Tuy Tư Mã Khôi chưa đạt đến bản lĩnh khinh công “én liệng tầng không, chuồn chuồn chấm nước”, nhưng cũng từng luyện qua thuật “phiến cao đầu” của giới lục lâm, cơ thể nhẹ tênh như mây khí, nên cái gì cao siêu thì không nói, chứ leo tường vượt mái chỉ là chuyện nhỏ.
Nhưng con người rốt cuộc vẫn không phải chim, lúc này anh đột nhiên thấy chân mình giẫm hụt xuống động sâu, chân không tới đất, cật không tới trời, mà muốn quay lại cũng không được. Tư Mã Khôi nghe tiếng gió vù vù không dứt, tự biết bất kể huyệt động núi Âm Sơn sâu nông thế nào, nhưng chắc chắn phải sâu hơn 20 mét, vì phạm vi đèn quặng không chiếu tới đáy, với độ sâu ấy thì cũng đủ để thịt nát xương tan, một sống chín chết, nghĩ đến đây mà lòng anh ớn lạnh.
Lúc này, hai tay Tư Mã Khôi vẫn cầm súng và đuốc, bất kể gió tạt, mưa ướt, thanh đuốc dầu cá vẫn không tắt, nó loang loáng soi những nét vằn vệt trên vách đá, hai bên vách cơ hồ có thể chạm tay vào được, nếu nhờ vào bản lĩnh “bọ cạp đảo đầu leo tường”, anh vẫn có thể bám trụ lại trên vách, ngặt nỗi khoảng cách từ chỗ anh đến vách đá còn xa tầm ba đến năm mét, mà vách lại lõm vào trong, rất khó chạm tay tới, vả lại cơ thể anh đang trong trạng thái rơi xuống với tốc độ chóng mặt, nên không thể mượn lực bay sang ngang được.
Tư Mã Khôi hiểu rõ sống hay chết được quyết định chỉ trong thời gian khoảnh khắc, nên bản năng mưu cầu sinh tồn đã khiến anh gắng hết sức nhoài người vào vách. Tư Mã Khôi thả bó đuốc xuống, bắn một phát súng vào bờ đá, lực đẩy về phía sau của loại đạn cỡ 12 khiến người Tư Mã Khôi hơi dạt sang phía đối diện, giúp phần ngực bụng được trợ lực trong không trung.
Tư Mã Khôi vứt súng, lộn một vòng hướng về phía vách đá, đầu ngón tay chạm vào những nếp nhấp nhô trên bề mặt vách và bám chặt vào đó. Môn công phu “bọ cạp đảo đầu” gia truyền của Tư Mã Khôi, muốn nói gì cũng là đệ nhất trong bốn tuyệt kỹ lục lâm. Muốn học môn công phu này, ngoài việc rèn luyện lực của khuỷu tay và gót chân ra, thì trong lúc luyện tập còn phải đóng một cái đinh trên tường, rồi ngoắc một ngón tay lên chiếc đinh đó, treo mình lơ lửng cách mặt đất mấy mét, bởi vậy thuật treo người leo trèo của anh đã thực sự là một tuyệt kỹ; có điều, tình trạng lúc này là thừa chết thiếu sống, nên khắp người anh ướt đầm mồ hôi lạnh Chưa kịp thở ra, thì đột nhiên Tư Mã Khôi thấy một vệt sáng mờ mờ trên vách đá ở ngay cạnh sườn.
Ban đầu anh còn ngỡ mình bị rơi xuống, chóng mặt quá nên nảy sinh ảo giác, nhưng dụi mắt nhìn kỹ lại, Tư Mã Khôi mới phát hiện hình như đó là tàn tích phốt pho còn sót lại trên vách động, bị vật gì đó chà sát nên bén thành một quầng lửa ma trơi. Trong vầng quang sương thấp thoáng thân hình một cô gái, chân tay mảnh và dài, nhưng không nhìn rõ mặt mũi cụ thể ra sao.
Tư Mã Khôi kinh hãi thất sắc, con yêu quái trong bích họa vu Sở quả nhiên có âm hồn. Khi xưa, nước lũ ngập mênh mông, Vũ Vương đào kênh trị thủy, vết tích vũ khư trải rộng khắp bốn cực, rồi ngài lại cho khắc hình của vạn vật li kì quái dị trên thế gian lên đỉnh đồng Đồ Sơn, cho hậu thế biết trước về những loài quái vật này, để đề phòng bị chúng hãm hại.
Hình họa trong Sơn Hải Đồ bao la vạn tượng, ngay cả các sinh vật hóa thạch sống tiền sử dưới Biển Âm Dụ Đại Thần Nông Giá cũng được liệt kê vào đây, vậy mà tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của “tiên nữ” đâu cả. Trong khi đó, hình thái ghi chép của bích họa thời Sở lại thần bí quái dị, chiếc hộp bên ngoài cũng có thể tượng trưng cho xác người, chẳng lẽ người Sở muốn ám chỉ nó có khả năng mượn xác dạ hành? Nội dung hư hư thực thực, không biết đâu mà lần.
Ngoài ra, vật đó còn nuốt nhiệt quang, nên hầu như không có cơ hội nhìn thấy hình hài thật sự của nó. Tư Mã Khôi sững người giây lát, âm hồn kia đang bò sát đến gần anh. Lúc này, anh có thể quan sát nó rõ hơn, càng nhìn lại càng kinh ngạc. Tư Mã Khôi thấy vật đó như một nhúm sương đen, gần như hữu hình vô chất, tứ chi bám vào vách động, mang theo quầng sáng lân tinh, luồng âm phong lạnh teo teo thổi vào tận xương tủy.
Anh bất giác run cầm cập. Nhờ luồng khí lạnh, anh mới tỉnh người, mở miệng chửi: “Con ranh con!” – rồi vội vàng giở chiêu “bọ cạp đảo đầu leo tường”, trốn vào khe đá. Chết nỗi, vách động dựng đứng khác thường, ánh sáng của đèn quặng không phát huy được nhiều công dụng trong huyệt động tối tăm, nên muốn trốn cũng không kịp.
Anh đã cảm thấy một sức mạnh khủng khiếp giữ chặt lấy mình, không thể giãy giụa thoát ra nổi. Tư Mã Khôi biết, nếu chạm phải âm hồn kia, toàn thân anh sẽ cứng đơ như thanh củi khô, rồi sau đó thì đành để nó muốn làm gì thì làm. Lúc này, anh cảm thấy nó đã bám sát ngay sau lưng, lòng bất giác hoảng loạn, bàn chân trượt một cái, suýt chút rơi cả người xuống vực, nhưng sau đó anh lại thấy, chân tay vẫn có thể cử động bình thường.
Nhờ ánh lửa ma trơi trên vách động, Tư Mã Khôi quay đầu lại nhìn, thì ra âm hồn giống như cụm khói kia đã thò cánh tay dài ngoằng tóm trúng ba lô sau lưng anh. Tư Mã Khôi mừng thầm: “Đội ơn ông bà ông vải!” rồi vội vàng tháo bỏ dây ba lô, thuận thế trèo nhanh xuống đáy động.
Lúc này, một ý nghĩ thoáng hiện qua và anh để mặc cho mình rơi tự do. Anh biết, bất kể mình gắng sức vẫy vùng thế nào, thì cũng không thể thoát khỏi sự bám đuổi của âm hồn, vì nó nuốt nhiệt quang, còn anh lại không thể nhìn thấy cơ thể của nó, nên anh hầu như không có đất chống trả, chỉ còn cách nhờ tới ánh sáng lân tinh, gắng nhìn rõ chân tướng của “tiên nữ”, thì mới biết, nó có điểm yếu hay không.
Giờ là thời khắc quyết định sinh tử, cơ hội không nắm lấy sẽ vụt mất, nên anh không thể suy nghĩ gì hơn. Tư Mã Khôi vốn là người có máu liều, sẵn sàng ăn gan hùm, uống mật gấu, thế là anh lập tức tắt đèn quặng, tuy không biết thuật “cương thi nín thở” của gã thổ tặc, nhưng anh cũng hiểu hơi thở của con người chính là sinh khí, khi thở ra trăm mạch dãn nở, khi hít vào trăm mạch co khép.
Thế là, Tư Mã Khôi hít sâu một hơi, rồi nằm sát xuống đất, án binh bất động. Anh thấy vệt lân tinh bao bọc quanh nhúm khí đen bay từ trên xuống ngay cạnh mình, và quả nhiên di chuyển chậm hẳn lại. Toàn thân Tư Mã Khôi bủn rủn, anh đánh liều đưa mắt nhìn sang, thấy trước mặt có thứ vật chất trong suốt với tầng cánh chuồn mỏng mảnh, nó đậu cheo veo trên vách động.
Dưới ánh lân quang, anh có thể nhìn rõ bóng mình trong nó. Thứ vật chất trong suốt ấy có hình dạng gần giống một cái hộp, bên trong chứa một khối màu đen, khối đen đó có hình dạng như một cơ thể người, nói chính xác hơn là giống một cô gái có dáng điệu quái dị. Trên lớp ngoài trong suốt đó lại có nhiều chi, mỗi chi lại chia thành hơn chục đốt tơ gai.
Tư Mã Khôi chợt hiểu ra tất cả, thứ này có thể tạm gọi là sứa ma, hoặc sứa hộp tiên nữ. Sơn Hải Đồ trên đỉnh đồng Vũ Vương có nhắc đến rất nhiều vật quái dị vừa kì lạ vừa đáng sợ, có lẽ trong đó cũng ghi chép về vật này, nhưng lúc xem bản đồ, đầu Tư Mã Khôi lại mang suy nghĩ chủ quan, anh chỉ chú ý đến những hình vẽ phía dưới Biển Âm Dụ trong Đại Thần Nông Giá, mà không để ý đến tình hình xung quanh vòng tròn ma quái.
Vả lại đỉnh đồng có niên đại rất cổ xưa, hình vẽ cổ phác, khác hẳn với cách vẽ “tiên nữ trong hộp” của bích họa Sở quốc. Hơn nữa, ghi chép trên đỉnh đồng về nó cũng rất ít, đại khái chỉ có mấy dòng: “Cổ gọi là ‘phù cự’, treo mình cheo veo, thiên biến vạn hóa,