Ma Vực Lâu Lan là tên tập 2 của bộ sách Mê Tông Chi Quốc, bộ tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm dài kỳ, của tác giả được ca ngợi là nhà văn có trí tưởng tượng phong phú bậc nhất trong dòng văn học thám hiểm, kinh dị Trung Quốc - Thiên Hạ Bá Xướng . Anh là tác giả của bộ truyện Ma Thổi Đèn - bộ tiểu thuyết được truyền bá rộng rãi nhất ở Trung Quốc, chỉ sau những tác phẩm võ hiệp của Kim Dung.
Nhân vật chính trong Mê Tông Chi Quốc là đội thám hiểm gồm Tư Mã Khôi, Hải ngọng và những người bạn. Họ vào núi Dã Nhân, nhận nhiệm vụ tìm kiếm một bảo vật thần bí chôn sâu dưới lòng đất, và từ đó mở ra cuộc phiêu lưu kỳ lạ, đầy mạo hiểm với đường ranh sinh tử vô cùng mỏng manh.
Câu chuyện bắt đầu bằng một cơn bão nhiệt đới sắp đổ bộ, một con đường u linh đã sớm bị người đời lãng quên, một chiếc bóng máy bay ma mị, một tổ chức thần bí như người tàng hình, tất cả đã hé mở cánh cửa di tích của một nền văn minh cổ đại sớm bị cát bụi khỏa lấp. Trong màn sương mù giữa núi sâu vùng Bắc Miến, nơi không một người nào bước vào mà còn sống sót trở về, ẩn náu bao sinh vật vừa đáng sợ vừa kỳ lạ chưa từng được biết đến như: thần mãng xà khổng lồ, đỉa Campuchia ăn thịt người, rồng Komodo đầy dịch độc, rắn bay nuốt chửng sinh mệnh mai phục trong sương, cổ sinh vật phun khói đặc... và cả tòa thành cổ của vương triều Chăm Pa vùi sâu dưới lòng đất với hàng loạt ẩn số lịch sử bị che đậy từ bao năm... Vào khoảnh khắc đội thám hiểm tiếp cận được bảo vật, thì một chiếc bóng bỗng dưng xuất hiện, hắn từng bước dẫn đội thám hiểm vào vùng đất cấm bị nguyền rủa ngàn năm...
Cuộc phiêu lưu thứ hai mở ra, khi đội thám hiểm của Tư Mã Khôi chấp nhận trở thành đội quân cảm tử thâm nhập lòng đất, để tìm hiểu những bí mật về kính viễn vọng Lopnor do Liên Xô đào từ năm 1958. Tại đây họ ngẫu nhiên biết được những bí mật về cực vực Lâu Lan thần bí mà các nhà khảo cổ không dám công khai. Nơi đó cơ hồ là tận cùng của thế giới, nơi thời gian ngưng tụ, người chết sống lại, người mà không phải người... Khi đội thám hiểm thoát khỏi vòng hiểm nguy thì lại sa chân vào một vòng hiểm nguy khác đáng sợ hơn. Họ rơi vào chiếc hộp thời gian, nơi đó họ gặp một người đáng lẽ đã chết từ 5 năm trước và Tư Mã Khôi đã lỡ miệng tiết lộ một thiên cơ lẽ ra không được phép tiết lộ... Họ phát hiện ra một nền văn minh còn cổ xưa hơn cả nền văn minh Chăm Pa, một đất nước còn cổ đại hơn cả Lâu Lan, một thần vật khiến người ta coi trọng hơn cả báu vật...
Bằng những câu chuyện tràn đầy sóng gió bão táp với những bí kíp cổ xưa, những di tích thần bí, bằng tình bạn cảm động giữa những người đồng đội sẵn sàng sống chết vì nhau và sự cảm nhận sinh tử vô thường, bằng ngôn ngữ hài hước tinh tế, những kiến thức dân gian phong phú nhiều màu sắc, Mê Tông Chi Quốc đã thu hút độc giả từ những chi tiết đầu tiên cho đến những dòng chữ cuối cùng. Tác giả Thiên Hạ Bá Xướng đã kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố thần bí trong văn hóa phương Đông và những khái niệm văn hóa hiện đại của nhiều nơi trên thế giới trong tác phẩm của mình, phong cách đó không chỉ làm nên điểm độc đáo cho Mê Tông Chi Quốc mà còn tạo cho tác giả một cõi giang hồ riêng biệt.Chương 1 - Nhiễu động thời trong
Hồi thứ nhất: Tá thanh hoàn hồn (1)
Xuồng cao su luẩn quẩn lượn trong sương mù mấy vòng, nhiên liệu của động cơ dần dần cạn kiệt, nhưng tứ bề vẫn mênh mông nước, mặt nước đen ngòm im lìm không chút động tĩnh, màn sương khí sâu hun hút dường như trải dài vô tận.
Trong dải sương lạnh mênh mang ấy, bốn người ngồi trên xuồng nhưng không thể nhìn thấy gương mặt đối phương mặc dù ở ngay sát cạnh. Cảm giác mất phương hướng khiến mọi người đều sợ tái mặt, đang định nghĩ cách thoát hiểm, thì Tuyệt đột nhiên nói: “Ở đây cơ bản không hề tồn tại phương hướng, bởi vì bản thân sương mù đã là điểm cuối.”
Tư Mã Khôi hiểu điểm cuối mà Tuyệt muốn ám chỉ, có lẽ mang hàm ý cái chết, nhưng sao cô lại nói vậy?
(1) Tá thanh hoàn hồn: mượn âm thanh để hoàn hồn, người chết không nhìn thấy xác mà chỉ có âm thanh vọng tới người sống.
Hay nơi sâu trong đám sương mù rộng không bờ bến này, chính là vương quốc của thần chết mà các truyền thuyết Chăm Pa đã nhiều lần nhắc đến?
Tuyệt đưa cho Tư Mã Khôi chiếc máy điện đàm không dây đang cầm trong tay, rồi nói: “Từ lúc xuồng bắt đầu đi vào sương mù, cái máy bộ đàm này lại thu được loạt tín hiệu lai lịch không rõ ràng.”
Tư Mã Khôi cầm lầy chiếc máy từ tay Tuyệt, vừa nghe cô kể lại chuyện xảy ra lúc trước, mới biết trong lúc mọi người bổ sung trang thiết bị lần thứ nhất, Ngọc Phi Yến tìm thấy một máy bộ đàm chiến thuật không dây hiệu PRS 25/77 do Mỹ sản xuất trong chiếc Rắn đen II của đội thám hiểm Anh. Tuy ở sâu trong huyệt động cách biệt với thế giới bên ngoài, thì vật này không có chút tác dụng gì, nhưng Ngọc Phi Yến lại sợ sau khi thoát khỏi núi Dã Nhân, giữa biển cây rừng ngút ngàn mênh mông, nếu không có phương liên lạc xin cứu viện, thì e rằng cả hội cũng khó lòng đi qua nổi. Bởi vậy, bất kể hoàn cảnh gian nan đến đâu, cô vẫn cương quyết giữ chiếc máy bên mình. Có điều lúc khí mêtan bốc cháy, vỏ hộp ngoài cũng bị hư hỏng khá nặng, nên nó luôn ở trong trạng thái mở và không tắt được, chẳng biết pin còn có thể duy trì được bao lâu.
Mãi đến khi mọi người trèo lên xuồng cao su, Ngọc Phi Yến mới dỡ xuống đặt bên cạnh mình. Tuyệt nghe thấy có tiếng phát ra từ chiếc máy điện đàm, hơn nữa bất kể thay đổi tần số thế nào, cũng chỉ thu được những tạp âm như thể nó được phát ra từ thế giới bên kia. Có lẽ chiếc máy điện đàm này trước đây đã bị người ta cố ý cải tiến chức năng, nó không được sử dụng để thu phát những tín hiệu thông thường, mà chỉ đặc biệt thu nhận một tần số duy nhất – tần số u hồn.
Tuyệt nhớ lại lúc mọi người bị trượt xuống đáy khe núi, bất ngờ bị sương mù dày đặc bủa vây hoàn toàn, đúng lúc nguy cấp đó thì Nấm mồ xanh dùng sóng điện và tín hiệu pháo sáng dẫn đường cho mọi người đi vào đường hầm bụng rắn, nhờ vậy cả hội mới tạm thời thoát hiểm.
Nhưng khi hội Tư Mã Khôi chạm trán Nấm mồ xanh, thì phát hiện đối phương không hề mang theo máy điện đàm, hơn nữa hắn ta cũng nói rõ chỉ sử dụng tín hiệu pháo sáng để liên lạc, giờ nghĩ lại mới thấy tình hình hiện tại vô cùng bất thường.
Tư Mã Khôi đặt ống nghe áp sát tai, chỉ nghe thấy trong đó phát ra những tạp âm “xè xè xè”, lẫn cả những tiếng nói không rõ ràng, như thể giọng của linh hồn đen tối đang lởn vởn trong sương lạnh tự lẩm bẩm một mình. Tư Mã Khôi cảm thấy vô cùng khó hiểu, liền hỏi Tuyệt: “Cô có nghe được họ nói gì trong đó không?”
Tuyệt lo lắng bảo: “Tôi cũng không hiểu lắm, hình như đối phương muốn nói với chúng ta, trong sương mù không có phương hướng…”, cô nhíu mày nghĩ một lát, rồi nói tiếp: “Lúc không có sương mù, thì tín hiệu hoàn toàn rơi vào trạng thái tĩnh lặng, nhưng chỉ cần xung quanh xuất hiện sương khí, thì sóng điện mang tạp âm lại dần dần trở nên rõ ràng hơn, không hiểu sao lại như vậy được?” Hải ngọng nói chen vào: “Cái máy rách này theo chân chúng ta lúc rơi lúc đập, bị hành hạ đến khổ, không chừng ốc vít hỏng hết cả, cũng có thể là do một âm hồn mất đầu nào đấy không thể siêu thoát nổi ám vào nó, dù sao nó đã muốn kêu thì cứ mặc cho nó kêu đi, chúng ta để ý làm gì. Chỉ cần trong lòng ta tự coi mình là ông nội, thì vạn sự chỉ là lũ cháu chắt cả thôi.”
Tư Mã Khôi cho rằng tuy lai lịch của tín hiệu này rất quái dị, nhưng chắc không phải do Nấm mồ xanh phát ra, bỏi vì hắn ta không mang theo máy điện đàm trên người, ngoài ra, nếu hắn có thể liên lạc với mọi người thông qua sóng điện thì chắc chắn sẽ không mạo hiểm lộ diện và phơi bày thân thế của mình. Có thể trong sương mù còn tồn tại một vật gì khác nữa, vả lại tín hiệu chưa hẳn đã phát ra từ một chiếc máy điện đàm khác.
Tư Mã Khôi không dám khinh suất. Anh bảo Hải ngọng tập trung tinh thần giương súng cảnh giới, giữ chặt đèn trước xuồng, chú ý động tĩnh xung quanh, sau đó cùng Tuyệt cẩn thận nghe lại giọng nói phát ra từ chiếc máy điện đàm thêm một lần nữa.
Ngọc Phi Yến đứng bên cạnh hỏi Tư Mã Khôi: “Anh bảo trong sương mù còn tồn tại một vật khác, nhưng Udumbara sản sinh ra sương mù dưới lòng đất đã bị khí mêtan thiêu cháy hoàn toàn, vả lại ở nơi có nước chăc chắn sẽ không có sương mù, vậy tại sao sương khí gân đây càng lúc lại càng dày đặc hơn? Và sóng điện trong sương mù phát ra từ đâu vậy?”
Tư Mã Khôi suy đoán: “Đây là khí ẩm phát sinh do nước tù trong lòng hồ ngầm quá sâu tạo nên, có lẽ nó không giống với sương mù do Udumbara sản sinh.”
Trước đây, Tư Mã Khôi từng nghe anh Thiết Đông kể lại một vài chuyện liên quan đến thông tin liên lạc, anh lại nói với Ngọc Phi Yến: “Tôi chỉ biết, trong chiến tranh Việt Nam, quân Mỹ có sử dụng một loại máy điện đàm không dây có tính năng rất ưu việt, công suất cực cao, có thể mang theo bên mình, đồng thời còn lắp đặt hệ thống cộng hưởng băng tần kép, sử dụng được ở cả những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất; sau khi cải tiến ống nghe, nó không chỉ thu được tất cả tần số như địa sóng, thiên sóng, thậm chí trong một vài điều kiện đặc thù, nó còn có thể thu được… những giọng nói vốn dĩ không thuộc về thế giới này.”
Ngọc Phi Yến không xa lạ với thông tin vừa được nghe, bởi vì lòng đất có khả năng hấp thụ sóng điện từ rất mạnh, cho nên ngay từ đầu những năm năm mươi, các nhà khoa học Mỹ đã lợi dụng địa sóng để tiến hành liên lạc với vong hồn những người đã khuất, có điều sau đó có thành công hay không thì cô không được biết. Lẽ nào tạp âm mà chiếc máy điện đàm không dây thu được, lại đúng là lời thì thầm của những vong hồn trong sương mù? Tòa thành Nhện Vàng của vương triều Chăm Pa có phải là con đường dẫn đến vương quốc của tử thần không? Chẳng lẽ màn sương đen mênh mông này chính là chiếc bóng của đôi cánh thần chết hay sao?
Tư Mã Khôi biết vương quốc thần chết trong truyền thuyết Chăm Pa, đại khái cũng giống với thành hàm oan trong quan niệm của người Trung Quốc, nhưng chẳng ai rõ cõi u minh đó rốt cục có tồn tại hay không. Bởi vậy, nhất thời anh cũng khó lòng phán đoán tình hình hiện tại cả hội đang gặp phải là gì, chỉ có thể đặt ra giả thiết: “Nếu tín hiệu thần bí mà chiếc máy bộ đàm không dây thu nhận được, quả thực là u hồn trong sương mù mượn âm hoàn hồn, thì giờ đây chúng