Vách trong của tấm bia đá khắc mấy chữ cổ không trọn vẹn, Thắng Hương Lân chỉ nhận ra mấy chữ trong số đó, còn phần lớn đã bị rong rêu xâm thực nên đã mờ nhạt không còn rõ nữa.
Tư Mã Khôi mơ hồ không hiểu “Nhìn thấy sự thật không thể chịu đựng nổi” rốt cuộc muốn ám chỉ điều gì? Tô tem và những chữ tượng hình khắc trên vách đá còn cổ xưa hơn cả tấm bia đá, nội dung ghi chép trên đó rất có khả năng nói về cảnh ngộ gặp phải trong hang động của tổ tiên người Bái Xà, bởi vậy dòng chữ này không phải chỉ tín hiệu chết chóc trên bia đá, mà ám chỉ hang động phía sau tấm bia, nơi ấy đen ngòm, sâu hút không thấy đáy, nào ai thấy được bên trong có thứ gì?
Thắng Hương Lân cũng băn khoăn không hiểu, cô soi đèn quặng lên vách động, rồi nói với hội Tư Mã Khôi: “Quanh đó còn có những hình vẽ kỳ quái, dường như đây là nghi thức tế lễ trong hang động của tổ tiên người Bái Xà”.
Tư Mã Khôi hướng mắt về phía tay Thắng Hương Lân chỉ, anh thấy trên vách động khắc hình ảnh một đám người đứng xếp hàng, tất thảy đều lấy tay che mặt, thần sắc đượm vẻ sợ hãi. Cấu tứ bức tranh tuy đơn điệu cổ phác nhưng lại ẩn hiện truyền đạt một hơi thở thần bí và ma quái, một hàm ý mà người hiện đại không thể nào giải mã được.
Tư Mã Khôi ngạc nhiên hỏi: “Trong này còn có thứ khiến người Bái Xà sợ hãi hơn cả tấm bia đá ư?”
Thắng Hương Lân nói: “Căn cứ vào những chi tiết khắc trên vách đông, xem ra tổ tiên người Bái Xà từng phát hiện thấy một sinh vật vô cùng đáng sợ tồn tại trong hang, đầu tiên do quá khiếp sợ nên họ tế lễ, nhưng sau đó họ lấy bia đá bịt cửa động lại, không hiểu trong động không đáy này tồn tại… thứ gì nhỉ?”
Mọi người không biết phải suy đoán thế nào, liền quyết định cứ vào trong tìm hiểu trước đã. Thấy xung quanh toàn là vách đá bị rong rêu che phủ, Tư Mã Khôi liền đi trước dẫn dường, Hải ngọng đi sau cùng, bốn chiếc đèn quặng đều bật hết lên, cả hội men theo vách đá mò mẫm đi sâu vào trong hang.
Trên người Tư Mã Khôi luôn mang theo một hộp thiếc rỗng, bề ngoài đục nhiều lỗ, bên trong đựng mấy con đóm đóm anh bắt được trong huyệt động, tạm thời sử dụng làm đèn trại, nhưng loài đom đóm đuôi dài này đều không có miệng, không thể lấy thức ăn để duy trì sinh mệnh, nên thời gian tồn tại của chúng vô cùng ngắn ngủi, tuổi thọ sớm nở tối tàn chẳng khác nào một đóa phù dung, chỉ khoảng hai mươi tiếng sau khi ra đời, chúng sẽ chết. Từ đầm dạ quang đến tấm bia đá, cả hội đi mất gần hai ngày, mấy con đom đóm đuôi dài bắt ở đầm giờ đã dần mờ ánh sáng, rồi lần lượt chết, còn lại hai con sống sót, nhưng ánh sáng cũng chỉ le lói mờ ảo, không thể phát huy tác dụng chiếu sáng được nữa, cũng chẳng thể tận dụng để đo hàm lượng oxy dưới lòng đất.
Tư Mã Khôi thấy mang theo cái hộp bên người chỉ tổ phiền phức, anh bèn phóng sinh cho hai con đom đóm, mặc chúng tự sinh tự diệt, chỉ thấy hai con đom đóm sải rộng đôi cánh, quét vệt sáng mờ màu vàng chanh ở đuôi lướt qua đỉnh đầu mọi người, chúng lượn quanh nửa vòng rồi mất hút trong bóng đêm vô biên, chỉ còn lại chiếc hộp rỗng không, Tư Mã Khôi tiện tay quẳng luôn xuống đất.
Lúc này, Thắng Hương Lân giơ tay nhìn đồng hồ, kim ngắn vừa vặn chỉ mười một giờ đúng. Ở dưới cửu tuyền cách biệt với thế giới bên ngoài, mọi người vốn chẳng cần phân biệt ngày và đêm, chỉ có điều Thắng Hương Lân muốn lấy thời gian làm điểm tham chiếu, lúc tiến sâu vào trong có thể tính toán độ sâu của hang động.
Bốn người lần theo tấm bia chậm chạp tiến về phía trước, Hải ngọng đi sau cùng, vô tình vấp phải hộp thiếc mà Tư Mã Khôi vừa vứt khi nãy, chân đứng không vững, liền bổ nhào ngã ụp xuống đất, đầu đâm cả vào ba lô Cao Tư Dương đang khoác trên lưng, ba người còn lại được phen hú vía, cùng quay phắt người lại xem chuyện gì xảy ra.
Hải ngọng lồm ngồm bò dậy, trách Tư Mã Khôi: “Cậu vứt cái hộp sao chả vứt xa một chút. Nơi tối lửa tắt đèn thế này giẫm phải ngã gãy xương chứ chẳng chơi, may mà tớ đã luyện võ…”
Tư Mã Khôi thấy không có chuyện gì, thì không đếm xỉa đến Hải ngọng nữa, anh quay người đang định tiến về phía trước, thì đột nhiên phát hiện trước chùm sáng đèn quặng thấp thoáng hiện ra khuôn mặt của một người.
Trong động tối đen như mực, chỉ cần ở cách mấy bước chân đã không nhìn thấy tia sáng cũng như không nghe thấy bất cứ âm thành nào rồi, bởi vậy đến khi cách người trước mặt rất gần, Tư Mã Khôi mới nhận ra. Tuy khuôn mặt kẻ mới đến trông chỉ lờ mờ, nhưng các đường nét vô cùng quen thuộc, rõ ràng đó là Nhị Học Sinh, người mới chết cách đây không lâu lúc ở phía ngoài bia đá. Tư Mã Khôi vốn bạo gan cứng vía nên anh chỉ lặng lẽ quan sát, rồi đột ngột thò tay ra phía trước tóm thật nhanh, lôi cổ kẻ mới đến lại gần nhìn cho rõ.
Nhị Học Sinh dường như đang hoảng hốt, loạng quạng bước về phía này, do mắt cận nặng nên cậu ta không nhìn thấy người ở trước mặt. Tư Mã Khôi ra tay nhanh như gió, khiến cậu ta không né kịp, Tư Mã Khôi tóm chặt cổ cậu ta chẳng khác nào đại bàng quắp chim sẻ, rồi anh vật mạnh Nhị Học Sinh xuống, khiến mặt cậu ta vàng như nghệ, ngồi co ro thành một đống.
Ba người còn lại phát hiện động tĩnh bất thường, đều quay đầu lại, lúc đèn quặng soi sáng khoảng không gian trước mặt, mới thấy tay Tư Mã Khôi đang tóm cổ một người, mà người này lại chính là Nhị Học Sinh, cả hội thấy da đầu bỗng dưng tê bì, da gà nổi toàn thân.
Hải ngọng vừa kinh ngạc vừa tò mò, bước lại gần Nhị Học Sinh nhìn không chớp mắt, tình hình lúc này thật chẳng khác gì đang trải qua một cơn ác mộng, nhưng những vết phỏng trên người do dòng nhiệt lưu bắn lên vẫn đau rát như nhắc anh – rõ ràng không phải đang mơ, anh không kiềm được lẩm bẩm tự hỏi: “Gã này là người hay ma không biết?”, lời vừa thốt ra ngay cả bản thân cũng thấy không đúng. Cậu Nhị Học Sinh kia cơ thể vốn đã mong manh yếu ớt, lại thêm phải chịu bao nỗi vất vả, bao phen sợ hãi dọc đường, cậu ta kiên trì đến được bia đá thì như ngọn đèn hết dầu, chết gục trước tấm bia, ngay cả thủ cấp cũng bị mọi người tẩm dầu, hỏa thiêu thành tro để phòng người chết không bị côn trùng, chuột bọ gặm nhấm, chỉ lưu lại mấy di vật tùy thân như chiếc bút máy, huy hiệu…
Nếu cả hội có thể sống sót thoát khỏi lòng đất, thì sẽ mang những di vật này về cố hương lập áo quan, coi như cậu ta không bị chết nơi đất khách quê người, đây cũng là một cách an táng từ thời xưa truyền lại. Cổ nhân có câu “người chết như đèn tắt”, một người đã bị hóa xương cốt thành tro, sao bỗng dưng có thể chạy ra từ động không đáy phía sau tấm bia đá? Nếu không phải yêu quái biến thành, thì hẳn cũng là ma hiện hồn, nghĩ đến đây anh lập tức giương khẩu súng săn hai nòng dí thẳng vào đỉnh đầu Nhị Học Sinh, chuẩn bị bóp cò bắn sọ đối phương nát như tào phớ.
Nhị Học Sinh sợ vãi đái, hai chân mềm nhũn khuỵu xuống đất, lúng