Mỗi Đêm Một Câu Chuyện Kinh Dị

Đêm Thứ Mười Lăm


trước sau

Lên nhầm xe

Bạn cho rằng tôi rất nhàm chán ư?

Cũng chẳng trách, khi bạn nhìn thấy một anh chàng đeo kính đen, mặc bộ comple màu đen, hai tay cứ vung vẩy không yên và chân lúc nào cũng giậm giậm ở ngã tư đường trong gió rét thì chắc chắn bạn sẽ không cho rằng anh ta là một hacker. Thực ra tôi là một nhà văn.

Mà thôi, tôi thừa nhận ở câu trên tôi đã sử dụng thời tương lai, nhưng tôi đảm bảo kết quả này cũng giống như là ngày mai bạn đi làm ăn cơm vậy. Đương nhiên, nếu ngày mai bạn thất nghiệp thì sẽ chẳng có cơm mà ăn. Nhưng đừng vội tức giận, tôi không nguyền rủa sự nghiệp của bạn đâu. Thực sự nếu bạn có đi qua và nhìn tôi bằng ánh mắt quái lạ thì tôi cũng không để ý, vì bạn không phải là người tôi đang chờ.

Tôi đang giắt một cái búa ở thắt lưng bên phải của bộ comple. Đúng, đó là một cái búa.

Bạn yên tâm, tôi tuyệt đối không phải là thợ sửa chữa, càng không phải là một nhà nghệ thuật hành động, là tôi đang lên kế hoạch cho một vụ cướp.

Đọc đến đây chắc bạn sẽ giật mình hét lên và đi báo cảnh sát. Không, không, xin đừng như vậy. Thực ra tôi không phải là một tên tội phạm thực sự. Tôi đã nói rồi, tôi là một nhà văn. Hả? Bạn nói là thời tương lai ư? Không, khi tôi viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tay thì không phải nữa rồi.

Tôi đang viết một câu chuyện liên quan đến cướp trên đường quốc lộ. Nhưng nói thực là tôi không biết phải miêu tả sự phát triển của câu chuyện cũng như hành vi cướp ấy ra sao. Cho nên tôi cần phải thực hiện, mà không, phải nói là thử nghiệm mới thỏa đáng.

Thế giới này không có gì mạnh hơn thực tế. Nhiều người khi viết tiểu thuyết đều dựa vào trí tưởng tượng của mình, nhưng vì tưởng tượng quá hoàn hảo, họ sẽ vô tình thiết kế sự thực theo quy hoạch của bản thân, trong khi sự thực trong hiện thực lại chính là con người.

Vì thế tôi cần phải tự mình trải nghiệm.

Đương nhiên, để tránh những rắc rối không cần thiết thì cái búa tôi mang theo chỉ là một cái búa giả. Thật đấy, đó là một cái búa giả, được làm từ cao su. Mặt khác, tôi cũng đã chuẩn bị xin lỗi đối phương đàng hoàng. Đại khái nếu họ biết tôi là một thanh niên viết văn, chắc cũng không giận dữ nhiều. Để an toàn, tôi quyết định mục tiêu chủ yếu là những chiếc xe do phụ nữ hoặc đàn ông gầy yếu lái một mình. Như vậy khi cướp, tôi sẽ bị chống đối ít hơn và dù người bị hại tức giận muốn đánh tôi thì ra tay cũng nhẹ hơn.

Sau khi đã quyết định, tôi kiểm tra lại cẩn thận. Thường thì thái độ đối với người xa lạ hoàn toàn quyết định từ ấn tượng đầu tiên, nhất là phụ nữ. Tôi không được coi là đẹp trai lắm, nhưng thế lại hóa hay. Tướng mạo khác người (kể cả đẹp trai quá hay xấu trai quá) đều khiến cho người ta khó chấp nhận. Chỉ khuôn mặt hiền hòa, sạch sẽ, cử chỉ đứng đắn mới dễ tiếp cận với mọi người.

Vì thế tôi tắm rửa sạch sẽ, thay một bộ comple màu đen, tiếp đó, vào khoảng 10 giờ đêm, tôi đi bộ men theo đường quốc lộ từ ngoại ô vào trong thành phố. Tất nhiên là tay tôi còn xách một chiếc ca táp màu đen mang tính tượng trưng. Mỗi lần có xe đi ngang qua tôi đều giơ tay vẫy. Nếu xe dừng lại, tôi sẽ quan sát trước, nếu không phù hợp với yêu cầu của mình thì tôi sẽ hỏi đường qua loa rồi để họ đi, sau đó lại tiếp tục tìm kiếm mục tiêu.

Nhưng rồi tôi nhận ra, đứng ở bên đường dài hun hút trong đêm cuối thu chẳng dễ chịu gì. Chỉ nói đến việc không có gì để chắn gió tôi cũng cảm thấy đôi chân vô cùng khó chịu, như bị bọc bởi một túi đá. Tôi đã vẫy mấy chiếc xe, tuy là phụ nữ lái xe nhưng họ đều từ chối yêu cầu đi nhờ xe của tôi.

“Tôi làm sao mà biết được anh có bị đau dạ dày hay không?” Đối phương hỏi ngược lại một câu khiến tôi chẳng biết làm sao.

“Tôi không đau dạ dày, thực tế tôi chẳng đau ở đâu cả. Tôi chỉ muốn đi nhờ xe thôi, tôi sẽ trả tiền.” Tôi mong là tiền sẽ phát huy chút tác dụng nào đó.

“Đừng có nói thế, không đưa tiền thì tôi còn đồng ý, chứ đưa tiền thì còn lâu.” Đa số lái xe nghe đến tiền đều gài số đi mất. Tôi thấy khó hiểu vô cùng, đạo đức xã hội bỗng trở nên cao thượng từ bao giờ ấy nhỉ?

Thế là kế hoạch của tôi đã gặp trở ngại, thậm chí tôi nghĩ rằng phải đợi đến mười mấy ngày nữa mới thực hiện được mục tiêu. Nhưng tôi thật may mắn, hoặc cũng có thể nói là không có gì đen đủi hơn. Anh ta đã trở thành một vai chính trong vở kịch quái quỷ của tôi. Cứ nghĩ đến việc anh ta sợ hãi, giận dữ rồi biết được sự thật sẽ trở nên tức giận, khó hiểu lẫn vui mừng, tôi lại vô cùng hưng phấn. Cuối cùng thì tôi có thể hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình.

“Anh cần gì?” Người đàn ông thấp bé có đôi mắt nhỏ kéo cửa kính xuống, nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Ánh đèn xe rọi vào khiến tôi có phần hoa mắt, tôi thấy buổi tối đeo kính đen thật ngu xuẩn.

“Anh bạn, tôi là người nơi khác đến, xe tôi bị hỏng. Tôi định đi bộ hoặc gọi tắc-xi nhưng chết tiệt, trời lạnh quá.”

“Tắc-xi không dừng ở đây đâu.”

“Tôi có thể đi nhờ xe vào trong thành phố được không? Cho tôi xuống ở bến xe là được. Anh cho tôi đi nhờ nhé?” Trước khi thực hiện tôi đã phải luyện giọng rất nhiều để đảm bảo không ai nhận ra giọng nói thật của tôi.

“Không được.” Anh ta lắc đầu. Vì đèn xe nên tôi không nhìn rõ được biểu hiện trên khuôn mặt anh ta.

“Nếu anh không chịu giúp, chắc tôi sẽ chết lạnh ở đây mất. Nếu không, tôi sẽ phải đi bộ suốt con đường này, giờ muộn lắm rồi, xe qua lại rất ít.”

“Tôi làm sao mà biết được có phải anh muốn cướp gì hay không. Thời buổi này loại người nào chẳng có.” Giọng anh ta trầm hẳn xuống, cuối câu tôi nghe không rõ.

Chết tiệt, thằng cha này nói cái trúng phóc ngay. Lẽ nào khuôn mặt tôi dưới ánh đèn xe lại giống như tên cướp trên phim ảnh? Tôi cần phải xem nhiều hơn các phim về cảnh sát hình sự, các phim cướp giật để hóa trang cho giống hơn mới phải.

Nhưng tôi không muốn bỏ qua cơ hội này. Anh ta gầy nhỏ, rất dễ để ra tay. Nếu không, tôi sẽ phải đi bộ cả đêm mới về nhà được. Tôi cần phải làm gì đó để anh ta cho tôi đi nhờ xe.

“Tôi phải đi đây. Anh cứ vẫy xe sau đi.” Người đàn ông gầy gò rụt cổ vào trong xe. Tôi nghe thấy tiếng xe khởi động.

“…79981” Tôi buột miệng đọc biển số xe.

“Anh nói gì?” Người đàn ông gầy gò thò cổ khỏi xe.

“…79981! Anh rất quen số này đúng không? Đó là biển số xe của anh mà.” Tôi hét lên.

“Chết tiệt, rốt cuộc anh muốn gì?” Anh ta có vẻ tức tối. Tôi bước xuống đầu xe, khom người xuống, hai tay chống lên nắp ca- bin. Không nhìn thấy khuôn mặt của anh ta sau cửa ô tô nhưng tôi dám khẳng định là lời nói của tôi rất hiệu quả. Tôi cần phải cố gắng hơn nữa để anh ta đồng ý cho tôi đi nhờ xe.

“Tôi đang nghĩ xem ngày mai mình có nên đưa chuyện này lên báo hay không?”

“Báo ư? Chết tiệt. Anh đúng là phóng viên trời đánh.”

Tôi ngẫm nghĩ một lát, hình dung từ “Trời đánh” dành cho nhà báo chứ không phải tôi, nên tôi chẳng cần phải lo lắng.

“Đúng đấy. Tôi là nhà báo, anh biết báo … không? Tôi sẽ viết một bài trên đó nói về việc tối nay có người không cho tôi đi nhờ xe, xây dựng văn minh thành phố thì không được như thế.” Tôi nói quàng một hồi.

Tôi nghe thấy tiếng động cơ xe nhỏ dần. Anh ta im lặng không nói một lời.

“Tôi sẽ viết, chắc chắn sẽ viết. Trong cái xã hội vật chất lấn chiếm tất cả này, đạo đức đã đi đến bên bờ vực thẫm! Người đi xe từ chối giúp đỡ người đi đường đang gặp khó khăn!” Tôi lớn tiếng hét lên.

“Đúng là gặp ma. Tôi có nói không cho anh lên xe đâu. Dù sao tôi cũng quay về thành phố, tôi tin anh là nhà báo, được chưa?” Anh ta tức quá, lấy tay ấn liên tục vào còi xe, làm vang lên tiếng kêu nhức óc.

Nhưng anh ta đã nhầm, tôi chỉ là một nhà văn, tuy hai nghề này cũng có phần giống nhau.

Trong xe ấm áp vô cùng. Lần đầu tiên tôi nhận thấy, nhiệt độ chỉ chênh lệch một chút thôi cũng làm cho tinh thần của con người có những chuyển biến lớn. Tôi bỗng thấy vui lên. Trong không gian chật hẹp của chiếc xe, dưới ánh đèn mờ ảo, tôi nhìn thấy rõ khuôn mặt của người lái xe.

Nhìn nghiêng, một nửa khuôn mặt trên có xương lông mày lõm vào, sống mũi cao cao, trán bình thường, mũi nhòm miệng nên khoảng cách giữa mũi, miệng và cằm không có độ võng. Trông chẳng khác gì nối liền cằm với da cổ họng, mái tóc cắt ngắn, không sáng bóng, dính chặt trên da đầu.

“Đúng là gặp ma. Làm sao mà tôi lại gặp cậu cơ chứ.” Anh ta lắc đầu nhè nhẹ. Tôi thấy anh ta mặc một chiếc áo khoác màu xanh nhạt, nhăn nhúm, giống như đã được giặt và phơi nhiều lần dưới ánh nắng gay gắt. Chiếc áo len mặc bên trong còn dính ít mẩu bánh quy, trên quần còn dính dầu mỡ. Đôi giày anh ta đi là đôi giày giá rẻ bán đầy ngoài chợ, giống như một đôi dép được khâu kín mũi và đằng sau.

Chắc chắn anh ta chưa có vợ con gì.

“Đây là duyên phận, anh bạn ạ. Sau đợt này tôi sẽ viết một bài thật hay khen ngợi nghĩa cử cao đẹp của anh.” Tôi tươi cười nói.

“Im mồm. Tôi đã nhận lời cho anh đi cùng thì anh đừng có viết bài về tôi nữa!” Anh ta bỗng nhiên quay đầu lại, tức giận nói. Tôi thấy mình đuối lý nên không nói gì.

Con người bây giờ thật khó hiểu, chê trách không được mà khen ngợi cũng không.

“Xe anh cũng khá đấy.” Tôi nói thật lòng. Tốc độ xe đi rất ổn định, không gian trong xe cũng khá rộng rãi, ghế ngồi dễ chịu.

“Cũng thường thôi.”

Thực ra tôi cũng thấy tò mò, lái chiếc xe tốt như vậy tại sao lại ăn mặc tuềnh toàng như thế.

“Người anh em, anh làm nghề gì vậy?”

“Gì cũng không phải nhà báo.”

“Nghe tôi nói này, hai chúng ta không quen biết mà ngồi gần nhau như thế này là do duyên số đấy. Anh thấy có đúng không?”

“Cái duyên ấy tôi chẳng cần.” Anh ta quay đầu lại thủng thẳng nói. Bỗng tôi thấy anh ta cứ chằm chằm theo dõi mình.

“Anh nói anh là nhà báo?”

“Ừ.” Không biết tại sao tôi cảm thấy anh ta đang nghi ngờ. Nhưng cũng chẳng sao, tôi chỉ cần chờ cơ hội ổn là thực hiện kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ càng của mình. Lúc ấy tôi thấy bình tĩnh hơn, chẳng có gì căng thẳng, hơi thở có vẻ nhanh và hào hứng hơn, giống như sắp được ăn một bữa sơn hào hải vị đã mong chờ từ lâu. Chỉ có các đầu ngón tay của tôi là run một chút.

“Anh đi viết bài ở thành phố khác đúng không.”

“Đúng vậy.”

“Anh viết về đề tài gì đấy?”

“Thì cũng liên quan đến những chuyện lái xe ban đêm bị cướp, bị giết và bị ném xác mà thời gian gần đây hay xảy ra.” Tôi nhấn mạnh từng chữ một rồi nhìn chăm chú vào khuôn mặt anh ta.

Bỗng nhiên anh ta cũng quay đầu lại nhìn tôi chăm chú.

Trong xe yên tĩnh lạ thường. Xe vẫn tiến lên phía trước với tốc độ ổn định, đèn chiếu sáng cả con đường quốc lộ phía trước, nhưng không xa lắm thì bị màn đêm nuốt chửng.

“Ha ha ha ha ha.”

“Ha ha ha ha ha.” Chúng tôi cùng bật cười lớn. Vẻ mặt anh ta khi cười thật ngộ, miệng rộng ngoác, cằm thì xệ đến tận cổ họng. Tiếng cười của tôi khác anh ta, tôi cười lớn hơn.

“Đùa đấy. Tôi thấy trời lạnh quá.” Tôi cười đến độ chảy nước mắt. Câu nói của tôi lẽ nào nực cười đến vậy? Có lẽ cười và khóc giống nhau, nhiều khi chẳng cần lý do gì vẫn cười được.

“Đúng là… đùa kiểu này cũng thú vị đấy. Làm cho cơ thể ấm lên nhiều.” Anh ta cười, xem chừng rất phấn khởi.

“Tôi tên là Vũ.” Tôi nói một cái tên vớ vẩn mà mình đã chuẩn bị sẵn.

“Mọi người gọi tôi là Bân.” Anh ta cũng cười, không khí trong xe thân thiện hẳn lên.

Bân giơ tay bật đài, điều chỉnh tần số, dò chương trình ca nhạc. Tôi vỗ tay lên đùi theo nhịp nhạc.

“Tôi đưa một người bạn ra ngoại ô, trên đường về thì gặp anh đấy.”

“Có duyên thật. Về đến nơi tôi sẽ mời anh ăn bữa lẩu. Trời rét thế này mà ăn lẩu thì còn gì bằng.” Tôi cười, nói rất thật lòng. Nếu anh ta không tức giận thì tôi sẽ làm thế thật.

“Tốt quá, nhắc đến tôi thấy đói bụng.”

Thời gian trôi qua khá lâu, tôi tính toán đã đến lúc mình phải cướp rồi, nhưng tôi không muốn làm anh ta sợ. Nhỡ làm không ổn, anh ta ngoặt tay lái, tôi bị tàn tật thì cũng chết.

Cần phải đợi cho xe đi chậm lại.

Bỗng có chuông điện thoại reo vang, tôi lúng túng.

“Giúp tôi nhận điện thoại với, tôi đang lái xe.” Tay trái anh ta cầm điếu thuốc, tôi tìm một lúc và thấy chiếc điện thoại đang run bần bật trong ngăn đựng đồ.

Tôi nhận cuộc gọi.

“Anh đang ở đâu?” Trong điện thoại là tiếng một phụ nữ trẻ, có vẻ nôn nóng.

Tôi đưa điện thoại ghé sát tai anh ta, anh ta giơ tay ra hiệu cho tôi im lặng.

“Em yêu, anh đang lái xe.”

Một tay anh ta cầm vô lăng, một tay cầm điếu thuốc, thỉnh thoảng lại mỉm cười, gật gật đầu, còn tôi cứ phải thò tay ra cầm điện thoại cho anh ta.

“Ừ, anh về ngay đây, mọi việc xong xuôi rồi.”

“Trên xe còn có một anh bạn. Quen nhau dọc đường thôi. Anh đang định đưa anh ấy vào trong thành phố. Là nhà báo đấy em ạ. Anh cũng có bạn làm nhà báo đấy.”

“Đúng thế, em nói rất đúng. Anh cũng đang định làm như thế, anh cũng nghĩ như em.”

“Ừ, anh biết mình phải làm thế nào rồi. Chào em nhé.” Đầu dây bên kia đã ngắt.

“Ra ngoài cũng không xong, phụ nữ lúc nào cũng hỏi này hỏi nọ. Cô ấy nghi ngờ, cho rằng tôi nói dối.” Anh ta cười lớn. Tôi không muốn bỡn cợt anh ta, nhưng nghĩ sắp vào đến trung tâm rồi, tôi chẳng muốn ngày mai lại phải một mình vò võ chờ đợi trong gió rét.

Mấy phút sau, chuông điện thoại lại reo vang.

“Ngại quá, lại làm phiền anh nữa.” Anh ta gượng cười nói. Tuy chưa lấy vợ, cũng chưa có người yêu nhưng tôi hiểu nỗi lo của phụ nữ khi chồng đi ra ngoài vào ban đêm, đến giờ này chưa về. Nhưng lạ là lần này chuông điện thoại lại reo nhạc khác.

“Tôi không muốn nghe, nói gì cô ấy cũng không tin tôi. Thôi anh giúp tôi đi.” Anh ta nhìn điện thoại rồi nói.

Tôi nghe điện thoại, vẫn là phụ nữ nhưng giọng lần này không trẻ như trước, có vẻ khàn khàn, nóng vội.

“Đang ở đâu đấy? Nói nhanh lên.”

Tôi không kìm được sự chán ghét, loại phụ nữ thế này chỉ làm chồng ác cảm mà thôi.

“Anh cứ nghe đi, rồi nói tôi ở chỗ anh là được rồi. Tôi nói thì cô ta không tin đâu.”

Xem ra cuộc điện thoại đầu tiên là của người tình, một thằng cha tầm thường thế mà cũng đào hoa ra phết. Vừa lái xe đẹp lại vừa có cơm có phở, đúng là khiến người ta phải ngưỡng mộ, ghen tức.

Cuối cùng thì tôi cũng nói.

“Chồng chị đang ở chỗ tôi.”

“Thật à? Anh cho tôi nghe giọng anh ta!” Giọng người phụ nữ bỗng to hẳn. Tôi nhíu mày. Anh ta vội giật cái điện thoại tắt luôn. “Cô ta muốn nghe giọng tôi đúng không?”

“Đúng thế.” Tôi cũng cảm thấy vợ anh ta hơi quá đáng.

“Cô ta lúc nào cũng vậy. Tôi phải lấy cớ chở khách để tránh xa cô ấy đấy.” Anh ta lắc đầu buồn phiền.

“Ha ha…” Tôi nhìn anh ta cười một cách khó hiểu. Anh ta nhanh chóng hiểu ra ngay, lập tức cười trừ với tôi.

Vì cuộc điện thoại mà tốc độ xe giảm đi nhiều.

Đây là một cơ hội tốt!

Tôi cầm chiếc búa gí sát vào bụng anh ta – không gí vào chỗ hở như cổ, nếu không sẽ bị phát hiện ngay.

“Đúng là gặp ma. Anh đùa cái kiểu gì thế, tôi đang lái xe đấy.”

Anh ta rõ ràng bắt đầu hoảng loạn, tôi cảm thấy xe hơi nghiêng, nhưng không rõ rệt lắm. Thực sự thì tôi cũng rất căng thẳng, còn xe thì ổn định ngay.

“Thực ra tôi chỉ muốn có ít tiền.” Tôi cười, nói.

“Anh không phải là nhà báo?” Anh ta sợ hãi nhìn tôi, điếu thuốc rơi tuột khỏi miệng.

“Ôi dào, thời buổi này người lạ nói gì anh cũng tin sao? Được thôi. Nếu anh thích thì tôi là nhà báo, là biên tập, là cảnh sát giao thông, còn anh là một lái xe đen đủi. Là gì đều được tuốt, nhưng tôi vẫn muốn cướp của. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau, anh bạn ạ.” Tôi tiếp tục ra sức ấn mạnh chiếc búa vào vùng eo anh ta.

Thằng cha này cũng béo ra phết.

“Anh
là thằng đểu, tôi giúp anh mà anh lại làm thế à?” Anh ta giận đến mức cứ đập tay vào vô lăng xe.

“Nếu anh đưa tiền đây thì tôi càng cảm ơn sự giúp đỡ của anh. Người tốt thì phải giúp đến cùng chứ. Tôi bị đau dạ dày, rất cần đến tiền.”

“Bệnh dạ dày của anh thì liên quan gì đến tôi?”

“Giờ thì có liên quan đấy.”

“Đợi đã, anh không phải là kẻ câu nhử đấy chứ? Loại chuyên đi bắt xe đen ấy. Thôi khỏi phải giở những bài ấy nữa. Tôi không thu một xu nào của anh, anh đi bắt người khác đi.” Anh ta cười khổ sở.

“Tôi không muốn nhắc lại lần thứ hai.”

“Anh là đồ khốn nạn! Được rồi, tôi đưa tiền cho anh.” Cuối cùng anh ta cũng chịu khuất phục, còn tôi thì thấy hấp dẫn quá, tôi đang nghi ngờ mình liệu có ngập vào hành động cướp giật này không.

“Dừng xe, tôi không muốn xảy ra tai nạn.”

Xe giảm dần tốc độ rồi tấp vào lề đường.

Anh ta thò tay vào trong túi tìm kiếm rồi lại giơ tay ra lục ngăn đựng đồ.

Lúc này tiếng nhạc vẫn vang lên, yên tĩnh đến đáng sợ.

Động tác của anh ta chậm chạp khiến tôi thấy phải đề cao cảnh giác, liệu anh ta có tìm vũ khí đối phó mình hay không.

“Này, nếu anh chống lại thì tôi không đảm bảo sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.” Tôi cảnh cáo.

“Không, không đâu. Đây, anh cầm đi.” Anh ta đưa tay ra, quả nhiên tay nắm một nắm tiền. Tôi nhận số tiền, vừa vui vừa căng thẳng.

“Chết tiệt, anh biến đi được rồi đấy.” Anh ta giơ hai tay ra hiệu cho tôi xuống xe.

“Không. Anh phải đưa tôi vào trong thành phố thì tôi mới xuống.” Tôi chưa muốn kết thúc sớm như vậy, nếu anh ta tức giận bắt tôi xuống xe thì tôi sẽ phải đi bộ rất xa. Thôi đã làm thì làm đến cùng, đến trung tâm thành phố sẽ tính sau.

“Anh là thằng khốn nạn.”

“Cảm ơn anh quá khen, mọi người toàn bảo tôi thế mà.”

Chiếc xe tiếp tục lăn bánh, tiếng nhạc vẫn phát ra nhưng không khí trong xe đã thay đổi.

“Anh chẳng cần phải làm cái trò này. Tôi biết thừa anh là người tử tế, hiền lành. Mà anh đừng có ấn vào eo tôi như thế, lạnh, khó chịu lắm. Anh biết đấy, đàn ông rất chú trọng đến thận.”

“Im mồm.” Tôi cảm thấy sảng khoái vô cùng, hình như linh hồn vẫn cư trú lâu nay trong tôi đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một con người hoàn toàn khác.

Lẽ nào tôi đã hóa thân thành một con người khác?

Chỉ có trời mới biết, cũng có thể mỗi một người có ít nhất hai cái tôi.

“Gần đến trung tâm rồi chắc anh không giết tôi diệt khẩu đấy chứ?” Anh ta bỗng hỏi. Tôi phải kìm lòng để khỏi bật cười nhưng bụng thì thấy đau dữ dội.

Tiếng nhạc mỗi lúc một nhanh, vui hẳn lên.

“Ha ha…tôi thực sự không nhịn được rồi. Cách biểu hiện của anh thật là thú vị.” Tôi rút lại cái búa rồi gấp lại ngay trước mắt anh ta.

“Ơ, nghĩa là thế nào?” Anh ta nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu.

“Anh bạn, tôi trả lại anh này. Nhưng anh phải hứa không được tức giận nhé.” Tôi trả lại tiền vào trong chiếc hộp gần ghế lái xe.

“Anh…không phải là anh muốn cướp hay sao? Tôi sai rồi, xin anh tha cho tôi. Anh muốn lấy gì cũng được, kể cả tiền và xe!” Anh ta sợ quá, người run lẩy bẩy.

“Không! Anh đừng sợ như thế. Thực ra tôi không phải là kẻ tâm thần hay gì gì đâu.” – tôi ho vài tiếng, hắng giọng rồi trầm giọng nói – “Tôi là một nhà văn.”

“Thế có gì khác nhau đâu?”

Tôi ngẩn người trong chốc lát, chẳng nói được gì.

Bỗng tôi nghe thấy có tiếng đài phát thanh: “Thực ra chúng ta đều như nhau.”

“Được rồi, thôi khỏi phải bàn tán quá sâu về chuyện đó, dù sao thì tôi cũng chỉ muốn tìm hiểu xem cảm giác của kẻ phạm tội như thế nào. Vì tôi đang viết đến đoạn này, chẳng có cách nào khác, anh cũng biết đấy, tôi là người thật thà.” Tôi nói nghiêm túc.

“Anh chết quách cho xong. Với thời tiết này lại còn đùa tôi cái trò rác rưởi như thế? Trải nghiệm cuộc sống à? Đúng là điên. Nếu anh dự tính viết về tên giết người thì sao? Có phải đi giết vài người không? Muốn viết về kẻ khủng bố thì lại đi lái máy bay à? Cầu trời phù hộ để anh khỏi viết về cuộc chiến giữa trái đất và các vì sao…”

Anh ta tức điên lên rồi thì phải, suýt nữa thì đâm xe vào cột điện bên đường.

“Anh bạn này, anh bình tĩnh đi. Tôi biết là tôi có lỗi với anh, nhưng tôi xin lỗi rồi còn gì. Mong anh tha thứ cho tôi.” Tôi nói rất thật thà.

“Xem ra tôi phải cảm ơn đấy nhỉ? Anh không giết, lại còn xin lỗi tôi.”

“Thôi được rồi, tôi đã sai rồi còn gì. Tôi thề từ sau không làm những việc ngu xuẩn này nữa.”

Anh ta không nói nữa, xe bỗng lóc xóc một hồi rồi chầm chậm dừng lại.

“Sao, sao thế?” Tôi nhìn xung quanh, rồi quay sang anh ta hỏi. “Hình như có trục trặc gì thì phải. Chẳng biết có phải nổ lốp hay không.” Anh ta khổ sở nói. “Tôi thật đen đủi, nếu không cho anh đi nhờ thì tốt biết bao nhiêu. Có khi giờ này đang được nằm khểnh trên giường rồi.”

“Duyên số, duyên số mà.” Tôi cười nói.

Anh ta lụng bụng một lúc rồi kéo cái áo khoác lên, mở cửa ra ngoài. Một luồn khí lạnh luồn vào trong xe khiến tôi rung mình.

“Anh xuống xe giúp tôi một tay đi, một mình tôi làm không nổi.” Anh ta ở bên ngoài hét toáng lên, cũng đúng lúc tôi định xuống xe vận động tí chút.

Bên ngoài chẳng có con vật hay người nào đi lại, chỉ duy nhất có tiếng gió thổi ào ào. Nơi đây là vùng giáp ranh giữa ngoại ô với thành phố nên hoang vắng đến ghê người.

“Thế nào?”

“Hình như lốp xe có vấn đề. Anh giúp tôi lấy cái cờ lê ở trong thùng để đồ ra. Cái thùng ở đằng sau ghế ngồi ấy.” Anh ta đang quỳ cạnh lốp xe trước, mặt mũi phừng phừng. Tôi không dám hé răng, vội cầm cái hộp đựng đồ, trong đó chỉ có một chiếc cờ lê cỡ to. Chiếc cờ lê rất bẩn, xem chừng còn đầy gỉ sét, thằng cha này lười thật. Tôi nắm chiếc cờ lê, thấy tay lạnh vô cùng, cờ lê gần như dính chặt vào lòng bàn tay tôi.

“Thật bất công, anh còn đeo cả găng tay nữa đấy!” Tôi nhìn anh ta đang chuẩn bị sửa lốp.

“Trời lạnh thế này mà không đeo găng thì chỉ có kẻ ngu dốt.” Cuối cùng anh ta cũng bật cười, tôi nhận ra hình như anh ta không tức giận gì.

Chẳng mấy chốc thì sửa xong, chúng tôi lại lên xe. “Anh biết không, tôi thấy đêm nay là đêm kỳ lạ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ nhớ mãi đến đêm này.” Anh ta vui hẳn lên. “Đúng vậy, về đến nơi tôi sẽ mời anh đi ăn cơm. Thật đấy. Vì hình như tôi cũng đang muốn viết đoạn kết là ăn lẩu đấy.”

“Bao giờ cưới nhớ mời tôi nhé!” Anh ta nắm lấy vô lăng và các ngón tay cứ gõ lên đó theo nhịp nhạc.

“Đương nhiên rồi!”

Xe vẫn tiếp tục lăn bánh về phía trước. Bỗng nhiên tiếng nhạc dừng lại.

“Đây là kênh an toàn giao thông của đài phát thanh. Giờ là thông tin của ngày hôm nay. Chiếc xe con mang biển số …79981 đã bị cướp trên đường đi vào thành phố. Nếu ai phát hiện ra chiếc xe này xin gọi cho cảnh sát 110 ngay. Xin cảm ơn!”

Tôi lúng túng rồi quay sáng nhìn anh ta.

Anh ta cũng lúng túng quay sang nhìn tôi. Tin này được phát đi phát lại nhiều lần, biển số …79981 đọc càng rõ hơn.

“Ha ha ha…” Tôi cười lớn.

“Ha ha ha…” Anh ta cũng cười theo.

Lần này cả hai đều cười rất lâu. Khi ấy phần phát thanh thông tin kết thúc và thay thế bằng tiếng nhạc.

“Rượu cạn rồi uống làm sao…” Lời ca nghe thật buồn, và thật đúng cảnh.

“Tôi muốn xuống xe.”

“Không được.”

“Tôi muốn xuống xe!” Tôi hét lên.

“Anh muốn xuống bộ phận nào? Tay phải, chân hay cái đầu?” Anh ta nói, cười và quay đầu lại.

Tôi nắm chặt lấy cái búa.

Đáng tiếc, đó chỉ là món đồ chơi bằng nhựa.

“Tôi đùa đấy, anh tha cho tôi đi, tôi sẽ không nói cho ai biết đâu.” Tôi khổ sở van nài.

“Tôi không biết đùa. Nếu không có đoạn tin lúc nãy, nếu anh không nhớ biển số xe của tôi thì tôi cũng chẳng làm gì anh đâu. Nhưng giờ thì muộn rồi.”

Anh ta chậm rãi rút chiếc cờ lê giắt ở eo ra, chính là cái cờ lê dùng để sửa xe vừa rồi.

Tôi không thể ngồi yên chờ chết! Tôi không muốn chết ở nơi này chút nào. Tôi thò tay trái ra siết chặt tay trái của anh ta, ấn nó xuống cửa, tay còn lại cướp lấy vô lăng. Trong màn đêm yên tĩnh, tiếng lốp xe cọ xát với mặt đường, phát ra những âm thanh rin rít ghê rợn. Đầu xe hết lắc sang trái lại lắc sang phải.

Thằng cha này nhìn thì yếu nhưng không yếu chút nào. Chẳng mấy chốc tôi bị hạ gục, chiếc cờ lê cứ hua hua trước mắt tôi.

Không còn cách nào khác, tôi đành phải xoay ngược vô lăng làm cho anh ta đổ nghiêng sang một bên. Anh ta đột ngột phanh gấp làm cho xe dừng hẳn bên đường.

Đầu anh ta đập mạnh vào vô lăng, chiếc cờ lê rơi xuống. Chúng tôi tranh nhau thứ vũ khí cuối cùng ấy. Thật may mắn là tôi vớ được chiếc cờ lê còn anh ta nhặt được chiếc búa cao su tôi đánh rơi. “Anh là thằng khốn nạn, tôi sẽ đập vỡ sọ anh ra!” Tôi hét lên.

Hình như anh ta co rúm người lại, rụt hết đầu trong chiếc áo choàng, sau đó thì mở toang cửa ra, chạy bán sống bán chết, còn tôi thì chỉ tóm được lưng áo. Hắn ta cởi luôn chiếc áo khoác ra để thoát thân.

Không ngờ thằng cha này giỏi thoát thân thế, đợi đến khi tôi xuống được xe thì hắn đã chạy mất dạng trong đêm tối. Tôi bị hạ đường huyết, người vô cùng mệt mỏi, ném chiếc cờ lê vào trong xe rồi leo lên xe.

Hóa ra tôi vừa kết thúc một vụ bị cướp đáng sợ nhưng không nguy hiểm. Lần trải nghiệm này tốt quá rồi. Tôi tin nếu mình viết ra chắc chắn sách sẽ bán rất chạy.

Đài phát thanh cứ phát đi phát lại mẩu tin về chiếc xe bị cướp. Tôi thấy chìa khóa xe vẫn còn cắm trong ổ nên quyết định lái xe đến đồn công an. Biết đâu làm vậy lại được khen là công dân tốt. Tôi vừa khởi động xe thì nghe thấy tiếng còi của cảnh sát ở xa xa. Chẳng mấy chốc đã xuất hiện mấy chiếc xe cảnh sát bao vây xe tôi đang ngồi.

“Các anh đến thật đúng lúc!” Tôi chưa bao giờ mong gặp được cảnh sát đến vậy. Tôi định mở cửa chạy ra ôm họ, đáng tiếc là mấy người ấy lại thô lỗ ấn tôi xuống đất.

“Đợi đã, các anh nhầm rồi. Tôi là anh hùng, tôi vừa đánh tên cướp chạy mất đấy!” Thật khó chịu khi mặt mình cứ dán trên mặt đường lạnh toát.

“Tìm thấy rồi, chính là chiếc xe này!” Một anh công an nhìn biển số xe nói.

“Ở đây còn có quần áo và cờ lê!” Một anh công an khác kêu toáng lên như vừa nhìn thấy người hành tinh lạ. Tôi dám cược là anh ta chỉ kên toáng lên như vậy khi nhìn thấy ai trần truồng chạy trên đường.

“Chúa ơi, các anh đến đây nhanh lên.” Tôi thấy mấy anh công an mở cốp đằng sau xe ra và bỗng thấy có cảm giác thật khó chịu. Họ khiêng một người đàn ông ra, đầu anh ta đầy máu. Đúng lúc ấy có một phụ nữ đứng tuổi lao đến ôm chầm lấy xác người đàn ông, gào khóc dữ dội. Tôi thấy tiếng người phụ nữ này sao quen thế.

“Đưa về đồn!”

Cứ như vậy, tôi đã bị đưa về đồn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, rồi cũng trong trạng thái ấy ngồi vào chiếc ghế hỏi cung.

“Các anh nhầm rồi, tôi là nhà văn!”

“Anh cho biết tại sao cờ lê chỉ có vân tay của anh? Tại sao anh ở trong chiếc xe bị cướp? Tại sao anh lại gọi điện đe dọa vợ nạn nhân?”

“Đe dọa? Nực cười không?” Tôi lạ lùng hỏi.

Một anh công an cầm điện thoại lên rồi ấn một nút nào đó.

“Chồng chị đang ở chỗ tôi.”

Điên rồ, đúng là giọng tôi, đúng là tôi đã nói câu ấy.

“Giờ anh còn gì để nói không?” Anh công an nhìn tôi với ánh mắt khinh bỉ như tôi là một tên tội phạm ghê tởm nhất. Tôi không biết phải nói gì. Tôi bỗng hiểu ra tất cả, có lẽ phần sau của cuốn tiểu thuyết sẽ đề cập đến cuộc sống của phạm nhân trong trại giam.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện