Tư Mã Khôi thấy cách hành xử của Triệu Lão Biệt vô cùng ngoài dự liệu, chẳng ngờ lão chịu mang thuốc lá hảo hạng và đồ hộp đáng giá để đổi lấy chiếc án mổ thịt mục nát, càng nghĩ càng thấy sự việc này rất kỳ lạ.
Trong đống đổ nát ở Hắc ốc chỗ nào cũng có vật vô chủ, ai nhặt được thì của người ấy, cái án này vốn là một trụ gỗ mục nát rỗng ruột, to bằng một vòng ôm, xung quanh buộc ba vòng dây thừng gai, quanh năm bị máu tiết dầu mỡ bám nhằng nhợ, màu sắc đã bị phai nhạt biến đổi từ lâu, sau khi nhặt về chủ yếu được dùng làm thớt thái rau, chẳng ai biết rõ lai lịch cụ thể của nó, xem ra ngoài việc thấy nó có niên đại sử dụng từ khá lâu thì chẳng thấy có điểm gì khác thường. Không hiểu sao vô duyên vô cớ lại có người quan tâm đến nó?
Tư Mã Khôi thầm nghĩ: “Cái án chặt thịt chắc chắn là một bảo vật, nếu bây giờ mình động lòng vì miếng lợi nhỏ mà dễ dàng trao đổi với Triệu Lão Biệt, bất kể lão già đó giơ ra vật gì thì mình cũng vẫn bị thiệt, trước tiên phải kiếm cớ để lão ấy thấy cái án này đúng là đồ quý cái đã”. Thế là cậu thuận miệng khua môi múa mép một hồi: “Triệu lão sư phụ này, lão không biết đấy thôi, thực ra gia đình mấy đời nhà tôi đều mở cửa hàng bán thịt dê ở Bắc Kinh để làm nghề mưu sinh, chiếc án mục này tuy rằng nhìn có vẻ bình thường nhưng lại là vật gia truyền mấy đời nhà tôi để lại, tôi không chỉ dùng nó quen tay mà còn “nhìn cương nhớ ngựa, nhìn vật nhớ người”, mỗi khi nhìn thấy nó là tôi như nhìn thấy liệt tổ liệt tông đã quy tiên nhà mình. Cái án này cùng gia đình tôi trải qua những năm tháng dưới thời Quang Tự, rồi tới Nghĩa Hòa Đoàn bao vây tấn công khu đại sứ quán Đông Giao Dân Cảng khiến liên quân tám nước tràn vào thành Bắc Kinh. Đám quỷ tây này dặt là bọn man di từ nước ngoài dẫn xác đến, lũ bợm đó chẳng có nửa tên tốt đẹp, đến Trung Quốc chúng ta ngang nhiên đốt nhà giết người cướp của, chẳng tội ác nào chúng không dám làm, đánh đập người mù, mắng nhiếc kẻ điếc, cuối cùng chúng nó cũng ào vào nhà tôi, mấy tên lính tây ngắm thấy con mèo tam thể nhà tôi nuôi rất đẹp liền định cướp về, mang dâng tặng cho nữ hoàng điện hạ nhà chúng nó, ông tổ nhà tôi liền nổi giận lôi đình mắng chúng: ngày xưa lão phật gia Từ Hy thái hậu rất ưng ý con mèo này, định mang Thập Tam cách cách ra đổi lấy nó mà ông đây còn tiếc không nỡ đem đổi, tiên sư chúng mày chứ, chúng mày là thứ tép riu gì mà dám cướp trắng của ông hả?! Trong cơn thịnh nộ, cụ lao thẳng ra phố tham gia phong trào phục Thanh diệt ngoại xâm, trước lúc đi còn ôm theo chiếc án này, gặp tên giặc tây nào là lấy án đập chết tên ấy, không biết dưới gầm án đã chôn bao nhiêu mạng tướng tây lính tây. Sau đó chiếc án truyền đến đời ông nội tôi, nó lại cùng ông lưu lạc đến Giang Tây tham gia hồng quân công nông, cứ thế được mấy đời nhà tôi giữ gìn cho đến tận bây giờ. Có thể trong mắt người khác, khúc gỗ này chẳng đáng cái đinh gỉ nhưng đối với tôi nó chính là vật chứng chứng kiến cả gia đình tôi đã trải qua cách mạng cận đại Trung Quốc, là kỷ niệm không thể xa lìa, ngày nào tôi cũng phải bày nó ra trước mặt sáng thỉnh an, tối hồi báo, nếu ngày nào không nhìn thấy nó tinh thần tự nhiên trở nên hoảng loạn, đến nỗi ngay cả hướng bắc ở đâu cũng không biết, một ngày không gặp cách tựa ba thu, nếu lỡ ba ngày không gặp có khi lo lắng đến tẩu hỏa nhập ma vẫn là nhẹ. Lời tôi nói đây câu nào cũng là thật, nếu lão không tin thì cứ tìm một miếng đậu phụ về đây, tôi sẽ đập đầu vào đấy cho lão xem”.
Hải ngọng đứng bên cạnh nghe, không nhịn nổi cười thầm trong bụng, cậu ta cũng nhân cơ hội để nâng giá cái án, bảo chí ít Triệu Lão Biệt phải thò ra thêm ba tút thuốc lá nữa thì mới đồng ý đổi.
Triệu Lão Biệt nghe hai người bọn họ kẻ tung người hứng mà trợn mắt á khẩu, lão còn cho rằng có khi mình nhìn lầm, liền quay lại đăm đăm ngắm nghía cái án một hồi lâu, sau đó lắc đầu tỏ ý không tin, đồng thời mở toang cái túi vải đay ra cho hai người nhìn, bên trong chẳng còn thứ gì đáng giá, đoạn lão nói: “Mỗ không thể trả giá thêm cho hai cậu được”.
Tư Mã Khôi thấy việc đã đến nước này thì cứ nói thẳng toẹt cho xong: “Bọn tôi và lão kẻ cắp gặp bà già, cóc cần sử dụng mấy chiêu thụt thò như bơi chó. Chẳng thà đừng ai giở trò với ai nữa. Mấy bài của lão bọn tôi biết tỏng từ khuya, trước đây cũng gặp nhiều rồi, nói chuyện cũng không cần vòng vo tam quốc, giấu giấu diếm diếm làm gì. Bọn tôi đã sớm nhìn ra Triệu Lão Biệt lão đích thị là tên biệt bảo, nếu không chẳng người nào đang sống nhe nhởn lại quàng trên cổ chuỗi bánh đả cẩu như lão."
Cái thứ “bánh đả cẩu” này thực ra là một loại bánh thuốc, dùng để xua đuổi chó mèo. Thời xưa, ở vùng nông thôn mỗi khi trong nhà có người chết, lúc đặt thi thể vào quan tài thường đeo lên cổ xác chết chuỗi vòng này để đề phòng bị lũ chó đói gặm nát thủ cấp hoặc bị mèo hoang nhảy qua khiến người chết nhập tràng sống dậy. Những kẻ biệt bảo thường xuất hiện ở những nơi rừng già núi thẳm hoặc mộ hoang, đất dữ, để tránh rắn độc, dã thú, họ cũng có thói quen đeo “bánh đả cẩu”.
Triệu Lão Biệt cũng nhận thấy cậu Tư Mã Khôi này tuy chỉ mới mười lăm mười sáu tuổi đầu nhưng vô cùng tinh quái, hiểu biết rất nhiều chuyện và không dễ bị bắt nạt nhưng tuyệt đối không thể tưởng tượng tên tiểu tử ấy lại có thể nhìn xuyên thấu hành tung của lão, trong lòng không tránh khỏi thất kinh một phen, liền bội phần khâm phục nói: “Vị đầu lĩnh này đúng là nhãn lực hơn người, không ngờ thời thế này vẫn còn có người biết đến nghề biệt bảo của bọn mỗ”.
Việc đến nước này, Triệu Lão Biệt chỉ còn cách thẳng thắn thừa nhận mình quả thực là một tay biệt bảo, hôm nay gặp vận may lớn, khi vô tình đi ngang qua khu Hắc ốc hoang phế liền phát hiện ra chiếc án chặt thịt, đúng là “Đi mòn gót giày tìm chẳng thấy, đứng lại ngồi nhìn ở ngay đây”. Cuối cùng lão ta nói với bọn Tư Mã Khôi và La Đại Hải: “Lão mỗ đây chẳng nói sai với người ngay thẳng, có gì nói nấy, cái án gỗ cổ dùng để chặt thịt của hai cậu đích thị là một vật vô cùng quý hiếm, nhưng chỉ sợ trên đời này ngoại trừ Triệu Lão Biệt mỗ ra thì chẳng còn người thứ hai hiểu được giá trị của nó. Hôm nay trời đã muộn, chúng ta tạm thời cáo biệt ở đây, hai người các cậu cứ bàn bạc kỹ xem. Lời đã nói thẳng như vậy thì mỗ cũng chẳng để hai cậu phải chịu thiệt thòi quá đáng. Trong thành mỗ còn giấu một vật rất tốt, ngày mai sẽ mang đến đây. Nếu lúc đó các cậu vẫn khăng khăng không chịu đổi hàng, mỗ sẽ không nói đến câu thứ hai, cất bước đi luôn, đã đi là không quay trở lại, có câu nói xưa mỗ thấy rất hay “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, đến lúc đó hai cậu đừng có hối hận”.
Tư Mã Khôi và La Đại Hải gật đầu đồng ý, hai người nhìn Triệu Lão Biệt đi khỏi “Hắc ốc” liền lập tức trở lại lều, khêu to ngọn đèn dầu cho sáng, khênh chiếc án nhớt nhát dính đầy dầu mỡ đặt lên mặt đất, lật đi lật lại hồi lâu, nhưng cả hai xem tới xem lui mãi vẫn không phát hiện ra Tý Sửu Dần Mão gì ẩn chứa bên trong chiếc án, đầy bụng nghi hoặc. Đêm hôm đó, cả hai suy đi tính lại, nghĩ trước nghĩ sau, chập chờn mất ngủ suốt đêm.
Sáng sớm hôm sau, Triệu Lão Biệt quả nhiên lại tìm đến, lần này trong túi vải đay của lão có thêm chiếc áo lông da sáng bóng, mềm mại, lớp lông da màu đen pha lẫn ánh đỏ, có vài phần khá giống với da báo nhưng rất nhẹ và mỏng. Có điều Tư Mã Khôi và La Đại Hải đừng nói da báo, ngay cả lông chồn Đại Liên cũng chưa bao giờ nhìn thấy nửa cọng, bèn giả vờ am hiểu hỏi Triệu Lão Biệt: “Đây là da con gì vậy? trông lớp da bóng láng, sáng sủa cũng không tệ, là da xịn hả?”
Triệu Lão Biệt nghe xong càng thêm đắc ý, lão liền khoe khoang: “Lai lịch chiếc áo lông da này của mỗ đúng là bất phàm”. Sau đó liền kể lại lai lịch của nó cho hai người nghe. Lão bảo trước giải phóng thường đến núi Trường Bạch để đào nhân sâm, đêm đến tá túc ở một lâm trường gỗ bỏ hoang. Trong lâm trường có một con mèo già, lông vằn vện như lông hổ, to béo mập mạp, lại vô cùng linh hoạt nhanh nhẹn, lên cây bắt được chim, xuống đất vồ được chuột.
Triệu Lão Biệt ở trong lâm trường lâu dần cũng trở nên quen thuộc với nó, thường cho con mèo ăn thức ăn của mình. Về sau mỗi buổi sáng trước khi vào núi, lão đều nhìn thấy con mèo nằm rạp trên cành cây, thở hổn hển, trông có vẻ sức cùng lực kiệt, ngay cả đuôi cũng chẳng buồn động đậy, suốt nhiều ngày trời nó đều trong tình trạng như vậy.
Triệu Lão Biệt thầm thấy quái lạ, với con mắt cú vọ của kẻ biệt bảo, lão vừa nhìn là biết ngay con mèo này chắc chắn đã gặp kỳ ngộ gì đây, liền nảy ra ý định phải tìm hiểu ngọn ngành cho rõ. Thế là lão âm thầm quan sát theo dõi, phát hiện chỉ cần màn đêm vừa buông xuống, con mèo già liền chạy vào miếu Sơn Thần, nó luồn vào khe cửa rồi náu mình trong bóng tối nơi góc tường, mai phục ở đó án binh bất động.
Đợi đến khi đêm đã trở về khuya, không gian tĩnh lặng, trên chiếc kèo gỗ của miếu Sơn Thần bất ngờ phát ra một tiếng động nhỏ, trông lên chỉ thấy một con chuột khổng lồ to như con chó, hai mắt sáng quắc như đèn pha, đang bò từ trên kèo nhà xuống trước mặt các vị thần, đến nơi nó dùng đuôi ngoáy vào trong chiếc đèn dầu, ăn trộm dầu đèn mà người ta dâng cúng cho Sơn Thần, đồng thời ôm ngọn nến mỡ bò gặm nham nhở, phát ra âm thanh nghe “lọt cọt lọt cọt”.
Lúc này con mèo già đột ngột từ trên góc tường nhảy vọt ra, quyết đấu sống mái với con chuột. Con chuột tuy to người nhưng không hề đù đờ, chẳng những vậy còn vô cùng hung tàn hiểm ác, dường như không hề sợ sệt kẻ địch. Con mèo già di chuyển nhanh thoăn thoắt mà vẫn không làm gì được nó, hai con quái thú vật đi vật lại huỳnh huỵch, đánh nhau không biết mệt mỏi, đúng là chúng quyết chiến sống chết một phen, con nào cũng thần thông, khó phân định cao thấp.
Nhờ vào ánh trăng, Triệu Lão Biệt có thể nhìn rõ sự việc và hiểu được chân tướng. Thì ra đêm nào con mèo cũng phải đến đây quyết đấu với con chuột cho nên khi trời sáng nó mới mệt đến nỗi không lết nổi thân. Lão nhìn trộm trận ác chiến giữa hai kẻ địch mải mê đến độ quên hết mọi thứ xung quanh, toàn thân căng thẳng theo nhịp độ của trận đấu, vô tình lão chạm vào một cánh cửa bị hỏng khiến nó đổ rầm xuống đất.
Con chuột khổng lồ đang toàn tâm toàn ý tập trung vào trận ác đấu với con mèo già, đột nhiên nghe thấy âm thanh lạ từ đằng sau vọng đến liền giật nảy người, chỉ cần mấy giây mất tập trung cũng khiến nó lộ ra yếu điểm và bị con mèo già quật ngã, cắn đứt cổ họng, phút chốc máu trào ra như suối, nhuộm đỏ cả gạch ngói vương trên mặt đất miếu thần, giãy dụa một hồi cuối cùng cũng trợn ngược mắt, thở hắt ra mà chết. Đây đúng là “Tranh hùng quyết sống mái, phút cuối phân thắng bại”.
Triệu Lão Biệt là tay sành sỏi trong nghề, vừa nhìn là biết con chuột này đã nhiều năm ăn dầu đèn, gặm sáp nến, chắc chắn đã thành tinh, đạo hành cũng không ít nên liền lấy dao lột da nó, mang về đem đi gia công làm thành một chiếc áo khoác da thú. Vào những ngày tháng chạp băng giá, Quan Ngoại rỏ nước thành băng nhưng chỉ cần khoác chiếc áo da chuột trên người, cho dù bên trong