Run run đôi bàn tay, ông Vọng đưa lên trên mặt bàn, sau khi thầy Lương bóc tách hết những lớp giấy dầu được bọc rất kỹ lưỡng. Trải ra mặt bàn lúc này là những đồ vật được chôn giấu: một tấm lụa màu vàng, một bộ quần áo trẻ nhỏ màu đỏ, một sợi dây chuyền bằng vàng ròng với mặt đá hồng ngọc hình vuông quanh viền cũng được bọc vàng.....và một bức thư viết tay, bên ngoài phong thư ghi rõ " Gửi Vọng, con trai của bố mẹ ".
Ông Vọng khẽ chạm vào tấm lụa vàng, tấm lụa rất mịn, mềm mại, sờ vào có cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng, bay bay. Tiếp đó ông Vọng cầm bộ quần áo trẻ nhỏ lên, chất liệu của bộ quần áo cũng tương tự như tấm lụa vàng, có điều hơi dày hơn một chút xíu, từ đường may, mũi chỉ, họa tiết, tất cả đều được thêu thùa bằng tay. Trên ngực trái của áo có hai chữ Trung Quốc.
Ông Vọng chưa kịp hỏi thì thầy Lương đã nói:
- - Hai chữ đó là "高轮" chính là Cao Luân, tên của bác trưởng làng. Loại lụa mà bác đang cầm trên tay chính là lụa Hàng Châu, lụa được dệt bằng tơ " tự nhiên " loại tơ này được tạo ra bởi một loại sâu bướm, sống trong tự nhiên chứ không phải được nuôi như dâu tằm. Nói cách khác, đó là một loại lụa quý hiếm, là một thứ đồ xa xỉ chỉ dành cho vua chúa, những người cực kỳ giàu và có địa vị xã hội từ thời xa xưa. Chỉ nhìn vào tấm lụa và bộ quần áo đó thôi, đủ biết Cao Gia lúc còn tồn tại có cuộc sống không khác gì những thân thích, hoàng tộc, họ có một cuộc sống phú quý, giàu sang.
Tiếp đến là sợi dây chuyền bằng vàng, thầy Lương tiếp:
- - Sợi dây chuyền này từ kiểu cách cho đến hình dáng, mặt ngọc thì đây là trang sức dành cho người đàn ông. Có lẽ đây chính là kỉ vật mà Cao Lãm, cha của bác trưởng làng đã để lại.
Còn lại thứ cuối cùng là bức thư, trong số những đồ vật này, bức thư chính là vật quan trọng nhất. Nét chữ viết bên ngoài ông Vọng nhìn thấy rất quen, chính là nét chữ của mẹ ông. Ngày còn nhỏ, ông được mẹ dạy viết, dạy đọc, ông nhớ mẹ ông là người viết chữ rất đẹp, đó cũng là điều mà ông được thừa hưởng từ mẹ, và là điều ông tự hào mãi cho đến tận sau này, khi ông đi học, rồi cả khi đi lính nữa. Mỗi khi có ai đó muốn viết gì họ đều tìm đến ông Vọng, những năm chiến tranh, không phải ai cũng có điều kiện được đi học, nhưng bố mẹ ông Vọng thì cố gắng lo cho ông Vọng đến từng con chữ. Chính xác đây là nét chữ của mẹ ông.
Ông Vọng khẽ cầm bức thư lên rồi hỏi:
- - Tôi....tôi mở nó...ra để....đọc được chứ....?
Thầy Lương gật đầu:
- - Tất nhiên là được rồi.....Bức thư được viết, nhưng hai ông bà lại đem chôn, chắc hẳn quãng thời gian mấy chục năm qua họ đã phải khổ tâm, dằn vặt lắm. Dù sao đây cũng là duyên số, cũng là ý trời. Vật đã đào lên, bác trưởng làng nên đọc.
Nhờ những lớp giấy dầu bọc kín kẽ, lại thêm việc chôn bình không quá sâu nên mọi thứ đều gần như được bảo quản nguyên vẹn. Mở phong thư, ông Vọng cẩn thận lấy bức thư viết tay bên trong ra rồi khẽ đọc:
" Vọng, con trai của bố mẹ, hôm nay là ngày con nhập ngũ, cũng chính là ngày bố mẹ nhận con từ tay ân nhân, chính là mẹ ruột của con. Mới đó mà đã thấm thoát 18 năm rồi. Khi ấy con chỉ là một đứa trẻ đỏ hỏn còn đang khóc đói đòi sữa. n nhân của chúng ta khi ấy ôm con trong một tấm vải màu trắng, cuộn tròn lại chỉ để hở ra một chút phần đầu, tấm vải trắng đó nhuốm đầy máu của ân nhân. Ngày hôm đó là ngày đen tối, độc ác nhất của những người dân làng Văn Thái, nhưng cũng là ngày mà chúng ta được gặp con, được trả ơn ân nhân bằng một cách đau đớn nhất, nhìn ân nhân liều mình bảo vệ con cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, hình ảnh đó bao năm qua vẫn luôn hiện rõ trong tâm trí chúng ta. Khi ấy con khóc nhiều lắm, ân nhân sợ rằng nếu nghe thấy tiếng khóc họ sẽ giết cả con, vậy mà khi mẹ bế con trên tay, may mắn làm sao con đã ngừng khóc. Tình hình quá cấp bách, cả hai bố mẹ đều muốn chôn cất ân nhân sao cho thật tử tế, muốn đưa thi thể ân nhân đi nhưng không được. Dưới bão lửa, dưới cái hung bạo, dưới sự uất hận dồn nén bao năm qua của dân làng Văn Thái đối với Cao Gia, bố mẹ chỉ có thể đưa một mình con đi. Đó cũng là một ký ức ám ảnh, dằn vặt với bố mẹ cũng như người dân làng Văn Thái. Vọng, 18 năm qua, nuôi con khôn lớn, nhìn thấy con trưởng thành từng ngày, nhiều lúc mẹ không cầm lòng nổi, mẹ muốn kể cho con nghe về quá khứ, xuất thân của con. Nhưng lý trí của cả hai bố mẹ không thể làm như vậy, bởi con là tài sản quý giá, là báu vật của bố mẹ, là máu mủ của ân nhân giao cho bố mẹ. Bố mẹ không muốn con gặp nguy hiểm, điều quan trọng nhất của một con người là được sống. Sẽ ra sao nếu như dân làng biết giọt máu của Cao Gia vẫn còn, và bố mẹ là người giấu diếm bí mật này. Lòng thù hận của dân làng Văn Thái đối với Cao Gia sâu như biển lớn, đen tựa trời đêm. Quá khứ kinh hoàng ấy cũng là do Cao Gia tự chuốc lấy, người họ Cao coi dân làng Văn Thái như loài chó lợn, coi sinh mạng của người dân như con sâu, cái kiến.....Họ đã giết không biết bao nhiêu phụ nữ, rất nhiều trẻ em, những cô gái được Cao Gia tuyển chọn đều mất tích. Suốt nhiều năm, cuối cùng bộ mặt thật của Cao Gia đã bị phanh phui. Cao Gia đã tắm máu của người dân làng Văn Thái suốt bấy lâu. Phụ nữ, trẻ em đều chết dưới tay của Cao Gia, mẹ không biết tại sao Cao Gia lại làm những chuyện trời không dung, đất không tha như vậy. Và cuối cùng, nợ máu phải trả bằng máu, điều gì đến đã đến, sự uất hận trong lòng người dân làng Văn Thái, trong lòng những người có người thân bị Cao Gia giết bùng phát. Toàn bộ dân làng Văn Thái khi ấy đều một lòng muốn giết sạch Cao Gia. Sự điên cuồng, độc ác đến mức họ muốn xóa sổ toàn bộ người họ Cao, kể cả những người làm sống trong phủ Cao Gia. Diệt cỏ phải diệt tận gốc, trẻ con sống trong phủ cũng không ngoại lệ. Có lẽ thù hận đã che mờ lý trí của dân làng bởi Cao Gia cũng giết trẻ con. Nhưng không phải người nào sống trong Cao phủ cũng đều là người xấu. Vẫn có người tốt, thậm chí là rất tốt. Đó chính là mẹ ruột của con, Lâm Thư phu nhân, phu nhân chính là ân nhân của cha con. Trước đó 3 năm, bố con bị mắc bạo bệnh, gia cảnh nhà chúng ta không còn gì cả, dù đã vái tứ phương nhưng bệnh của bố con không hề thuyên giảm. Chắc có lẽ mạng số bố con chưa tận, bố con nằm trên chiếc xe bò, còn mẹ thì vừa khóc, vừa đẩy khi thầy lang nói bố con không sống được bao lâu nữa. Lúc đó,
mẹ đã gặp Lâm Thư phu nhân, một người phụ nữ tôn quý, xinh đẹp, là vợ của Cao Lãm đại thiếu gia, là con dâu của Cao lão gia danh tiếng bậc nhất vùng này. Một người tôn quý như vậy mà khi nhìn thấy bố mẹ, phu nhân không những không khinh miệt mà còn dừng lại hỏi han. Mẹ òa khóc như một đứa trẻ bởi đau thương dồn nén suốt quãng đường dài. Mẹ hoảng sợ khi Lâm Thư phu nhân đưa tay bắt mạch cho bố con dù cho thị tỳ đi cùng cố gắng ngăn lại. Sinh mạng của bố con đã được mở ra một lần nữa, Lâm Thư phu nhân vốn là con của một đại phu nổi tiếng, căn bệnh quái ác của bố con được phu nhân chữa trị, nhưng căn bệnh đó cũng khiến cho bố con không thể sinh con được nữa. Nhưng như mẹ đã nói, được sống mới là điều quan trọng nhất. Lâm Thư phu nhân như ban cho bố con một mạng sống mới. Sau đó vì thương xót cho hoàn cảnh của chúng ta, phu nhân còn giúp đỡ tiền bạc, giúp cho chúng ta có kế sinh nhai. Thật đau đớn khi ba năm sau, chúng ta lại phải nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy. Phu nhân đã liều mình để đưa con thoát khỏi sự giết chóc tàn bạo của những con người đang chất đầy lửa thù hận. Bản thân phu nhân cũng không qua khỏi. Lúc trao con cho chúng ta, mẹ còn nhớ, phu nhân đã mỉm cười rồi khẽ nói lời sau cuối:
" Đúng là ý trời, hãy thay ta chăm sóc, nuôi nấng thằng bé. Từ hôm nay nó là con của hai người. "
Vọng, con không chỉ là con của phu nhân, con còn là con của bố mẹ nữa. Cả đời bố mẹ, thứ quý giá nhất chính là con. Vậy nên, chỉ cần con được sống, bí mật về thân thế của con dù có chết, bố mẹ cũng không nói với ai. Nhưng mẹ thương con rất nhiều, ai cũng có quyền biết về thân phận thật sự của mình. Con cũng vậy, con cũng cần biết gốc gác, cha mẹ đẻ của mình là ai......Chính vì vậy, mẹ dằn vặt mỗi đêm, mỗi ngày nhìn con một lớn khôn, sự dằn vặt ấy lại càng khiến mẹ muốn nói ra tất cả. Nhưng mẹ chỉ dám viết tất cả vào đây mà thôi, đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng mẹ bộc bạch hết những vương vấn trong lòng suốt 18 năm qua. Mẹ và bố sẽ chôn chặt sự thật này dưới lòng đất, sẽ không ai có thể biết về xuất thân của con, hãy tha thứ cho bố mẹ. Bố mẹ làm tất cả cũng chỉ vì muốn cho con có được một cuộc sống trọn vẹn nhất. Dù con có là ai, xuất thân như thế nào, con vẫn mãi mãi là con trai của bố mẹ.......Mẹ tin, đây cũng là điều mà Lâm Thư phu nhân mong muốn, bố mẹ yêu con. "
" Tách....Tách "
Những giọt nước mắt của ông Vọng rơi xuống thấm vào lá thư, ông Vọng không cầm được nước mắt sau khi đọc những dòng thư viết tay mà mẹ ông để lại. Thầy Lương cũng khẽ nhắm mắt, ông cúi đầu như một hành động thương cảm gửi đến những người đã khuất. Quả đúng như thầy Lương dự đoán, bố mẹ ông Vọng cố gắng che giấu sự thật về thân thế của ông Vọng là vì muốn bảo vệ cho ông Vọng. Thời điểm hai ông bà còn sống là khoảng thời gian những hương thân phụ lão, những con người tham gia vào sự việc giết chết toàn bộ Cao Gia vẫn đang tại vị. Bí mật giết sạch Cao Gia được giữ kín đến mức tuyệt đối. Cao Gia tàn ác, nhưng việc giết toàn bộ họ Cao, không, phải là toàn bộ những người sống trong Cao phủ là một vết nhơ có dùng nước sông Hoàng Hà gột rửa cũng không thể hết tội đối với người dân làng Văn Thái thời bấy giờ. Do đó, nếu để lộ ra máu mủ Cao Gia vẫn còn thì chắc chắn ông Vọng cũng như bố mẹ ông Vọng sẽ bị giết chết.
Ông Vọng khẽ gấp bức thư ngay ngắn lại rồi cho vào phong thư, ông Vọng lau nước mắt nói:
- - Giờ thì tôi đã rõ tất cả, tôi đã biết về mẹ ruột của mình. Chỉ tiếc rằng, bà chết mà không được chôn cất tử tế. Thầy nói đúng, chuyện này dường như đã thay đổi cuộc sống của một lão già như tôi.
Thầy Lương khẽ đáp:
- - Như mẹ bác trưởng làng đã viết trong thư, ai cũng có quyền được biết về thân phận cũng như gốc gác của mình. Về một điểm nào đó thì cả tôi và bác Vọng có chút giống nhau. Chúng ta sinh ra là người gốc Hoa, nhưng lại dành gần như cả đời sống trên đất nước này. Cao Gia dù đã gây ra những tội lỗi gì thì giờ đây, bác chính là người tháo gỡ những khúc mắc, những hận thù trong quá khứ ấy. Oan oan tương báo bao giờ mới kết thúc nếu như con người vẫn nuôi dưỡng lòng thù hận. Như tôi từng nói, ông trời để cho bác Vọng sống ắt phải có nguyên do. Giờ sự thật đã được giải đáp, tôi nhận thấy, bác trưởng không chỉ sống cho mình, mà còn cho rất rất nhiều người khác nữa. Đến thời điểm này, bác trưởng làng đã sống đúng với một cuộc sống đầy ý nghĩa. Chắc chắn Lâm Thư phu nhân hay bố mẹ nuôi của bác ở trên trời cao đang cảm thấy ấm áp lắm.
Ông Vọng cúi đầu cảm tạ thầy Lương, giờ chỉ còn sợi dây chuyền là ông Vọng vẫn chưa động vào. Theo lời thầy Lương thì đây có thể là di vật của cha ông, Cao Lãm. Tất cả những thứ này đã được trao cho bố mẹ ông Vọng trước khi Lâm Thư phu nhân qua đời. Trong lúc ông Vọng cầm sợi dây chuyền mặt hồng ngọc lên nhìn ngắm thì thầy Lương suy nghĩ:
" Sự giàu có của Cao Gia là điều không cần bàn cãi, nhưng nếu so với những thứ quý giá khác thì sợi dây chuyền này quá nhỏ bé. Giả dụ muốn đem theo vàng bạc, châu báu thì Lâm Thư phu nhân có thể lấy những thứ giá trị hơn, lớn hơn. Đằng này bà ấy chỉ đem theo cậu con trai cùng sợi dây chuyền. Bố mẹ ông Vọng không phải người hám vật chất, họ sống có đức, coi nguời từng cứu mình là ân nhân, từng lời trong bức thư đều toát lên sự kính trọng. Nếu họ có lòng tham thì đã bán sợi dây chuyền này đi rồi, tuy nói giá trị không lớn, nhưng đó là so với tài sản của Cao Gia mà thôi. Còn với người nghèo như bố mẹ ông Vọng đây thì đó là cả một gia tài. Liệu rằng sợi dây chuyền này còn có ý nghĩa nào khác...? "
Nghĩ rồi thầy Lương nhìn về phía ông Vọng, nhìn vào sợi dây chuyền, thầy Lương nói:
- - Bác trưởng làng, có thể cho tôi xem qua sợi dây chuyền đó một chút được không..?