Do đồng hồ và các thiết bị đo thời gian đều bị hỏng, nên mọi người hoàn toàn mất căn cứ đế phán đoán thời gian một cách chuẩn xác, chỉ có thể dựa vào đồng hồ sinh học cơ thể con người để phân tích tình hình. Sau khi nối liên lạc được với bộ chỉ huy, mới biết thời gian chiếc máy bay bị mất tích trên không vực sa mạc chí ít cũng phải kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Ilyushin-12 rốt cục đã xảy ra sự cố gì trong quá trình bay? Nó gặp phải vật gì giữa tầng cao muôn trượng ấy? Trong thế giới quan của chủ nghĩa duy vật, không một luận cứ khoa học tuyệt đối nào có thể giải thích hoàn toàn thỏa đáng cho một hiện tượng.
Sự cố hàng không quái dị năm đó, mãi sau này người ta vẫn không thể suy đoán được nguyên nhân thực sự của nó, mà chỉ có thể tạm thời loại trừ nhân tố thời gian. Trong các báo cáo, các nhà khoa học đã đưa ra một dự đoán mang tính khả năng: Năm 1949, có một chiếc máy bay đi từ Trùng Khánh đến Urumqi, bị mất tích trên hành trình bay; khoảng mười năm sau, có người thấy xác nó xuất hiên ở phía đông sa mạc Lopnor, toàn bộ nhân viên và hành khách trên chuyến bay đều chết hết, chiếc máy bay này cũng đột ngột thay đổi lộ trình và bị rơi xuống khu vực mà nó căn bản không thể nào đi qua.
Những sự cố tương tự như vậy còn xảy ra vài lần nữa và chính vì vậy mà các nhà khoa học suy đoán lúc chiếc Ilyushin-12 gặp phải sự cố trên không, cũng là lúc trời trong vạn dặm, đồng thời xuất hiện chuỗi âm thanh giống như tiếng sấm rền, điều đó có nghĩa là dòng không khí nhiễu động đã va chạm vào nhau hình thành các huyệt khí, còn gọi là nhiễu động khí hay nhiễu động trời trong . Nhiễu động khí xuất hiện do các luồng không khí nhiễu động đâm vào nhau tạo nên các vũng xoáy dao động cực lớn. Nó không tồn tại dưới dạng vật chất, cũng không có hình dạng hữu hình, nên không thể nào tiên liệu trước được, các phi hành gia càng không thể dùng mắt thường mà phán đoán sự xuất hiện của nó một cách chính xác được.
Có thể ở trên không vực rộng lớn khoáng đạt, như vùng sa mạc Kumtag, sa mạc Lopnor hay sa mạc Taklamakan, đều tôn tại vùng nhiễu động khí, và các thành viên trên máy bay đều cảm thấy khoảnh khắc mình bị mất ý thức, dường như chỉ kéo dài trong tích tắc ngắn ngủi, nhưng có khả năng cảm nhận đó chỉ là ảo giác, còn trên thực tế, khoảng thời gian ấy đủ để không khí trên cao đẩy chiếc Ilyushin-12 dạt xa đến tận vùng cực tây của sa mạc Kumtag.
Giáo sư Thắng Thiên Viễn có kinh nghiệm rất phong phú về thám hiểm sa mạc, ông là chỉ huy trưởng đội khai quật khảo cổ. Ông nhận định điểm hạ cánh hiện tại cách viền tây nam của sa mạc Lopnor không xa lắm, nhờ vào các thiết bị và bản đồ mang theo, nên vẫn có thể đi bộ đến khu vực dự định và tiếp tục chấp hành nhiệm vụ. Bởi thế, ông hạ lệnh: chỉ những thành viên bị thương và tổ lái ở nguyên vị trí chờ cứu viện, còn lại những thành viên khác vẫn tiếp tục lên đường.
Lãnh đạo cấp trên trả lời điện báo bằng chỉ thị: “Về cơ bản, các đồng chí đánh giá tình hình hiện tại tương đối chính xác, quyền chủ động vẫn nằm trong tay các đông chí, trong sa mạc có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm, tổ chức mong các đồng chí tự tìm cách khắc phục”.
Sau khi giáo sư xác nhận mệnh lệnh của cấp trên, ông bố trí cho các thành viên bị thương ở lại đợi, rồi khoác trang thiết bị dẫn đoàn tiến vào sa mạc mênh mông, nhưng khi xuyên qua vùng Đại Sa Bản, họ gặp phải thời tiết khắc nghiệt khiến chuyến hành động này buộc phải dừng lai giữa chừng. Giáo sư Thắng Thiên Viễn cũng không may mắc bệnh nặng ngay trên sa mạc, nên trở về Bắc Kinh không lâu thì qua đời. Chuỗi sự việc đó phải chăng chỉ là sự ngẫu nhiên? Hay là điều tất yếu? Tất cả còn phải xem anh đứng ở góc độ nào để lý giải nó, có thể trong cõi u minh quả thực tồn tại một sức mạnh vô hình đáng sợ nào đó đang muốn ngăn cản con người làm rõ lại quãng quá khứ đã sớm biến mất dưới lớp cát sa mạc hàng ngàn năm về trước.
Còn lão Lưu Hoại Thủy, do bị gãy xương sườn khi chiếc Ilyushin-12 tiếp đất, nên không thể cùng đoàn tiếp tục hành động, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy số mình hên vô cùng. Lão nói với Tư Mã Khôi và Hải ngọng: “Xem ra kiếp này lão Lưu tôi không có phước được ngồi máy bay rồi. Từ nay về sau, cho dù có người kề súng vào sau gáy ra lệnh, tôi cũng không dám ngồi lên con chim sắt đó thêm lần nào nữa đâu.”
Lão Lưu Hoại Thủy cũng nhận ra tâm sự của Tư Mã Khôi, bèn nói: “Bát lão gia, tôi thấy hình như nhị vị lão gia rất quan tâm đến chuyện của ông chủ Viễn, giữa các vị có mối giao tình gì à? Nếu thật thế, thì tôi đây cũng vừa hay có một con đường đi được đấy!”
Dưới sự quan tâm của các vị lãnh đạo cấp quốc gia, năm trước ngành khảo cổ đã tổ chức thành công công tác khai quật khu mộ Tiểu Hà. Khu mộ này nằm trong sa mạc Lopnor, cách vùng hạ lưu sông Khổng Tước chừng 60km về phía Nam. Các nhà khảo cổ đã khai quật được một lượng lớn văn vật quý giá, cùng một thi thể phụ nữ từ thời Hán được bảo toàn nguyên vẹn. Phát hiện về xác ướp hai ngàn năm trước đã gây chấn động đến cả thể giới. Các hãng báo lớn như nhật báo Nhân dân, nhật báo Quang Minh, báo Giải phóng quân… đều giật tít chữ thật to ngay trên trang nhất, cùng với bức ảnh chụp xác ướp.
Yì thế ngay từ khi khai xuân năm nay, người ta lại tiếp tục phóng thích hàng loạt thành phần có quyền lực trong giới học thuật phản động, đồng thời tạm thời phục hồi chức vị cho họ, chỉ có điều tội danh trước đây vẫn không được xóa bỏ, một trong số họ có nhà khảo cổ kiêm địa chất học Tống Tuyển Nông. Trước đây, giáo sư Tống Tuyển Nông là đồng nghiệp với giáo sư Thắng Thiên Viễn, ngoài đời hai người còn là bạn rất thân, nhưng giờ đây không có ai gọi giáo sư Tống Tuyển Nông theo hàm hiệu học vị, mà vì ông bị hói đầu, nên mọi người đều gọi ông bằng biệt hiệu bác Nông địa cầu.
Bên mình giáo sư Thắng Thiên Viễn có một cuốn sổ công tác, luôn được cất giữ bí mật, không cho ai biết, bên trong ghi chép toàn bộ các sự kiện trọng yếu trong cuộc đời hoạt động thám hiểm và khảo cổ của mình. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, giáo sư đã mang cuốn sổ được niêm phong kín trong túi hồ sơ đặt trên giường bệnh, đưa cho Lưu Hoại Thủy, và bảo lão hãy trao nó lại cho ông Nông địa cầu, đồng thời giáo sư còn dặn dò lão tuyệt đối không được mở ra xem trộm.
Lúc đó, bác Nông địa cầu lại đi công tác ở Cam Túc, khi trở về thì người bạn thân đã từ giã cõi đời. Sau này, Lưu Hoại Thủy đem cuốn sổ ghi chép giao tận tay bác Nông địa cầu, lúc giáo sư giở trang đầu tiên, lão có liếc mắt nhìn trộm, chỉ thấy bên trong viết bốn chữ “Yêu nhĩ Lâu Lan”, cũng không rõ bốn chữ đó ngầm ám chỉ điều gì, chỉ thấy giáo sư Nông địa cầu biểu lộ nét mặt rất đỗi kinh ngạc: “Cái ông Viễn này, đúng là gan to coi trời bằng vung…”, nói đoạn ông vội vàng lướt mắt từ đầu đến cuối một lượt, đọc xong liền châm lửa xé từng trang ra đốt ngay trước mặt lão, cả cuốn sổ cháy thành tro bụi.
Sau này, vì tò mò nên Lưu Hoại Thủy có vài lần dò hỏi về nội dung cuốn sổ, nhưng bác Nông địa cầu miệng kín như bưng, không tiết lộ nửa lời, đã thế lần nào giáo sư cũng cảnh cáo lão: “Việc này thuộc phạm trù cần bảo mật tuyệt đối, những việc không nên hỏi thì tốt nhất anh chớ hỏi nhiều, những việc không nên nhìn thì hãy tránh nhìn, càng biêt nhiều thì anh càng gặp nhiều nguy hiểm hơn thôi.”
Lưu Hoại Thủy không muốn chuốc họa vào thân, nên đành dập tắt ý định đó, từ đó trở đi, lão không tìm hiểu sâu thêm về việc này nữa.
Sau khi đại Cách mạng Văn hóa bùng nổ, bác Nông địa cầu cũng không thể thoát tội, giáo sư bị đẩy xuống vùng nông thôn tham gia cải tạo lao động, mãi đến mùa hè năm nay mới được trả về và bố trí vào một đội trắc họa để chủ trì công việc. Nhiệm vụ chủ yếu của phân đội này là tìm kiếm các quặng vàng ở Tân Cương, suốt dải chiều dài từ cực tây sa mạc Lopnor đến vùng Đại Sa Bản trên sa mạc Kumtag, trước đây từng là sông Sa Bản huyền bí. Trong lịch sử có hai dòng Sa Bản chảy ở hai đầu nam bắc, một dòng quấn quanh thành cổ Lâu Lan, ven sông là những hồ muối đan cài hình xương cá và địa mạo Nhã Đan(1) với đủ hình thù kỳ quái, còn dòng thứ hai bắt nguồn từ núi A-erh-chin, nó là dòng sông ngầm đi xuyên qua núi cát. Trong nhiều tài liệu địa lý miêu tả mạch núi thế sông, các học giả cho rằng sông Sa Bản ở hai đầu nam bắc là một dòng sông chảy thông suốt, nhưng trên thực tế, đó là hai dòng sông tách biệt không hề liên quan với nhau.
Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hạn hán ngày càng trở nên trầm trọng, nên dòng sông ngầm cũng dần dần bị dòng cát cuồng loạn chạy trên sa mạc nuốt chửng. Theo các ghi chép địa lý cổ, lòng chảo sông Sa Bản lắng đọng bụi vàng, dưới lòng đất thậm chí còn có một mỏ vàng rất lớn, nhưng nơi này lại thuộc khu vực trắng trên bản đồ, một năm bốn mùa gió cát lũng đoạn không dứt. Do điều kiện vô cùng khắc nghiệt, vì thế có muốn tiến hành công tác trắc họa từ trên không cũng không được, mà chỉ những chuyên gia tinh thông địa lý thời tiền Tần thì mới có thể dẫn đội quân trắc họa tìm kiếm mỏ vàng đã bỗng dưng biến mất từ nhiều năm trước. Trước mắt, mọi người phải xác định được vị trí tương đối, xác định các thông số đo lường có liên quan như kinh độ, vĩ độ, địa hình cụ thể, độ cao so với mực nước biển của sông Sa Bản; sau đó các phân đội khác nhau như địa lý thăm dò, vật lý thăm dò, khoan thăm dò mới có thể đi sâu tìm hiểu các thông số chi tiết.
(1) Địa mạo Nhã Đan: một hình thái điển hình của địa mạo phong thực, bề mặt đất đá bị gió bào mòn.
Giáo sư Nông địa cầu là chuyên gia có kiến thức rât uyên bác và rộng lớn trên nhiều lĩnh vực. Trước Cách mạng Văn hóa, giáo sư kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông không chỉ am hiểu lịch sử Tây Vực cổ, mà còn là chuyên gia về lĩnh vực địa chất, sinh vật và hoa học. Tuy nhiên phần lớn hiểu biết đó chỉ dừng lại ở nhưng nghiên cứu trên sách vở, nói suông thì còn được chứ khi phải thực chiến trên trận địa, bước chân vào sa mạc Gobi giữa gió cát vần vũ, thì ông cũng cảm thấy ớn người. Nghe nói, phân đội mà giáo sư Thắng Thiên Viễn phụ trách năm 1963, cũng từng dự định tiến vào vùng ven sông Sa Bản, bây giờ giáo sư Nông địa cầu phải tiếp tục thực hiện nốt nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành khi đó.
Trước giải phóng, lão Lưu Hoại Thủy từng nhiều lần vào sâu trong đại sa mạc Hồi Cương, giúp các nhà thám hiểm Anh tìm kiếm thành cổ Viên Sa(2), làm bao nhiêu chuyện thất đức, thậm chí còn bán đứng bảo vật quốc gia, sau khi bác Nông biết chuyện, liền bảo lão làm trợ thủ cho mình, cùng ông đến sa mạc Lopnor.
Tuy hiện giờ lão Lưu Hoại Thủy cũng chỉ nhận được đãi ngộ của nhân viên tạp vụ, nhưng với lão, lương lậu bao nhiêu có quan trọng gì đâu, lão cũng không kỳ vọng vào hai mươi mấy đồng bèo bọt ấy. Dưới khẩu hiệu: “công nông binh lãnh đạo tất cả”, thì cái mác giai cấp công nhân vô tình trở thành chiếc ô che chắn vô cùng an toàn cho lão, giúp lão nẫng được không ít món hời. Lão từng đổi được một chiếc bình gốm hoa quý giá thời Nguyên Thanh bằng một xe ba bánh rau cải thảo, ban đêm ngủ mơ vẫn còn thấy sướng, thế thì lão tội gì mà lao đầu vào sa mạc Gobi chịu khổ.
(2) Thành cổ Viên Sa: Là tòa thành cổ có niên đại sớm nhât được phát hiện ở Tân Cương. Nó được xây dựng cách đây hơn hai ngàn năm, ở thôn Đại Hà Diên, huyện Vu Điền.
Thông qua một số kênh nội bộ, lão biết được một tin trong thời gian cải tạo lao động, bác Nông địa cầu vẫn không ngừng viết báo cáo gửi cho cấp trên, mà nguyên nhân khiến giáo sư viết đơn đề nghị cấp trên cho phép dẫn đoàn tiến vào sa mạc Gobi thì lại có liên quan đến cuốn sổ công tác của giáo sư Thắng Thiên Viễn, mà ông từng đọc trước đây. Bởi vậy, lão Lưu Hoại Thủy phỏng đoán lần hành động này tuyệt đối không chỉ đơn giản là trắc họa sông Sa Bận, nhưng nội tình cụ thể thế nào thì lão chưa dò hỏi sâu sát được.
Có điều, lão cũng không dám đắc tội quá đáng với giáo sư Nông địa cầu. Vì trong thời điểm này, ai cũng sợ xanh mặt nếu bị vạch trần hoặc kiểm điểm, ngộ nhỡ giáo sư lại khai tuốt tuột mọi hành vi phản quốc từ trước đến giờ của lão, thì cho dù không đủ chứng cứ cũng vẫn khiến lão vào nhà đá như chơi, thậm chí nếu hành vi đó còn hệ lụy đến các vấn đề khác, thì có khi đến mười cái đầu cũng phải chuyển nhà ấy chứ. Bởi thế nên lão cứ kiếm cớ lần lữa hết ngày này sang ngày khác, dền dứ mãi không chịu lên đường.
Hôm nay, lão gặp được Tư Mã Khôi liền thanh minh minh đã có tuổi, chỉ sợ cái thân già này nếu phải chui vào sa mạc thì chắc chẳng có ngày lê nổi chân ra, trong khi đó Tư Mã Khôi lại là chân truyền Kim Điển, tinh thông cổ thuật tướng vật, có thể đảm nhiệm phần công việc này. Nên chỉ cần là người mà lão đứng ra đảm bảo, thì giáo sư Nông chắc chắn sẽ lác mắt kinh ngạc. Vả lại, theo quy định quốc gia, mỗi ngày đi công tác ở bên ngoài đều được lĩnh một đồng tiền trợ cấp, như thế một tháng đã có ba mươi đồng, cộng thêm với lương hàng tháng hai mươi tám đồng, số tiền đó đối với người bình thường thì cũng không phải ít ỏi gì. Lão Lưu Hoại Thủy còn hứa hẹn, nếu Tư Mã Khôi và Hải ngọng chấp nhận đi thay lão chuyến này, thì cá nhân lão sẽ tình nguyện trả thêm ba trăm đồng nữa để biểu thị lòng cảm ơn.
Tư Mã Khôi không thể xác định trong cuốn sổ ghi chép – mà giáo sư Thắng Thiên Viễn để lại, có manh mối gì liên quan đến Nấm mồ xanh hay không, nhưng bây giờ người duy nhất có thể lý giải nội tình, e rằng chỉ có một mình giáo sư Nông mà thôi. Thế nhưng theo lời lão Thủy ma trống thì do việc này can hệ đến một số điều lệnh bảo mật, nên chắc chắn rất khó moi được thông tin từ cái miệng kín như bưng của giáo sư địa cầu, xem ra việc này đúng là dục tốc bất đạt.
Vả lại, Tư Mã Khôi và Hải ngọng cũng cảm thấy tiếp tục sống những ngày lang thang tạm bợ ở khu Hắc Ốc cũng chẳng có ý nghĩa gì, nên nhân cơ hội này có thể ngắm nhìn phong cảnh đại sa mạc Gobi cũng không phải ý tồi. Tư Mã Khôi cũng đọc vị được lão Thủy ma trống dường như rất nóng lòng muốn tìm người thay mình chịu trận chứ không lão đã chẳng chìa ngay tiền ra cửa miệng, trước mắt đúng là cơ hội thấy gió thì phải bẻ măng, lúc này không đá đít lão cáo già ấy một cú, thì còn đợi lúc nào nữa? Thế là anh bèn ra điều kiện: “Lưu sư phụ ạ, tôi cũng niệm tình hai gia đình chúng ta tòng qua lại thân thiết bao nhiêu đời nay, nên sao có thể ngồi yên không giúp ông bác việc này được? Nhưng cái giá khi nãy ông bác vừa đưa ra không được thỏa đáng lắm.
Bởi vì lời ngoài ý trong của ông bác, tôi đọc vị được hết rồi. Cái chuyến công tác mà ông bác vừa nói đấy, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là cái mạng nhỏ của tôi sẽ chu du đến Quỷ Môn Quan ngay tức khắc, và nếu thế thì món tiền ba trăm bạc của ông bác cũng chẳng đến được tay bọn tôi. Bây giờ thế này, tôi và Hải ngọng