Trong lần đột phá vòng vây ác liệt sau cùng, vai trái của Tư Mã Khôi bị mảnh lựu đạn cầm tay găm vào trọng thương, mảnh đạn tuy không lớn lắm nhưng đâm sâu vào tận xương khiến máu không ngừng chảy ra, may mà La Đại Hải quên mình lao ra cõng anh quay trở về mới giữ được mạng sống. Có điều trong rừng rậm núi sâu thế này lại thiếu thốn thuốc men nên không đủ điều kiện để làm phẫu thuật.
Tuyệt là người duy nhất trong đội du kích am hiểu về y thuật. Cô là người Hồ Nam, thân hình gầy guộc, tâm địa lương thiện, ưa sạch sẽ, cho dù lâm vào tình cảnh trốn vào rừng sâu núi thẳm tháo chạy khỏi tay bọn lính truy sát thì cô vẫn cố gắng thu vén để bản thân trông gọn gàng ngăn nắp nhất có thể. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô cũng lên rừng núi, xuống nông thôn như bao thanh niên trí thức khác, đồng thời cũng là một trong những thành viên theo chân anh Thiết Đông trốn chạy khỏi Vân Nam năm đó. Trong quá trình tham gia cải tạo lao động, cô từng làm bác sĩ bấm huyệt chân, vì thế hiểu được đôi chút về cách điều chế thuốc, đặc biệt cô có tài nắn xương cho người khác.
Cố nội nhà cô tên là Tô Lão Nghĩa, cụ là một tín đồ theo đạo Thiên chúa, hiểu biết khá nhiều về tiếng tây, thời Dân Quốc, cụ còn học được mấy tuyệt chiêu thủ thân từ người Pháp. Ngoại trừ nội khoa và ngoại khoa ra, cụ còn học được món kỹ thuật nắn xương. Nếu có ai bị thương gẫy xương, cụ Tô Lão Nghĩa chẳng cần phẫu thuật, mà chỉ cần dùng tay nắn nắn mấy cái là biết ngay thương thế nặng nhẹ ra làm sao, ví dụ như gẫy mấy chiếc xương, mức độ gẫy nghiêm trọng đến mức nào. Sau đó cụ nắn hai xương vào nhau cho thật khớp rồi đắp thuốc lên trên, lấy thanh gỗ hoặc nẹp tre nẹp chắc, lại dùng băng vải cuốn chặt xung quanh, cuối cùng cụ cho bệnh nhân uống mấy viên thuốc. Kẻ bị thương sau khi được cụ chữa trị sẽ hồi phục như trước, không để lại bất kỳ dấu hiệu tàn phế nào, ngay cả những hôm trái gió trở trời cũng chẳng hề bị đau nhức.
Tuyệt có thể coi là truyền nhân dòng họ Tô, cô được truyền thụ lại kỹ thuật nắn xương nổi tiếng của gia đình, nhưng trong thời gian diễn ra cách mạng văn hóa, cô cũng bị liên lụy bởi cố nội, vì thế chưa kịp trở thành bác sĩ quân y, cô đã bị đẩy xuống vùng nông thôn khi chưa tròn mười sáu tuổi. Năm đó anh Thiết Đông thấy cô còn ít tuổi, thân hình lại gầy gò, mỏng manh nên thường làm giúp những công việc nặng nhọc cần dùng nhiều đến sức lực, sau đó mọi người chạy trốn khỏi Vân Nam cũng dẫn cô theo cùng. Bắt đầu từ ấy, Tuyệt trở thành “bác sĩ quân y” kiêm “liên lạc viên” cho bộ đội Cộng hòa Miến Điện.
Sau khi xem xét tình hình thương thế của Tư Mã Khôi, Tuyệt phát hiện nếu không nhanh chóng phẫu thuật gắp mảnh đạn ra khỏi cơ thể thì có khả năng sẽ dẫn đến việc mất quá nhiều máu mà nguy hiểm đến tính mạng. Thế là cô lập tức bắt tay chuẩn bị, đồng thời quay sang hỏi Tư Mã Khôi xem anh có chịu đau nổi không?
Sau khi Hạ Thiết Đông mất đi, trong lòng Tư Mã Khôi không lúc nào ngớt đau buồn, cộng thêm vết thương trên vai máu chảy như tháo cống khiến khuôn mặt anh trở nên tái nhợt, nhưng không muốn để mọi người lo lắng nên vẫn gắng gượng nói cứng với Tuyệt: “Cô đúng thật là! Muốn xử lý cái thân này thế nào thì cứ làm đi, nếu tôi mà có rên “hừ” lên một tiếng thì cứ để người ta xông vào đánh cho thỏa tay”
La Đại Hải đứng bên cạnh lo lắng nói: “Tiên sư nhà cậu, chẳng biết sống chết gì sất, cậu tưởng mình là Quan Công chắc, cạo xương trị độc mà chẳng thèm nhăn mày lấy một cái. Đến lúc không thể chịu được nữa thì cậu cứ việc thoải mái gào thét, ở đây cũng chẳng có ai mà lo mất thể diện, hay là để tớ đi kiếm thanh gỗ cho cậu cắn mà mài răng nhé!”
Tư Mã Khôi nghiến chặt răng rồi nói: “Thực ra chuyện Quan Vân Trường cạo xương trị thương cũng chẳng phải điều gì ghê gớm lắm, trong lịch sử còn có nhiều nhân vật hổ báo hơn ông ấy nhiều. Thời kỳ dấy lên cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, rất nhiều tướng lĩnh bị quân địch bắt sống phải chịu cực hình tùng xẻo, khổ hình này đúng là từng dao từng dao cắt dần từng miếng thịt trên cơ thể xuống nhưng làm gì có ai được bôi thuốc tê? Người ta còn ghi chép rõ ràng về hai vị tướng, một người tên Lâm Phụng Tường, còn người kia là Thạch Đạt Khai. Lâm Phụng Tường bị trói ở cổng chợ chịu hình. Trong quá trình chịu cực hình, mặc cho máu chảy ròng ròng đầm đìa khắp cơ thể nhưng ánh mắt vẫn nhìn chừng chừng theo động tác dao của tên tùng xẻo đưa qua đưa lại trên người mình, ánh mắt chăm chú đến nỗi khiến tên kia phải cảm thấy ghê tay. Còn Thạch Đạt Khai bị quân Thanh xử tùng xẻo ở Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, đầu tiên ông bị cắt rời tứ chi sau đó cắt đứt cổ họng nhưng từ đầu chí cuối thần thái họ Thạch vẫn điềm nhiên, chẳng hề giống với kẻ đang bị chịu cực hình, mà ngược lại giống như đang được tắm gội trong bồn tắm nước nóng dễ chịu. Chết như thế quả đúng như xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, đó mới là khí khái của người anh hùng”.
La Đại Hải biết chẳng thể nào giận dữ với anh được, liền lắc đầu bảo: “Cái thằng này đúng là đồ Hồ ly gặm bình trà, nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong – Miệng toàn chữ là chữ”.
Tuyệt nói với Tư Mã Khôi: “Cậu cũng đừng cố gượng quá làm gì, khi nãy tôi cũng vừa tìm thấy mấy cây “Quỷ tu tử” ở gần đây, loại cỏ dại này có tác dụng giảm đau nhất định nhưng vẫn rất đau đấy, cậu ráng chịu nhé!”
Tư Mã Khôi không nói thêm câu gì, cố gắng nén cơn đau để Tuyệt gắp mảnh đạn ra khỏi cơ thể, trên trán đọng từng giọt mồ hôi to như hạt đỗ xanh nhưng anh vẫn kiên cường, từ đầu chí cuối không hề kêu rên một tiếng nào.
Tay nghề phẫu thuật của Tuyệt phải nói vô cùng cao siêu, từng động tác chính xác mà nhanh thoăn thoắt, chẳng đầy mấy phút đã gắp được mảnh đạn ra. Sau khi lấy tro cỏ khử trùng, cô liền xử lý băng bó vết thương. Đợi khi hoàn tất mọi việc, khóe mắt cô liền đỏ lên, hoen hoen nước, rồi chẳng cầm lòng được thêm, nước mắt thi nhau tuôn chảy.
Tư Mã Khôi nhịn đau hỏi: “Sao Tuyệt lại khóc?”
Tuyệt cúi đầu, dùng tay quệt ngang dòng nước mắt đầm đìa trên má: “Khi nãy tôi nhớ lại việc lúc chúng ta rời khỏi đất nước, cả đoàn hào hùng như thế, vậy mà giờ đây chỉ còn sót lại ba người bọn mình”.
Nhắc đến việc này, cả Tư Mã Khôi và La Đại Hải đều trùng lòng xuống, rất nhiều anh em bằng hữu phải bỏ mạng ở vùng đất Miến Điện này, hơn nữa cái chết của họ không những chẳng lãng mạn, oanh liệt chút nào mà còn hoàn toàn vô nghĩa. Họ âm thầm nằm lại trên mảnh đất lạnh lẽo nơi xứ người, vĩnh viễn không thể trở về cố hương, còn người thân ở nhà từ nay cũng chẳng biết tông tích của họ lưu lạc chốn nào mà tìm.
La Đại Hải trầm ngâm hồi lâu, mãi mới lắc đầu than thở: “Tớ nghĩ mãi vẫn không ra, lúc bắt đầu khởi binh, thanh thế của Miến Điện Cộng hòa đúng là thắng như chẻ tre, dường như sắp đánh đến ngày thắng lợi khải hoàn đến nơi, ấy thế mà sau này nói hỏng là hỏng hẳn, tốc độ tan rã còn rách nhanh hơn cả giấy dán diều”. Tư Mã Khôi bất lực nói: “Đây vốn dĩ không phải đất làm cách mạng, vì thiên không thời, địa không lợi, nhân không hòa. Tớ thấy cho dù Guevara có tái thế mà bị quăng vào cái xó này thì cũng chẳng thể làm nên trò trống gì”.
Nhân thời khắc nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa cuộc chiến đấu, ba người liền ngồi phân tích cục diện đang phải đối đầu trước mắt, quân đội nhân dân Cộng hòa Miến Điện cho đến thời điểm này, thì thực tế chỉ còn mỗi hư danh mà thôi, đội du kích lẻ tẻ mấy người bọn họ khó mà làm nên kỳ tích gì. Hơn nữa tàn dư của quân đội chính quy đều hợp nhất với quân đặc phái vũ trang của địa phương để trở thành quân đội quân phiệt chiếm cứ mỗi người một phương, họ trồng anh túc, buôn bán vũ khí quân đội, chỉ coi trọng cái lợi của bản thân, không phân biệt tốt xấu gì sất, chẳng chuyện gì họ không dám nhúng tay vào làm.
Các thành viên trong đội du kích do Tư Mã Khôi lãnh đạo, tên nào chạy trốn được thì đã chạy mất tăm mất dạng, những người còn lại đều đang bị quân đội chính phủ phát lệnh truy nã đặc biệt, chỉ cần ló mặt ra là chắc chắn mất mạng, tuyệt đối chẳng có kết cục tốt đẹp nào đón đợi họ ở phía trước, bởi vậy đừng nói đến việc ngồi xuống đàm phán thỏa thuận mà ngay cả buông súng đầu hàng cũng chẳng mong đợi bọn chúng chừa cho một con đường sống. Nay cả đội lại bị nhốt trong núi Dã Nhân, trong không có lương thực, ngoài không có viện binh, nếu định cố thủ tại chỗ chẳng khác nào ngồi đợi thần chết đến rước.
Đội du kích vẫn còn một lựa chọn – chạy sâu vào rừng rậm nguyên sinh trong lòng núi Dã Nhân, nhưng người Miến Điện cứ nhắc đến nơi ấy là “xanh mắt tái mào”, chốn rừng rậm sâu thăm thẳm này không có đường đi, địa hình lại nhấp nhô gồ ghề, môi trường phức tạp khó mà tưởng tượng, chưa kể đến những rừng cây um tùm rậm rạp và đầm lầy trải rộng quanh năm âm u không nhìn thấy mặt trời, thì độc xà ác thú lảng vảng khắp nơi, chẳng biết chúng thình lình xuất hiện lúc nào, chướng khí sương độc bao trùm cả không gian, đã vào thì đừng nghĩ đến chuyện thoát được ra. Mấy năm gần đây, những kẻ mất tích trong đó số lượng nhiều không kể xiết.
Nghe đồn, tính cho đến thời điểm này, lần mất tích lớn nhất phải kể đến đội sư đoàn tàn dư quân Nhật, chúng dễ còn đến hơn hai ngàn tên, bị quân Anh đánh cho không còn đường thoát thân, đành tháo chạy vào một đầm lầy lớn phía sườn nam của núi Dã Nhân, kết quả cả sư đoàn lạc đường, rồi đột nhiên bị vô số đàn cá sấu tấn công, hơn hai ngàn tên lính Nhật được vũ trang đến tận răng mà vẫn trở thành mồi nuôi cá sấu, chỉ có vài tên may mắn sống sót.
Bởi