Hồi thứ sáu: Máy bay tiêm kích
Sắc trời càng lúc càng tối mịt, cả dãy núi Dã Nhân dần dần chìm vào màn đêm im lìm như cõi chết. Đây cũng là thời khắc chìm lắng ngắn ngủi báo hiệu cơn giông bão cuồng nộ sắp ập tới.
Vậy mà không khí đông cứng giữa bốn thành viên còn lại của đội du kích cộng sản Miến Điện và nhóm người của Ngọc Phi Yến vẫn ngày một căng thẳng hơn.
Tư Mã Khôi tự biết phe mình đang bị đối phương khống chế, nếu câu nói có chút tỏ ra sợ sệt sẽ lập tức càng bị lấn át hơn, bởi vậy anh không hề nhượng bộ nửa bước khi thương lượng, ngược lại còn dụng tâm chọn những lời hổ báo khích tướng Ngọc Phi Yến, khiến mặt cô ả biến sắc, lúc xanh lúc đỏ.
Khương sư phụ đứng bên cạnh là tay cáo già lọc lõi, bươn trải giang hồ đã nhiều năm, lão nhận thấy bọn họ người tám lạng kẻ nửa cân, chẳng ai chịu nhường ai, càng nói càng khiến không khí trở nên căng thẳng, chỉ còn thiếu nước "đâm vào dao trắng, rút ra dao đỏ" mà thôi. Thế là lão vội vàng đứng bên cạnh ho lên một tiếng, như ngầm cảnh báo câu chuyện của hai người nên chấm dứt ở đây, rồi thay nước trà trong chiếc nắp bày trận. Theo tiền lệ cổ xưa, lúc này nên dùng "hồng trà đặc" - một loại trà rất đậm đặc, chỉ cần uống một ngụm là sốc lên tận đỉnh đầu, nhưng điều kiện trong rừng nguyên sinh không có hồng trà nên chỉ còn cách thay bằng chén nước lọc khác, rồi bày lại thế trận thành "Tam dương khai thái", xếp mười tám chiếc nắp thành ba hàng, mỗi hàng sáu chiếc.
Chén trà đáy biển bắt đầu bằng việc tự xưng gia môn với thế trận "Nhất tự trường xà", sau đó bọn họ thay đổi trận pháp thành "Nhị long xuất thủy" để dò hỏi lẫn nhau. Trong "Gạn đáy biển" vẫn còn các thế trận khác như: "Tam dương khai thái, tứ môn đấu để, ngũ hổ quần dương, lục đinh lục giáp, thất tinh bắc đẩu, bát quái vạn tượng, cửu tử liên hoàn", cho đến trận pháp cuối cùng là "thập diện mai phục". Đôi bên phải tuân thủ quy tắc theo từng tầng thứ để dò hỏi đối phương, đợi khi hỏi ra gốc rễ, thì mỗi bên sẽ biết rõ đầu đuôi sự tình.
Thông qua cuộc nói chuyện, song phương đều hiểu hết ngọn nguồn của nhau, không có xung đột ghê gớm theo đúng nghĩa, càng không cần lo lắng bị thoát gió, lọt nước, sót mất thông tin. Câu chuyện của Tư Mã Khôi tương đối đơn giản, anh có thể dõng dạc kể với đối phương mà không cảm thấy tự hổ thẹn với lương tâm, nghĩ lại lúc đầu tư lệnh Tư Mã Khôi một tay quét cả Miến Điện, trăm trận trăm thắng, giết người vô số, tôi giậm chân một cái cả dải đất Bắc Miến rung chuyển từng đợt, chẳng qua giờ đây quân đội nhân dân rớt đài, bọn tôi chẳng muốn uống chung dòng nước đục, nên dự định vòng qua núi Dã Nhân, chạy về phía bắc trốn sang biên giới.
Hội của Ngọc Phi Yến, tổ tiên mấy đời đều hành nghề trộm mộ ở Quan Đông, bọn họ kết bè kết đảng, lấy hiệu là "Sơn lâm đội lão thiếu đoàn", cũng vì từng gây ra một vài vụ trọng án vào thời Dân quốc, nên đành chạy đến Đông Dương tránh họa, họ buôn lậu ở gần khu vực eo biển Malacca suốt một thời gian dài, đồng thời câu kết với bọn hải phỉ vớt tàu thuyền thời cổ đại, hoặc là đến vùng biên giới Thái Lan, Campuchia để đào mồ quật mả và tìm kiếm các di tích trong Phật tháp ở các chùa chiền miếu mạo. Nghề mưu sinh chủ yếu của bọn họ là buôn lậu văn vật cổ.
Trong văn hóa truyền thống dân gian Trung Quốc, từ đầu chí cuối đều tồn tại hai chữ "giang hồ". Trên giang hồ có rất nhiều ngành nghề đặc thù, kẻ ăn mày ven đường dọc phố gọi là "Hoa tử", kẻ trộm mộ gọi là "Hối tử", ngoài ra còn có "Ngựa vang" nghĩa là dân trộm cướp, "Quải tử" là bọn cướp đường, "Nha tử" là dân đánh cá, "Phi tặc" ám chỉ những kẻ mở khóa phá cửa ăn trộm của nả của thường dân, "Tiên sinh" ám chỉ kẻ hành nghề bói toán, "Mộ sư" ám chỉ thầy coi tướng số phong thủy. Tuy rằng thủ đoạn hành nghề, mưu sinh của mỗi ngành nghề không giống nhau, nhưng đều phải thông văn tỏ võ và mang một chút màu sắc mê tín nhất định. Nếu trong đó có nhân vật am hiểu về ngũ hành bát quái, bí thuật phong thủy mà trình độ văn hóa lại tương đối cao, thì kẻ đó sẽ được giới giang hồ vô cùng trọng vọng. Từ đó có thể luận ra một cách tương đối là: "nghề hối tử" chẳng qua chỉ là tên gọi chung dành cho những kẻ trộm mộ dân gian, còn kết cấu thành viên chi tiết thì vô cùng phức tạp.
Sau khi cha của Ngọc Phi Yến qua đời, cô ả được thừa kế tổ nghiệp, dẫn theo những thành viên cơ bản trong tổ chức cũ lập thành "Sơn lâm đội lão thiếu đoàn" và tự mình làm thủ lĩnh. Dưới trướng cô ả cũng có mấy trợ thủ đắc lực, ngoài Thảo Thượng Phi, Xuyên Sơn Giáp, Hải Đông Thanh ra thì còn có một tên lưu vong người Liên Xô rất am tường về thuốc nổ, mọi người gọi hắn là "Gấu trắng".
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m.
Vị Khương sư phụ là tay trộm mộ lõi đời, không những vậy còn là bậc cha chú của Ngọc Phi Yến, cũng có thể coi lão là thầy cô ả. Bởi thế Ngọc Phi Yến vô cùng kính trọng, gọi lão là "lão Khương" và luôn răm rắp nghe lời.
Ngọc Phi Yến từng được thụ hưởng nền giáo dục cao cấp, mấy năm gần đây đã cải tiến hoàn thiện kỹ nghệ gia truyền của tổ tiên lên rất nhiều. Dưới sự dẫn dắt lãnh đạo của cô ả, "Sơn lâm đội lão thiếu đoàn" dần dần gây dựng thanh thế, cuối cùng tiếng tăm đã vang dội khắp khu vực phía nam. Lần này, bọn họ mạo hiểm tiến vào núi Dã Nhân là do chịu sự ủy thác của một khách hàng lớn, phải đi đến tận cùng con đường U Linh để tìm kiếm một vật vô cùng quan trọng. Công việc lần này không phải khai quật mộ cổ mà là "công việc đánh cược mạng sống", đó là công việc gian khổ mạo hiểm khác thường, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.
Sau khi nghe xong câu chuyện, Tư Mã Khôi liền nói rằng hai bên chẳng có gì liên quan đến nhau, nay đường rộng thênh thang, ai đi đường nấy. Giờ đây cuốn nhật ký cũng rơi vào tay cô, còn muốn gì ở bọn tôi nữa? Chi bằng nhân lúc còn sớm, hãy thả ba người đồng chí của tôi ra, khi nãy tôi đánh chết một tên thủ hạ của cô, thì chỉ cần một mình tôi ở lại là được, ông đây dám làm dám chịu, muốn chém muốn giết gì, tôi cũng nghe theo hết.
Sau khi nắm rõ được gốc rễ của Tư Mã Khôi, ngữ khí của Ngọc Phi Yến cũng khách khí, dịu dàng hơn trước nhiều, nhưng cô ả vẫn nhất định không chịu thả người, bởi vì lúc "gạn đáy biển" khi nãy, thuộc hạ của cô ả cũng đã thẩm vấn Karaweik - cậu bé mang theo cuốn nhật ký bên mình. Cậu thiếu niên mới mười mấy tuổi đầu, lại ở vùng núi Bắc Miến thì làm sao có thể là đối thủ của mấy gã giang hồ lõi đời. Quả nhiên vừa mới hỏi dăm ba câu, cậu đã khai tuốt tuột sự tình. Cuốn nhật ký không mô tả tấm bản đồ chi tiết của con đường U Linh, bây giờ người duy nhất có thể tìm thấy nó, e rằng chỉ có một mình Karaweik. Cậu bé chính là cơ hội mà ông trời trao tặng cho Ngọc Phi Yến, làm gì có chuyện cô ả chịu bỏ qua. Bởi thế bất luận thế nào, đoàn thám hiểm cũng nhất định sẽ bắt Karaweik theo cùng để dẫn đường.
Nhưng Ngọc Phi Yến cũng không muốn hành sự tuyệt tình quá đáng, nên lúc nói rõ ý đồ của mình cũng đưa ra hai phương án cho đối phương lựa chọn. Trước mắt có thể để Tư Mã Khôi lựa chọn, chỉ có hai con đường: thứ nhất là để lại Karaweik rồi cả hội rời đi, thứ hai là gia nhập đội thám hiểm và cùng tiến sâu vào núi. Ngoài ra, Ngọc Phi Yến cũng hiểu rõ tình cảnh mà hội bốn người Tư Mã Khôi đang phải đối mặt, nên hứa hẹn nếu việc lần này thành công, cô ả sẽ sắp xếp cho bốn người bọn họ rời khỏi Miến Điện, có thể đến Hồng Kông, Thái Lan hoặc thoát hẳn châu Á, cao chạy xa bay, tất cả sẽ do cô ả lo liệu hoàn toàn.
Ngọc Phi Yến cần tăng cường lực lượng gấp, cô ả thấy thân thủ Tư Mã Khôi không tệ, lòng gan dạ, kiến thức cũng hơn người, hơn nữa lại từng là thành viên trong đội du kích cộng sản Miến Điện, chắc chắn sẽ thông thuộc tình hình trong núi, bèn nảy ý định lôi kéo anh vào đoàn, cô ả đề nghị với giọng vô cùng khẩn thiết.
Tư Mã Khôi liếc mắt nhìn trộm ba người bạn đồng hành bị trói trên cọc, thấy Tuyệt và La Đại Hải khẽ gật đầu, tỏ ý không muốn bỏ rơi Karaweik nên cũng đồng ý cùng đội thám hiểm vào