Bạch Cư Dị (1) từng nói, "Nhắc tới Giang Nam, đầu tiên sẽ nhớ đến Hàng Châu," và hậu nhân của ngàn năm sau cũng đồng tình như vậy. Sáng sớm đầu xuân, mặt trời nhẹ nhàng chiếu những tia nắng ấm áp xuống thảo nguyên xanh tươi. Ngoại thành ở đây có cây cối rậm rạm, có kỳ hoa dị thảo tranh nhau khoe sắc.
(1) Bạch Cư Dị (772-864): Hương Sơn Cư sĩ, là một trong những nhà thơ nổi tiếng thời Đường. Tìm hiểu thêm về ông tại vi.wikipedia.org/wiki/Bạch_Cư_Dị.
Xa xa, hai con ngựa và một chiếc mã xa đang từ từ đi đến. Trên lưng ngựa là hai nam nhân. Một người toàn thân mặc trang phục màu đen, một người toàn thân là trang phục màu trắng nho nhã. Cả hai đều có phong thái hiên ngang, đĩnh đạc. Nam nhân áo đen khoảng chừng hơn hai mươi tuổi, còn công tử áo trắng nhìn qua thì có vẻ nhỏ hơn một chút, có lẽ chỉ tầm mười bảy mười tám tuổi.
Những người này chính là đoàn người của Lâm Dịch, còn bên trong xe ngựa chính là Chương Thiển Ngữ. Vốn ban đầu muốn dẫn các nàng cưỡi dựa dạo chơi, chỉ là hôm nay lúc ra khỏi cửa thì mới phát hiện, Chương Thiển Ngữ trước giờ không biết cưỡi ngựa. Xem ra tối qua nàng quả thật quá phấn khích... Nếu không dựa vào tính cách của nàng, vấn đề quan trọng như thế sao có thể quên nhắc được.
Bất đắc dĩ đành phải bảo người lấy xe ngựa đưa các nàng đi. Còn cưỡi ngựa dạo chơi gì đó cũng đành hủy bỏ. Đồng thời gọi thêm Nhị Nha và Tô Nghiễn theo cùng để ra ngoại thành làm tiệc nướng.
Lúc đi vào một khe núi, mọi người dừng lại bên một gốc cây đại thụ, lấy đệm ra lót làm ghế ngồi, rồi bảo người lấy hoa quả và điểm tâm mang lên. Quyển Bích đặc biệt vui vẻ, đầy hoạt bát, từ trên xe nhảy xuống, lùa nhanh vài bát cơm, không ngừng chạy tới chạy lui, hấp tấp vội vã cũng không thấy mệt.
Mọi người bận bịu cũng không phân biệt chủ tớ. Tô Nghiễn và Nhị Nha từ nhỏ đều cùng Lâm Dịch lớn lên. Đến giờ dù là thân phận chủ tớ khác biệt, song Lâm Dịch sớm đã xem bọn họ như người thân, cũng như Chương Thiển Ngữ đối với Quyển Bích vậy.
Nhị Nha mặc dù đôi khi vẫn lơ đễnh như vậy, nhưng từ sau khi thành thân thì chững chạc không ít, nhất là sau khi làm mẹ thì không còn cười toe toét hỉ hả như trước, có điều cũng còn tính ham chơi như Quyển Bích. Quyển Bích thì đặc biệt giống như chủ của mình, không có chút tài nghệ nấu nướng nào cả. May mà kỹ thuật nấu nướng của Nhị Nha tốt hơn hẳn, chiên xào mấy món cũng tốt như những tửu lâu ở bên ngoài. Lâm Dịch còn cho rằng, nếu ở hiện đại, cô nàng có thể đi thi lấy cái bằng đầu bếp, dễ dàng trở thành bếp trưởng của một khách sạn năm sao.
Bận rộn một lúc, Lâm Dịch mới phát hiện hình như thiếu ai đó, quay đầu tìm thì thấy Chương Thiển Ngữ đang đứng cạnh con ngựa mà hắn đã cưỡi tới. Hắn liền đứng dậy, đi về phía nàng.
Đến gần thì nhận ra, nàng đang chăm chú nhìn con ngựa trắng, ánh mắt sáng ngời, chốc chốc thì sờ đầu của nó, chốc chốc lại vuốt lông mao trên cổ, một lúc lại sờ cái yên trên lưng.
"Rất muốn cưỡi à?" Lâm Dịch lên tiếng hỏi.
Chương Thiển Ngữ ngạc nhiên quay đầu lại, nghĩ đến nhất cử nhất động vừa rồi của mình đều bị trượng phu nhìn thấy, sắc mặt cũng ửng đỏ. "Vẫn luôn muốn thử cái cảm giác cưỡi lên lưng một con ngựa to khỏe, thúc ngựa vừa đi vừa ca hát trên đường. Đáng tiếc sinh ra không phải là nam nhi, đời này không có cơ hội đó."
"Cái gì mà là nam nhi hay không nam nhi chứ? Là nữ nhi thì sao nào? Trước đây cũng có không ít nữ tử phong lưu, không cần nhắc đến, nói đâu xa có công chúa Bình Dương (2), thân là nữ tử không phải cũng lãnh binh đánh trận, hiệu lệnh ba quân sao? Có bao nhiêu nam nhi có thể theo kịp bà đây?" Lâm Dịch lơ đễnh nói.
(2) Bình Dương công chúa: Công chúa nhà Hán, là trưởng công chúa con vua Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Sử sách không ghi chép nhiều về chiến công của bà, song có vẻ như một trong những lần Vệ Thanh (chồng bà) ra trận có sự hỗ trợ của bà.
Lần đầu tiên Chương Thiển Ngữ nghe ai đó bình luận như vậy, mở to mắt kinh ngạc. Từ khi thành thân cho đến thư qua lại trước đó, nàng sớm đã biết trượng phụ của mình có ý chí và khí phách không giống với những nam tử bình thường. Chỉ là, không nghĩ rằng chàng có thể nói được những lời này.
Sử sách Trung Quốc từ trước đến nay đều xem nhẹ nữ nhân, hơn nữa cũng không quen việc nhìn thấy một nữ nhân cầm binh đánh trận. Vì vậy, trong chính sử cũng không ghi chép nhiều điển tích về công chúa Bình Dương, rất nhiều câu chuyện về bà đều bị bỏ qua, hoặc nói chính xác là cố tình lờ đi.
Nếu so với các triều đại trước đó, nữ nhân thời nhà Đường ở Trung Quốc có địa vị cao đến kinh ngạc. Đến đời nhà Tống, có lẽ vì sợ lại xuất hiện một Võ Tắc Thiên, nên địa vị của nữ nhân bị chèn ép gay gắt, tư tưởng của nữ tử bị gò bó nghiêm trọng. Thời nhà Đường có thể nghe đến nhiều nữ danh nhân như: Bình Dương công chúa, Cao Dương công chúa (3), Thái Bình công chúa (4), An Lạc công chúa (5), Hồng Phất Nữ (6), Văn Thành công chúa (7), Trưởng Tôn hoàng hậu (8), Vi hoàng hậu (9), Dương Quý phi (10), Võ Tắc Thiên (11), Thượng Quang Uyển Nhi (12). Xuyên suốt sử sách nhà Đường, hầu như thời nào cũng có một tài nữ xuất hiện.
(3) Cao Dương công chúa: Công chúa nhà Đường, con gái thứ 17 của Đường Thái Tông, Lý Thế Dân, nổi tiếng là người xinh đẹp, thông tuệ, rất được Thái Tông sủng ái, đồng thời bà cũng đóng góp làm nên sóng gió chính trị vào thời Đường Cao Tông.
(4) Thái Bình công chúa: Công chúa nhà Đường, con gái Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên. Bà nổi tiếng là một vị công chúa quyền lực và tham vọng, là người giúp Đường Minh Hoàng, Lý Long Cơ lên ngôi, dẹp loạn Vi hậu. Bà cùng mẹ (Võ Tắc Thiên) và Vi hậu chính là ba người phụ nữ có ảnh hưởng sâu đậm đối với triều đại nhà Đường.
(5) An Lạc công chúa: Công chúa nhà Đường, con gái Đường Trung Tông Lý Hiển. Bà và cô, Thái Bình công chúa, nổi tiếng là những công chúa được sủng ái, có quyền lực và gây ảnh hưởng lớn trong triều đình. Sau chính biến Đường Long, bà và mẹ, Vị hậu, bị Đường Minh Hoàng giết chết.
(6) Hồng Phất Nữ: Đại ca kỹ và cũng là sát thủ nổi tiếng cuối thời nhà Tùy, đầu thời nhà Đường. Câu chuyện về cuộc đời Hồng Phất Nữ gắn liền với Lý Thế Dân và những năm đầu trước khi ông lên ngôi. Chuyện về Hồng Phất Nữ phần nhiều mang tính giai thoại hơn là lịch sử, cũng như việc Đường Thái Tông lên ngôi có sự hỗ trợ của bà hay không cũng là những câu chuyện cư cấu trong phim ảnh.
(7) Văn Thành công chúa: Công chúa nhà Đường, con gái Đường Thái Tông, Lý Thế Dân, được gả cho Thổ Phồn để hòa thân, trở thành Vương hậu của nước này.
(8) Trưởng Tôn hoàng hậu: Hoàng hậu của Đường Thái Tông ,Lý Thế Dân, nổi tiếng với vai trò hậu cần, hỗ trợ và can gián Thái Tông trong quá trình trị vì. Sự thành công của Lý Thế Dân phần nhiều có sự đóng góp của người vợ này.
(9) Vi hoàng hậu: Hoàng hậu của Đường Trung Tông, Lý Hiển, là người muốn noi theo gương của Võ Tắc Thiên xưng đế, nhưng cuối cùng bị Thái Bình Công chúa và Đường Minh Hoàng, Lý Long Cơ đánh bại.
(10) Dương Quý Phi: Quý phi nổi tiếng của Đường Minh Hoàng. Ảnh hưởng của bà đối với sự phán đoán chính trị sai lầm của Lý Long Cơ những năm cuối trị vì vẫn còn là một dấu hỏi, tuy nhiên điều chắc chắn là bà có ảnh hưởng không nhỏ trong chính trị nhà Đường cuối giai đoạn trị vì của Đường Minh Hoàng.
(11) Võ Tắc Thiên: Nữ đế duy nhất của Trung Quốc, là người khá nổi tiếng trong lịch sử cũng như các phim truyền hình.
(12) Thượng Quang Uyển Nhi: Nữ quan của Võ Tắc Thiên, cháu của Thượng Quan Nghi, là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính trị nhà Đường ở những giai đoạn trị vì của Võ Tắc Thiên và sau này.
Nhưng đến triều đại nhà Tống sau này, nữ nhân không còn cơ hội tham gia chính trường nữa, thậm chí nổi danh cũng chả có mấy ai. Nhắc đến thì có Dị An Cư sĩ (13) cũng có thể tạm gọi là một người có tiếng tăm. Dĩ nhiên, cũng có nhiều danh kỹ thanh lâu nổi tiếng trong thơ ca, song đó đều là những nhân vật dưới tận đáy cùng của xã hội, là người để người khác tiêu khiển mà thôi.
(13) Dị An Cư sĩ (1084-1155): hay Dịch An Cư Sĩ , tên thật là Lý Thanh Chiếu là nữ thi sĩ cuối đời Bắc Tống đầu đời Nam Tống. Bà là người đi đầu trong trường phái Uyển ước từ, được mệnh danh là Thiên cổ đệ nhất tài nữ của Trung Quốc cổ đại. Cuộc đời của Lý Thanh Chiếu gắn liền với sự biến động của triều đình nhà Tống, nhất là giai đoạn quân Kim xâm chiếm, chia cắt hai miền, nên cuối đời bà sống trong cô độc, mất chồng, mất nửa đất nước. Khác với các nữ danh nhân được nhắc ở trên, bà không có ảnh hưởng lớn trong chính trị, mà chủ yếu là về văn học nghệ thuật. Thành ra Lâm Dịch mới nói Dị An Cư sĩ của nhà Tống chỉ có thể tạm xếp cùng các tài nữ ở trên.
Có ý thăm dò một chút, Chương Thiển Ngữ vờ như lơ đễnh nói, "Kể ra còn có Võ Hậu, là nữ đế duy nhất lưu danh thiên cổ!"
Lâm Dịch mỉm cười, liếc mắt nhìn nàng một cái, nhìn ra được sự thận trọng trong suy nghĩ của nàng. Trên mặt nàng vẫn không giấu được nét ửng hồng, còn ngượng ngùng lấy tay quấn lấy vài sợi tóc mai, ánh mắt né tránh. Cứ mỗi lần căng thẳng thì nàng sẽ làm động tác này, nửa năm ở chung, Lâm Dịch đã phát hiện được.
"Có muốn thử một chút không?" Hắn chuyển đề tài.
"Hả?" Nàng thoáng chốc sửng sốt, theo phản xạ quay đầu nhìn con tuấn mã bên cạnh, trong ánh mắt hiện lên nét do dự.
Lâm Dịch dứt khoát tháo dây cương, bước đến đưa cho nàng, "Đi lên đi, ta đỡ nàng, cứ bước lên bàn đạp là được."
Chương Thiển Ngữ do dự một chút vẫn không thắng được khát vọng của nội tâm, được sự giúp đỡ của Lâm Dịch gắng gượng leo lên lưng ngựa, thất kinh hồn vía túm lấy lông mao trên người nó, hồi hộp thúc hai chân vào bụng ngựa, ở cứng trên lưng con ngựa, không dám nhúc nhích, ánh mắt trong veo cứ liếc về phía Lâm Dịch.
Lâm Dịch bị hành động của nàng chọc cười, giẫm lên bàn đạp, nhẹ nhàng phi thân
"Phu quân, như vậy có được không?" Giữa ban ngày ban mặt, hai người cùng cưỡi một con ngựa, nếu bị người ngoài nhìn thấy không khỏi bị nói là không có thể thống.
"Nơi này không có người ngoài, hay là nàng muốn tự mình cưỡi?" Lâm Dịch làm bộ phải nhảy xuống.
"Đừng..." Nàng nhanh chóng nắm lấy tay hắn, giọng khẩn trương, có chút run rẩy.
"Thả lỏng một chút, không ngã được đâu!" Thấy sắc mặt nàng tái nhợt, chắc là bị dọa rồi, Lâm Dịch nhẹ giọng dỗ dành, thả dây cương, nhắn với bọn Nhị Nha vài câu, rồi thúc ngựa chạy đi.
Trên con ngựa trắng đang phi nước đại là một đôi nam nữ xinh đẹp, hòa vào giữa mãn sơn lục thụ (14) trăm hoa đua nở, tạo nên một bức tranh vô cùng tuyệt mỹ. Không khí lay động theo gió mây, đem tóc của hai người quấn vào nhau.
(14) Mãn sơn lục thụ: sơn núi hoang dã, cây cối rậm rạp.
"Tiểu thư và cô gia thật xứng đôi!" Quyển Bích ngẩn đầu, nhìn thấy một màn như thế, không khỏi cảm thán.
"Đúng vậy, công tử là người tuấn tú như vậy. Trước kia ta còn nghĩ, không biết ai mới có thể xứng đôi với cậu ấy, cũng chỉ có người như thiếu phu nhân bên cạnh mới không bị che khuất, mà thiếu phu nhân cũng không giống những tiểu thư mà ta từng gặp trước kia, là người có phong thái không thể xem thường." Nhị Nha cũng cảm khái nói.
Phi ngựa một đoạn khá xa, đến một con sông phụ cận, hai bên bờ là những cành hoa dại không tên. Lâm Dịch giảm tốc độ, cho ngựa từ từ đi chậm lại. Chương Thiển Ngữ cũng thả lỏng thân thể, dựa mình vào người hắn. Vì hai người tựa vào nhau quá gần nên hắn có thể ngửi được mùi thơm nhàn nhạt từ cơ thể của nàng, theo cổ tản ra.
Nhìn cảnh sắc tươi đẹp trước mắt, bên tai nghe tiếng nước chảy róc rách, Lâm Dịch mở miệng nói lời xa xăm, "Nói đến Võ Hậu, sử sách đối với bà khen cũng có mà chê cũng có. Chỉ có điều, theo ta nghĩ, một nữ tử tài năng ở xã hội nam quyền có thể xưng đế, sửa quốc hiệu, cả năng lực, trí tuệ và khí phách của bà đều tuyệt đối chưa từng có từ trước đến nay. Bà lật đổ triều đại nhà Đường, nhưng cũng chính tay xây dựng nền hưng thịnh cho nhà Đường. Trong bà có tâm cơ chính trị, can đảm mà phi thường. Bất kể là xét theo khía cạnh nào ta cũng đều tâm phục khẩu phục."
Chương Thiển Ngữ quay đầu, ý thức được Lâm Dịch là đang đáp lại lời nàng nói trước đó, trong mắt không giấu được sự xúc động. Nàng cảm thấy mình mất đi ngôn từ để diễn đạt, lúng ta lúng túng mở miệng, "Nhưng mà... sử sách nói rằng, bà... 'tẫn kê ti thần (15)' ..."
(15) Tẫn kê ti thần: Thành ngữ tiếng Hán, chỉ mẫu kê báo hiểu, tức gà mái thay gà trống gáy vào buổi sáng. Trung Quốc cổ đại gọi đó là dị tượng, dùng để chỉ những nữ nhân soán quyền loạn thế, thế nhân cho rằng sẽ tạo nên tai họa.
Trên đời này thế mà lại có nam tử vô cùng sùng bái một nữ tử như vậy. Ngay cả tổ phụ mà nàng kính trọng cũng tỏ vẻ không ủng hộ Võ Hậu, cứ nhắc đến Võ Hậu là lại nói bà hoang dâm ngoan độc, vì thế nàng đã nghĩ trên đời này sẽ không có nam tử nào có ấn tượng tốt về Võ Hậu cả.
Nhưng, giờ nàng lại phát hiện được, thì ra trên đời này còn có người nam tử có trí tuệ bao dung thế này, hơn nữa người này còn là trượng phụ của nàng. Nàng quả thật là rất may mắn!
"Từ xưa đến nay, bất cứ nữ nhân nào nắm được quyền lực, sử sách không phải đều nói như vậy sao? Giống như Lữ Hậu của Đại Hán, hậu thế không biết đã chê bai phê bình bà biết bao nhiêu, có lẽ bà vốn cũng không tàn nhẫn như vậy, cũng là bị hậu nhân yêu ma hóa mà thôi!"
Giống như ở hiện đại, mặc dù tuyên bố nam nữ bình quyền, nhưng trong xã hội, nữ nhân muốn đạt được thành tựu như nam nhân không biết phải trả giá bằng bao nhiêu lần gian khổ. Cứ mỗi người nữ nhân đạt được địa vị cao thì sẽ có vô số lời đồn vây quanh, một ngôi sao nổi tiếng cũng sẽ bị nghi ngờ là có ai đó bao nuôi, mặc dù cũng có lúc đó là sự thật.
Nghe vậy, Chương Thiển Ngữ kinh ngạc nhìn hắn, trong lòng sớm đã kinh đào hãi lãng (16). Ở thời đại này, nói như vậy là to gan đến cỡ nào! Nếu bị lưu truyền ra ngoài, chỉ sợ chàng khó mà tồn tại yên ổn trong thế giới này. Nhưng mà, nàng lại cảm thấy trong lòng tựa như vì lời nói kiên định đó của chàng mà dần dần nảy sinh sự biến hóa, cảm giác này quá mức xa lạ, khiến nàng không hiểu đó là gì.
(16) Kinh đào hãi lãng: kinh ngạc đến hoảng sợ.
Lâm Dịch thấy Chương Thiển Ngữ dùng ánh mắt ngớ ra nhìn mình, biết là lời mình nói đã làm nàng hoảng sợ, vuốt tóc nàng, cười mà nói, "Đây chỉ là ta nhất thời xúc động, nàng không cần để ý quá mức, chỉ nghe một chút là được."
"Vâng." Nàng xoay người đáp lại, đem trọng lượng cơ thể dựa sát vào người phía sau. Nhắm mắt, hít thở thật sâu, để không khí trong lành ở ngoại thành thu vào hô hấp, cảm nhận được mùi thơm của một loài hoa không tên, hương vị của một loại cỏ xanh biếc, tâm tình trở nên vui vẻ chưa từng có.
Ngựa vẫn cứ chậm rãi đi, không biết thế nào lại đi đến trước một con đê. Bên cạnh con đê là cành liễu rũ như sương như khói, có gió xuân dễ chịu, hòa cùng tiếng chim trong trẻo, cảnh ý rất động lòng người.
Ngẫu nhiên có vài du khách đi qua đi lại, kinh ngạc nhìn hai người bọn họ. Lâm Dịch cảm thấy người ngồi trước toàn thân dần cứng ngắc, cả vành tai cũng đỏ hẳn lên. Nhìn người xung quanh, cũng đoán được là tại sao.
Hắn quan tâm đề nghị, "Chúng ta dừng lại một chút đi!"
Chương Thiển Ngữ như trút được gánh nặng, trả lời, "Vâng!"
Lâm Dịch giữ đầu ngựa, một tay duỗi ra, đỡ lấy tay giúp nàng trèo xuống.
"Tô công tử?"
Phía sau thoáng truyền đến một âm thanh nghi hoặc, hai người cùng xoay lại tìm về phía âm thanh kia.
"Thì ra đúng là cậu!" Giọng nói của người kia đầy ngạc nhiên, vui vẻ không dám tin.
"Phùng Thiệu Lăng?" Lâm Dịch kinh ngạc.
Phùng Thiệu Lăng là diễn viên hí khúc mà hắn quen lúc cùng Đoan Vương nghe hí kịch.
"Tô công tử, không ngờ ở chỗ này lại gặp được cậu." Người kia hưng phấn nói, rồi bất chợt nhìn qua Chương Thiển Ngữ đang đứng bên cạnh, nghi hoặc hỏi, "Vị này chính là...?"
"Đây chính là thê tử!" Lâm Dịch thản nhiên cười, mở lời giải thích sự nghi hoặc, lại xoay người nói với Chương Thiển Ngữ, "Đây là bạn hữu mà ta quen biết trước đây, Phùng Thiệu Lăng, Phùng tiểu thư."
"Phùng tiểu thư?" Chương Thiển Ngữ bất giác lặp lại, kinh ngạc nhìn người vừa đến.
Chính xác thì, Phùng Thiệu Lăng một thân mặc trang phục nam tử, khuôn mặt kiên cường, dáng người cao ngất, đứng bên cạnh Lâm Dịch còn cao hơn một chút, người như thế vậy mà lại là một nữ tử!
Có lẽ Phùng Thiệu Lăng cũng biết nhìn trang phục của mình khiến người khác hiểu lầm, liền giải thích, "Ta đóng vai tiểu sinh trong Triều kịch (17), cũng là dựa vào khuôn mặt này mà kiếm miếng cơm, cho nên bộ dạng cao lớn thô kệch một chút, làm Tô phu nhân hiểu lầm rồi. Về phần mặc nam trang, cũng là vì thói đời đối với nữ tử quá mức khắc nghiệt, nên ta cũng lười cài trâm điểm phấn đi dạo, nếu không lại bị người xung quanh đàm tiếu."