Mê Tông Chi Quốc I - Chăm Pa Ẩn Sương
Hồi thứ tư: A - B
Thỉnh thoảng Tư Mã Khôi lại có suy nghĩ: "Vận may, cái thứ ấy đôi lúc lại có vài phần giống với tính cách con gái, bạn càng muốn có cô ấy thì cô ấy lại càng tránh xa bạn, đến khi bạn chẳng còn ôm chút vọng tưởng nào nữa, thì cô ấy lại tự mình mò đến tìm".
Tình thế bây giờ vừa vặn ứng với suy nghĩ ấy, sau khi đội du kích cộng sản Miến Điện tan rã, những kẻ sống sót trong hội Tư Mã Khôi quyết định mạo hiểm xuyên qua núi Dã Nhân trở về Trung Quốc. Tuy biết chắc rằng con đường họ đang đi là con đường tử thần không có chút cơ may sống sót, nhưng họ vẫn không thể không gắng hết sức tiến lên phía trước. Đúng lúc gần như mọi hy vọng đều bị dập tắt thì Karaweik lại chỉ ra một "con đường quân sự" bí ẩn dị thường.
Tư Mã Khôi biết việc này liên quan rất hệ trọng đến nhiều việc khác nên không dám nhẹ dạ tin ngay, mà nhờ Tuyệt hỏi lại Karaweik xem cuốn nhật ký và chiếc cầu vai hình đầu hổ xuất xứ từ đâu, còn anh và La Đại Hải cắm cúi đọc tiếp cuốn nhật ký để xem có thể tìm thấy đáp án từ đó không.
Khoảng hơn nửa tiếng sau, Tư Mã Khôi cuối cùng cũng hiểu rõ mọi mạch nguồn sự việc. Thì ra trong lòng núi Dã Nhân che giấu một con đường chiến lược. Các tư liệu lịch sử gọi nó là đường Stilwell.
Con đường Stilwell kéo dài từ vùng Đông Bắc Ấn Độ ngang qua Miến Điện tới tận vùng Tây Nam Trung Quốc. Con đường được Mỹ và Trung Quốc hợp tác xây dựng từ thế chiến thứ II, có tổng chiều dài 1.726 km. Đây là con đường xuyên rừng, băng qua nhiều núi trong dãy Himalaya và hơn 100 con sông. Hầu hết các đoạn đường đều bị rừng che phủ và không thể sử dụng được. Con đường này đã được các lực lượng Anh và Mỹ sử dụng nhằm cung cấp vũ khí, quân binh cho Trung Quốc để chống lại Nhật Bản trong đại chiến II. Con đường cũng đã được Tưởng Giới Thạch đặt theo tên của nhà chỉ huy quân sự Mỹ tại Trung Quốc thời thế chiến thứ II: Joseph Warren Stilwell.
Đây là khu vực có địa hình gồ ghề, khúc khuỷu và phức tạp nhất trên trái đất. Lớp vỏ địa cầu dường như đến đây thì đột nhiên đội lên vô số nếp gấp, một số nơi có độ cao chênh lệch lên tới ba bốn ngàn mét.
Năm đó có một bức ảnh thời sự chiến tranh nổi tiếng khắp thế giới, tấm hình chụp cảnh một đoàn xe tải Mỹ nối đuôi nhau chạy chầm chậm loanh quanh con đường núi ngoằn ngoèo. Con đường đó nhỏ hẹp dị thường, nhưng chỉ trong khoảng cách vài cây số ngắn ngủi, đã liên tiếp xuất hiện mấy chục đoạn cua gấp, còn một bức khác thì không nhìn thấy đoàn xe tải, mà chỉ thấy con đường núi quanh co, lượn vòng. Hai bức ảnh đó đều có chung một phông nền - đó là đoạn đường lừng danh có tên: "Con đường hai mươi bốn khúc cua", nó chính là một phần của tuyến đường Stilwell.
Khi tiến hành xây dựng con đường này, chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt. Máy bay vận tải của không quân Mỹ viện trợ cho Trung Quốc, liên tục đi đi về về phía trên những đỉnh núi nhấp nhô, nhưng do khi đó máy bay đa phần là loại nhỏ, thêm vào đó điều kiện phi hành trên khu vực này vô cùng khắc nghiệt, nên thường xuyên xảy ra tình trạng máy bay rơi tan xác, tổn thất về người và của quả không thể tính đếm. Nếu chỉ dựa vào đường hàng không thì khó lòng có thể viện trợ một cách đầy đủ cho nhu cầu vật chất ngày một phình to khổng lồ của cả chiến trường Trung Quốc, bởi vậy phía quân đội quyết định mở con đường đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh này.
Miến Điện lúc đó đang bị quân Nhật chiếm đóng, bộ đội công binh Trung Quốc và Mỹ đã phải trả giá rất đắt để xây dựng con đường này. Họ đào núi thông đường, bắc cầu qua sông. Trong lúc xây dựng cầu đường, cuộc chiến tranh với quân Nhật vẫn diễn ra ngày một khốc liệt hơn, mỗi một mét đường đều được đắp bởi sự hi sinh của bao mạng người. Có thể nói, người ta đã dùng tính mạng quý báu của không biết bao nhiêu quân nhân để đổi lấy con đường khúc khuỷu gồ ghề đó.
Điều hiển nhiên mà ai cũng biết là, con đường Stilwell không phải tuyến đường duy nhất, ngoài hai trục đường chủ đạo, mà lúc đó gọi là "trục bắc" và "trục nam" ra thì ở giữa còn có rất nhiều đường nhánh, nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất ở đây quá phức tạp, môi trường tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, khiến con đường đang xây dựng dở dang thì bị bỏ dở và chuyển sang nơi khác. Vì vậy, men theo con đường Stilwell ngoằn ngoèo như rắn lượn cũng xuất hiện rất nhiều đoạn đường rẽ ngang bị bỏ hoang phế.
Tuyến đường bị bỏ hoang dài nhất trong đó nằm trong lòng núi Dã Nhân, thuộc miền bắc Miến Điện. Năm đó, bộ đội công binh hai nước Trung - Mỹ đã tìm thấy một con đường xưa cũ hoang tàn, có từ thời kỳ chiến tranh giữa Anh và Miến Điện còn để lại trong cánh rừng bí ẩn nơi núi sâu.
Từ những năm chủ nghĩa thực dân bành trướng ở phương Tây, người Pháp đặt hệ thống cai trị của mình dọc suốt ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào và gọi chung là Đông Dương. Miến Điện lúc bấy giờ là thuộc địa của thực dân Anh. Trong cánh rừng nguyên sinh giữa lòng sơn cốc có một dải đất từ đầu chí cuối không thuộc địa phận của bất kỳ quốc gia nào, nên hai nước Anh, Pháp đều đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt, với ý đồ mưu chiếm khu vực này về tay mình. Nhưng những khó khăn và nguy hiểm mà họ gặp phải ở núi Dã Nhân quả thực đã vượt xa khỏi sức tưởng tượng của họ. Rất nhiều người phải bỏ mạng nơi đây, bởi vậy cuối cùng công trình đã không thể hoàn thành.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Tuy vậy, những sự việc khủng khiếp mà mỗi bên gặp phải trong núi Dã Nhân từ trước đến nay đều được giữ bí mật, chẳng bên nào dám tiết lộ công khai.
Trong một ngôi chùa ở Miến Điện còn cất giấu một tấm bản đồ cổ với lai lịch bất minh. Tấm bản đồ mô tả về "Tượng Môn" của núi Dã Nhân. Địa danh có tên Tượng Môn ấy kỳ thực là một sơn cốc rất sâu. Môi trường tự nhiên trong cốc âm u, ẩm ướt, vô cùng thích hợp để các loài mãng xà khổng lồ ở Miến Điện ẩn thân. Nghe nói, sơn cốc chính là lãnh địa vùi xương của đàn voi rừng. Tuy rằng di tích thời xưa đã sớm tiêu tan không còn dấu vết, nhưng khi xây dựng con đường Stilwell, quân đội công binh Mỹ đã tham khảo bức bản đồ cổ, rồi căn cứ vào địa hình của dãy núi để sửa chữa con đường thành hình quanh co lượn sóng, đồng thời hi vọng có thể tận dụng đoạn đường bị bỏ phế mà quân Anh để lại. Như vậy, họ vừa có thể tiết kiệm được rất nhiều công sức, vừa có thể làm đường đi xuyên qua lòng núi. Tuy nhiên, cuối cùng sự việc lại không như mong muốn, nên đoạn đường chìm lặng nơi góc chết khu vực miền núi Bắc Miến này dần dần bị người đời cho vào quên lãng, và trở thành "Con đường U Linh" hữu danh vô thực, vất vưởng bao linh hồn oan khuất. Từ đó trở đi, chẳng ai biết đích xác vị trí của nó nữa.
Khi đó, để nhanh chóng đạt được hiệp ước hành động quân sự song phương giữa Trung Quốc và Mỹ, quân đội Trung Quốc đã điều động rất nhiều sĩ quan quân đội biết tiếng Anh, từng được huấn luyện qua lớp đào tạo sĩ quan Mỹ ở Ấn Độ, gia nhập quân đội Mỹ. Trong số đó có thiếu úy Từ, tên đầy đủ là Từ Bình An, ông được đặc phái đến "Quân đoàn công trình tác chiến độc lập thứ sáu của quân đội Mỹ", đồng thời theo binh đoàn này gánh vác trọng trách cực kỳ gian khổ, đó là xây dựng cầu đường ở núi Dã Nhân. Trong một lần chiến đấu với quân Nhật, ông không may bị thương nặng, cả gương mặt cháy bỏng nghiêm trọng, dung nhan bị hủy hoại hoàn toàn, trên thân thể cũng để lại những di chứng tàn phế. Sau khi lành vết thương, ông không muốn trở về tổ quốc mà chọn cách lưu lại Bắc Miến, lấy một cô gái bản địa làm vợ.
Từ Bình An chính là cố nội của Karaweik, ông đã ghi chép tất cả những điều mắt thấy tai nghe ở núi Dã Nhân vào cuốn sổ nhật ký. Có điều, ông từ giã cõi đời khá sớm nên hậu duệ đều nhập gia tùy tục, hơn nữa họ lại được sinh ra và lớn lên trong núi sâu nên tuy là Hoa kiều, nhưng chẳng ai biết nói tiếng Trung Quốc cả.
Vì Karaweik là Hoa kiều, hơn nữa lại từng được Hạ Thiết Đông cứu mạng, nên cậu luôn tỏ ra gần gũi với người Trung Quốc trong đội du kích cộng sản Miến Điện, và thường cảm thấy bản thân như có quan hệ họ hàng với những người này. Tuy cậu không hiểu hội ba người Tư Mã Khôi đang bàn bạc vấn đề gì, nhưng không khó nhận ra những người này đang muốn tiến vào núi Dã Nhân - nơi hiểm trở không gì sánh nổi.
Ở Miến Điện có một loại hương liệu rất đặc biệt, đó là những rễ cây cổ thụ được đào trong rừng, sau đó đem đốt thành than rồi nghiền vụn mà thành. Núi Dã Nhân có rất nhiều cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, ông Từ Bình An lại rất thông thạo địa hình của dải núi, hơn thế nữa còn nắm rõ tình hình phân bố từng đoạn đường, bởi vậy ông thường vào núi đào rễ cây chế thành hương liệu, hoặc hái thuốc nơi núi cao vực thẳm, để duy trì cuộc sống hàng ngày.
Karaweik từng được người nhà nhiều lần dẫn vào núi hái thuốc, nên cũng khá quen đường. Tuy qua nhiều năm, con đường vận tải quân dụng được xây dựng ngày xưa đã sớm bị bùn đất và thảm thực vật che lấp, lại có những đoạn dài bị chôn vùi do lở núi, nhưng ngoài Karaweik ra thì những người còn lại khó có thể tìm thấy dấu vết con đường cũ bị che khuất dưới lòng đất.
Ghi chép của ông Từ Bình An tuy không vẽ bản đồ, nhưng thông qua con chữ, ông đã mô tả địa hình núi Dã Nhân rất chi tiết. Dải núi này chiều đông tây khá rộng nhưng chiều nam bắc lại rất hẹp, địa thế từ tây bắc thấp dần xuống đông nam. Địa hình của nó vô cùng gồ ghề, phức tạp, thực vật rậm rạp, um tùm, dưới lòng đất có vô số huyệt động rỗng, sương mù dày đặc, tích tụ từ năm này qua năm khác, chẳng bao giờ tiêu tan. Con đường Stilwell từ nam chí bắc, chạy quanh co khúc khuỷu đến núi Dã Nhân