Sau khi đưa Tịch Đông về nhà, tôi lái xe trở lại công ty.
Trên đường đi ngang qua một cửa hàng bán điện thoại, tiện thể ghé vào xem thử.
Giải quyết xong những con số, giấy tờ trong ngày, đến khi tôi tan làm thì cũng đã hơn tám giờ tối.
Tịch Đông ngồi trên sô pha, ăn mặc tùy ý nhưng vẫn không giấu được vẻ thanh tao, lịch sự.
Trên tay cầm vài tờ báo tuyển dụng việc làm, in nhiều hình ảnh logo xanh, đỏ.
Nghe thấy tiếng tôi mở cửa, anh ngoảnh đầu lại nhìn, dưới ánh đèn trần màu tóc anh óng ánh:
"Cô về rồi à?"
Cởi áo khoác móc lên giá treo, rồi đến ngồi vào ghế bên trái anh.
Tôi mệt mỏi cười:
"Anh đang xem gì mà chăm chú thế?"
Tịch Đông đặt tờ báo xuống bàn, bên trên là những nét bút khoanh tròn tên các cửa hàng, công ty tuyển dụng và địa chỉ liên lạc:
"Tôi đang tìm việc làm."
Tôi cảm thấy bất ngờ, ngồi thẳng dậy.
Quyết định này có hơi đột ngột, mặc dù sức khỏe anh đã tốt hơn, nhưng cũng đâu cần phải nghĩ tới vấn đề này nhanh như thế.
Nhớ tới chuyện lúc sáng trêu chọc anh làm việc nhà để trả phí thuê trọ, có phải thái độ của tôi đã khiến anh hiểu lầm, nên mới vội vàng muốn kiếm tiền? Nghĩ thế lòng tôi có chút cắn rứt:
"Thật ra anh không cần phải gấp gáp tìm việc làm như vậy đâu.
Thu nhập của tôi mặc dù không cao, nhưng chi tiêu cho hai miệng ăn thì không thành vấn đề."
Tịch Đông im lặng nhìn tôi chằm chằm.
Biết bản thân chẳng giỏi ăn nói, câu sau lại khó nghe hơn câu trước, tôi cắn môi lúng túng.
Anh bỗng nhoẻn miệng cười, nhoài người tới xoa đầu tôi:
"Cô nghĩ đi đâu vậy hả? Tôi chỉ muốn tự tay mình kiếm ra tiền, phải lao động mới cảm thấy bản thân có ích."
Hành động đó khiến tôi chết lặng, chôn ánh nhìn trong con ngươi sáng rực của anh hồi lâu, một nỗi nôn nao dội từ đáy tim lên cổ họng.
Tịch Đông của sáu năm trước thích nhất lúc tôi cười, thích xoa mái tóc tôi thơm mùi hoa Diên Vĩ, và...cũng chỉ thích chiều chuộng tôi như một cô em gái.
Trong phút chốc, hình ảnh thân thiết năm nào lướt qua tâm trí, khiến tôi không ngăn được cảm xúc bồi hồi, lưu luyến, đã để lộ đáy mắt ươn ướt trước mặt anh.
Phát hiện tôi không thoải mái, Tịch Đông bối rối rút tay về:
"Xin lỗi, là tôi thất thố rồi."
Tôi bừng tỉnh, chớp chớp mắt ngăn không để con ngươi đọng nước.
Choàng đứng dậy, quay mặt về phía cửa phòng mình:
"Tôi hơi mệt, muốn đi nghỉ trước."
"Phù Vân, cô đã ăn gì chưa? Nếu chưa thì có thể cùng tôi ăn tối."
Tôi dừng bước, thoáng nhìn anh:
"Anh vẫn chưa ăn gì à?"
"Vẫn chưa.
Tôi đợi cô."
Vẻ mặt thành ý của anh khiến tôi không thể từ chối:
"Vậy anh chờ tôi một chút."
Tắm xong, tôi đi vào nhà bếp đã thấy một bàn thức ăn thịnh soạn, tất cả đều do chính tay anh làm.
"Lần sau anh cứ việc ăn trước, không cần phải đợi tôi."
Tịch Đông đưa cho tôi đôi đũa.
Anh cẩn thận gấp một miếng thịt mềm nhất cho vào bát của tôi:
"Một mình rất tẻ nhạt, tôi không nuốt nổi."
Câu trả lời này tôi không có ý kiến.
Trải qua những ngày tháng hiu quạnh trên mâm cơm, phòng bếp trống trải chỉ nghe được tiếng lạch cạch phát ra từ bát đũa.
Khoảnh khắc đó dù thức ăn có bao nhiêu mới mẻ và đặc biệt, thì mùi vị cũng chẳng cảm thấy ngon.
Tôi lại thèm thuồng một bữa cơm khi mẹ vẫn còn, có thể cùng ăn, cùng trò chuyện.
Tịch Đông ân cần đặt một ít bông cải xào vào bát tôi, hòa nhã nói:
"Sau này mỗi ngày tôi đều sẽ đợi cô về cùng ăn cơm.
Cô không cần phải dùng vội thức ăn bên ngoài nữa, chúng không đảm bảo dinh dưỡng."
Thức ăn trong miệng tôi được tẩm ướp đậm đà, chỉ vì một câu nói, một ánh mắt biết cười trước mặt mà như tăng thêm vị ngọt, lan đi khắp răng lưỡi.
Tận sâu trong tâm hồn giống như mầm xanh được tưới tắm, nảy nở loại cảm xúc khó mà dùng lời để diễn tả.
Rất lâu rồi, lâu tới mức tôi không nhớ nổi lần cuối cùng được nghe câu nói quan tâm như thế này là khi nào.
Từ lúc quen biết Hà Uy, anh ta luôn cho tôi cảm giác được nuông chiều và dỗ dành bằng những lời đường mật.
Nhưng anh ta sẽ không vì tôi mà đi bộ hơn hai cây số chỉ để đưa một bản báo cáo, sẽ không vì tôi mà quan tâm đ ến việc dùng thức ăn bên ngoài có đủ dinh dưỡng, hay đợi tôi tan làm đến đêm muộn chỉ để cùng dùng một bữa tối.
"Phù Vân, Phù Vân."
Thấy tôi ngồi bất động, Tịch Đông khẽ lay gọi.
Tôi ngước mắt lên, chậm chạp nuốt trôi những suy nghĩ xuống dạ dày.
"Cô bị làm sao vậy? Mệt rồi à?"
Anh có ý quan tâm.
Nhưng tôi chỉ có thể qua loa trả lời:
"Tôi không sao."
Ăn tối xong, tôi đưa cho anh một chiếc điện thoại mà sáng nay đã mua ở cửa hàng.
Tịch Đông khách sáo khi nhận lấy nó:
"Sau khi tìm được việc làm tôi sẽ trả lại tiền cho cô."
Ngồi trên sô pha, tôi hơi ngẩng đầu:
"Đây là món quà tôi cảm ơn anh đã giúp tôi mang báo cáo tới công ty, đã vất vả chuẩn bị cơm tối ngon như vậy.
Cũng để thuận tiện liên lạc."
Thoáng thấy vết thương trên trán anh đã lành lại, tôi cúi mặt lật một trang sách, mắt chăm chú vào những dòng chữ thẳng tắp:
"Anh không cần phải áy náy.
Dù sao tôi cũng là người mắc nợ anh trước mà."
Tịch Đông có vẻ không hiểu hết ý tôi, anh chỉ cười cười.
Nhưng tôi biết anh sẽ không nhận đồ miễn phí từ người khác, mà sẽ tìm cách đền đáp lại nó.
Chúng tôi lặp đi lặp lại những ngày như thế hơn một tuần, sức khỏe của anh đã không còn vấn đề gì, chỉ có điều trí nhớ vẫn chưa thể khôi phục.
Tôi nhiều lần ghé lại bệnh viện và sở cảnh sát để hỏi thăm về việc tìm người thân giúp anh, nhưng lần nào cũng tay trắng trở về.
Mỗi sáng, Tịch Đông đều chủ động dậy sớm nấu ăn.
Thấy anh vất vả, tôi cố ý thức sớm giúp đỡ, nhưng lần nào cũng bị anh đuổi ra khỏi bếp.
Anh bảo tôi làm vướng tay vướng chân "vua đầu bếp." Đúng là đồ kiêu căng.
Hôm nay anh nhận được cuộc điện thoại của ông chủ một quán ăn gia đình, gọi anh đến thử việc, nên từ sớm đã ra ngoài.
Khi tôi thức dậy, chỉ thấy bữa sáng chu đáo đặt trên bàn và một tờ giấy thông báo mà anh để lại, chữ viết vẫn như ngày nào, nét bút mềm mại, dứt khoát.
Chẳng hiểu vì sao bữa sáng hôm nay lại trôi qua rất chậm, dạ dày cứ muốn giở chứng biếng ăn.
Tôi chỉ dùng qua loa một ít Sandwich, rồi nhanh chóng đến công ty làm việc.
Ngồi trên xe, tâm trạng tôi đặc biệt kỳ lạ, cứ thấy nôn nao khó tả, như đang lo lắng chuyện gì đó mà chính bản thân tôi cũng không biết rõ.
Vừa ra khỏi thang máy, Giang Niệm đã chạy