Mọi người đang ở dưới hoàng tuyền, trong khi núi từ ở 30 độ vĩ Bắc đã bị phá hủy, hiện tượng dị thường trời đất xâm thực lẫn nhau không còn xuất hiện nữa, bây giờ muốn từ cực vực lên lại mặt đất còn khó hơn bắc thang lên trời, bởi vậy, sau khi suy đi tính lại, đội khảo cổ quyết định, trước tiên phải bắt vài con đom đóm hang động còn sống, nhốt vào hộp thiếc, đục một cái lỗ nhỏ cho lưu thông không khí để chúng phát sáng thay đèn, sau đó tiến thẳng vào thông đạo dẫn đến miếu thần.
Miếu thần của người Bái Xà cổ đại cao lớn hùng vĩ, bốn mặt có bốn bức tượng khổng lồ, đứng sừng sững và đối xứng nhau. Bên trong thông đạo khoáng đạt, rộng rãi, địa thế hơi dốc xuống, dường như cả ngôi miếu thần chỉ là một cửa động, bích họa bên trong và các vết tích màu sắc của tượng đá còn lưu lại khá rõ, đề tài trong các bức họa và điêu khắc chủ yếu là các loại cầm thú kỳ dị và yêu ma thần tiên.
Tư Mã Khôi thấy mọi người kiệt sức đến độ bước chân xiêu vẹo, loạng choạng, trong khi miếu thần lại sâu hun hút và rộng mênh mông, nên anh bảo mọi người tìm góc khuất nghỉ ngơi giây lát, nhân tiện nghĩ xem làm cách nào để nhìn được tấm bia đá kỳ bí kia. Anh phân công cho Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương kiểm đếm lại lương thực và đạn dược, còn mình và hai thành viên còn lại lục tìm mẩu xà phòng nhỏ, chia thành ba phần, lấy dao săn để tranh thủ cạo râu, con đường sắp tới sẽ dẫn đến địa ngục hay thiên đường thật khó đoán, nếu phải chết trong lúc mặt mũi bẩn thỉu, râu ria xồm xoàm thế này cũng thật khó coi.
So với ba đấng nam nhi, Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương sống ở thành phố, , nên được hưởng nền giáo dục văn minh, hai cô bài trừ mọi thói quen và hành vi mất vệ sinh, thiếu văn minh từ tận sinh lý đến tâm lý, tuy ở dưới lòng đất thiếu ánh sáng mặt trời đã bao ngày, còn phải chịu đói chịu khát, kiệt sức đến tiều tụy, bị côn trùng độc cắn chi chít khắp người, khăn áo cũng rách bươm, thân hình gầy guộc, nhưng nom hai người vẫn sạch sẽ, gọn gàng hơn hội Tư Mã Khôi nhiều.
Mọi người kiểm đếm lương thực, những thứ không cần dùng đến đều nhất loạt vứt bỏ. Tư Mã Khôi lại cho phân chia số pin đèn, đạn dược và đuốc còn lại cho các thành viên, vì thế ba lô nhẹ đi rất nhiều. Tuy lương thực và pin đèn không còn bao nhiêu, nhưng vẫn đủ để duy trì cuộc sống trong vòng dăm ba ngày, có điều đạn dùng cho khẩu Winchester và khẩu súng săn gấu Canada thì dùng phát nào là hao tổn đạn phát đấy.
Tư Mã Khôi thấy Thắng Hương Lân lo lắng vì đạn dược không đủ dùng, anh nhớ lại lúc cả hội còn ở nông trường khai hoang số 34 ở Tân Cương, rồi trải qua bao biến cố sinh tử ở kính viễn vọng Lopnor, không biết bắt đầu từ khi nào, anh không còn nhìn thấy Hương Lân cười nữa, dường như ngay cả trong giấc mộng, gương mặt cô cũng chỉ nhuốm một vẻ u sầu, đó là hệ quả do cô phải chịu đựng áp lực quá lớn trong suốt thời gian dài, mà đúng là những việc đã xảy ra thực sự vượt quá sức chịu đựng của một cô gái liễu yếu đào tơ như Hương Lân, thế là anh bèn bảo mọi người nghỉ ngơi trong thông đạo năm tiếng để lấy lại sức, rồi mới đi tiếp.
Tư Mã Khôi gác ca đầu tiên, anh ôm súng, châm điếu thuốc, dựa vào vách tường cạnh đó. Trong bóng đêm, dưới ánh sáng le lói của đom đóm, anh nhìn thấy hình người hình thú trên các bức bích họa trong miếu thần hiện ra vô cùng quái dị. Những gì anh biết về tín ngưỡng sùng bái thần bí của tộc người Bái Xà vô cùng có hạn, anh chỉ có cảm giác những truyền thuyết và ghi chép cổ quái ấy quá ư kỳ dị, chi bằng cứ đến thẳng tấm bia đá đó xem một lần có phải đơn giản hơn không.
Nhưng khi chăm chú quan sát các bức bích họa trên tường, Tư Mã Khôi phát hiện nội dung của nó cũng khá trực quan, thần hệ của tộc người Bái Xà thuộc về thần hệ tiền sử, hoàn toàn khác biết với hai thần hệ lớn thời Viêm Đế và Hoàng Đế, tô tem thần thị mà họ sùng bái còn nguyên thủy cổ xưa hơn nhiều, đó là các tô tem kiểu như cây cổ thụ và mãng xà. Những dãy bích họa trước mắt đều miêu tả nguồn gốc của bí mật khác trên tấm bia đá. Người đầu tiên nói ra bí mật là một cô gái đầu người mình rắn, cô nằm phủ phục ở một nơi trong hang động, dường như đang mở miệng thầm thì với mấy vị vương gia trong tộc người Bái Xà đứng ở bên cạnh, họ chăm chú lắng nghe từng lời của cô gái.
Tư Mã Khôi đang tập trung quan sát, đột nhiên anh nghe thấy Cao Tư Dương nhỏ giọng hỏi: “Yêu quái đầu người mình rắn… sao lại biết nói chuyện nhỉ?”. Thì ra trong lòng Cao Tư Dương cũng đang bề bộn những nỗi lo lắng không yên, nên không thể chợp mắt nổi, cô ngồi dậy quan sát các bức bích họa khắc trên vách tường của miếu thần.
Tư Mã Khôi nói: “Có lẽ người cổ đại có một loài rắn đầu giống đầu người, gọi là nhân xà, nó có thể nói được tiếng người, sau đó bị tuyệt chủng không còn dấu tích gì nữa”.
Hải ngọng thả lỏng đầu óc, đánh một giấc thật đã. Nhị Học Sinh kiệt sức, hai mí mắt dính chặt vào nhau, không thể cạy ra nổi, còn Thắng Hương Lân không cách nào cố ru mình vào giấc ngủ được, cô nói: “Tôi lại không nghĩ cô gái ấy là quái vật, cô ấy là người rắn”.
Thắng Hương Lân vừa nhắc, Tư Mã Khôi liên sực tỉnh. Nghe đồn, thời Hạ Thương có truyền thuyết về người rắn, cũng có nơi gọi nó là “xà nữ”, nhưng sau thời Xuân Thu chiến quốc thì bị tuyệt diệt. Thực ra xà nữ cũng là người, đồng thời chỉ thấy có giống cái, không có giống đực. Lúc mới sinh ra, xà nữ cũng bình thường như bao em bé khác, nhưng đến thời kỳ phát dục trưởng thành, thì các khớp xương trên người bắt đầu dần dần thoái hóa, cuối cùng chỉ còn sót lại cột sống và xương cổ, từ đó người con gái ấy chỉ có thể trườn bò giống như loài rắn, lớp da thịt của tứ chi vẫn còn tồn tại, nhưng não thì hoàn toàn biến mất, nó không biết khóc, cũng chẳng biết cười, càng không thể nói được. Có lẽ đó là một căn bệnh thoái hóa trở về thời thủy tổ quái lạ và hiếm gặp, chứ không liên quan gì đến loài rắn. Người xưa thường mê tín thái quá, họ tin rằng đó là dấu hiệu yêu dị của việc người hóa rắn.
Rất có khả năng, cô gái đầu người mình rắn trên bức họa trong miếu thần chỉ là sản phẩm của sự tô vẽ về bí mật của xà nữ. Trong nhật ký của đội thám hiểm Corot Maar cũng có tài liệu tương tự nói về việc này, nhưng xà nữ trông có vẻ giống cương thi vô tri vô giác, làm sao có thể nói ra bí mật kinh thiên động địa gì được chứ?
Tư Mã Khôi kể chuyện về xà nữ cho Cao Tư Dương nghe, rồi quay sang nêu thắc mắc của mình với Thắng Hương Lân.
Thắng Hương Lân xách hộp thiếc có mấy con đom đóm bên trong, giơ lên cao, nửa trên của bức tranh hiện ra trước mắt. Thì ra, phía đỉnh đầu của xà nữ và mấy vị vương gia chính là thần Vũ Xà đang ở trong biển sương.
Tư Mã Khôi bỗng nhiên sáng tỏ: “Chẳng lẽ vị thần cổ đại mà tộc người Bái Xà tín ngưỡng lại truyền tin thông qua nữ xà? Những chuyện ma quỷ thực ra chỉ là hư cấu, thần Vũ Xà chẳng qua là một tô tem cổ xưa, dường như bức bích họa muốn kể rằng, xà nữ giống như xác chết biết đi kia chính là chiếc cầu nối để giao tiếp giữa thế giới hiện thực và thế giới hư vô, nó đã nói ra một bí mật vô cùng khiếp đảm, bí mật ấy được lần lượt kể cho năm vị vương gia của tộc người Bái Xà nghe, nhưng mỗi người chỉ được nghe một phần khác nhau. Tư Mã Khôi lại nhìn bức bích họa bên cạnh, nội dung đại khái là bí mật này truyền đến hậu thế, cũng lần lượt do chín vị vương gia nắm giữ, cuối cùng toàn bộ bí mật đó được khắc trên tấm bia đặt trong miếu thần.
Lúc khắc