Căn cứ vào cảnh tượng vẽ trong bức bích họa trên tường Tử thành, Tư Mã Khôi suy đoán tấm bia Bái Xà có một quy luật, quy luật đó là: nếu chỉ biết một phần bí mật, thì sẽ tương đối an toàn, hơn nữa không ai trong hội Tư Mã Khôi biết nửa chữ triện cổ Bái Xà khắc chìm trên tấm bia đá, nên tất nhiên không thể hiểu được nội dung tấm bia đá viết gì, điều đó đồng nghĩa với việc dẫu hội Tư Mã Khôi có đứng gần xem thì cũng không gặp phải nguy hiểm, có điều anh không chắc chắn trăm phần trăm về điều này, bởi rốt cuộc Nhị Học Sinh cũng vẫn đột ngột lăn ra chết đấy thôi, sự việc dường như đang phát triển theo hướng không thể lường trước. Tuy vậy, Tư Mã Khôi vẫn là tay liều mạng, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận mạo hiểm, anh ra hiệu cho hội Hải ngọng không được manh động, còn mình quay đầu lại và ngẩng lên nhìn tấm bia đá.
Trên tấm bia đá cao sừng sững như bức tường thành chằng chịt ngang dọc những vết nứt mai rùa chỗ nông, chỗ sâu, trải qua sự mài mòn của tuế nguyệt, những vằn vện trên tấm bia đã trở nên loang lổ đến thảm hại, bề mặt còn mọc thảm rêu khá dày, hàng chữ triện cổ được khắc sâu xuống lòng đá, mỗi chữ to như cái đấu nên dẫu bao năm tháng phôi pha, nhưng các chữ vẫn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng lắm.
Tư Mã Khôi soi chùm sáng đèn quặng lên tấm bia, quầng sáng chiếu đúng vào một chữ cổ, cảm giác ngộp thở bỗng đâu ập đến, anh hít một hơi thật sâu, rồi soi đèn quặng ra xung quanh, chỉ thấy từng hàng từng hàng chữ long triện với hình dạng tương tự nhau hiện ra trước mặt, quả nhiên người Bái Xà đã khắc lặp đi lặp lại một câu duy nhất thành nhiều dòng, chỉ cần tiếp cận tấm bia đá, thì dẫu ờ góc độ nào, đều có thể nhìn thấy hàng chữ cổ ấy.
Chữ tượng hình của người Bái Xà cổ đại là tiền thân của chữ triện cổ triều Hạ, nó còn xuất hiện sớm hơn cả chữ giáp cốt thời Ân Thương. Tư Mã Khôi từng nhiều lần nhìn thấy loại chữ này trong thành Nhện Vàng ờ Miến Điện và trong biển cát ở cực vực Lopnor. Đội khảo sát liên hợp Trung Xô gặp nạn ở kính viễn vọng Lopnor có một chuyên gia khảo cổ tinh thông các loại văn tự bị thất truyền, trước khi chết, ông đã để lại một cuốn sổ ghi chép dùng biện pháp đối chiếu để giải mã ý nghĩa của chữ long triện triều Hạ. Hội Tư Mã Khôi cũng đọc khá kỹ các ghi chép trong cuốn sổ, nhưng vẫn chưa thành thục đến độ chỉ cần nhìn là biết ý nghĩa, mà phải đối chiếu từng chữ mới hiểu được nội dung.
Tư Mã Khôi hồi hộp nhìn tấm bia đá, một lúc sau, anh vẫn không phát giác thấy hiện tượng gì khác thường, anh nghĩ có lẽ dự đoán của mình không sai, nên liền bảo ba người còn lại cũng quay đầu lại nhìn.
Mọi người đứng lặng trước tấm bia hồi lâu, mối nghi ngờ càng lúc càng dâng trào trong lòng, họ không hiểu bí mật ghi chép trên tấm bia đá có thể là gì? Giống như Hải ngọng nói lúc trước, nếu chỉ có mấy chữ thì nói một câu có khi còn chưa rõ nghĩa, chứ làm sao có thể còn ẩn chứa bí mật kinh thiên động địa gì? Hơn nữa, vì sao dòng chữ ấy lại được khắc lặp đi lặp lại nhiều lần? Điểm then chốt nhất ở đây là bí mật này liệu có liên quan gì đến Nấm mồ xanh không?
Hải ngọng nói với Tư Mã Khôi: “Tớ có ý kiến thế này, đã xem thì phải xem hết, vậy mới biết mấy cái ký tự quỷ quái đó rốt cuộc có ý nghĩa gì chứ!”
Tư Mã Khôi nói, nếu xem toàn bộ bí mật chắc chắn sẽ mất mạng, chúng ta không thể không phòng chuyện này được, có điều nếu chỉ xem một phần bí mật chắc sẽ không sao, một phần nghĩa là ít nhất một chữ, nhiều nhất cũng chỉ bốn, năm chữ, tóm lại bí mật khắc trên bia Bái Xà tổng cộng có chín chữ, chúng ta giải được hai, ba chữ là đã có thể tìm ra manh mối để suy đoán rồi, đương nhiên nhìn con cọp qua ống tre, thì cùng lắm cũng chỉ thấy nhúm lông, khác gì chúng ta bây giờ bị bịt kín hai mắt.
Tuy trong tay Tư Mã Khôi có cuốn sổ giải mã chữ triện cổ, nhưng bảo anh đối chiếu từng chữ một thì còn khó hơn lên trời, thế là anh quay sang hỏi Thắng Hương Lân xem cô có thể giải một hai chữ không?
Thắng Hương Lân từng nhìn thấy rất nhiều phù hiệu tượng hình chữ triện cổ trong kính viễn vọng Lopnor và Tử thành của người Bái Xà và cũng thử giải mã khá nhiều chữ, bởi vậy cô có thể cầm chắc tám phần là giải được. Thắng Hương Lân móc cuốn sổ ghi chép chăm chú đối chiếu với tấm bia, chẳng bao lâu sau, cô đã giải được một chữ trong đó.
Hội Tư Mã Khôi thấy sắc mặt Thắng Hương Lân lộ vẻ ngạc nhiên, hồi lâu không nói gì, thì không rõ cô không thể giải mã nổi hay do tình hình xảy ra điều gì ngoài dự kiến, lòng dạ ai nấy đều hồi hộp không yên. Tư Mã Khôi không nhịn được bèn cất tiếng hỏi: “Chữ đó có nghĩa gì?”
Bí mật ghi chép trên tấm bia Bái Xà liên quan đến sự sống chết và quyết định tiến hay lùi của cả hội, bởi vậy Thắng Hương Lân đâu dám bất cẩn. Nhờ cuốn nhật ký, cô giải được một chữ, rồi xác nhận đi xác nhận lại mấy lấy liền, khi đã chắc chắn không thể xảy ra nhầm lẫn, cô mới nói với hội Tư Mã Khôi: “Chữ đầu tiên trên tấm bia đá là 0”.
Tư Mã Khôi không hiểu đầu đuôi thế nào, dồn dập hỏi: “Không… nghĩa là gì?”
Thắng Hương Lân đáp: “Trong hệ chữ triện cổ Bái Xà thì đây là phù hiệu tượng trưng cho hư vô, có thể dùng số 0 trong hệ chữ số Ả Rập để biểu thị”.
Tư Mã Khôi nhíu mày, anh im lặng suy nghĩ, từ chuyện mô tả trong bức bích họa ở thành cổ thì thấy bí mật này do các vị thần cổ đại tiết lộ thông qua xà nữ, mà những chuyện thần tiên quỷ quái thực ra chỉ là hoang đường. Có lẽ tất cả chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, dù gì nó cũng không có nguồn có gốc, xà nữ nói một câu hoàn chỉnh gồm tất cả chín chữ, không rõ chín chữ đó kinh thiên động địa đến cỡ nào mà người Bái Xà cổ lại phải ghi chép thành nhiều đoạn và giữ gìn suốt nhiều năm cho đến khi họ khắc bí mật đó vào tấm bia đá nặng ngàn cân chìm sâu dưới cửu tuyền thăm thẳm này.
Điều kỳ lạ nhất, cũng là điều khó hiểu nhất của bí mật này chính là ‘hễ biết toàn bộ nội dung bí mật sẽ lập tức lăn ra chết’, chính bởi vậy không ai dám nhìn trộm toàn bộ diện mạo của nó, giờ chỉ còn cách giải mã một vài chữ trong dãy chữ, sau đó tìm biện pháp suy đoán nốt phần nội dung còn lại mà thôi, có điều anh không ngờ chữ đầu tiên được giải được lại chẳng mang ý nghĩa gì như thế, nên đành bảo Thắng Hương Lân tiếp tục giải mã thêm vài chữ nữa, xem có thể tìm thấy manh mối gì hữu dụng không.
Thắng Hương Lân soi đèn quặng vào tấm bia đá, lần lượt tìm từng chữ, rồi đối chiếu với nội dung ghi trong cuốn sổ, cô phát hiện ký tự tiếp theo vẫn là một chữ số – số 9.
Hải ngọng sốt ruột, giật mũ xuống, vò đầu bứt tai chửi: “Bọn người cổ đại này định giở trò gì không biết, sao lại khắc bao nhiêu chữ số trên tấm bia thế chứ?”.
Cao Tư Dương nói với Thắng Hương Lân: “Ngoại trừ số ra, trên tấm bia chắc chắn phải có nội dung khác, nếu không người Bái Xà đâu cần thiết phải vùi nó xuống nơi còn