Ánh Tiên cười tít mắt khoe với bà Mẫn Quyên một xấp hình và thơ của Nhã. Cô ta là mẫu người vô tư và hời hợt, biết đâu cô ta cũng là nạn nhân của Nhã không chừng? Nhật Phượng ngồi thỏm trong chiếc ghế to êm như nhung để quan sát Tiên. Đúng là cô ấy xấu vì gương mặt quá tròn, làn da quá trắng và đôi mắt quá nhỏ, nhưng nhìn lâu cũng có duyên, cái duyên của con búp bê được đặt trong tủ kính, lúc nào cũng vênh váo nhìn quanh nhưng chẳng hiểu cuộc sống bên ngoài ồn ào sôi động ra sao cả.
Ánh Tiên chìa một tấm hình ra trước mặt Nhật Phượng, cô khoe:
- Phượng coi hình anh Nhã đẹp ghê chưa?
Gượng cười đưa tay nhận tấm hình, Phượng mím môi gầm mặt xuống nhìn, cô muốn khóc khi thấy gương mặt Nhã rạng rỡ tươi rói. Anh đẹp quá và nổi bật trên nền tuyết trắng xóa, đôi mắt từng hớp hồn Phượng hơi nheo lại ngạo nghễ, tự tin. Nếu ngồi một mình, chắc cô đã đặt lên tấm ảnh vô tri này một nụ hôn nhớ nhung rồi. Nhắm vội mắt lại, Phượng cố xua ra khỏi đầu ý tưởng ngu ngốc đó. Cô quả là ngu ngốc khi đến bây giờ vẫn còn nghĩ về một kẻ không ra gì.
Trả hình cho Ánh Tiên, Phượng cố giữ vẻ thản nhiên:
- Trông anh Nhã mập hơn ở bên đây.
Ánh Tiên gật đầu, cô nói thêm bằng giọng tự hào rất trẻ con:
- Mập hơn, đẹp hơn và trẻ hơn anh Thiên nhiều.
Thiên bỏ tách trà đang cầm trên tay xuống bàn, anh hóm hỉnh nói:
- Có mới nới cũ hé. Anh nhớ trước đây Ánh Tiên từng tuyên bố anh là người đàn ông lịch sự, đẹp trai, quyến rũ nhất trên đời này mà.
Ánh Tiên cười rất vô tư:
- Tại hồi đó em chưa gặp anh Nhã chớ bộ...
Nhìn thoáng qua Phượng một cái, Thiên bắt đầu nói tiếp:
- Trước đây anh cứ nghĩ chỉ có đàn ông mới ham mê sắc đẹp thôi. Ai ngờ...
- Ai ngờ cái gì?
Ánh Tiên vừa nghiêng đầu ngắm nghía tấm hình vừa hỏi. Thiên trả lời:
- Ai có ngờ các bà các cô còn mê dáng vẻ bên ngoài hơn bọn đàn ông chúng tôi nữa. Trong khi thật ra điều quan trọng ở các đấng trượng phu là cái tài chớ không phải cái sắc. Người xưa có câu “Trai tài gái sắc”. Ngày nay câu tục ngữ ấy chỉ còn đúng chừng năm mươi phần trăm thôi. Vì đàn ông đẹp trai vẫn có thể vẫn dùng sắc đẹp của mình để thay cho cái tài, họ vẫn làm nên nghiệp lớn nhờ dáng vẻ bên ngoài hào hoa phong nhã. Thế mới biết khi đã si tình, đàn bà cũng dễ mù quáng cứ tưởng mình đã chinh phục được anh chàng hào hoa nổi tiếng có lắm
người theo.
Thừa biết Thiên mai mỉa, nhưng Nhật Phượng vẫn không lên tiếng. Lặng lẽ cô bước vào trong.
Từ ngày chia tay với Nhã cô chưa lần nào trở lên sân thượng, vì nơi đây gợi cho cô nhiều kỷ niệm về anh. Thế nhưng chiều nay Phượng lại mạnh dạn tìm tới chốn tôn nghiêm này, cô đứng yên trước tượng Phật Bà và lầm thầm cầu xin cho Nhã đừng phải tội dối gian.
Nhìn nụ cười độ lượng của Đức Quan Thế Âm, Phượng chợt thấy lòng thanh thản:
- Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Xin Phật Bà xá tội cho chúng con.
Đang lim dim khấn nguyện, Phượng bỗng nghe tiếng Thiên hát nho nhỏ:
- “Lạy Phật con xin sám hối
Con đã quay về đài sen…”
- Em đã nhìn thấy “bằng chứng” chứng tỏ Nhã không yêu mình, nên lên tận đây sám hối đúng không?
Nhật Phượng bực đến chậu mai chiếu thủy gần đó và lạnh lùng nói:
- Tôi có tội gì đâu mà phải sám hối?
- Có chứ! Tôi luôn luôn nghi ngờ sự chân thật, trong sáng, vờ vu lợi của người khác.
Nhếch mép lên, Phượng khiêu khích:
- Còn gì nữa không kể ra cho hết luôn đi.
Thiên khoanh tay trầm giọng:
- Còn cái tội vô tình đến mức độc ác.
- Có tình mà cũng có tội. Nói chung dưới mắt anh, thế gian này đầy rẫy tội lỗi, và người nhiều tội nhất là tôi.
Nói dứt lời, cô ngúng nguẩy bỏ đi, Thiên chụp vai cô kéo lại:
- Nhật Phượng! Anh…
- Để tôi yên! Tôi không cần tới anh, sao anh cứ đeo theo làm phiền tôi hoài vậy.
Phượng chạy một mạch xuống tới sân, cô dựa vào gốc nhãn thở hào hển, nước mắt bây giờ thỏa thê tuôn trào. Phượng hoàn toàn thất vọng vì Nhã và Thiên lấy đó làm thích thú.
Hai gã đàn ông từng đem cô ra làm vật để đánh cá cuộc này đều tàn nhẫn như nhau. Hừ! Biết đâu toàn bộ câu chuyện tình đầy kịch tính của cô và Nhã cũng chỉ là một màn cá cuộc.
Mắt Nhật Phượng chợt ráo hoảnh, cô chán chường bước vào phòng học. Hôm nay cô sẽ dạy bé Hoài Tú sớm và không ăn cơm ở đây như thường lệ.
* * *