Phóng viên tờ "Báo chiều" đến từ sáng sớm, hẳn là anh đã bắt chuyến tàu lúc 5:20 ở ga Montparnasse đi về phía Tây.
Khi đến nơi, bầu trời vẫn ảm đạm, nhìn những đám mây xám xịt đầy trời, anh đoán thời tiết hôm nay sẽ không sáng sủa là bao.
Mưa phùn xen lẫn vào lớp sương mù dày đặc trông hệt như một tấm lụa mỏng treo lơ lửng giữa mặt biển màu xám tro và chân trời phía xa.
Trên tấm lụa in bóng mờ mờ của những vách núi đá lởm chởm.
Xuyên qua màn mưa có ánh đèn le lói phía xa xa.
Người phóng viên cởi áo khoác rồi quấn quanh cái túi xách căng phồng.
Anh cúi đầu, đi về phía ánh đèn kia.
Anh nhấn hai lần chuông cửa rồi lùi về sau một bước để xem số nhà, nhưng viện dưỡng lão tư nhân này lại không có số nhà, chỉ có tấm bảng gỗ viết "Sản nghiệp tư nhân, không tự ý vào" đóng trên tường.
Người phóng viên dán tai lên cửa, bên trong không một tiếng động, cho dù có thì cũng đã bị tiếng mưa bên ngoài nuốt chửng.
Phóng viên lau nước trên mặt, bắt đầu gõ cửa.
Từng lớp khóa được mở phát ra những tiếng lạch cạch.
Qua khe cửa, hộ lý đánh giá người phóng viên một lượt từ trên xuống dưới, rồi dùng chất giọng Pháp nhẹ nhàng nặng khẩu âm vùng Bretagne hỏi anh tới làm gì.
Phóng viên lấy giấy tờ và thư hẹn ra, hộ lý cẩn thận đọc bức thư như đó thư mật có liên quan đến tính mạng vậy.
Cuối cùng mới chịu tránh sang một bên nhường chỗ cho phóng viên đi vào và nhận lấy chiếc áo khoác còn đang nhỏ nước trên tay anh.
Phóng viên được dẫn vào một gian phòng khách nhỏ nhưng ấm áp, gỗ thông đang cháy tí tách trong chiếc lò sưởi đặt sát tường, tạo thành hình một chiếc tháp ngay ngắn.
Anh đứng cạnh lò sưởi một lúc để ngọn lửa xua tan đi cái lạnh buốt rùng mình.
Trước lò sưởi đặt một cái bàn nhỏ và hai chiếc ghế sô pha đơn.
Người phóng viên kéo khóa túi xách, bởi vì lúc nãy được bọc trong áo khoác, đồ vật bên trong không bị dính chút mưa nào.
Anh lấy trong đó ra một hộp sắt nhỏ, một chiếc bút thu âm, một đôi găng tay bằng vải, một quyển sổ tay đã quăn góc và ba chiếc bút bi màu xanh da trời đặt lên bàn uống trà.
Cửa sổ hướng ra biển và bãi đá cuội không người, phản chiếu ánh lửa nhảy nhót trong lò sưởi.
Người phóng viên lẳng lặng nhìn chăm chú vào từng đợt sóng vỗ vào bãi đá chờ đợi, anh hơi khẩn trương dùng vạt áo sơ mi để lau mắt kính.
"Chào buổi sáng." Người phóng viên vội vàng đứng dậy, suýt chút đã trật chân té ngã.
Anh đeo lại mắt kính, chìa tay ra: "Ngài Prudence, rất cảm ơn ngài đã đồng ý bớt chút thời gian.
Tôi là Rivers, Daniel Rivers, là phóng viên trang văn học của tờ "Báo chiều", tôi đã hẹn trước với ngài qua điện thoại..."
"Cậu là người đã viết bình luận cho quyển Mùa hè bất tận." Prudence bắt tay anh, ngồi xuống chiếc ghế bập bênh lót thảm, trông ông như một chú chim robot cứng nhắc, mỗi một khớp xương đều đã bị rỉ sét, không còn có thể hót líu lo, ngay cả việc thu cánh cũng phải cố hết sức.
Lò sưởi sát tường đang cháy hừng hực nhưng ông lão vẫn mặc một chiếc áo len có họa tiết ô vuông bên ngoài áo sơ mi, bàn tay khoác lên chiếc ghế khô gầy, lấm tấm đồi mồi.
Anh phóng viên đã nhìn thấy hình ông hồi còn trẻ, trong đầu anh đang cố gắng chồng hai hình ảnh của Prudence lên nhau.
Mái tóc màu nâu đậm của Harry Prudence đã trở nên thưa thớt, nếp nhăn ở trên trán và khóe mắt như rãnh cày trên mặt đất.
Chỉ có đôi mắt xanh thẫm kia là vẫn không thay đổi, ánh mắt cẩn trọng dò xét khiến người ta nghĩ tới loài chim vẫn luôn cảnh giác.
"Ngài Loiseau là nhà văn xuất sắc nhất trong suốt năm mươi năm qua.
Ông không được công nhận khi còn sống, đó là sai lầm của người cùng thời." Tựa như nhận ra mình vừa mới nói cái gì, anh phóng viên lập tức bổ sung thêm một câu: "Tôi không có ý xúc phạm ngài đâu, thưa ngài."
Prudence nhíu mày, dường như tạm thời không nhớ nổi Loiseau là ai.
Tầm mắt ông thoáng qua chiếc hộp sắt đặt trên bàn uống trà, chiếc hộp không lớn hơn cái hòm thuốc bao nhiêu, lớp sơn bên ngoài đã phai đi ít nhiều, rồi hướng ra mặt biển Đại Tây Dương xam xám.
Hộ lý mang trà và một loại bánh ngọt nào đó phủ đầy dừa và đường bột vào.
Cậu ta cứ lẳng lặng như một hồn ma, phóng viên không biết người này xuất hiện lúc nào, cũng không biết cậu đã đi lúc nào.
"Cậu phóng viên." Prudence gõ nhẹ ngón trỏ trên tay vịn của chiếc ghế bập bênh: "Tôi cũng từng lội qua cái ao này rồi.
Cậu đã nghe đến tờ Góc nhìn bao giờ chưa? Mười năm trước nó đã phá sản rồi.
Là một chiếc thuyền cứu sinh nhỏ xông pha giữa hàng loạt tàu tin tức lớn."
"Một chiếc thuyền cứu sinh chở đầy giải Pulitzer*."
"Cuối cùng cũng vẫn chìm."
"Do hoàn cảnh, số báo phát hành của tờ Báo chiều cũng giảm còn một phần ba so với mười năm trước.
Hiển nhiên mọi người sẽ không chấp nhận những thứ chẳng thể xem hết trong vòng một phút nữa."
"Chẳng hạn như văn học chính thống, xã luận và bình luận sách?"
"Văn học chính thống, xã luận, bình luận sách, báo cáo chuyên đề dài hơn một trang, sách hướng dẫn thuốc và kỹ thuật lắp ráp đồ dùng trong nhà."
Gương mặt ngài Prudence chiếu trên cửa kính nở nụ cười mỉm: "Cậu muốn phỏng vấn cái gì, cậu Rivers?"
Phóng viên vươn người lên trước, anh đặt thẳng chiếc hộp sắt, đeo găng tay rồi mở nắp hộp, như thể bên trong là một đàn chim non hoặc một loại khí độc thần kinh.
Trong hộp cất những bức thư đã ố vàng, đã từng được cột lại nhưng sợi dây cột đã bị hỏng từ lâu, chỉ còn lại một vết tích của sợi dây chạm vào là vỡ vụn.
Người nhận là Harry Prudence, địa chỉ gửi đến khác nhau, Oxford, London, Caen, Paris, München, Beograd.
Vài bức thư được dán tem đẹp đẽ, vài bức thì không, còn có những bức có dấu vết bị cháy dở.
Người gửi là Alex Loiseau, nét chữ dài mảnh như những dây leo nằm ngay ngắn trên mặt giấy.
"Hồi tháng mười, quỹ từ thiện sửa sang lại nơi ở của Loiseau, hai công nhân đã tìm thấy chiếc hộp này sau lò sưởi.
Chắc luật sư đã trao đổi với ngài về chuyện này qua điện thoại rồi, những bức thư này đều thuộc về ngài, ngoài ra còn có..." Phóng viên cẩn thận mở phong thư, lấy ra một xấp giấy thật dày được cuộn lại: "Một bản thảo sách, chúng tôi tin rằng đây chính là tác phẩm hoàn thiện cuối cùng của Loiseau khi còn sống, trên trang bìa có viết Harry thân mến, mùa hè và mùa đông của tớ."
Người phóng viên nói một hơi rồi quan sát Prudence, anh muốn biết xem hòn đá vừa ném xuống ấy sẽ khiến mặt nước xảy ra chuyện gì.
Prudence vẫn đăm đăm nhìn ra ngoài bờ biển hoang vu, sương mù dày đặc bên ngoài như hòa vào trong đôi mắt xanh lam, chẳng những không bị mặt trời tản đi mà còn ngày càng lan rộng, nuốt chửng đường chân trời.
"Cảm ơn cậu đã mang thư tới." Prudence cầm tách lên uống một ngụm trà đã nguội lạnh, cũng có lẽ để tránh đi sự run rẩy trong giọng nói: "Tôi đã nói với bên quỹ rằng họ có thể xuất bản quyển sách đó hoặc công khai bản thảo, tôi không định giữ làm của riêng."
"Tôi không phải là người của quỹ hay người của nhà xuất bản, tôi chỉ muốn biết câu chuyện của hai người."
"Alex đã viết câu chuyện ấy rồi, các tiệm sách lớn đều có bán, 29.99 bảng một quyển.
Cậu ấy mới là người có thiên phú, không phải tôi."
"Hẳn là ngài cũng có phiên bản của riêng ngài, thưa ngài? Một phiên bản liên quan đến chiến tranh, những đợt nóng lạnh.
Còn có một phiên bản mà chính các ngài, Loiseau và Prudence, cả hai đều là người bình thường."
"Tại sao vậy, cậu Rivers?"
"Vì tôi muốn cho ngài một cơ hội."
Có lẽ Prudence cảm thấy buồn cười, ông ngước mắt nhìn người phóng viên, khóe miệng và khóe mắt như trở nên sâu hơn: "Cho tôi một cơ hội?"
"Để mọi người nghe lại câu chuyện mà họ đã từng từ chối lắng nghe."
Ánh mắt của ông lão rơi xuống những bức thư cũ, như là bây giờ ông mới nhận ra sự tồn tại của chúng.
Ông cầm lên một bức thư nằm trên cùng, ngón tay lướt theo vết cắt gọn gàng được mở bằng dụng cụ mở thư.
Người phóng viên không lên tiếng, một người phóng viên giỏi nên biết lúc nào sẽ tấn công, lúc nào sẽ nằm trong bụi cỏ để nín thở chờ đợi.
Ở góc phòng nào đó, điện thoại đột nhiên reo vang, phóng viên nhăn mặt, anh ta hơi tức giận, chẳng có thứ gì có quyền phá vỡ sự yên lặng ngay lúc này cả.
May mà tiếng chuông chỉ reo hai lần rồi ngưng bặt.
"Chuyện chiến tranh, tôi chẳng nhớ bao nhiêu.
Nó bắt đầu lúc tôi được bảy tuổi, nhưng câu chuyện này chẳng dính dáng gì tới chiến tranh cả."
"Vậy nó là câu chuyện gì?"
"Là câu chuyện xưa nhất, cũng là câu chuyện mới