Tối hôm sau, A Vụ ngồi trên giường của Thôi Thị ăn bánh hoa lê, Vinh tam gia và Thôi Thị ngồi hai bên rất vui mừng. Nàng ăn xong, nho nhã dùng khăn tay lau miệng, rồi sau đó nũng nịu đòi cha đến chái nhà phía đông nơi ông ôn luyện.
A Vụ đưa bài văn quý như ngọc của mình ra. "Cha xem giúp con bài văn này thế nào?"
Vinh tam gia cầm lên đọc, đây là một bài văn bát cổ, đề bài lấy từ trong cuốn Luận Ngữ - Thuật Nhi của Tứ thư. Khổng Tử nói với Nhan Uyên là: "Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phu." (1)
(1) Câu này có nghĩa là: Dùng ta thì ta giúp cho sự nghiệp, không dùng ta thì ta giấu tài đi, chỉ có ta với ngươi làm được thế thôi."
Bài văn này của A Vụ lấy " Thánh nhân hành tàng chi nghi, sĩ năng giả nhi thủy vi thị chi dã"(2) làm câu phá đề.
(2) Câu này có nghĩa là: Hành động giấu tài của thánh nhân chính là gợi ý nho nhỏ cho những người có tài.
Phá đề là phần rất quan trọng trong toàn bộ bài bát cổ văn, trong câu phá đề của A Vụ có "thánh nhân" chỉ Khổng Tử, "người tài" chỉ Nhan Uyên, đã là phá đề thì cho dù dùng tên của thánh hiền hay tên của bất cứ người nào cũng phải dùng đại từ, thế nên mới dùng chữ "năng giả" thay cho Nhan Uyên. Trong hai câu phá đề này, ý chỉ rõ là "giấu tài", ngầm hiểu là "chỉ có ta với ngươi".
Vinh Cát Xương vốn coi hành động của A Vụ như trò trẻ con, không ngờ mới đọc ông đã phải thốt lên: "Hay, phá đề rất khá"
Ông lại đọc tiếp, càng đọc càng kinh ngạc, nếu không phải là người có kinh nghiệm phong phú thì không thể làm được bài văn như vậy. Văn phong mẫu mực, chân thật, lưu loát, thực sự là môt bài văn hay, làm sao một đứa trẻ có thể viết ra được?
Theo Vinh Cát Xương biết về A Vụ thì nàng tuyệt đối không thể làm được bài văn này.
A Vụ nhận ra sự kinh ngạc của Vinh Cát Xương, giả như không biết, chỉ mỉm cười nói: "Cha chỉ giúp con chỗ sai đi ạ."
"Bài văn này là con làm à?" Vinh Cát Xương không tin.
A Vụ láu lỉnh ôm cổ Vinh Cát Xương. "Cha thông minh thật đấy,