Tư Mã Khôi nghe Thắng Hương Lân nói đã phát hiện ra bí mật thì dẫu giờ phút này có mắc chuyện trọng đại cũng phải tạm gác lại, anh cầm lấy bó đuốc giơ về phía trước, thì thấy trên bức phù điêu trước mặt quả nhiên có một chỗ khá tương đồng với hình bia đá vẽ trong cuốn nhật ký của đội trưởng đội thám hiểm, nhưng cảnh tượng trên bức phù điêu trong Tử thành còn hoành tráng hơn. Bức phù điêu vẽ tấm bia đá của người Bái Xà nằm trong một huyệt động rất lớn dưới lòng đất, phía dưới có hình vẽ hao hao giống một cây cổ thụ xum xuê cành lá. Có điều, người ta cố tình đục mất một mảnh, nên không thể nhìn rõ nguyên bản của nó là vật gì, trước tấm bia cổ là đống xương khô chất cao như núi, xung quanh vẽ biển hư vô – tượng trưng cho thế giới sau khi chết, trước mặt biển có một con quái xà đầu người, lưng mọc lông chim, đang chở mấy vị vương gia đầu đội trang sức vàng.
Tư Mã Khôi chỉ hiểu lờ mờ tình hình được miêu tả trong bức phù điêu, anh không thể chỉ ra đích xác rốt cuộc trên tấm bia đá khắc ẩn số kinh thiên động địa gì, tại sao bí mật đó không được phép nhìn và cũng không được phép nói ra?
Thắng Hương Lân biết hội Tư Mã Khôi không đủ kiên nhẫn để quan sát kỹ lưỡng, nên cô nói luôn: “Phần lớn nội dung của bức phù điêu ghi chép sự tích về tấm bia đá, có lẽ nó bị chôn vùi ở một nơi cực sâu dưới hoàng tuyền, người Bái Xà cổ đại tin rằng: Bất cứ kẻ nào nhìn thấy tấm bia, kẻ đó sẽ lập tức sợ hãi mà chết đứng ngay trước tấm bia.”
Tư Mã Khôi bảo: “Tôi chẳng tìm thấy manh mối nào cả. Theo những gì chúng ta đã biết thì tấm bia đá của người Bái Xà chỉ là một tảng đá khổng lồ nằm ở nơi rất sâu dưới cửu tuyền, nó cũng giống như vô vàn những tảng đá khác dưới lòng đất, nếu ai nhìn thấy tấm bia, kẻ đó lập tức mất mạng, vậy thì nguyên nhân cái chết chắc chắn là do bí mật khắc trên tấm bia gây ra, lẽ nào bí mật đó có thể dọa người đang sống sờ sờ bỗng dưng lăn ra chết hay sao? Tôi chả tin chuyện hoang đường này, mười ngón tay xòe ra còn có ngón ngắn ngón dài, huống hồ là con người, trăm kẻ trăm tính trăm nết, ví dụ hạng người phản ứng chậm như sên kiểu Hải ngọng, mặt dày thế kia thì chuyện gì có thể dọa cậu ấy sợ đến nỗi lăn ra chết được chứ?”
Hải ngọng vội vàng đính chính: “Không phải tớ phản ứng chậm chạp mà là tớ từng trải, có chuyện quái dị nào ông Hải này chưa từng gặp chứ?”
Cao Tư Dương và Nhị Học Sinh cũng gật đầu cho là phải, nếu trên bia đá khắc hình yêu ma quỷ quái hung tợn quái dị mà bất ngờ nhìn thấy trong bóng tối, không khéo cũng sợ vãi đái, có khi còn mềm nhũn cả chân, khuỵu xuống đất, nói thế còn có khả năng, chứ bảo ai đứng trước tấm bia đá, người đó sẽ sợ hãi chết bất đắc kỳ tử thì đúng là khó tin, huống hồ nội dung khắc trên tấm bia cũng chỉ là mấy chữ tượng hình cổ tương tự như long ấn triều Hạ, chứ nào phải hình yêu ma quỷ quái gì!
Thắng Hương Lân không thể trả lời được thắc mắc của mọi người, cô chỉ biết giải thích theo đúng nội dung khắc trên bức phù điêu. Tấm bia Bái Xà vốn do mấy vị vương gia đầu đội trang sức vàng lưu lại, những người này có địa vị thống trị tối cao trong tộc người Bái Xà, họ chia nhau nắm giữ một phần nội dung khắc trên tấm bia đá, nhưng không ai được phép biết toàn bộ nội dung, càng không được phép tiết lộ bí mật mình nắm giữ cho người khác, bởi vậy họ buộc phải cắt lưỡi. Người Bái Xà nghiêm ngặt giữ bí mật – điều cấm kỵ cổ xưa mà thần Vũ Xà đã đặt ra. Huyệt động khắc đầy phù điêu này chẳng qua chỉ là một trong những chỗ chôn xương người, trong Tử thành có lẽ còn có mấy nơi tương tự như vậy.
Tư Mã Khôi tập trung suy ngẫm, anh cảm thấy tuy nội dung khắc trên tấm phù điêu hoang đường, ly kỳ, nhưng hậu duệ của người Bái Xà vốn sinh sống ở lưu vực sông Hoài Thủy luôn đau đáu thực hiện ý đồ đào tấm bia dưới lòng đất lên, hi vọng có thể nhờ đó để thoát khỏi kiếp nô dịch dưới trướng vương triều nhà Hạ. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những ghi chép tổ tiên để lại, nhưng bí mật khắc trên tấm bia khủng khiếp đến mức chỉ cần nhìn một cái là sợ hãi lăn đùng ra chết, thử hỏi sau khi tìm thấy nó ai còn dám xem?
Hải ngọng nói: “Cẩn tắc vô ưu, đến lúc đó chúng ta để Nhị Học Sinh xem tấm bia khắc bí mật gì, nếu cậu ta không khiếp vía mà chết, thì chúng ta xem sau cũng chưa muộn.”
Tư Mã Khôi không đếm xỉa đến “ý tưởng đầu bò” của Hải ngọng, trong đầu anh không ngừng lặp đi lặp lại suy nghĩ: Vì sao Nấm mồ xanh muốn tìm tấm bia của người Bái Xà? Trước khi tìm thấy tấm bia đá, có lẽ anh không thể giải đáp được ẩn số đó. Lúc này, Tư Mã Khôi bỗng thấy hơi do dự, hội anh trải qua bao phen thập tử nhất sinh mới đến được đây, nên tuyệt đối không thể biến mình thành tấm bia đỡ đạn cho Nấm mồ xanh được.
“Kẻ nào dám nhìn bí mật khắc trên tấm bia đá, kẻ đó sẽ lập tức gánh chịu hậu quả chết chóc”, tuy Tư Mã Khôi không tin tà ma, nhưng sau khi trải qua bao nhiêu chuyện như vậy, anh cảm thấy đôi khi không thể không tin được, lòng anh bất giác bị bao phủ bởi chiếc bóng của điềm dữ. Có điều, sau khi suy đi tính lại, anh vẫn thấy phải tiếp tục tìm kiếm tấm bia đá của người Bái Xà, bởi vì, đó là cơ hội duy nhất giúp anh có thể vạch mặt Nấm mồ xanh, còn sau khi tìm thấy tấm bia đá hội anh sẽ xử lý thế nào thì giờ chưa phải lúc nghĩ tới. Việc cần làm trước mắt là xác định chính xác vị trí để tìm ra con đường tiếp cận tấm bia.
Từ những bức phù điêu trong hốc đá, Thắng Hương Lân suy đoán, người Bái Xà có tập tục lấy các vị thần tượng trưng cho địa hình mạch núi, phần đầu và phần thân dưới của vị thần đó sẽ ngầm chỉ phương hướng. Căn cứ vào điều này thì phía dưới Tử thành có lẽ tồn tại một đường hầm đá macma rất dài, ngoằn ngoèo xuyên qua dãy núi dưới lòng đất và dẫn thẳng đến miếu thần chôn bia đá. Độ dài của hành trình thì khó có thể dự tính trước được, môi trường dưới đó còn nguy hiểm hơn trong sơn cốc ốc cúc đá và rừng rậm pha lê. Chỉ đợi Thắng Hương Lân đánh dấu sơ lược những hình vẽ này trên bản đồ xong là mọi người lập tức khởi hành tìm kiếm đường hầm.
Địa thế trong động đạo Tử thành lúc rộng lúc hẹp, có nơi còn không chui qua nổi, mọi người đành đi vòng sang đường khác, rồi tiếp tục tiến về phía trước, bước thấp bước cao lần mò trong bóng tối mịt mùng. Địa hình hao hao giống nhau dễ khiến người ta cảm thấy mệt mỏi, mí mắt trên và mí mắt dưới không tự chủ được cứ díp cả lại. Khi cả hội đi tới lối ra của đường hầm thì thấy trước mắt hiện ra một hố sâu gần như dựng đứng, cái hố với đường kính gần trăm mét này có vẻ là khu vực nội thành, đồng thời cũng là đại điện nằm ở vị trí trung tâm của tòa thành. Không gian dưới đại điện vô cùng rộng rãi, những pho tượng các vị thần cổ đại đứng sừng sững khắp nơi, trông uy nghiêm và tĩnh tại, trên vách tường có vô số cửa động dẫn đến các