Hồi thứ chin: Đường hầm chết
Tiền Bảo Sơn nói, bản thân anh ta chưa bao giờ tin vào tà thuật, nhưng những gì gặp phải trong núi Dã Nhân, đã thực sự khiến anh ta cảm thấy dường như đã chạm tới hơi thở của ma quỷ.
Sau khi đội vận tải chạy trốn vào đường hầm, liền bị mất phương hướng, vô tình đâm xuống một hang sâu rộng lớn, thần bí. Huyệt động cổ xưa này được hình thành từ hàng trăm triệu năm về trước, đi đến đâu cũng thấy ngà và xương voi cao ngất như núi, mạng lưới huyệt động đá vôi và hành lang dưới lòng đất giao thoa chằng chịt, tuy nơi nào cũng rộng rãi bằng phẳng như đường hầm, thậm chí có chỗ còn to bằng mấy sân bóng đá gộp lại, nhưng nó thực sự là một mê cung vô cùng phức tạp, chằng chịt; không ít khu vực bị sương mù phong tỏa, nên phân đội trinh sát đi trước dò đường chẳng thấy ai trở về.
Anh Mukhan người Miến Điện đã nói với sư đoàn trưởng: chỉ e nơi này là huyệt động ma mút trong núi Dã Nhân. Anh ta còn tự nhận mình rất thông thạo tập tính của voi rừng, nên chắc chắn sẽ tìm thấy lối ra khỏi Tượng Môn, nói đoạn liền đi trước dẫn đường. Anh ta dẫn đội xe quay đầu về hướng có bức màn được kết thành bởi trùng điệp những mạng lưới đá vôi, rồi đi sâu mãi vào một huyệt động thấp lè tè, chiều cao của nó chỉ khoảng mười mấy mét, nhưng tứ phía vô cùng khoáng đạt, hình dáng tựa như vỏ sò, trên mặt đất chi chít những nếp gấp khúc, địa hình gồ ghề lồi lõm rất khó đi, hơn nữa phần phủ dưới đáy động cũng không phải lớp đất đá, mà dường như là một loài thực vật, nên đi được nửa đường thì nhiều bánh xe bắt đầu lún xuống.
Sư đoàn trưởng phát hiện tình hình không ổn, vội vàng ra lệnh cho cả đoàn vận tải bỏ xe chạy lấy người, rút trở về đường cũ, ai ngờ đáy động bị đoàn xe nặng trăm tấn đè xuống, nứt toác thành một khe hở rất rộng, rồi từ giữa kẽ nứt, sương mù trào lên mù mịt, chẳng đợi đoàn vận tải kịp hiểu ra chuyện gì, thì tất cả đã bị rơi vào sương mù.
Chiếc xe của Tiền Bảo Sơn và Mukhan rơi xuống tán lá một cây cổ thụ nằm sâu dưới lòng đất, người ngồi trong xe ngã xây xẩm mặt mày, chỗ nào cũng bê bết máu. Họ nghe có tiếng hét lớn kêu cứu vọng ra từ những chiếc xe khác, nhưng trong chớp mắt đã im bặt không một động tĩnh, cũng chẳng rõ họ đã gặp phải thảm cảnh gì. Hai người vội vàng trèo ra khỏi xe, định đến ứng cứu, nào ngờ chiếc xe tải mười bánh vắt vẻo trên một cành cây, phía dưới gốc cây là con đường sâu hút lênh láng nước tù. Tiền Bảo Sơn không phân biệt được phương hướng trong sương mù, vừa giẫm chân đã bước hụt xuống khoảng không chơi vơi, cả thân thể lập tức ngã nhào. Mukhan ở phía sau định kéo anh ta lên, kết quả Tiền Bảo Sơn lôi tuột cả hai xuống. Hai người men theo gốc cây lăn vào một huyệt động âm u, lạnh lẽo dưới lòng đất, suýt chút nữa thì sặc nước mà chết, rồi khi bọn họ giãy giụa bò được dậy, dùng đèn pin chiếu sáng, leo lên chỗ cao, thì mới phát hiện nơi rơi xuống khi nãy đã bị bánh xe lún xuống chặn đứng.
Hội Tư Mã Khôi nghe đối phương nói đến đây, mới biết dãy xe tải mười bánh xuất hiện trong cánh rừng rậm, quả nhiên từ trên cao rơi xuống, chẳng trách toàn thân xe đều vỡ nát, hư hỏng nặng nề. Quả của cây Udumbara to lớn hình thành một tầng kén hình chiếc ô che phủ toàn bộ thành cổ, giữa tầng kén tồn tại một khoảng không gian trống rỗng, không hề có sương mù. Đội vận tải bổ sung đoàn lính công trình tác chiến độc lập thứ sáu, vì tránh né sự truy sát của quân Nhật, đã lỡ chân lạc bước vào huyệt động ma mút giống như mê cung huyền bí, kết quả là cả đội xe đều rơi xuống đáy động, toàn bộ thành viên bị sương mù nuốt chửng, chỉ có hai người là Tiền Bảo Sơn và Mukhan may mắn sống sót, nhưng tiếp sau đó, hai người bọn họ đã gặp phải những tai ương gì? Làm sao có thể người chẳng ra người, ma chẳng ra ma, sinh tồn mấy chục năm ở nơi hoàn toàn đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài này? Anh lính Miến Điện tên Mukhan bây giờ còn sống hay đã chết?
Tiền Bảo Sơn tiếp tục kể phần còn lại của câu chuyện: anh ta và Mukhan rơi vào một huyệt động ẩm ướt, âm u, lạnh lẽo, xung quanh tử khí bốc lên ngùn ngụt, chẳng nhìn thấy nửa bóng người, kêu trời trời không thấu, gọi đất đất không hay, nên thần kinh dường như suy sụp đến tột độ. Cũng chẳng biết họ lần mò bao lâu trong đường hầm rồi vô tình chui vào một sơn động rất sâu, trong động đá ngọc cao ngất, rêu xanh phủ dày, sinh trưởng rất nhiều loại nấm đất và quả mọng, thịt quả dày, nhiều nước, vị hơi đắng, nhưng có thể ăn được.
Hai người hoảng loạn trong lòng, ăn bừa vài trái quả mọng, rồi tiếp tục đi về phía trước, đi mãi cũng đến con đường hầm rộng rãi ẩn giấu dòng sông ngầm này, càng đi vào sâu, càng thấy khí đen âm u mịt mùng, khiến họ ớn lạnh tận tim, dừng chân không dám bước tiếp.
Tiền Bảo Sơn chỉ muốn quay đầu ra ngay, nhưng lúc này Mukhan lại tiêt lộ một câu chuyện rất kỳ lạ. Anh ta nói từ hơn một ngàn năm trước, sơn cốc núi Dã Nhân từng là thần cung của một vương triều Chăm Pa hiển hách. Thần cung dùng để thờ phụng các thần linh Vệ Đà trên trời, tầm cỡ tương đương như quốc miếu vậy. Sau khi người Chăm Pa chinh phục vương quốc Thaton, những nô lệ bị bắt giữ và một lượng lớn thợ mộc lành nghề điêu luyện, đều được tập hợp lại để xây dựng tháp cổ. Trong khoảng thời gian đằng đẵng trên dưới hai trăm năm, họ đã xây dựng được mười ba ngàn tháp đá lớn nhỏ với hình thù độc đáo, phong phú, mỗi tòa một khác, rồi đem toàn bộ châu báu của vương triều Chăm Pa cổ chôn cả xuống dưới chân tháp. Khi ấy, núi cao trập trùng, quần thể tháp cổ dày đặc như cánh rừng, trèo lên bất cứ tòa tháp nào, tiện tay chỉ về đâu, hướng tay chỉ cũng sẽ có một tòa tháp khác cao to sừng sững chắn ngang tầm mắt.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Mỗi khi mặt trời lặn, ánh hoàng hôn đỏ au và những vầng mây đầy trời sẽ nhuộm cả rừng tháp thành một màu vàng ánh kim rực rỡ, sau đó mới dần dần chìm sau những đỉnh núi nhọn hoắt trùng điệp ở phía xa. Phàm những ai đã tận mắt trông thấy kỳ quan này, đều không khỏi trầm trồ thán phục trước vẻ uy nghiêm, lộng lẫy như cõi mộng của nó.
Có điều, tuy địa thế núi Dã Nhân kỳ lạ tột độ nhưng đó lại là một ngọn núi cát có vỏ ngoài là đá. Vì bên trong toàn bộ là đất cát, nên lòng núi rỗng ruột, đáy thần điện che phủ dải hồ rộng lớn dưới lòng đất. Sau này, do mạch nước lún xuống, lòng núi sụt vỡ, nên vô số tháp cổ cùng toàn bộ thực vật trong cánh rừng gần đó đều bị lún chìm dưới vực sâu không đáy, từ đó hình thành nên khe sâu núi Dã Nhân.
Nói khe sâu núi Dã Nhân là một vực sâu không đáy, thì cũng chẳng ngoa chút nào. Thì ra, mạch nước hồ dưới lòng đất đã sớm khô kiệt, nhưng đáy hồ vẫn sót lại bể bùn rộng lớn vô biên, thành cổ và cánh rừng sụt xuống dưới, đều bị bùn lầy sâu khôn lường và khí mêtan che đỡ, và vì nằm chêch vênh trên lớp bùn lầy, nên bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng tiếp tục sụt lún sâu hơn.
Đại nạn khủng khiếp bất ngờ đổ xuống, khiến vương triều Chăm Pa vô cùng khiếp sợ. Họ cử người xuống khe núi thăm dò, chỉ thấy tòa thành bốn triệu bảo tháp bị hư hại nghiêm trọng, bèn cho rằng đây là họa trời tru đất diệt, là thần phật nổi trận lôi đình, là điềm hung vong quốc.
Quốc vương Chăm Pa lúc bấy giờ là vua Anagaya, ông ta nghĩ kế đề phòng hậu họa về sau, liền sai người luyện vàng, đúc cảnh tượng bốn triệu tòa bảo tháp lên bức tường thành, rồi từng thỏi vàng trùng trùng điệp điệp chồng chất lên nhau, tạo thành thứ kiến trúc hình con nhện quái dị. Bởi vậy, họ đặt tên cho khối vàng thỏi này là "tòa thành bốn triệu bảo tháp", với ý định lưu lại, đợi khi nào phục hưng đất nước thì sẽ dùng tới.
Cũng chẳng ai hiểu rõ vì sao người Chăm Pa khi ấy lại có nhiều vàng đến thế. Có thuyết nói, người cổ xưa biết nuôi loài "kiến tha vàng", vàng đúc tòa thành cũng không phải là loại vàng ròng tinh khiết, mà những thỏi vàng ấy thực ra là "vàng hời", loại vàng có pha lẫn bạc, màu vàng xanh được cán mỏng như tờ giấy, bọc bên ngoài viên gạch. Công nghệ xây dựng này rất thường thấy ở Miến Điện, nên ngẩng đầu lên nhìn chỉ thấy những tòa tháp vàng cao chọc trời, mà bên ngoài chính là lớp giấy vàng, nhìn từ đằng xa lấp lánh rực rỡ, sừng sững huy hoàng. Thế nhưng, nếu muốn tính riêng số vàng và đá quý bao bọc ở bề mặt, thì cũng chẳng thể biết chính xác rốt cục người Chăm Pa đã sử dụng bao nhiêu châu báu nữa.
Sau khi mạch nước trong khe núi biến mất, lòng núi bỗng dưng mọc lên cây thần Udumbara cổ xưa, nó dần dần bao trùm kín mít toàn bộ tòa thành Nhện Vàng dưới lòng đất, rồi từ đó sương mù bủa vây khắp nơi. Người Chăm Pa lại phá hủy toàn bộ những kiến trúc cổ đại còn sót lại trên mặt đất, đồng thời để lại lời nguyền độc địa: mãng xà và tháp cổ sẽ bảo vệ vĩnh viễn những bí mật của vua Anagaya, kẻ nào có ý đồ nhòm ngó kho báu của vương triều Chăm Pa, đôi cánh tử thần sẽ giáng xuống đầu kẻ đó.
Về sau, vương triều Chăm Pa quả nhiên dần dần suy vong, có điều dân tộc cổ xưa này vẫn còn chút thế lực nhất định ở phía bắc Việt Nam và Lào, thậm chí có thể nói, mấy trăm năm trở lại đây, cả lịch sử Việt Nam chính là lịch sử giao chiến giữa người Việt và người Chăm. Mãi đến ngày nay, hậu duệ người Chăm Pa vẫn còn rơi rớt lại ở hai đất nước này. Do ngày dài tháng rộng, họ dần dần cũng quên mất cội nguồn của chính mình, chẳng thể giải mã nổi ám hiệu của tiền nhân để lại, duy có một vài truyền thuyết cổ quái ly kỳ là vẫn lưu truyền cho đến giờ. Truyền thuyết nói: "Tòa thành cổ chìm sâu dưới lòng đất, rắn bay xuyên qua, sương mù bủa vây khe núi", nhưng chẳng ai có thể giải thích rõ ràng rốt cục đó là lời tiên tri hay ám thị.
Sương mù trong khe núi Dã Nhân sinh ra bởi thực vật dưới lòng đất. Tương truyền, đài hoa dạng sương mù Udumbara tuy sợ nước, nhưng với địa hình đặc thù của sơn cốc, nếu chẳng phải mưa lớn cuồng phong khiến lũ lụt kéo về đột ngột, thì cũng rất khó có thể xua tan được đám sương mù. Trong khi đó người Chăm Pa lại đào một huyệt động hình bụng rắn ở phần đáy tòa cổ thành, đồng thời cài đặt rất nhiều hố cát ngấm nước suốt dải rừng; nước tụ thành dòng ở đáy động, hàng tượng đá dọc hai bờ sông đều há miệng rỗng bụng, tất thảy đều liên quan đến bùn cát dưới đáy thành cổ, nó có tác dụng điều chỉnh mực nước, mà