thấy vết thương trên mình mọi người vẫn chưa lành hẳn, chắc không chịu được nỗi khổ rung lắc suốt chặng đường dài, mà nếu còn phải ngồi ghế cứng hay phải đứng nữa, thì chuyến tàu về này chắc nuốt không trôi.
Thế là anh lấy thư giới thiệu và thẻ công tác của giáo sư Tống Tuyển Nông ra, sửa trộm tí chút, rồi mang ra nhà ga mua liền bốn tấm vé nằm giường mềm. Lão Lưu Hoại Thủy trố mắt ngạc nhiên, phải biết toa giường nằm đâu phải chỉ cần giơ đầu ra là tùy tiện ngồi được, người thường dẫu có tiền cũng không mua nổi ấy chứ, theo quy định chỉ có cán bộ cấp cao từ bậc 13 trở lên mới đủ tư cách đi toa giường mềm, mà giá vé cũng cao gấp đôi so với toa giường cứng.
Trước đây, lão Lưu Hoại Thủy thường đáp tàu hỏa đi lại đây đó, nhưng chưa bao giờ biết toa giường mềm trông ra sao, bây giờ được vào, thấy đúng là khác xa một trờỉ một vực, ngay cả rèm cửa sổ cũng thêu hoa tinh tế, tấm thảm trắng tinh, không bám một hạt bụi, suất ăn riêng biệt cũng ngon hơn rất nhiều cảm giác đúng là mở rộng tầm mắt.
Lão Lưu Hoại Thủy vốn đầy bụng chuyện muốn hỏi, ngặt nỗi lúc ở khu du mục lại không dám mở miệng, nên khi cánh cửa toa tàu vừa mới khép, lão đã lân la tìm cơ hội. Nhân lúc Hải ngọng chạy sang toa ăn, lão đột nhiên giơ ngón tay cái lên nịnh Tư Mã Khôi: “Quả không hổ danh là Bát Lão Gia, nếu là người khác thì chưa chắc đã trở về nổi”.
Lão dạo đầu bằng một màn nịnh hót, nói: “Cái món “bọ cạp đảo đầu leo tường’ thời xưa còn gọi là ‘Bích Long công’. Khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dần còn tại vị, trong thành Biện Lương(2) có vị quan quân lừng danh, hành tung xuất quỷ nhập thần, võ công cao cường. Ông ta đặc biệt rất giỏi các món khinh công như phi đảm tẩu bích(3), chân đeo ủng da, bất kể tường cao hào sâu thế nào, cũng chao người vượt qua, nhẹ nhàng như én lượn.
[2] Biện Lương: là tên gọi cũ của thành phố Khai Phong, thuộc tỉnh Hà Nam. [3] Phi đảm tẩu bích: có nghĩa là vượt rào trèo tường. Một đêm, khi Thái tổ đang quan sát khí tượng trong cung, bỗng nhiên ngài trông thấy vật gì tựa cánh chim liệng khẽ vào cung. Sang ngày hôm sau, chiếc gối khảm vàng của công chúa Đan Dương bỗng dưng không cánh mà bay.
Thái Tổ tra hỏi, mới biết trong đội quân của thành Biện Lương có một dị nhân, chui ngách vượt tường dễ dàng như trở bàn tay, còn có thể men theo trụ phật trong đại điện bò lên tận đỉnh mái nhà, lầu các có độ cao trăm thước chẳng khó khăn gì với hắn. Tất cả bảo vật trong nội phủ bị mất cắp, chắc chắn là do người này lấy trộm.
Khổ nỗi, từ trước đến giờ không tìm được chứng cớ xác thực nên không có cách gì trị tội tên đạo tặc. Hoàng đế Thái Tổ nghe tấu, cảm thấy kinh ngạc khôn xiết, liền truyền thánh chỉ, lệnh cho người này tuyệt đối không được lưu lại trong kinh thành, phải điều hắn xung quân đến vùng biên ải.
Nào ngờ, đội cấm quân chưa kịp đến vây bắt, thì không biết người đó đã sớm biến mất tăm mất dạng từ bao giờ”. Lão Lưu Hoại Thủy còn tung hô Tư Mã Khôi không chỉ học được chân truyền công phu “tháo ủng ngược Bích Long”, mà còn thông hiểu cổ thuật tướng vật, không những gốc gác tốt, mà đảm khí thao lược cũng phi phàm, khí dũng đều hơn người, xem tướng mạng lại thuộc mệnh thổ, có khi là chuyển thế đầu thai của Bạch ngũ gia Cẩm mao thử Bạch Ngọc Đường thời Bắc Tống cũng nên, sau này tiền đồ còn rộng mở, có thể an bang trị quốc nữa.
Tư Mã Khôi hiểu ra ý đồ của lão Lưu Hoại Thủy, liền chặn màn nịnh hót đang chảy thao thao bất tuyệt, anh đi thẳng vào tình hình thực tế, kể lại chuyện đội khảo cổ tiến vào sa mạc Lopnor lần này, chẳng ngờ vẫn còn giữ được mạng sống trở về, không những không chết mà còn phải xoay vần đến cùng với tổ chức Nấm mồ xanh.
Bởi vậy, ba thành viên sống sót buộc phải mai danh ấn tính, mọi hành động sau này đều phải tiến hành một cách bí mật, tuyệt đối không được hé lộ bất kì tin tức nào, nếu không sẽ không thể đảm bảo an toàn. Bởi vậy, phải coi như tất cả thành viên của đội khảo cổ đều đã chết mất xác dưới lòng đất.
Lão Lưu Hoại Thủy sớm thấy Tư Mã Khôi sẽ dự tính làm vậy, nên cũng không bất ngờ. Chỉ có điều đáng lo là hiện giờ Thắng Hương Lân đã mắc chứng trúng độc âm hàn nhiệt, máu tụ trong phổi khó tiêu tan sạch, thường xuyên thổ huyết, liên tục sốt cao không hạ nhiệt. Lão Lưu Hoại Thủy vẫn tưởng nhớ đến ân đức của giáo sư Thắng Thiên Viễn, dựa vào năng lực quan hệ xã hội hiện tại của lão, nếu muốn sắp xếp cho Thắng Hương Lân trốn vào đâu đó ở Bắc Kinh để trị bệnh thì không thành vấn đề.
Lão còn có thể mời một số bác sĩ thân quen đến nhà chữa trị cho cô, nhưng không biết hai người Tư Mã Khôi và Hải ngọng sau này dự tính thế nào? Đối với Tư Mã Khôi, mạng sống của anh vốn dĩ chỉ là may mắn giữ lại được, nên định chỉ cần lo liệu đâu vào đấy cho Thắng Hương Lân là trong lòng anh không còn điều gì vướng bận nữa.
Đội khảo cổ đã tìm thấy thác bản Sơn Hải Đồ dưới lòng đất, và cả cuốn sổ ghi cách giải mã chữ triện cổ triều Hạ của chuyên gia tóc bạc. Tiếp sau đây đương nhiên là phải lần theo manh mối nàv để đi tìm con đường nối xuống tâm